/tmp/qetnn.jpg
Chân dung người phụ nữ Việt Nam với phẩm chất vô cùng cao quý đã đi vào biết bao câu văn, vần thơ. Ta không thể quên hình ảnh bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân( 1962). Và người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Họ bước ra với những cuộc đời rất khác nhưng gặp gỡ ở trái tim với tám chữ vàng: kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.
Kim Lân – người “một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn ngày trước”. Viết về cuộc sống, số phận, cảnh ngộ của những con người trong những năm xảy ra nạn đói năm Ất Dậu, “Vợ nhặt” là một tác phẩm tiêu biểu cho những khám phá của nhà văn với hình ảnh người vợ nhặt với khát vọng sống mãnh liệt. Đến với Nguyễn Minh Châu là đến với người luôn truy tìm “hạt ngọc ẩn dấu trong tâm hồn con người, người mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam sau năm 1975”. Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” được kể lại từ điểm nhìn trần thuật của người nghệ sĩ mang tên Phùng – một nghệ sĩ trên hành trình khai phá mới mẻ của nhà văn về hiện thực và về con người.
Trước tiên là nhân vật Vợ nhặt trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Kim Lân. Dưới ngòi bút của Kim Lân, chân dung Thị hiện lên như một con ma đói, áo quần luộm thuộm, gương mặt lấm lem với “cái ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt”, không có nổi cái tên mà vỏn vẹn chữ “Thị”. Cô gái đói đến độ phải nhặt đồ rơi vãi, nghe ba câu hò mà vội chạy đến đẩy xe bò. Thị gặp Tràng nhưng không ăn trầu mà ăn bánh đúc rồi quẹt đũa ngang miệng “chà ngon”. Ta chỉ thấy chân dung Thị chao chát, chỏng lỏn. Vậy nhưng qua ngòi bút đầy tài năng của tác giả, người vợ anh Tràng hiện lên có cong cớn, rất cong cớn nhưng không nanh nọc và tính cách ấy phải chăng do dốt nát, đói nghèo, tăm tối chứ tuyệt nhiên không sinh ra từ cái ác, cái xấu. Nhân vật Thị hiện lên chua xót hơn khi cuộc hôn nhân cả đời người cũng chỉ bắt đầu bằng vài ba câu tầm phào của Tràng mà khiến người đàn bà quên hết sĩ diện, nết na, đức hạnh để xà xuống ăn hết bát bánh đúc, theo Tràng về làm vợ mà không dò hết ngọn ngành nguồn sông. Chính cái đói đã khiến thân phận con người bọt bèo, rẻ mạt đến vậy.
Khi gặp Tràng thì đanh đá, chỏng lỏn nhưng khi về làm dâu, Thị lại là người vợ đảm đang, con dâu hiếu thảo. Thị theo Tràng về như đến một chốn có thể nương tựa trong cái đói đang rình rập. Trên con đường về nhà Tràng, cô Thị đanh đá bỗng trở nên dịu dàng, e dè, ngượng ngập. Đôi mắt tư lự khi bỡ ngỡ đặt chân đến ngôi nhà mới, dáng điệu khép nép ngồi và câu chào lúng túng…tất cả làm cho Thị có cảm giác của một nàng dâu mới. Từ khi làm vợ, Thị đảm đang và dịu dàng hơn cả, cô cùng mẹ sửa sang cửa nhà, dọn dẹp vườn tược và vui vẻ trong bữa ăn loãng thếch, đắng chát. Thị kể về câu chuyện những người cướp kho thóc Nhật với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Chính nó làm lóe lên ánh sáng tia hy vọng về tương lai mới, mở ra con đường đấu tranh đi đến Cách mạng. Rõ ràng, Thị dần dần nhận được đủ đầy cảm xúc từ chữ “tình”, có ý thức về bổn phận và trách nhiệm của mình. Quả đúng, dù trong túng đói tột cùng thì tình cảm vẫn quý hơn manh áo bởi nó khiến con người được sống là chính mình, được nên người.
Người đàn bà hàng chài coi nỗi khổ vận vào đời mình như một lẽ đương nhiên. Chị chấp nhận để chồng đánh chỉ xin chồng là “đánh ở trên bờ, đừng để các con nhìn thấy”. Ở đây, lẽ đời đã chiến thắng. Nó là chất xúc tác để Phùng và chánh án Đẩu hiểu về lẽ thiệt hơn ở đời. Thức nhận được ở người phụ nữ ấy chứa đựng mẫu tính sâu xa như một bản năng: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”, những lời lẽ ấy của người đàn bà hàng chài được thốt lên từ một niềm tin đơn giản mà vững chắc vào cái thiên chức mà trời đã giao phó cho để cảm nhận hạnh phúc dẫu rất nhỏ nhoi trong cuộc sống đầy khó khăn. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu cũng khẳng định: gian lao không làm mất đi ở người phụ nữ tấm lòng yêu thương, nhân hậu bao dung, vị tha. Và với họ, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên cho dù đây đó vẫn có những tính cách chưa hoàn thiện.
Rõ ràng, hai nhà văn với hai ngòi bút khác nhau, hai cá tính khác nhau nhưng khi viết về hai người đàn bà trong hai bối cảnh khác nhau đều đặt ngòi bút nơi trái tim để tìm, phát hiện và ngợi ca người phụ nữ bên cạnh số phận đau khổ, cảnh sống khốn cùng. Họ là những người không tên tuổi mà trở thành những khái quát nghệ thuật đặc sắc. Từ vẻ đẹp của họ để thể hiện niềm tin vào phẩm chất của con người dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhất.
Leonit Leonop từng nói “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Quả đúng, mỗi nhà văn đã đặt nhân vật của mình trong những hệ quy chiếu khác nhau thể hiện sự sáng tạo và dấu ấn của riêng mình. Nếu Kim Lân chọn bối cảnh nạn đói là tâm điểm nghệ thuật làm đòn bẩy cho là khát vọng sống mãnh liệt, là những căn tích tốt đẹp bấy lâu bị cái đói làm cho chìm khuất thì Nguyễn Minh Châu lại xây dựng hình tượng người đàn bà trong bối cảnh xã hội sau năm 1975 với vẻ đẹp của nhận thức của sự thấu trải lẽ đời, tình người khi chiến tranh đã đi qua nhưng cái nghèo, cái lạc hậu vẫn chưa hết.
Như vậy, hai nhà văn đã vô cùng thành công khi xây dựng hình tượng các nhân vật và đặt trái tim nơi ngòi bút để thấu hiểu, chia sẻ và cảm thông cho những số phận bất hạnh trong xã hội. Họ xứng đáng là nhà văn chân chính với những tác phẩm chân chính như Aimatop từng khẳng định “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật.”
Các bài viết liên quan: