/tmp/pshpa.jpg
Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, mời các em tham khảo Sơ đồ tư duy phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng sau đây. Hi vọng với Sơ đồ tư duy này các em sẽ có thêm tài liệu, cách triển khai để hoàn thiện bài viết một cách tốt nhất!
Nội dung bài viết
– Phát hiện thứ nhất: Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương rất độc đáo, tinh tế. Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai, đó là khung cảnh đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.
– Phát hiện thứ hai: Cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài – sự thật tàn nhẫn trong góc khuất cuộc sống của những con người nghèo khổ.
– Qua phát hiện thứ nhất, nhà văn không chỉ khám phá được phần nào hiện thực cuộc sống sau chiến tranh cũng như hành trình săn tìm nghệ thuật của người nghệ sĩ mà còn cho chúng ta thấy những chân lí cuộc đời:
+ Đằng sau cái đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật là vẻ đẹp của tâm hồn, của con người.
+ Những tác phẩm nghệ thuật vô giá không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của một hành trình đi tìm cái đẹp, quá trình lao động miệt mài của người nghệ sĩ chân chính.
– Qua phát hiện thứ hai, chúng ta thấy:
+ Đằng sau bức tranh thuyền và biển tuyệt diệu là cuộc đời đầy khắc nghiệt với những mảnh đời tội nghiệp.
+ Nghệ thuật vốn nảy sinh từ cuộc đời nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như nghệ thuật.
Mời các em cùng tham khảo mẫu dàn ý chi tiết phân tích 2 phát hiện của người nghệ sĩ Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa do Đọc Tài Liệu tổng hợp và biên soạn để nắm rõ hơn cách triển khai nội dung cho bài văn.
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề: Thông qua hai phát hiện của nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, tác giả đã thể hiện được những đánh giá, quan điểm về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và nhân dân.
2. Thân bài
* Phát hiện đầu tiên: Vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trên biển sớm mờ sương
– Khung cảnh biển buổi sáng trong sương mai, đó là khung cảnh đẹp đẽ, tuyệt bích như bức họa mực tàu.
– Khung cảnh rộng lớn của biển với chiếc thuyền ngoài xa mà “mái thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu trời sương mù màu trắng như có sữa pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, trên thuyền là vài bóng người ngồi im phăng phắc.
=> Đôi mắt tinh tường, “nhà nghề” của người nghệ sĩ đã phát hiện vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cả đời bấm máy ảnh chỉ gặp một lần.
– Người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc đó là niềm hạnh phúc của sự khám phá và sáng tạo, của sự cảm nhận cái đẹp tuyệt diệu.
– Trong giây lát, Phùng đã nhận ra được chân lí của sự hoàn mĩ, thì ra đứng trước cảnh đẹp, trước sự toàn bích, hài hòa, lãng mạn của cuộc đời, tâm hồn người nghệ sĩ có thể được thanh lọc để trở nên trong trẻo hơn.
* Phát hiện thứ hai: Cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài
– Trong khung cảnh lung linh, tuyệt mĩ của cảnh biển, Phùng ngỡ ngàng phát hiện ra cảnh bạo lực gia đình – sự thật tàn nhẫn trong góc khuất cuộc sống của những con người nghèo khổ.
– Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi với vẻ ngoài cam chịu cùng một người đàn ông hung dữ, độc ác lấy việc đánh vợ làm phương thức giải tỏa mọi đau khổ.
–> Đây là hình ảnh đằng sau cái đẹp “toàn bích, toàn thiện” mà anh vừa bắt gặp trên biển. Nó hiện ra bất ngờ, trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống.
– Chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách vô lí và thô bạo, Phùng đã “kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu… vứt chiếc máy ảnh xuống đất, chạy ào tới”.
-> Phùng đã cay đắng nhận ra rằng đằng sau vẻ đẹp toàn bích, hoàn thiện kia lại là những góc khuất đầy ngang trái, đau khổ của cuộc sống.
=> Phùng ý thức được trách nhiệm của người nghệ sĩ, người nghệ sĩ đích thực không phải chỉ nhìn cuộc sống như chiếc thuyền ngoài xa mà cần thực sự thấu hiểu, đi sâu khám phá cuộc sống của con người.
3. Kết bài
– Thông qua hai phát hiện của nhân vật Phùng, tác giả Nguyễn Minh Châu đã đặt ra mối trăn trở về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và người dân.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn gắn với những sáng tác thể hiện niềm đam mê đi tìm hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người Việt Nam. Trong đó, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” là tiêu biểu cho quan điểm của ông rằng văn học phải gắn bó, gần gũi với cuộc sống. Nhân vật Phùng là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có niềm đam mê nghệ thuật, trong chuyến đi công tác của mình, anh đã có được hai phát hiện độc đáo về nghệ thuật và cuộc đời.
Đầu tiên là phát hiện của Phùng về cảnh đẹp trong nghệ thuật. Đó là cảnh đất trời cho “mui thuyền in một nét mơ hồ, loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào”. Đối với người nghệ sĩ như anh, cảnh tượng ấy như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ, đạt đến độ mẫu mực của nghệ thuật. Từ đường nét đến màu sắc đều hài hoà và lại đẹp hơn nữa khi nhìn qua mắt lưới, tấm lưới. Cái đẹp được cảm nhận qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ với niềm đam mê nên vẻ đẹp ấy càng thêm phần lung linh, huyền ảo. Đứng trước cảnh đẹp ấy, Phùng đã có sự xúc động đến tận cùng, mấy phút đầu anh cảm thấy bối rối, rồi mấy phút sau anh thấy trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Đó là giây phút anh đã phát hiện ra chân lý của sự toàn diện – cái đẹp chính là đạo đức, khi ấy anh đã được sống trong khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn, anh thực sự hạnh phúc khi tìm kiếm được cái đẹp để sáng tạo cho nghệ thuật.
Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ Phùng chính là phát hiện về sự thật cuộc đời. Sự thật cuộc sống của người dân hàng chài được hiện ra khi chiếc thuyền tiến sát vào bờ với hình ảnh người đàn ông bà người đàn bà lam lũ. Người đàn bà cao lớn, thô kệch, lưng áo bạc phếch và khuôn mặt đầy mệt mỏi. Người đàn ông với mái tóc tổ quạ, tấm lưng rộng, hai con mắt của lão đầy vẻ độc dữ. Họ lầm lũi bước từ trên thuyền xuống, và chẳng nói chẳng rằng lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, rút chiếc thắt lưng rồi quật tới tấp vào lưng người đàn bà. Vừa quật vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, mỗi nhát đập là tiếng rên rỉ đau đớn. Kì quái thật, nhưng kì quái hơn là người đàn bà không hề kêu hay chống trả, chạy trốn mà nhẫn nhục chịu trận đòn. Thấy cảnh tượng đó, Phùng vô cùng kinh ngạc, chỉ biết há hốc mồm đứng nhìn, anh sững sờ đến ngỡ ngàng và bất bình vì cuộc đời vẫn tồn tại những ngang trái, đối với anh đây như câu chuyện cổ đầy quái đản.
Để có được phát hiện thứ nhất, người nghệ sĩ phải trăn trở tìm kiếm và lựa chọn, cảnh đẹp ở rất xa nhưng vì niềm đam mê và khát vọng cống hiến cho nghệ thuật nên phải đi tìm kiếm. Phát hiện thứ hai lại ở rất gần, ngay bên cạnh cuộc sống mỗi người, nhưng đó lại là sự thật trần trụi và thô ráp, chỉ mang những nỗi khổ đau, bất bình. Đôi khi ta cứ mải miết theo đuổi những thứ xa vời mà bỏ qua những sự thật ngay trước mắt. Ở cả hai phát hiện đều có hình ảnh chiếc thuyền, khi ở ngoài xa, chiếc thuyền là vẻ đẹp của nghệ thuật lung linh, huyền ảo, khi về gần cũng là lúc sự thật cuộc đời hiện ra.
Như vậy, qua hai phát hiện của nhân vật Phùng, ta đã thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và cuộc sống mà chiếc thuyền chính là hiện thân. Nghệ thuật phải về gần với cuộc sống, ngược lại cuộc sống là chất liệu, nguồn cung cấp cái đẹp cho nghệ thuật, để rồi nghệ thuật quay trở lại làm đẹp cho cuộc đời.
—/—
Như vậy, Giáo dục trung học Đồng Nai đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay Sơ đồ tư duy phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !