/tmp/txjjk.jpg
Nội dung bài viết
1. Khái niệm:
– Khả năng là cái xuất phát từ bản chất bên trong sự vật, nó là cái chưa tới, chưa biểu hiện, nhưng sẽ tới, sẽ biểu hiện ra khi có các điều kiện thích hợp.
Ví dụ: Ông X đã có sẵn gạch, xi-măng, sắt, thép… Ở đây có khả năng của một ngôi nhà.
– Hiện thực là những gì hiện có, hiện đang tồn tại thực sự.
Ví dụ: Chiếc xe đạp bạn A đang đi là hiện thực. Suy nghĩ của bạn B về một bộ phim hay cũng là hiện thực.
Do tất cả những gì đang tồn tại thực sự đều được coi là hiện thực nên ta cần phân biệt:
+ Hiện thực khách quan: Chính là thế giới vật chất đang tồn tại khách quan.
+ Hiện thực chủ quan: Là ý thức, tư tưởng đang tồn tại trong mỗi con người.
Khái niệm hiện thực ở đây khác với khái niệm hiện thực khách quan. Hiện thực là khái niệm chỉ tất cả những sự vật, hiện tượng vật chất đang tồn tại khách quan trong thực tế và cả những gì đang tồn tại một cách chủ quan trong ý thức của con người. Còn hiện thực khách quan là khái niệm chỉ các sự vật, hiện tượng vật chất đang tồn tại trong thực tế và độc lập với ý thức của con người.
Khả năng là cái xuất phát từ bản chất bên trong sự vật, nó là “cái hiện chưa có”và “sẽ có”, tức là các sự vật được nói tới trong khả năng chưa tồn tại, nhưng bản thân khả năng với tư cách là “cái chưa có”và “sẽ có”, là cái để xuất hiện sự vật đó thì lại tồn tại. Như vậy, dấu hiệu căn bản để phân biệt giữa khả năng với hiện thực là ở chỗ khả năng là cái hiện chưa có và sẽ có, còn hiện thực là cái hiện đang có, đang tồn tại.
Trong sự vật hiện tượng có nhiều loại khả năng. Có khả năng được hình thành do quy luật vận động nội tại của sự vật quy định gọi là khả năng tất nhiên. Nhưng có khả năng được hình thành cho các tương tác ngẫu nhiên quy định gọi là khả năng ngẫu nhiên. Khả năng tất nhiên lại bao gồm khả năng gần là khả năng đã có đủ hoặc gần đủ các điều kiện cần thiết để biến thành hiện thực, và khả năng xa là khả năng chưa đủ các điều kiện cần thiết để biến thành hiện thực, nó còn phải trải qua nhiều giai đoạn quá độ nữa.
Những ngôi sao trên bầu trời là hiện thực. Bầu trời có sao sáng không là khả năng. (Bức tranh “The Starry Night”, tạm dịch: Đêm đầy sao, của danh họa Vincent van Gogh.). Ảnh: Alamy.com.
2. Phân loại khả năng:
Tùy giác độ chúng ta lựa chọn mà có các loại khả năng khác nhau. Một số loại khả năng hay gặp như:
– Khả năng thực tế là những khả năng do các mối liên hệ tất nhiên quyết định, xuất hiện từ bản chất bên trong của sự vật và khi có đầy đủ điều kiện sẽ trở thành hiện thực.
Ví dụ: Trong mỗi hạt thóc có khả năng thực tế hạt thóc sẽ thành cây lúa.
– Khả năng hình thức, hay khả năng ảo, khả năng trừu tượng là những khả năng do các mối liên hệ ngẫu nhiên, quan hệ bên ngoài mang đến và chưa có đủ điều kiện để chuyển hóa thành hiện thực.
Ví dụ: Khả năng con người trúng sổ xố là khả năng ảo. Khả năng này biến thành hiện thực chỉ là do ngẫu nhiên, may mắn.
– Ngoài các khả năng chính trên đây, ta còn có thể phân loại thành:
+ Từ góc độ xác suất lớn hay nhỏ xảy ra: Khả năng chủ yếu và khả năng thứ yếu.
+ Xét theo sự liên quan đến lợi ích của con người: Khả năng tốt và khả năng xấu.
+ Khi xét tới sự tương tác giữa các khả năng: Khả năng cùng tồn tại và khả năng loại trừ lẫn nhau.
Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, khả năng và hiện thực có mối quan hệ biện chứng như sau:
1. Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, luôn chuyển hóa lẫn nhau.
– Sở dĩ như vậy vì hiện thực được chuẩn bị bởi khả năng, còn khả năng hướng tới biến thành hiện thực.
Trong thực tế, quá trình phát triển chính là quá trình trong đó khả năng biến thành hiện thực, còn hiện thực này lại sản sinh ra những khả năng mới. Cả khả năng mới ấy trong những điều kiện thích hợp lại biến thành hiện thực mới.
Sự chuyển hóa cứ tiếp diễn mãi như vậy, tạo thành quá trình vô tận.
– Để khả năng biến thành hiện thực cần có vai trò của các điều kiện khách quan và chủ quan.
Quá trình khả năng biến thành hiện thực chủ yếu là một quá trình khách quan.
Nói “chủ yếu” là vì trong tự nhiên không phải mọi khả năng đều biến thành hiện thực một cách tự phát.
Ở đây có thể phân ra 03 trường hợp:
+ Thứ nhất: Loại khả năng mà điều kiện đển biến chúng thành hiện thực chỉ có thể có bằng con đường tự nhiên. Ví dụ: Các trường hợp động đất, sóng thần, núi lửa…
+ Thứ hai: Loại khả năng có thể biến thành hiện thực bằng con đường tự nhiên cũng như nhờ sự tác động của con người. Ví dụ: Để thuyền buồm vượt biển đến đúng cảng A, cần có gió và sự điều khiển của con người.
+ Thứ ba: Loại khả năng mà bắt buộc có sự tham gia của con người để biến thành hiện thực. Ví dụ: Việc chế tạo ô-tô, ti-vi…
Trong lĩnh xã hội, bên cạnh các điều kiện khách quan, khả năng muốn biến thành hiện thực còn cần có các điều kiện chủ quan. Đó là hoạt động thực tiễn của con người. Ở đây, khả năng sẽ không bao giờ biến thành hiện thực nếu không có sự tham gia của con người.
Hoạt động có ý thức của con người có vai trò rất to lớn trong việc biến khả năng thành hiện thực. Nó có thể đẩy nhanh hoặc kìm hãm quá trình biến đổi khả năng thành hiện thực. Nó cũng có thể điều khiển khả năng phát triển theo hướng này hay theo hướng khác bằng cách tạo ra các điều kiện thích ứng.
2. Các khả năng có thể cùng tồn tại với nhau.
– Cùng trong những điều kiện nhất định, ở cùng một sự vật, có thể tồn tại một số khả năng chứ không phải chỉ có một khả năng.
Ví dụ: Ông X đã có sẵn gạch, xi-măng, sắt, thép… Có khả năng xuất hiện một ngôi nhà, đồng thời cũng có khả năng xuất hiện một cái kho.
– Ngoài một số khả năng vốn có ở sự vật trong những điều kiện có sẵn nào đó, khi có thêm những điều kiện mới thì ở sự vật sẽ xuất hiện thêm một hoặc nhiều khả năng mới.
Đó là do với sự xuất hiện của những điều kiện mới, về thực chất, một hiện thực mới phức tạp hơn đã xuất hiện do sự tác động qua lại giữa hiện thực cũ và điều kiện mới. Từ đó làm cho số tương tác tăng thêm và dẫn đến làm tăng thêm khả năng mới.
3. Sự biến đổi của mỗi khả năng.
– Mỗi khả năng không phải là không thay đổi. Nó tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào sự biến đổi của sự vật trong những điều kiện cụ thể.
Ví dụ: Khả năng diễn ra biểu tình ở một quốc gia lớn hay thấp là tùy theo mức độ mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền lớn hay thấp.
Do đó, muốn cho một khả năng nào đấy phát triển biến thành hiện thực thì phải tạo cho nó các điều kiện thích hợp tương ứng.
– Để một khả năng nào đó biến thành hiện thực thường cần có không chỉ một điều kiện mà là một tập hợp các điều kiện. Tập hợp đó được gọi là điều kiện cần và đủ, nếu có nó thì khả năng nhất định biến thành hiện thực.
Ví dụ: Để cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra cần một tập hợp các điều kiện sau:
+ Giai cấp thống trị không thể giữ nguyên sự thống trị dưới dạng cũ nữa.
+ Giai cấp bị trị bị bần cùng hóa quá mức bình thường.
+ Tính tích cực của quần chúng tăng lên đáng kể.
+ Giai cấp cách mạng có đủ năng lực chỉ đạo, tổ chức những hành động cách mạng mạnh mẽ, đủ sức đập tan chính quyền cũ.
Thiếu một trong các điều kiện trên, cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể nổ ra.
Vì hiện thực là cái đang có,đang tồn tại thực sự,nên mọi hoạt động của con người trước hết phải xuất phát từ hiện thực. Nếu chỉ xuất phát từ khả năng (cái chưa có) mà tách rời hiện thực là ảo tưởng.
Vì khả năng và hiện thực tồn tại không tách rời nhau, luôn luôn chuyển hóa lẫn nhau, cho nên, trong hoạt động thực tiễn nếu chúng ta tách rời khả năng và hiện thực sẽ không thấy được tiềm năng vận động, phát triển của sự vật, sẽ không tranh thủ thúc đẩy các điều kiện thích hợp cho những khả năng gần trở thành hiện thực.
Trong cùng một sự vật, cùng một điều kiện không chỉ tồn tại một mà là tồn tại nhiều khả năng. Vì vậy, chúng ta phải tìm được khả năng tốt nhất, khả năng tối ưu nhất, tạo các điều kiện thích hợp để khả năng đó trở thành hiện thực.
Khả năng là cái chưa có, chưa tồn tại thực sự nhưng nó biểu hiện khuynh hướng vận động, phát triển của sự vật trong tương lai. Trong hoạt động thực tiễn, nếu chỉ dựa vào cái mới còn ở dạng khả năng, chưa phải là hiện thực thì sẽ rơi vào ảo tưởng, tuy vậy chúng ta vẫn phải tính đến khả năng để đề ra chủ trương, kế hoạch hoạt động sát hợp hơn. Phải phân loại các khả năng như khả năng tất nhiên, khả năng ngẫu nhiên, khả năng gần, khả năng xa v.v.. Từ đó, mới tạo ra được các điều kiện thích hợp để biến khả năng thành hiện thực, thúc đẩy sự vật phát triển.
Trong tự nhiên, quá trình biến đổi khả năng thành hiện thực diễn ra một cách tự phát. Còn trong xã hội, quá trình khả năng biến đổi thành hiện thực được diễn ra thông qua hoạt động có ý thức của con người. Điều đó đòi hỏi trong các hoạt động xã hội cần phải phát huy nguồn lực con người, phát huy tính năng động sáng tạo của mỗi con người để biến khả năng thành hiện thực, thúc đẩy xã hội phát triển.