/tmp/xqszb.jpg
Bài ca ngắn đi trên bãi cát là những dòng tâm trạng đầy quặn thắt và đau đớn của Cao Bá Quát về con đường danh vọng mà mình đang theo đuổi, vậy nên cứ như đang rót vào lòng người đọc những chật vật, những khắc khoải khôn nguôi:
“Bãi cát dài lại bãi cát dài
Đi một bước như lùi một bước
Mặt trời đã lặn, chưa dừng được
Lữ khách trên đường nước mắt rơi”
Mở đầu bài thơ đã gây ấn tượng, xoáy sâu vào tiềm thức người đọc hình ảnh bãi cát dài miên man, vô tận, nhưng cũng vì thế mà không có đích đến, không có phương hướng nào để người lữ khách cảm thấy bớt bế tắc, mông lung. Cứ đi một bước lại như lùi một bước, ở đây ta thấy rõ cảm giác bất lực bế tắc, cũng như những bước chân đầy mệt nhọc, nhọc nhằn của người lữ hành. Bãi cát dài vô tận mà mênh mông mù mịt phải chăng chính là hình ảnh ẩn dụ cho con đường danh lộ mù mịt, đầy trắc trở gian nan mà chính Cao Bá Quát đang theo đuổi. Mặt trời đã lặn, hoàng hôn đã đổ dần trên đôi vai người lữ khách nhọc nhằn, giọt nước mắt của một kẻ nam nhi chí ở bốn phương hẳn đầy chua xót đau đớn biết bao. Giọt nước mắt như siết lại bao đau thương, bao mệt nhọc nuốt ngược vào trong tâm can đang rỉ máu.
“Xưa nay phường danh lợi
Tất tả trên đường đời
Đầu gió hơi men thơm quán rượu
Người say vô số tỉnh bao người”.
Nhưng, cũng như bao kẻ say vô số khác, Cao Bá Quát biết rõ con đường ấy nhiều “bả danh lợi”, nhiều bẫy chông gai, nhiều mưu hèn kế bẩn để giẫm đạp lên nhau, nhưng vẫn không thể nào không say hơi men ấy, vẫn tất tả trên đường đời đuổi theo những danh vọng xa vời, ảo mộng. Đó âu là cái chí của kẻ làm trai, muốn có danh gì với núi sông, nên tâm trạng người lữ khách ở đoạn thơ này vừa bế tắc, day dứt nhưng cũng đầy căm phẫn, uất nghẹn, để rồi cật vấn chính mình về con đường phía trước, con đường đã đang và sẽ đi, con đường công danh mù mịt, đầy bế tắc, mênh mông vô định một mình đơn độc chông gai:
“Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng
Phía nam trời Nam, sóng dào dạt
Anh đứng làm chi trên bãi cát?”
Biết rõ phía trước đường dài mù mịt đâu ít, nhưng vẫn quyết dấn thân, quyết theo đuổi đến cùng, cái rộng dài mênh mông hùng vĩ của núi sông như đánh tung những khoảng trống rợn ngợp vào lòng người, thiên nhiên hùng vĩ mà lòng người mênh mông trĩu nặng, nhỏ bé trước cái “muôn trùng, dào dạt” kia. Hai câu thơ ăm ắp sự cô đơn trùng trùng trong tâm trạng người lữ khách. Câu hỏi cuối như một câu độc thoại chính bản thân người đi đường, câu hỏi vang lên như tiếng thét đầy bất lực, bế tắc và chua xót cho con đường mình đang theo đuổi. Câu hỏi ấy như vang vọng cùng núi sông, như phả vào mênh mông những ai oán, nấc nghẹn của lòng người.
Dòng tâm trạng của nhân vật người lữ khách trong “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” quả thực làm dấy lên biết bao nghẹn ứ trong lòng người đọc, về chí làm trai, về chuyện công danh. Bằng những biện pháp tu từ như ẩn dụ, điệp từ, hãy những vế đối đặc sắc, Cao Bá Quát một lần nữa khẳng định tài năng thơ văn thiên bẩm của mình, mỗi dòng thơ chảy tràn trên trang sách như những dòng chảy đầy day dứt, ám ảnh của nội tâm đang gào thét, đang khát khao đồng cảm cùng độc giả muốn thế hệ. Có lẽ vì thế bài thơ dù đã qua muôn chặng vẫn đọng lại đầy ám ảnh trong lòng người đọc.