/tmp/vmzog.jpg
Quang Dũng – nhà thơ rất mực đa tình và tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Thơ ông mang cảm xúc chủ đạo là nỗi nhớ về đoàn binh Tây Tiến, về núi rừng Tây Bắc. Bài thơ Tây Tiến với nỗi nhớ dạt dào đã quay lại thời gian để chân dung những chiến binh hiện lên đầy hào hoa, dũng cảm trong cảnh sắc thiên nhiên đậm chất thơ. Đặc biệt phải kể đến khổ thơ thứ ba với tất cả sự hào hùng, bi tráng, lãng mạn.
Tây Tiến là một đơn vị mới được thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ bảo vệ Tây Bắc Bộ Việt Nam. Quang Dũng từng giữ vị trí chỉ huy đoàn binh Tây Tiến. Sau đó, ông chuyển công tác và khi nỗi nhớ ùa về trong kí ức, tràn ngập trong trái tim, ông đã viết bài thơ Tây Tiến với khúc độc hành của nỗi nhớ thương.
Nếu như đoạn thơ thứ hai mở ra khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc đầy mơ màng, thơ mộng với vẻ đẹp thắm thiết, mặn mà của tình quân dân, thì đến đoạn thơ thứ ba chân dung người lính được khắc họa rõ hơn bao giờ:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm”
Người lính hiện lên đầy hào hùng, hào hoa vừa độc đáo vừa có phần kì lạ. Đoàn quân Tây Tiến hoạt động chủ yếu ở vùng rừng núi hiểm trở, núi cao thì thật cao, vực sâu thì thăm thẳm, bởi thế những trận sốt rét rừng khiến họ xanh xao, tiều tụy đến mức hình dáng cũng thay đổi “không mọc tóc”, “xanh màu lá”… Thế nhưng khó khăn không thể đánh gục ý chí chiến đấu, họ vẫn tràn đầy sinh khí oai hùng, biểu hiện cho tinh thần chiến đấu vững vàng dù hiểm nguy vây quanh, dù bệnh tật đau đớn, dù cuộc sống khó khăn họ vẫn giữ vẻ oai phong của những mãnh hổ nơi rừng thiêng. Vẻ oai phong được thể hiện qua ánh mắt giận dữ đầy sự căm thù và khao khát lập công. Dường như vẻ oai hùng cũng khiến người lính có phần dữ dằn nhưng sau vỏ bọc ấy là những tâm hồn luôn khao khát yêu thương:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Hai câu thơ như nuốt trọn hai thế giới ở trong mình, thế giới của giấc mộng chinh phục và giấc mộng giai nhân. Ban ngày, người lính đưa ánh mắt sục sôi những căm thù của mình về phía quân địch để quyết tâm chiến đấu và chiến thắng dệt nên mộng quân tử; ban đêm, những chàng trai hào hoa gửi hồn mình để mơ dệt mộng giai nhân.
Tây Tiến và đoàn binh rất bi tráng trong những câu thơ tiếp theo:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Hình ảnh “mồ viễn xứ” là hình ảnh của cái chết, nói đến sự ra đi của người lính với những nấm mồ nằm rải rác nơi biên giới xa xôi. Câu thơ gắn liền với sự bi thương, bi lụy thế nhưng Quang Dũng không để người đọc chìm vào bi lụy nên câu thơ thứ hai ngay lập tức cân bằng lại đầy khỏe khoắn và đặc biệt là triết lí sống mạnh mẽ “ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Những người lính Tây Tiến dường như lường trước được điều gì sẽ xảy đến và họ nguyện hiến dâng cả thanh xuân, cả đời xanh của mình cho Tổ quốc và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tác giả dùng cách nói giảm nói tránh để sự hi sinh bớt nặng nề, bớt bi thương trước hoàn cảnh thực tế vô cùng bi thảm. Khi người lính Tây Tiến ngã xuống, thậm chí không có một manh chiếu che thân, sống sao chết vậy. Con sông Mã đã từng chứng kiến biết bao vui buồn của cuộc đời người lính đã tấu lên khúc nhạc bi tráng vừa hào hùng, dữ dội lại vừa thương tiếc, ngậm ngùi để tiễn đưa người lính Tây Tiến về với đất mẹ thương yêu.
Như vậy, với ngòi bút lãng mạn và thủ pháp đối lập đoạn thơ đã cho ta thấy rõ hình ảnh người lính Tây Tiến gian khổ, khó khăn vẫn lẫm liệt oai phong trong gian lao thử thách, mất mát, hy sinh vẫn hiên ngang, hào hoa, thanh lịch. Hình ảnh người lính được tác giả vẽ bằng hai nét “bi” và “hùng”, từ đó phản ánh chân thực hiện thực khốc liệt đồng thời làm bật lên tinh thần chiến đấu và chiến thắng của lớp lớp thanh niên Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chúng ta mãi không quên chân dung những chàng lính dũng cảm như nhà thơ Thanh Thảo từng viết:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?”
Các bài viết liên quan: