/tmp/fdylm.jpg
Tố Hữu được Xuân Diệu nhận xét rằng thơ ông tuy chính trị nhưng vẫn ngọt ngào và rất đỗi trữ tình, cho nên dù nói về những vấn đề lớn lao, nhưng không hề thấy khô khan. Trong đó, Từ ấy là bài thơ cũng phần nào cho ta cảm nhận được điệu tâm hồn ấy của Tố Hữu, đặc biệt là khổ thơ mở đầu Từ ấy. Hãy cùng cảm nhận rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé.
“Từ ấy” là những dòng cảm xúc sôi nổi vui tươi và thấm đẫm những tình cảm, lí tưởng cao đẹp mà nhà thơ cũng đồng thời là người chiến sĩ Tố Hữu muốn thể hiện. Khổ thơ mở đầu, chính là những điệu tâm hồn đầy khát khao, rạo rực của nhà thơ khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”
Cụm từ Từ ấy mở đầu bài thơ, không phải chỉ là một khoảng thời gian phiếm chỉ, vô định và vô nghĩa, mà nó gắn liền với những sự kiện mang tính lịch sử, thiêng liêng và đáng trân trọng của tác giả. Từ ấy là khoảnh khắc ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được đóng góp sức trẻ và sự nhiệt huyết của mình cho Tổ quốc, cho đồng bào, được thỏa sức vẫy vùng với những lí tưởng lớn mà mình ấp ủ. Cho nên, tâm hồn nhân vật trữ tình không phải chỉ là một bản nhạc với những nốt thăng trầm ổn định, mà nó rạo rực, vui tươi, nhảy múa, như vườn ươm khi bừng nắng hạ, như sức sống, nhựa sống đang rạo rực căng tràn. Cách ví von gắn liền với hình ảnh thiên nhiên giúp câu thơ như ngập tràn cảm giác tươi mới, trong trẻo, tinh khôi và ấm áp giống như trái tim của nhân vật tôi lúc bấy giờ, làm rộn ràng lên cả mạch cảm xúc chảy tràn suốt khổ thơ. Tiếp đến người đọc còn cảm nhận được niềm hạnh phúc của nhân vật trữ tình khi được:
“Mặt trời chân lý chói qua tim”
Chân lý ấy không gì khác chính là chân lý của Đảng, chân lý cách mạng, chân lý kháng chiến, chân lý lịch sử của dân tộc. Là ánh sáng, là ngọn đuốc soi đường chỉ lối để giúp toàn quân và toàn dân ta hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là điểm tựa của tư tưởng để hàng nghìn, hàng triệu người noi theo. Cách so sánh chân lý với hình ảnh mặt trời cho thấy ý nghĩa lớn lao, sức mạnh và sự lan tỏa của chân lý đối với nhân vật tôi, cũng như thấy được tác động to lớn mà nó đã làm thay đổi thế giới tâm hồn của tác giả.
“Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim”.
Tâm hồn con người như Huy gô đã từng nói, vốn là cảnh tưởng rộng lớn hơn cả bầu trời và đại dương, thế nhưng trong thơ mình, Tố Hữu đã cụ thể hóa thế giới vô hình và nhiều tầng tầng lớp lớp ấy bằng hình ảnh vườn hoa lá, nên câu thơ trở nên tươi vui, sinh động, mới mẻ, gần gũi đến lạ thường. Vườn hoa lá, nghĩa là nơi bừng nở của sắc hóa, của sắc lá, của những búp non, giống như sự nảy nở tươi mới rạo rực trong tâm hồn của người thanh niên khi được đứng trong hàng ngũ chính thức của Đảng. Những tưởng như thế giới cảm xúc trong tâm hồn con người là không thể đo đếm, so sánh bởi nó là những mặt đầy mâu thuẫn, đối lập nhau ấy thế nhưng trong câu thơ của mình, Tố Hữu đã cụ thể, gần gũi hóa thế giới ấy và giúp người đọc hình dung rõ ràng cảm xúc vui tươi nảy nở trong lòng nhân vật trữ tình.
Khổ thơ đầu bài Từ ấy là nơi ươm mầm những cảm xúc mới mẻ, rạo rực đầy tươi vui của nhân vật tôi khi được hòa mình, được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cách diễn đạt những hình ảnh so sánh ví von giản dị, tự nhiên đã tạo nên sự đồng điệu tương hợp cho người cảm nhận.