/tmp/gacxu.jpg
Bên cạnh nhân vật Tnú là hình tượng trung tâm, là nhân vật đại diện cho vẻ đẹp của một cộng đồng, thì Nguyễn Trung Thành cũng gửi gắm nhiều tư tưởng và chân lí cách mạng qua hình tượng cụ Mết. Để là rõ hơn về nhân vật cụ Mết, hãy cùng TOPLOIGIAI tham khảo bài phân tích hình tượng cụ Mết dưới đây các bạn nhé.
Bên cạnh nhân vật Tnú là hình tượng trung tâm, là nhân vật đại diện cho vẻ đẹp của một cộng đồng, thì Nguyễn Trung Thành cũng gửi gắm nhiều tư tưởng và chân lí cách mạng qua hình tượng cụ Mết. Cụ Mết giống như một cây xà nu lớn, giống như một vị tù trưởng uy nghiêm của dân làng Xô Man
Nguyễn Trung Thành tập trung xoáy vào một vài chi tiết cũng đã làm nổi bật lên phần nào vẻ đẹp uy nghiêm, lớn lao mà hình tượng cụ Mết gợi ra. Những chi tiết: “một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy Tnú như một cái kìm sắt”, hay “mắt sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng… ngực căng như một cây xà nu lớn”. Qua một vài chi tiết nhỏ mà sức khái quát lớn, cụ Mết là già làng, là người có tiếng nói lớn trong cộng đồng làng Xô Man, ở cụ người ta nhìn thấy tất cả những phong ba bão táp, nếm mật nằm gai của những thế hệ cách mạng, những dấu tích của chiến đấu và chiến thắng hằn lên trên da thịt như một lời nhắc về quá khứ hào hùng, oanh liệt. Và đặc biệt, việc miêu tả cụ Mết như một cây xà nu lớn, qua đó Nguyễn Trung Thành ngầm khẳng định cụ Mết chính là bóng cây cổ thụ, che chở, bảo vệ mảnh đất này, cụ Mết gắn bó và đã trở thành một phần máu thịt,mang linh hồn núi rừng đại ngàn, và vì thế cụ Mết làm nên mạch nguồn để các thế hệ tề tựu cùng khắc ghi về bản sắc dân tộc mình.
Tâm thế và vị thế của một vị già làng có tiếng nói, có sức mạnh được thể hiện không chỉ qua ngoại hình bên ngoài mà còn qua những chi tiết được điểm xuyết xuyên suốt tác phẩm, như giọng nói “ ồ ồ, dội vang trong lồng ngực”. Với giọng nói hào sảng và mang đậm tinh thần cách mạng, chính cụ Mết là người đã truyền thổi tinh thần và hào khí cách mạng đến cho những người dân làng Xô Man, dẫn dắt và kết nối tư tưởng cách mạng của các thế hệ, để tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong một cộng đồng người, từ đó mới tạo được cội nguồn sức mạnh trong lòng mỗi cá nhân để hun đúc nên ngọn lửa thiêng của tinh thần yêu nước.
Nhất là khi cụ Mết ra hiệu lệnh để chiến đấu, thì giọng nói vang, hào sảng và đậm chất hào hùng ấy đã như trở thành một động lực, một điểm tựa để thôi thúc tinh thần chiến đấu sục sôi của người dân làng Xô Man: “ Chém! Chém hết”. Giọng nói của cụ là tiếng của cả dân tộc, là tiếng nói của lịch sử, đã dẫn dắt biết bao thế hệ lớn lên, trưởng thành và biết chiến đấu vì đất nước.
Cũng giống như bất kì một vị lãnh đạo nào, cụ Mết luôn tha thiết hướng về Đảng, về Cách Mạng, một lòng một dạ tin tưởng vào con đường lịch sử của dân tộc, đồng thời chính cụ là người truyền những lời vang dội, để soi sáng lý tưởng cho những người dân trong làng: Cán bộ là đảng. Đảng còn núi nước này còn. Đó là niềm tin sắt đá, là phẩm chất mà bất kì người già làng dẫn dắt buôn làng chiến đấu đều cần hun đúc, ở cụ Mết nó dường như đã trở thành lẽ sống, thành đức tin và cụ luôn sống trọn vẹn, trung thành với niềm tin thiêng liêng ấy vào Đảng, vào những gì dân tộc đã đang và sẽ tạo nên. Không chỉ có tình yêu mãnh liệt, lòng trung thành và niềm tin tuyệt đối với Đảng, Cụ Mết còn là người con của dân làng Xô Man, và luôn nặng lòng về những giá trị quê hương, luôn nhắc nhở mọi người phải biết yêu quý nơi mình chôn rau cắt rốn: “dù đi tới phương trời nào cũng phải luôn ghi nhớ và trân trọng về cội nguồn dân tộc”. Cụ luôn tự hào vì được sinh ra và lớn lên cùng với nắng gió Tây Nguyên, cùng với những rặng xà nu bạt ngàn luôn hiên ngang trước sóng gió. Cụ khẳng định rằng: “Không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta, Gạo người Strá mình làm ra ngon nhất rừng núi này”. Với vị già làng ấy, không có gì đáng tự hào và hãnh diện bằng những giá trị mộc mạc mà đầy bản sắc của quê hương mình, sống đã vậy, khi ra đi cũng mang theo điệu hồn riêng của mảnh đất ấy để nhớ về.
Chỉ khi được lãnh đạo bởi một vị già làng có chính kiến cách mạng vững chắc như thế, thì những cuộc tiến công, những cuộc chiến đấu mới có thể đạt được kết quả thắng lợi. Cụ Mết, mặc dù khao khát hơn bao giờ niềm vui sống tự do, niềm hạnh phúc được thoát khỏi xiềng xích, niềm mong mỏi kiệt cùng được tiêu diệt hết lũ giặc ngông cuồng tàn độc, nhưng luôn nhận ra một chân lý đúng đắn khi chiến đấu đó là: Đánh giặc phải đánh lâu dài. Và chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo. Đó chính là chân lý cách mạng mà Nguyễn Trung Thành gửi gắm, rằng chỉ có thể chiến thắng thế lực thù địch bằng bạo lực cách mạng, chứ không thể tay không mang lý tưởng hào hùng của mình đi chiến đấu. Cũng nhờ sự dẫn dắt và tuyên truyền đúng đắn của cụ Mết, mà người dân làng Xô Man đã giành được những thắng lợi trong các cuộc chiến dẫu không cân sức với kẻ địch.
Nhưng bên cạnh sự sắt đá trong tư tưởng cách mạng, và tâm thế hào hùng, đĩnh đạc của vị già làng, cụ Mết cũng là người giàu tình cảm. Cụ thương đôi bàn tay Tnú khi bị lửa xà nu thiêu cháy, cụ thương những hi sinh và gian khó mà dân làng Xô Man đã phải trải qua để hi sinh vì sự nghiệp lớn của dân tộc. Cụ cũng ân cần và dìu dắt những người dân làng Xô Man để thường xuyên nhớ về những câu chuyện hào hùng của cả cộng đồng, từ đó gắn kết tinh thần đoàn kết trong bộ tộc.
Tóm lại cụ Mết tuy không được khắc họa chi tiết, tỉ mỉ, nhưng chỉ qua một vài nét khắc họa điểm xuyết, cụ Mết vẫn hiện lên như bóng cây xà nu lớn, ôm trùm toàn bộ linh hồn văn bản, cũng là sự biểu trưng cho sức mạnh của cả một cộng đồng người Xô Man.
Các bài viết liên quan: