/tmp/qqzvs.jpg
Việt Bắc là khúc tâm tình ngọt ngào, mà cũng là khúc hùng ca kháng chiến oanh liệt một thời của Tố Hữu. Đặc biệt trong đoạn 3 của bài thơ, Tố Hữu đã đưa điệu hồn mình phổ trong một bài thơ mang đậm màu sắc chính trị, nhưng chính điều đó là cho chính trị mà không khô khan, chính trị mà rất đỗi trữ tình.
Mở đầu đoạn thơ là những câu hỏi chan chứa tình cảm chiến sĩ đồng bào, như vấn vương bao nỗi nhớ thương và ăm ắp những kỉ niệm khó phai:
“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ,những mây cùng mù
Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”
Câu thơ “mưa nguồn, suối lũ”, “mây cùng mù”, rõ ràng như mang trong nó, đằm trong nó âm hưởng rất rõ của các câu ca dao, tục ngữ dân gian, đã là tiếng lòng của cả một thế hệ. Đồng thời, cái dữ dội và khắc nghiệt của thiên nhiên được nhắc đến trong câu thơ trên cũng gợi ra phần nào nỗi nhọc nhằn, khó khăn của những người lính lúc bây giờ. Thiên nhiên như muốn làm khuỵu xuống đôi chân kiên cường của người lính, hành trình ấy gian nan biết bao. Nhưng may mắn thay, bên cạnh cái nhọc nhằn, ác liệt, khốc liệt của chiến tranh vẫn còn đó cái tha thiết đầy sẻ chia, đầy ân sâu nghĩa nặng của tình người, của tình đồng chí nghĩa đồng bào. “Miếng cơm chấm muối” thôi, nhưng vẫn đầy sẻ chia, đầy sự đồng cam cộng khổ, cái họ giành cho nhau không phải là vật chất, mà đằm thắm nghĩa tình. Mối thù là vô hình, nhưng gánh nặng lại được đặt trên đôi vai, khiến cho mối thù như có hình khối, như đôi mắt căm hờn của người chiến sĩ đang ghìm lên sức nặng cho nó, vì thế mà càng cảm động, xúc động thiêng liêng.
Người chiến sĩ rời đi, nhưng bởi vì đó là sự ra đi của một người mà đất lạ đã hóa quê hương, đã trở nên quá quen thuộc, gần gũi với không gian núi rừng nơi đây. Nên dường như, không gian cũng nhuốm một nét buồn đến lạ, đến đau thương, hoang lặng. Phải chăng tác giả ở đây đang mượn cái trống trải của không gian để nói cái trống vắng của lòng người: “Trám bùi để rụng, măng mai để già”. Không có sự quan tâm, tần tảo của con người, không gian thanh sắc của cảnh vật dường như càng trở nên già cỗi, hoang lạnh. Nhưng cũng vì thế, mà ta thấy rõ hơn vai trò, ý nghĩa của những người chiến sĩ, đặc biệt là sự gắn kết, và hài hòa mật thiết của họ với mảnh đất này:
“Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình về, có nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh”
Hắt hiu lau xám, cái đơn sơ của cơ sở vật chất, nhưng ngược lại tấm lòng, sự chân thành và tấm chân tình mới là cái đáng để đặt nặng, để xót xa, lấy sự đối lập về vật chất để khẳng định chắc nịch lòng son sắt, thủy chung, Tố Hữu đã chạm đến hồn của muôn người đọc trong câu thơ trên. Tấm lòng son ấy của nhân dân đã theo các chiến sĩ, là động lực, là điểm tựa, là sự gắn kết, đan bện nên 15 năm thiết tha mặn nồng là vì thế. Từ khi kháng Nhật, chỉ một gợi nhắc đơn sơ cũng gợi lên biết bao niềm thương nỗi nhớ, về chặng đường đã qua, về ân tình đã gửi, về nghĩa cử đã trao, tình cảm quân dân và sự gắn bó thiết tha mặn nồng ấy quả thực đã làm lay động trái tim người đọc, bởi nó không chỉ là tình cảm nhất thời, mà là tình cảm của muôn hồn người, chạm đến hồn chung của dân tộc.
Đoạn thơ tuy ngắn, giản dị về thủ pháp, bút pháp nghệ thuật, nhưng điệu hồn đồng điệu thiết tha ân tình của người đi kẻ ở cứ âm vang nơi đây, Có lẽ chính vì thế mà thơ Tố Hữu cứ như những điệu ru ngọt ngào, lời ru hát mãi bản tình ca một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc.
Các bài viết liên quan: