/tmp/kaeet.jpg
Mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng? Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận trong giải quyết mối quan hệ trên để phân tích mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam?
Lời giải
Cái riêng là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định. Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính không những có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ. Cái đơn nhất là phạm trù để chỉ những mặt, thuộc tính… chỉ có ở một sự vật, một kết cấu vật chất, mà không lặp lại ở sự vật, hiện tượng, kết cấu vật chất khác.
Cái chung và cái riêng đều tồn tại khách quan, giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Cái chung tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình; nghĩa là không có cái chung thuần túy tồn tại bên ngoài cái riêng. Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ với cái chung. Nghĩa là không có cái riêng nào tồn tại tuyệt đối độc lập, không có liên hệ với cái chung.
Cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung; cái chung là cái bộ phận, nhưng sâu sắc hơn cái riêng. Cái riêng phong phú hơn cái chung, bởi vì ngoài những đặc điểm gia nhập vào cái chung, cái riêng còn có những đặc điểm riêng biệt mà chỉ riêng nó có. Cái chung sâu sắc hơn cái riêng, bởi nó phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ ổn định, tất nhiên, lặp lại ở nhiều cái riêng cùng loại. Vì vậy, cái chung là cái gắn với cái bản chất, quy định phương hướng tồn tại và phát triển của cái riêng.
Cái chung và cái đơn nhất có thể chuyển hóa cho nhau trong những điều kiện nhất định. Trong hiện thực, cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay, mà lúc đầu xuất hiện dưới dạng cái đơn nhất, cá biệt. Nhưng theo quy luật cái mới nhất định phát triển và trở thành cái hoàn thiện và có thể trở thành cái chung. Ngược lại cái cũ lúc đầu là cái chung, cái phổ biến nhưng về sau do không phù hợp với điều kiện mới, với quy luật phát triển nên ngày càng mất dần đi và biến thành cái đơn nhất. Như vậy, sự chuyển hóa từ cái đơn nhất thành cái chung là biểu hiện của quá trình cái mới ra đời thay thế cái cũ và ngược lại, sự chuyển hóa từ cái chung thành cái đơn nhất là biểu hiện của quá trình cái cũ, cái lỗi thời bị phủ định.
Xem xét cải tạo sự vật hiện tượng phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, phát triển để nhận thức, giải quyết sáng tạo mối quan hệ biện chứng giữa cái chung, cái riêng và cái đơn nhất, cái đặc thù, cái phổ biến. Phải từ những cái riêng để tìm ra cái chung, từ đó tùy theo hoàn cảnh cụ thể của cái riêng mà vận dụng cái chung cho phù hợp. Tránh tuyệt đối hóa hoặc tách rời giữa cái chung và cái riêng. Nếu tuyệt đối hóa cái chung sẽ rơi vào chủ nghĩa giáo điều, rập khuôn, máy móc; tuyệt đối hóa cái riêng sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm. Phải nhạy bén kịp thời phát hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho những nhân tố mới tiến bộ phù hợp với quy luật mà lúc đầu chỉ là cái đơn nhất, cái đặc thù phát triển thành cái phổ biến, cái chung. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ những cái lỗi thời lạc hậu, mà hiện thời là cái phổ biến, vững chắc thành cái đặc thù, cái đơn nhất.
Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thông quan điểm cách mạng và khoa học, là vũ khí lý luận của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh nhằm xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Đó là cái chung sâu sắc nhất, bản chất nhất, đúng đắn nhất để các Đảng Cộng sản vận dụng vào từng quốc gia dân tộc, với tư cách là cái riêng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã luôn luôn trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay đã chứng minh điều đó. Theo đó, Đảng ta luôn đặt ra yêu cầu cao việc tổng kết, khái quát kinh nghiệm thực tiễn và bổ sung phát triển lý luận, bảo đảm cho lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ được tính cách mạng và khoa học của nó.