/tmp/moxcv.jpg Lý luận văn học về nhân vật | Myphamthucuc.vn - Giáo dục trung học Đồng Nai

Lý luận văn học về nhân vật | Myphamthucuc.vn

Nhân vật văn học và vai trò của nhân vật trong tác phẩm

1. Nhân vật văn học.

      Ðối tượng chung của văn học là cuộc đời nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm. Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận…đều góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho tác phẩm nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật. Ðọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện. Vì vậy, Tô Hoài đã có lí khi cho rằng “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”

      “Văn học là nhân học” (M. Gorki). Văn học bao giờ cũng thể hiện cuộc sống của con người. Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được nhà văn miêu tả thể hiện trong tác phẩm, bằng phương tiện văn học. Nhân vật văn học có khi là những con người có họ tên như: Từ Hải, Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, Chị Dậu, anh Pha, … Khi là những người không họ không tên như: tên lính lệ, người hầu gái, một số nhân vật xưng “tôi” trong các truyện ngắn, tiểu thuyết hiện đại, như mình – ta trong ca dao. Khái niệm con người này cũng cần được hiểu một cách rộng rãi trên hai phương diện: số lượng và chất lượng. Về số lượng, hầu hết các tác phẩm từ văn học dân gian đến văn học hiện đại đều tập trung miêu tả số phận của con người. Về chất lượng, dù nhà văn miêu tả thần linh, ma quỉ, đồ vật, … nhưng lại gán cho nó những phẩm chất của con người. Nhân vật trong văn học có khi là một loài vật, một đồ vật hoặc một hiện tượng nào đó của thế giới tự nhiên, mang ý nghĩa biểu trưng cho số phận, cho tư tưởng, tình cảm của con người. Có thể nói nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực.

      Miêu tả con người, chính là việc xây dựng nhân vật của nhà văn. Ở đây, cần chú ý rằng nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không là sự sao chép đầy mọi chi tiết biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách. Nói đến văn học thì không thể thiếu nhân vật, vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng.

      Nhà văn sáng tạo nhân vật để thể hiện nhận thức của mình về một cá nhân nào đó, về một loại người nào đó, về một vấn đề nào đó của hiện thực. Những con người này có thể được miêu tả kỹ hay sơ lược, sinh động hay không rõ nét, xuất hiện một hay nhiều lần, thường xuyên hay từng lúc, giữ vai trò quan trọng nhiều, ít hoặc không ảnh hưởng nhiều lắm đối với tác phẩm.

      Có thể nói, “nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống và của con người, thể hiện những hiểu biết, những ước mơ, kì vọng về đời sống”. Các vị thần như thần Trụ trời, thần Gió, thần Mưa thể hiện nhận thức của người nguyên thuỷ về sức mạnh của tự nhiên mà con người chưa giải thích được. Truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ thể hiện niềm tự hào về nòi giống dân tộc Việt. Nhân vật lí tưởng của văn học cổ Hi – La là những anh hùng chưa có ý thức về đời sống cá nhân, tìm lẽ sống trong việc phục vụ quyền lợi bộ tộc, thành bang, quốc gia, đó là những Asin, Hécto trong Iliát, Uylítxơ trong Ôđixê, Prômêtê trong Prômêtê bị xiềng. Nhà văn sáng tạo nên nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó.

      Nhân vật văn học được tạo nên bởi nhiều thành tố gồm hạt nhân tinh thần của cá nhân như: ý chí, khát vọng, lí tưởng, các biểu hiện của thế giới cảm xúc, các lợi ích đời sống, các hình thái ý thức, các hành động trong quá trình sống. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật có những dấu hiệu để nhận biết như tên gọi, tiểu sử, nghề nghiệp, những đặc điểm riêng, … Những dấu hiệu đó thường được giới thiệu ngay từ đầu và thông thường, sự phát triển về sau của nhân vật gắn bó mật thiết với những giới thiệu ban đầu đó. Việc giới thiệu Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân dường như cũng báo trước về số phận của nhân vật sau này: “Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lí thú, vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm nhảm than thở những điều hắn nghĩ”.

      Gắn liền với những suy nghĩ, nói năng, hành động trong quá trình phát triển về sau của nhân vật. Nhân vật văn học không giống với các nhân vật thuộc các loại hình nghệ thuật khác. Ở đây, nhân vật văn học được thể hiện bằng chất liệu riêng là ngôn từ. Vì vậy, nhân vật văn học đòi hỏi người đọc phải vận dụng trí tưởng tượng, liên tưởng để dựng lại một con người hoàn chỉnh trong tất cả các mối quan hệ của nó.

2. Vai trò và chức năng của nhân vật trong tác phẩm.

      Nhân vật văn học có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn có mục đích gán liền nó với những vấn đề mà nhà văn muốn đề cập đến trong tác phẩm. Vì vậy, tìm hiểu nhân vật trong tác phẩm, bên cạnh việc xác định những nét tính cách của nó, cần nhận ra những vấn đề của hiện thực và quan niệm của nhà văn mà nhân vật muốn thể hiện. Chẳng hạn, khi nhắc đến một nhân vật, nhất là các nhân vật chính, người ta thường nghĩ đến các vấn đề gắn liền với nhân vật đó. Gắn liền với Kiều là thân phận của người phụ nữ có tài sắc trong xã hội cũ. Gắn liền với Kim Trọng là vấn đề tình yêu và ước mơ vươn tới hạnh phúc. Gắn liền với Từ Hải là vấn đề đấu tranh để thực hiện khát vọng tự do, công lí…Trong Chí Phèo của Nam Cao, nhân vật Chí Phèo thể hiện quá trình lưu manh hóa của một bộ phận nông dân trong xã hội thực dân nửa phong kiên. Ðằng sau nhiều nhân vật trong truyện cổ tích là vấn đề đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu, giàu và nghèo, những ước mơ tốt đẹp của con người…

      Nhân vật là phương tiện để phản ánh đời sống, khái quát hiện thực. Vai trò của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Mặt khác, nhân vật là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng. Ví dụ, nhân vật người anh trong truyện cổ tích Cây khế là biểu hiện của loại người tham lam trong xã hội. Nhân vật còn là phương tiện thể hiện tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Nó thể hiện quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì thế, nhân vật luôn luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.

      Thông qua việc xây dựng nhân vật, nhà văn bộc lộ tư tưởng, tình cảm của mình đối với từng loại người trong xã hội, đồng thời dẫn dắt người đọc đi vào những thế giới riêng với đủ mọi khát vọng cùng với cảm xúc yêu thương hay lòng căm giận. Nhân vật Hămlét của Sêchxpia tiêu biểu cho con người thời đại Phục hưng có lí tưởng nhân văn cao đẹp bị bế tắc và khủng hoảng khi phải đối diện với những cách sống, phản trắc, cơ hội, tàn nhẫn, con đẻ của chủ nghĩa tư bản ở thời kì tích luỹ ban đầu. Qua việc mô tả các nhân vật như bà Phó Đoan, cụ Cố Hồng trong tiểu thuyết Số đỏ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ niềm căm ghét lối sống suy thoái về đạo đức đến cùng cực của giới thượng lưu trong xã hội thực dân phong kiến.

      Nhân vật văn học do nhà văn sáng tạo nên, trên cơ sở quan sát những con người trong cuộc sống. Chính vì vậy, khái niệm nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét tài năng nghệ thuật của nhà văn. Sức sống của nhân vật được thể hiện qua việc mô tả ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ và hành động của nhân vật, những cái làm cho nhân vật có sức hấp dẫn kì lạ với người đọc. Có những nhân vật đã bất tử với thời gian: Hămlét, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung, Khổng Minh, Trương Phi, Quan Công, Tào Tháo, Lâm Đại Ngọc, Giả Bảo Ngọc, AQ, Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thúy Kiều, Lục Vân Tiên, …

      Sức hấp dẫn đối với người đọc của một nhân vật có nhiều lí do. Nhưng một lí do cơ bản là họ rất độc đáo, không hề giống ai như Hêghen từng nói. Chí Phèo được nhớ mãi bởi những lời lẽ chửi rủa độc đáo, bởi cách đến nhà Bá Kiến xin được đi ở tù lại, bởi cách trêu ghẹo Thị Nở.

      Do nhân vật có chức năng khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vậy, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời. Khi phân tích, nghiên cứu nhân vật, việc đối chiếu, so sánh có thể cần thiết để hiểu rõ thêm về nhân vật, nhất là những nhân vật có nguyên mẫu ngoài cuộc đời (anh hùng Núp trong Ðất nước đứng lên; Chị Sứ trong Hòn Ðất…) nhưng cũng cần luôn luôn nhớ rằng nhân vật văn học là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo gắn liền với ý đồ tư tưởng của nhà văn trong việc nêu lên những vấn đề của hiện thực cuộc sống. Betông Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”.

Xem thêm:  Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam? | Myphamthucuc.vn

      Nhân vật văn học giữ vai trò quyết định nội dung tư tưởng trong tác phẩm, vì vậy nhà văn luôn dồn tâm huyết và tài năng của mình vào việc khắc hoạ nhân vật chính vì thế mà chúng ta thấy có nhiều người không nhớ tên tác giả nhưng rất nhớ tên các nhân vật tác giả tạo dựng nên. Do nhân vật có vai trò khái quát những tính cách, hiện thực cuộc sống và thể hiện quan niệm của nhà văn về cuộc đời, cho nên trong quá trình mô tả nhân vật, nhà văn có quyền lựa chọn những chi tiết, yếu tố mà họ cho là cần thiết bộc lộ được quan niệm của mình về con người và cuộc sống. Chính vì vây, không nên đồng nhất nhân vật văn học với con người trong cuộc đời. Khi phân tích, nghiên cứu nhân vật, việc đối chiếu, so sánh có thể cần thiết để hiểu rõ thêm về nhân vật, nhất là những nhân vật có nguyên mẫu cuộc đời.

Nghị luận ý kiến: Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.

      Văn học nói bằng hình tượng, hình tượng nghệ thuật là khối pha lê lấp lánh làm nên giá trị tác phẩm văn học. Nếu cái thần của âm nhạc là giai điệu, của hội họa là đường nét và màu sắc thì cái thần của văn chương chính là ở hình tượng nhân vật. Song những tác phẩm văn học chỉ xây dựng nên những hình tượng về con người thì đó chưa hẳn là một tác phẩm vô giá.

      Bởi trong sáng tạo nghệ thuật, điều quan trọng, đặc sắc nhất nhiều khi không phải ở hình tượng con người mà ở hình tượng nhân vật. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng: “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc”.

      “Nhà thơ tư duy bằng hình tượng” (Biêlinxki). Văn học ở bất kì thời đại nào muốn phản ánh hiện thực đời sống đều phải thông qua các hình tượng nhân vật điển hình. Nhà thơ tư duy bằng hình tượng, nhà văn cũng tư duy bằng hình tượng. Thế giới thêm sắc màu, cuộc sống thêm âm điệu bởi những hình tượng nhân vật điển hình độc đáo.

      “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó chính là con người” (Nguyễn Minh Châu). Văn học phản ánh cuộc sống và trung tâm là con người thông qua hình tượng nhân vật. Chính những hình tượng nghệ thuật độc đáo, có sức phổ quát, mang những ý nghĩa sâu sắc về nhân sinh đã góp phần làm nên nét riêng cho tác phẩm văn học. Người nghệ sĩ thường sáng tạo nên những tượng đài bất hủ về con người bằng cách xây dựng chính hình tượng nhân vật.

      Nghệ thuật đồng nghĩa với sáng tạo. Nghệ sĩ là kẻ làm công việc “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao). Viết văn là một quá trình khai phá những vỉa quặng của cuộc đời nhưng mỗi thứ kim loại quý hiếm nhà văn tìm thấy lại lấp lánh một sắc màu riêng biệt. Có phải đó là sắc màu của những hình tượng nhân vật điển hình được nhà văn nhặt nhạnh ở cuộc đời, nhào nặn trong tư tưởng và đưa vào tác phẩm dưới lớp áp chủ quan độc đáo? Ngay từ khi ra đời; văn học đã nhận thức đời sống và thể hiện tư tưởng tình cảm bằng các hình tượng nhân vật nghệ thuật. Từ tiếng gọi chú tiểu lẳng lơ nhưng đầy khao khát yêu đương của Thị Màu trên chiếu chèo ngày xưa đến đoạn trường mười lăm năm lưu lạc của Thúy Kiều trong thơ Nguyễn Du, hình tượng nhân vật điển hình đã thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm văn học, bắc nhịp cầu giữa hiện thực xã hội và tư tưởng nhân văn. Như lời nhận định đã bàn tới, “hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc” bởi nhà văn xây dựng hình tượng nhân vật để khái quát hiện thực, để cắt nghĩa đời sống và thể hiện tư tưởng của chính mình. Vì vậy, hiện thực trong tác phẩm máng đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ. Nhà văn là chủ thể sáng tạo, là kẻ chi phối mọi tư tưởng thẩm mĩ, góc nhìn, phạm vi của hiện thực nên dù được bắt nguồn từ cuộc sống; dù được nuôi dưỡng bằng bầu sữa của bà mẹ cuộc đời thì tác phẩm văn chương; qua các hình tượng nhân vật, phản ánh hiện thực “được sinh ra từ tâm trí của nhà văn. Tác phẩm văn chương không bao giờ là bản sao của hiện thực mà hiện thực được soi chiếu vào tác phẩm bằng lăng kính chủ quan của người viết, có thể tốt, có thể xấu, có thể đáng vui và cũng có thể đáng buồn. Hiện thực cuộc sống được khoác lên tấm áo nhiều màu như vậy chính là bởi hình tượng nhân vật được nhà văn đưa vào tác phẩm. Hình tượng nhân vật là đứa con của hiện thực cuộc sống nhưng lại được nuôi dưỡng bằng tình cảm, tư tưởng của nhà văn. Nó cũng là cuộc đời riêng; nhưng đồng thời cũng là cái loa phát ngôn của người nghệ sĩ. Trong bản thân hình tượng bao giờ cũng có sự thống nhất sinh động giữa các mặt cá biệt và khái quát, lí trí và cảm xúc, chủ quan và khách quan. Hình tượng càng độc đáo, được nâng lên mức điển hình thì hiện thực càng được phản ánh ở những góc cạnh sâu xa nhất, hướng tới một giá trị thẩm mĩ riêng – “chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc” Điều đó làm nên “ánh sáng riêng mãnh liệt” cho hình tượng nhân vật. Đến với hình tượng nhân vật là đến với một thế giới hiện thực riêng biệt được xây dựng ngay trên nền thế giới hiện thực đương thời. Hình tượng nhân vật tỏa sáng của lí tưởng thẩm mĩ lên trên hiện thực bề bộn, để cho người đọc có một cái nhìn mới mẻ; chân thực và sâu sắc hơn về cuộc đời. Lời nhận định đã khẳng định tầm quan trọng và giá trị biểu hiện của hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Đó cũng là cơ sở để đánh giá tư tưởng nhà văn và giá trị của toàn bộ tác phẩm.

      “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm của người đọc”. Nhà văn lấy tư liệu từ hiện thực để xây dựng nên hình tượng điển hình và đặt vào đó tư tưởng thẩm mĩ của mình. Tôi nhớ câu chuyện thần thoại xa xưa, thần Trụ Trời lấy đất sét nặn ra con người và thổi hơi thở của mình vào những hình tượng vô tri để cho con người sự sống. Nhà văn phải chăng cũng là người thổi linh hồn mình vào trong hình tượng nhân vật để dù mang những phẩm chất đặc trưng, phổ quát của thế giới hiện thực, nó vẫn có một sức sống riêng, một cuộc đời cá biệt trong “tâm trí của người đọc”. Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực là những kẻ đại diện cho bọn thống trị như Nghị Hách, Nghị Quế, Bá Kiến… hay nhũng nạn nhận của xã hội cũ như anh Pha, chị Dậu, lão Hạc, Mị… Hiệu quả cao nhất mà những điển hình đó đạt được là bóc trần sự mục nát của xã hội thực dân phong kiến với một thái độ phủ nhận và phê phán mạnh mẽ. Nhưng độc đáo hơn, lần đầu tiên người ta biết đến một cách trị người tàn ác và mưu mô như của Bá Kiến, con đường leo lên xã hội thượng lưu nhơ bẩn và lố bịch như của Xuân Tóc Đỏ. Những hình tượng điển hình ấy không bao giờ chỉ đơn thuần là một bức tranh nhân sinh mà bao giờ cũng gửi đến người đọc một thông điệp; một triết lí sâu xa.

      Biêlinxki từng phân biệt: “Nhà triết học nói bằng phép tam đoạn luận, nhà văn nói bằng các hình tượng và bức tranh. Dù đều đi từ cái riêng đến cái chung để khám phá cuộc sống con người, khám phá bản chất của thực tại nhưng trong quá trình nghiên cứu, trong khi các nhà triết học, khoa học gạt bỏ những chi tiết cá biệt, những yếu tố ngẫu nhiên để tìm ra cái chung; để khẳng định yếu tố khách quan, chân lí thì trong nghệ thuật lại in đậm dấu ấn chủ quan, cái chung được biểu hiện trong cái riêng; cái riêng để khái quát cái chung. Hình tượng nhân vật ra đời nhằm mục đích đó. Chí Phèo, Thị Nở từ văn chương đã bước ra cuộc đời; trở thành những cái tên như minh chứng tiêu biểu cho tính điển hình của hình tượng nhân vật. Ta thấy trong cuộc đời nhọc nhằn của anh Pha, chị Dậu… dáng dấp ông cha, những người cả đời gắn bó với ruộng đồng và chịu biết bao nhiêu áp bức. Đó chính là sự “sinh ra từ tâm trí của nhà văn”. Nhưng không bao giờ những Chí Phèo, chị Dậu ấy là bản thân cuộc đời thực. Văn học chỉ có một Chí Phèo với bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong khi cuộc đời có cả ngàn thằng Chí Phèo uống rượu say rồi chửi bới. Văn học chỉ có một Hăm-lét với niềm trăn trở, day dứt vì lí tưởng “sống hay không sống” trong khi lịch sử có biết bao nhiêu âm mưu “chiếm ngôi vua, đoạt quyền chúa”. Không bao giờ người ta quên được tiếng nói khắc khoải của Chí Phèo: “Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện? Làm sao xóa được những vết sẹo trên mặt này?”. Không chỉ bởi một hiện thực khốc liệt của xã hội phong kiến dồn đuổi con người vào bước đường cùng mà sâu sắc hơn hết người ta nhận ra trong đó một khát vọng sống mạnh mẽ; cháy bỏng; một ước muốn lương thiện giản dị mà cao đẹp của một tâm hồn tội lỗi. Lần đầu tiên người ta nhận ra ánh sáng của lương tri, ánh sáng của tính người tỏa ra từ thân xác của con quỷ dữ. Đó chính là “ánh sáng riêng” của hình tượng Chí Phèo “chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc”.

Xem thêm:  Bộ đề Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai đọc hiểu | Myphamthucuc.vn

      Kinh Thư xưa có câu: “Thẩm sở mộng chi nhân, khắc kì hình tượng, dĩ tứ phương băng cửu chi ư dân gian” (Xem xét người thấy trong mộng, khắc lấy hình tượng của người ấy để đi tìm khắp bốn phương trong dân gian). Hình tượng nhân vật bao giờ cũng là ‘ con người của dân gian”. Nó được thoát thai từ hiện thực đời sống và mang những tính cách cơ bản nhất, bản chất nhất và nổi bật nhất của đời sống xã hội. Nguyễn Du từ bao nhiêu cuộc đời long đong, lận đận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến đã xây dựng lên hình tượng Thúy Kiều với tất cả nỗi đau khổ của loài người đúc kết lại:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

      Trong cuộc đời mười lăm năm lưu lạc của Kiều có những “vết xe đổ” của Đạm Tiên, của Tiểu Thanh, của người con gái đất Long Thành cùng biết bao nỗi đau khổ khác của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cuộc đời Thúy Kiều là một bức tranh toàn cảnh và sinh động về nỗi đoạn trường của người phụ nữ dưới xã hội hà khắc, nặng nề, tàn ác và thối nát của thời đại cũ. Hiện thực trong Truỵện Kiều được tái hiện qua tâm trí của Nguyễn Du. Người đọc như được cùng nàng Kiều trải qua biết bao thăng trầm, tận mắt chứng kiến và thấu hiểu muôn vàn nỗi khổ đau của kiếp người. Nhưng Kiều không chỉ là đại diện cho một lớp người, cuộc đời Kiểu không đơn thuần chỉ là một bức tranh hiện thực rộng lớn và Nguyễn Du không chỉ là ngòi hiện thực chủ nghĩa một chiều. Kiều được ca tụng là người phụ nữ đẹp nhất của văn học Việt Nam bởi những nét đẹp riêng biệt, độc đáo, chỉ tài năng Nguyễn Du mới có thể sáng tạo nên:

Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

(Truyện Kiêu – Nguyễn Du)

      Vẻ đẹp khiến cho trời đất phải ghen tức, vẻ đẹp làm thiên nhiên đảo lộn, có lẽ trong cả nền văn học Việt Nam, người ta chỉ tìm thấy mình Kiều. Kiều “sống trong tâm trí người đọc” không chỉ bởi nét riêng biệt “hơn người” ấy mà còn bởi tấm lòng cao cả của Nguỵễn Du được soi rọi trong những câu thơ đẹp nhất dùng để ca ngợi sắc đẹp người con gái tài hoa.

      Cũng trong Truyện Kiều, bên cạnh nhân vật điển hình Thúy Kiểu, Kim Trọng, Từ Hải thì Mã Giám Sinh cũng là một nhân vật điển hình có “ánh sáng riêng”. Ở hình tượng này, người đọc nhận ra một cách rõ ràng hiện thực biểu hiện cụ thể, sinh động như có thực:

Hỏi tên rằng: “Mã Giám Sinh”

Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”

(…) Ghế trên ngồi tót sỗ sàng

(…) Cò kè bớt một thêm hai.

      “Nghệ thuật là biết tước bỏ và tập trung” (L. Tôn-xtôi). Nguyễn Du đã “tước bỏ” những chi tiết về tên, tuổi, quê quán. Và “tập trung” với vài chữ thật đắt, thật sâu cay – “tót, sỗ sàng, “cò kè”, tác giả đã “giết chết” nhân vật của mình để khẳng định bản chất một kẻ vô học, một con buôn với đầy đủ ngón nghề và sự ma lanh. Nhưng đằng sau đó, người ta còn thấy cả một phường buôn thịt bán người tàn nhẫn của xã hội phong kiến. Nhân vật Mã Giám Sinh vừa mang tính cá biệt vừa mang tính khái quát; là một điển hình tiêu biểu cho những nhân vật phản diện trong Truyện Kiều. Người đọc vừa thấy ở hắn một tính cách xảo quyệt của kẻ buôn người hạng nhất, vừa thấy thêm một góc tối nhơ bẩn của xã hội phong kiến đương thời. Từ câu chuyện đời Minh của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, bằng tài năng bậc thầy, Nguyễn Du đã xây dựng nên những hình tượng điển hình độc đáo để từ nguyên tác Kim Vân Kiều truyện, Thiên văn tự tuyệt bút – Truyện Kiều ra đời; dù vẫn giữ nguyên cốt truyện nhưng hiện thực đã trở thành hiện thực của xã hội Việt Nam đương thời, nhân vật đã trở thành con người Việt Nam. Tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc dù xây dựng từ cái nền của tác phẩm nước ngoài chính bởi những hình tượng nhân vật điển hình như Kiều, Từ Hải, Mã Giám Sinh… Như vậy, “nghệ thuật không đòi hỏi phải thừa nhận cái tác phẩm của nó như là hiện thực” (Phơ-bách). Sự thực trong tác phẩm nghệ thuật không phải bản thân cuộc đời thực, thậm chí có lúc thực hơn ngoài cuộc sống vì hình tượng nhân vật không lệ thuộc máy móc vào yếu tố cá biệt. Sự kiện trong thực tế với sự kiện trong văn học có một khoảng cách lớn. Sợi dâỵ mỏng manh nối giữa chúng chính là hình tượng nhân vật, là tư tưởng của người viết.

      “Hình tượng văn học là sự tổng hợp những tư tưởng và say mê, là kết quả của một tấm lòng đầy thiết tha” (Biêlinxki). Hình tượng nhân vật trong tác phẩm bao giờ cũng mang dấu ấn mạnh mẽ của chủ quan nhà văn, bộc lộ tiếng nói riêng, phong cách độc đáo của người nghệ sĩ. Mỗi hình tượng nhân vật điển hình lại tỏa chiếu ra một ánh sáng riêng. Đó chính là ánh sáng của tư tưởng nhà văn, của lí tưởng thẩm mĩ được soi chiếu qua hình tượng. Hình tượng nhân vật là nơi gửi gắm trái tim sôi nổi nhiệt thành, đầỵ yêu thương của người viết. Đằng sau ngòi bút lạnh lùng; sắc sảo xây dựng nên một hình tượng Chí Phèo là trái tim Nam Cao nhức nhối những nhịp đập yêu thương và căm phẫn. Ông xây dựng Chí Phèo trong bi kịch bị cự tụyệt quyền làm người không chỉ để cất lên tiếng nói tố cáo xã hội mà còn là tiếng nói cảm thông đòi quyền sống, quyền hạnh phúc cho con người. Những trang viết của Nguyễn Du cũng thấm đầy nước mắt khi miêu tả cuộc đời khổ đau của Thúy Kiều. Nhà thơ đã khóc cùng nhân vật, cười cùng nhân vật; nâng niu nhân vật lên bằng ngòi bút tình thương đáy lòng bác ái. Tư tưởng cùa nhà văn soi sáng trong các hình tượng nhân vật. Nó luôn hướng con người tới những giá trị đích thực của văn chương và cuộc sống. Văn học luôn là điểm tựa để con người vươn lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã, hướng tới chân – thiện – mĩ cuộc đời. “Văn học là nhân học” (M. Gorki). Mọi yếu tố của văn học đều mang giá trị nhân văn, nhân đạo hóa con người; chỉ ra cho con người sự xấu xa để vươn tới cái cao cả của tâm hồ. Đó chính là thứ ánh sáng “được sinh ra từ tâm trí của nhà văn” không bao giờ tắt trong mọi tác phẩm văn chương chhân chính.

      “Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí” bằng tài năng và tâm huyết của nhà văn, làm nên đặc điểm phong cách từng tác giả. Nó tỏa ra thứ ánh sáng của riêng người viết, ánh sáng của tài năng, của lương tri. Không một hình tượng nhân vật nào giống hình tượng nhân vật nào bởi nghề văn đòi hỏi sự sáng tạo, sự thâm nhập thực tế để xây dựng nên những hình tượng nhân vật bất hủ. Khi người nghệ sĩ đã thâm nhập sâu sắc vào nhân vật, họ như được sống cuộc đời của nhân vật, xúc động, yêu thương, vui buồn, đau khổ, giận hờn… như cảnh ngộ của chính mình. Đó là những giây phút “tự quên mình” đồng thời in dấu chủ quan của mình vào đối tượng miêu tả. Các nghệ sĩ vĩ đại như L.Tôn-xtôi, M. Gorki, Banzắc, Phlô-be… đều có sự thâm nhập sâu sắc như vậy. Banzắc kể lại, sau khi đi theo và lắng nghe những người công nhân nói chuyện với nhau, ông nhanh chóng nhập thân vào đối tượng sâu sắc đến mức cảm thấy như mình cùng đang mặc những quần áo rách rưới như họ, đang đi những đôi giày rách như họ, những nhu cầu nguyện vọng của họ đều được truyền đến tâm hồn tôi hay nói đúng hơn: với tất cả hồn mình, tôi nhập vào tâm hồn họ. Chỉ có sự thâm nhập thực tế bằng cả con người và trái tim thì người nghệ sĩ mới có thể sáng tạo nên những hình tượng nhân vật bất hủ, những nhân vật vừa là con người của quần chúng; vừa là con người của văn chương, vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính nghệ thuật độc đáo. Bàn về giá trị của hình tượng điển hình trong tác phẩm, lời nhận định còn đặt ra yêu cầu của người nghệ sĩ chân chính. Đó là những yêu cầu của văn học muôn đời.

      Mỗi người nghệ sĩ khi sáng tạo mang trong mình một nhiệt huyết sáng tạo cháy bỏng và con mắt tinh nhạy, nhìn hiện thực cuộc sống với con mắt của người đầu tiên; đặc biệt là “sống toàn tim, toàn trí, toàn hồn – sống toàn thân và thức nhọn giác quan” để xây dựng hình tượng nhân vật mang ý nghĩa, ẩn chứa bao điều huỵền diệu, sâu sắc về nhân sinh. Và người tiếp nhận do đó khi thưởng thức tác phẩm cũng cần phải nâng cao trình độ thẩm mĩ, tìm hiểu và nhận ra ý nghĩa, giá trị của những hình tượng nhân vật.

      Nhà văn là kẻ đã dùng những hình tượng và từ ngữ hoàn chỉnh lạ lùng để cô đặc lại những ý nghĩ, những cảm xúc, những giọt máu và những giọt lệ cay đắng, nóng bóng của thế gian này. Hơn bất kì một nghề nghiệp, tôi yêu nghề văn bởi hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của tôi và hiện thực cuộc đời dắt tôi đến một chân trời mới, một tâm hồn mới và những điều kì diệu chỉ thấy trong mơ..

Nhân vật trong tác phẩm văn học

      VHSG- Nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Chính vì thế, nhân vật văn học sẽ không bao giờ là con người thật ở ngoài đời, kể cả đó là những “nguyên mẫu”. Xét cho đến cùng, khi nhà văn xây dựng lên nhân vật văn học giống như một cỗ xe nhằm để chuyển tải những tư tưởng, ý tưởng của nhà văn đến với người đọc, tiếng nói của nhân vật cũng chính là tiếng nói của nhà văn với thời cuộc…

      Đã có khá nhiều bài viết phân tích thế nào là một tác phẩm văn học hay, tác phẩm văn học lớn; tác phẩm văn học hay phụ thuộc vào những yếu tố nào?… Không ít lập luận trong các bài viết đó có tính thuyết phục, nhưng hình như các tác giả của bài viết nhiều khi chưa đi sâu phân tích kỹ tính tối quan trọng của NHÂN VẬT trong các tác phẩm văn học. Bởi xét cho đến tận cùng, dù nhà văn có viết gì đi nữa thì đích đến vẫn là con người, nhằm phục vụ con người. Đơn giản là vì chỉ có con người mới biết đọc một cách đúng nghĩa, biết phân tích, tư duy và biết đồng sáng tạo…cùng với nhà văn.

Xem thêm:  Lập dàn ý 13 câu đầu của bài thơ Vội vàng (ngắn gọn, hay nhất) | Myphamthucuc.vn

      Chính vì viết cho con người và vì con người, nên các tác phẩm văn học muốn hay, muốn trường tồn với thời gian thì không thể thiếu được nhân vật văn học, đặc biệt là nhân vật văn học trong thể loại tự sự. Nhân vật văn học thường biến hóa khôn cùng theo trí tưởng tượng và sự sáng tạo của nhà văn, khi là con người có tên, có tuổi, có họ hàng gốc tích, có tính cách rõ nét có “lý lịch trích ngang” như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, nàng Kiều của thi hào Nguyễn Du, Giang Minh Sài của nhà văn Lê Lựu, Xuân tóc đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng… nhưng nhiều khi nhân vật chỉ là những ký hiệu K, X, I, Z…như trong các tiểu thuyết của Kafka và một số nhà văn theo chủ trương “tẩy trắng nhân vật”, hay “cái chết của nhân vật”.

      Nhân vật còn là con vật như Dế mèn của nhà văn Tô Hoài, cậu Vàng của nhà văn Nam Cao… Vẫn chưa hết, nhân vật còn là cây, hoa, cá cảnh, các hiện tượng thời tiết…mà chúng ta đã bắt gặp khá nhiều trong truyện đồng thoại, cổ tích, thần thoại…

      Nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Chính vì thế, nhân vật văn học sẽ không bao giờ là con người thật ở ngoài đời, kể cả đó là những “nguyên mẫu”. Xét cho đến cùng, khi nhà văn xây dựng lên nhân vật văn học giống như một cỗ xe nhằm để chuyển tải những tư tưởng, ý tưởng của nhà văn đến với người đọc, tiếng nói của nhân vật cũng chính là tiếng nói của nhà văn với thời cuộc.

      Với những tài năng lớn thì sẽ có những cỗ xe lớn để chở được những ý tưởng lớn, bao trùm hay khái quát được tính cách của một dân tộc, một đất nước, của nhân loại nói chung hoặc của một thời đại nói riêng. Những nhân vật văn học xuất hiện ở một giai đoạn văn học nào đó và nó có thể trở thành “tượng đài” bất biến theo thời gian nếu tài năng của nhà văn xây dựng được những nhân vật điển hình, như Xuân tóc đỏ, nàng Kiều, Chí Phèo, AQ, Dế Mèn, Đôn Kihôtê…

      Vậy nên khi xem xét nhân vật văn học, người nghiên cứu và người đọc đừng soi xét tại sao nhân vật này lại hành động như thế này mà không hành động như thế khác. Một nàng Kiều hiền hậu, thùy mị, nết na, tài sắc như thế tại sao lại có những màn trả thù tàn khốc như vậy?

      Không, đó không phải là nàng Kiều trả thù mà là cụ Nguyễn Du, đại diện cho tầng lớp bị áp bức, oan sai, lừa lọc tỏ thái độ phản kháng lại lực lượng thống trị và những “con điếm” trong xã hội đương thời. Một nhân vật Từ Hải “chọc trời khuấy nước” như thế đáng lẽ phải một mình một cõi để “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

      Nhưng cuối cùng Nguyễn Du đã “cho” Từ Hải ra hàng và chết đứng, đó vừa là cái chết của một người anh hùng nhưng cũng chính là cái chết của sự sợ hãi trong lòng người cầm bút trong xã hội đương thời vậy. Hay như Xuân tóc đỏ cũng thế, nhiều người đọc đã thốt lên rằng tại sao lại có sự vô lý như thế được, một thằng “ma cà bông”, không biết chữ vậy mà nó trở thành một nhân vật sáng chói trên vũ đài chính trị…

      Đường thăng tiến của nó đúng là không thể lý giải được nên toàn bộ đổ lỗi cho “cái số nó đỏ”. Kì thực thì từ những nguyên vật liệu của xã hội đương thời, bằng tài nghệ của một nhà kiến trúc tầm thiên tài, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã khái quát và xây dựng nên một kỳ quan có một không hai trong đời sống văn học đương thời và còn cho mãi về sau.

      Cái vô lý đó nó lại có lý trong xã hội đó. Nói đúng hơn là xã hội nào thì sẽ sinh ra nhân vật văn học tương xứng với nó, chỉ tiếc là những nhà văn tài năng như Vũ Trọng Phụng quá hiếm hoi để xây dựng nên một “tượng đài”. Toàn bộ cái vô lý trong con người Xuân tóc đỏ chắc không thể trùng khít với một ai đó ngoài đời nên người đọc cảm thấy vô lý, nhưng những tính cách của nó lại nằm rải rác trong rất nhiều người, nên hàng ngày, dù ít, dù nhiều, ta vẫn bắt gặp đâu đó Xuân tóc đỏ đi lại nghênh ngang ngoài đường với những chiếc xe hạng sang, những bằng cấp, những danh hiệu… đầy mình. Ta vẫn gặp đâu đó những Chí Phèo nát rượu chửi cả làng Vũ Đại…

      Mỗi nhân vật văn học đều giống như một người chỉ đường, như chiếc cầu nối giữa người viết và người đọc, người viết muốn nói điều gì và người đọc nhận được điều gì đều thông qua suy nghĩ, hành động của nhân vật văn học.

      Nhân vật văn học sẽ “nói” với người đọc rằng thời điểm đó, giai đoạn xã hội đó, con người nhà văn và đông đảo các lớp người trong xã hội đang có những suy nghĩ như thế nào, lời ăn tiếng nói, trang phục ra sao…và khi chức năng làm người dẫn đường đã hết thì nhân vật văn học không còn vai trò trong tác phẩm văn học nữa, nên buộc phải “biến mất”. Như khi đã đâm chết Bá Kiến rồi, Chí Phèo không còn đất để tồn tại nữa nên Chí Phèo cũng phải chết vậy.

      Chức năng văn học của nhân vật Chí Phèo chính là sự thức tỉnh giữa phần người và phần con trong một con người nhân vật. Khi phần người đã được thức tỉnh mạnh mẽ, khi có được tình yêu, mơ đến mái nhà và những đứa trẻ, mơ về lương thiện, mơ về cuộc sống làm người thì Chí Phèo không thể quay lại để sống kiếp quỷ được nữa, nên Chí Phèo phải tìm đến cái chết, chức năng nhân vật văn học đã làm hết nhiệm vụ mà nhà văn giao phó.

      Điều này biểu hiện rõ nhất sự cao tay và tài năng ở mỗi nhà văn, có không ít nhà văn khi xây dựng nhân vật văn học và nhân vật văn học đã làm xong nhiệm vụ nhưng không tài nào để cho nhân vật văn học “biến mất” hay lui về hậu trường được, tạo nên sự lê thê không cần thiết trong các tác phẩm văn học.

      Với những gì đã viết trên đây chắc chắn sẽ không thỏa mãn đối với những nhà văn và những độc giả theo chủ trương “tẩy trắng nhân vật”, hay “cái chết của nhân vật”. Nhưng nếu bình tĩnh đọc lại những tác phẩm viết theo chủ trương, trường phái “tẩy trắng nhân vật” thì vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của các nhân vật qua các đồ vật, qua các mẫu đối thoại, qua các kết cấu và trong các trường đoạn…của tác phẩm, những nhân vật vô cùng mơ hồ, chỉ “là một màu trắng mờ ảo” nhưng rõ ràng là vẫn có nhân vật.

      Khảo sát qua lịch sử văn học chúng ta đều thấy, nếu không có nhân vật Đôn Kihôtê thì liệu hơn bốn trăm năm nay, người ta còn nhớ đến nhà văn vĩ đại của mọi thời đại là Miguel De Cervantes? Nếu không có các nhân vật Tào Tháo, Lưu Bị, Khổng Minh, Quan Vân Trường, Trương Phi…thì liệu người ta có còn nhớ đến bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” và nhà văn La Quán Trung? Nếu không xây dựng được nhân vật AQ thì thử xem người ta nhớ đến nhà văn Lỗ Tấn là tác phẩm gì?

      Điều này càng thấy rõ hơn qua trường hợp nhà văn Nam Cao và nhà văn Nguyễn Minh Châu, xét về tư tưởng trong tác phẩm của hai ông thì đều ở tầm cao, tầm bậc thầy thiên hạ cả, nhưng nói gì thì nói, Nam Cao vẫn nổi trội hơn Nguyễn Minh Châu một tầm vì Nam Cao có được nhân vật văn học Chí Phèo quá xuất sắc. Nguyễn Minh Châu cũng có Lão Khúng, nhưng xét về mọi phương diện tầm vóc của Lão Khúng vẫn nhỏ thó hơn tầm vóc của Chí Phèo.

      Có rất nhiều nhà văn có tiếng tăm vì họ thực sự có văn tài, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi chết, họ rất ít được người đời sau nhắc đến, vì nhiều lý do, nhưng có một lý do cốt yếu đó là họ không có được một hay một hệ thống nhân vật văn học điển hình, độc đáo, trở thành hình tượng văn học. Gặp một gã tốt mã hay đi lừa tình, người ta gọi ngay là thằng Sở Khanh, dù không biết tên thật của họ là gì. Gặp một người say rượu, chửi bới lung tung, thì được gọi tên là Chí Phèo; một người đi lên bằng sự láu cá, và sự nhiễu nhương của xã hội thì được gọi là Xuân tóc đỏ…

      Khi nhân vật văn học đã đi được vào đời sống của quần chúng nhân dân thì nó còn sống mãi. Mà nhân vật văn học còn sống, có nghĩa là tác phẩm văn học còn sống và nhà văn – cha đẻ ra những đứa con tinh thần đó – vẫn còn sống mãi, người đời sẽ mãi nhắc đến tuổi tên. Còn nếu không có được nhân vật văn học điển hình, hay nhân vật văn học chết yểu, thì không ít nhà văn đang còn sống, nhưng tác phẩm và nhân vật của họ thực sự đã chết trong lòng độc giả.

      Đối với nhà văn, đó có lẽ là điều đau khổ nhất của một đời văn. Vậy nên có thể nói rằng, mỗi nhà văn khi sáng tác, đều muốn để lại cho đời một hay nhiều nhân vật văn học điển hình mang tính biểu tượng, nhưng từ mong muốn đến hiện thực thì rất xa xôi và nhiều khi không bao giờ với tới được. Vậy nên trong lịch sử văn học, có hàng triệu nhà văn, nhưng nhân vật văn học điển hình thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thật khó thay.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập

Bài viết hay nhất

Mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng? Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận trong giải quyết mối quan hệ trên để phân tích mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam? | Myphamthucuc.vn
Câu 10. Tại sao phải dạy học tích hợp? Chủ trương dạy học tích hợp có gì mới? Những thuận lợi, khó khăn và cách khắc phục khi thực hiện dạy học tích hợp? | Myphamthucuc.vn
Câu 10. Tại sao phải dạy học tích hợp? Chủ trương dạy học tích hợp có gì mới? Những thuận lợi, khó khăn và cách khắc phục khi thực hiện dạy học tích hợp? | Myphamthucuc.vn
Câu 11. Tại sao phải thực hiện dạy học phân hóa? Chủ trương dạy học phân hóa trong CT mới có gì khác CT hiện hành? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dạy học phân hóa hiện và cách khắc phục? | Myphamthucuc.vn
Câu 11. Tại sao phải thực hiện dạy học phân hóa? Chủ trương dạy học phân hóa trong CT mới có gì khác CT hiện hành? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dạy học phân hóa hiện và cách khắc phục? | Myphamthucuc.vn
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Các Kiểm Tra Hạn Sử Dụng Của Kem Chống Nắng Skin Aqua Nhật Bản
Các Kiểm Tra Hạn Sử Dụng Của Kem Chống Nắng Skin Aqua Nhật Bản
Bài thơ “Ngắm trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Bài thơ “Ngắm trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Câu hỏi ôn tập bài Sau phút chia li chọn lọc chi tiết
Phân tích tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu năm 2023
Giới thiệu về Ngô Gia văn phái năm 2023
Kem Dưỡng Estee Lauder Thật Giả Qua Các Dung Tích, So Sánh Và Nhận Biết Serum Advance Night Repair
Kem Dưỡng Estee Lauder Thật Giả Qua Các Dung Tích, So Sánh Và Nhận Biết Serum Advance Night Repair
Nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ
Nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ
Bộ đề Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển hay nhất thi THPT Quốc gia | Myphamthucuc.vn
Bộ đề Đọc hiểu Trường ca những người đi tới biển hay nhất thi THPT Quốc gia | Myphamthucuc.vn
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ năm 2023
Viết thư cho Cô giáo cũ nhân ngày 20/11 năm 2023
Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

jun88

Liên hệ telegram @hanievu