/tmp/ahadx.jpg
Hiểu rằng cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa, nhân cách con người sẽ thật sự cao quý khi biết chọn cho mình lối sống đẹp và cao quý, cự tuyệt lối sống tầm thường, thấp hèn Đây là một trong những nội dung được thầy cô yêu thích và đưa vào phần Đọc hiểu của các đề thi, đề kiểm tra.
Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến tác phẩm này, cùng Top lời giải tham khảo một số câu hỏi sau:
Các đề đọc hiểu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai
Nội dung bài viết
ĐỌC HIỂU (4.0 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây tôi thường nhớ về nhiều người.
Trẻ trung như cụm hoa hồng, hồn nhiên như ngàn đóm lửa chiều hôm khi gió về!
Cây đã mọc từ thuở nào trên đồi núi thật cằn khô, cây có hiểu vì sao, chim thường kéo về làm tổ và em như cụm lan mọc từ những cành cổ thụ già kia!
Và tôi bỗng vẫn nhớ hoài một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng có một cây là có rừng và rừng sẽ lên xanh rừng giữ đất quê hương!
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?
Ai cũng một thời trẻ trai cũng từng nghĩ về đời mình phải đâu may nhờ rủi chịu? phải đâu trong đục cũng đành.
Phải không em, phải không anh?
Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi!
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người.
Ngày đêm canh giữ đất trời rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân.
(Lời bài hát “Một đời người một rùng cây” – Nhạc sĩ Trần Long Ẩn)
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2:
Chỉ ra hai biện pháp nghệ thuật của lời nhạc được in đậm và tác dụng chung của hai biện pháp nghệ thuật đó là gì?
Câu 3:
Quan niệm sống tích cực được gợi lên từ bài hát trên là gì?
Câu 4:
“Chân lý thuộc về mọi người không chịu sống đời nhỏ nhoi!
Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người.
Ngày đêm canh giữ đất trời rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân”.
Anh, Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 đến 10 câu) về sự cần thiết của lối sống không chịu sống đời nhỏ nhoi và luôn sống vì mọi người được nói đến trong bài hát trên.
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2:
Xác được 2 biện pháp nghệ thuật sau:
+ Lặp cấu trúc câu: “Ai cũng…”, “phải đâu…”, “phải không…” (0.25 điểm)
+ Điệp ngữ: “Ai cũng”. (0.25 điểm)
– Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng tăng giá trị biểu cảm, là lời khẳng định, lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết về ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống. (0.25 điểm)
– Tạo tính nhạc và nhịp điệu cho ca khúc. (0.25 điểm)
Câu 3:
Học sinh trả lời được 2 trong những lối sống tích cực sau:
– Không sống cuộc sống nhỏ nhoi, tầm thường.
– Phải biết quan tâm, chia sẻ với mọi người đặc biệt là những người có hoàn cảnh bất hạnh.
– Biết gánh vác, biết chia sẻ, không lẩn tránh, không cam chịu nhẫn nhục, không an phận thủ thường; thậm chí biết chấp nhận và từ đó biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của con người…
Câu 4:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần chân thành, thiết thực; diễn đạt rõ ý, chặt chẽ, thuyết phục; có thể trình bày theo một số gợi ý sau:
– Có câu mở đoạn.
– Giải thích sơ nét về lối sống không chịu sống đời nhỏ nhoi và lối sống vì mọi người.
– Bàn luận về quan niệm sống có trách nhiệm trong cuộc sống.
– Biết gánh vác, biết chia sẻ, không lẩn tránh, không cam chịu nhẫn nhục, không an phận thủ thường; thậm chí biết chấp nhận và từ đó biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của con người.
– Từ quan niệm sống đẹp đó phê phán lối sống ích kỉ, nhỏ nhen, vô trách nhiệm, thụ động, yếu hèn của một bộ phận cá nhân trong xã hội.
– Liên hệ: Trong cuộc sống ngày nay, thanh niên cần chăm chỉ, năng động, sáng tạo biết gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện yêu cầu nêu ở dưới
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng,
Gian khổ sẽ dành phần ai?
Ai cũng một thời trẻ trai
Cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu may nhờ rủi chịu?
Phải đâu trong đục cũng đành.
Phải không anh, phải không em?
Chân lý thuộc về mọi người Không chịu sống đời nhỏ nhoi!
Xin hát về bạn bè tôi Những người sống vì mọi người.
Ngày đêm canh giữ đất trời
Rạng rỡ như rừng mai nở chiều xuân.
(Trích Một đời người, một rừng cây – Trần Long Ẩn)
Câu 1
Xác định hai phương thức biểu đạt của đoạn thơ.
Câu 2
Đoạn thơ đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Hiệu quả nghệ thuật của một phép tu từ?
Câu 3
Thông điệp mà tác giả muốn gửi qua đoạn thơ?
Câu 1
Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm.
Câu 2:
2 biện pháp nghệ thuật sau:
+ Lặp cấu trúc câu: “Ai cũng…”, “phải đâu…”, “phải không…”
+ Điệp ngữ: “Ai cũng”.
– Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng tăng giá trị biểu cảm, là lời khẳng định, lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết về ý thức trách nhiệm của mỗi người trong cuộc sống
– Tạo tính nhạc và nhịp điệu cho ca khúc
Câu 3
Thông điệp:
– Không sống cuộc sống nhỏ nhoi, tầm thường.
– Phải biết quan tâm, chia sẻ với mọi người đặc biệt là những người có hoàn cảnh bất hạnh.
– Biết gánh vác, biết chia sẻ, không lẩn tránh, không cam chịu nhẫn nhục, không an phận thủ thường; thậm chí biết chấp nhận và từ đó biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của con người
Đề bài: Trong bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có đoạn: “ Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình…” Anh/ chị suy nghĩ gì về ý nghĩa của lời hát trên?
Nghị luận xã hội 200 chữ về ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai – Mẫu số 1
Trong cuộc đời con người ai cũng phải trải qua những cay đắng ngọt bùi, những gian khổ vất vả. Nhưng chính những điều tưởng như vô cùng gian khó đó chính là bước đệm để cho chúng ta hướng đến những điều tốt đẹp. Thế nên hãy mỉm cười mà đón nhận nó bằng một tư thế hiên ngang và dũng cảm nhất. Như trong lời bài hát một đời người một rừng cây nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã từng viết:
“ Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai
Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình
Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành.
Phải không em?… Phải không em?
Chắc hẳn trong số chúng ta dù là lớn bé hay già trẻ ai cũng từng một lần nghe đến những lời ca đó. Nó không chỉ mang đến một giai điệu mượt mà mà còn ẩn sâu trong đó là những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn muốn nhắn nhủ đến tất cả chúng ta hãy sống lao động hết sức mình để tận hưởng những thành quả ngọt ngào nhất.
Ai sinh ra cũng mong muốn cuộc sống của mình nhàn hạ và thảnh thơi. Chẳng ai muốn mình phải vất vả để làm những điều gian khổ cả. Thế nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền ỉ lại vào người khác, dồn đẩy những điều khó khăn để người khác gánh. Ai cũng có một tuổi trẻ để cống hiến để làm những điều lớn lao vậy thì hà cớ làm sao chúng ta lại phải đùn đẩy trách nhiệm cho người khác?
Để chạm tay vào được chiến thắng chẳng dễ dàng gì nó đòi hỏi con người phải trải qua rất nhiều những gian nan thử thách những vất vả, khó khăn. Và nếu như không vượt qua được thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết cảm nhận dư vị của chiến thắng cả. Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì ai sẽ là người làm những việc khó khăn? Tuổi trẻ của chúng ta có để làm gì? Há chẳng phải nó qua đi một cách vô nghĩa hay sao?
Con người phải chấp nhận thất bại nhưng không bao giờ được hài lòng với nó. Chấp nhận để chúng ta có thời gian nhìn lại tất cả, để biết mình sai ở đâu và sẽ đứng lên từ đó chứ không phải là chấp nhận rồi mãn nguyện với nó. Đừng bao giờ nói rằng cuộc đời mình là do may rủi bởi chúng ta có quyền thay đổi số phận chứ không phải số phận thay đổi ta. Sướng hay khổ là ở do mình. Cũng giống như Phật dạy “Sướng khổ là do ta”, nếu bạn biết chấp nhận thử thách khó khăn và sẵn sàng vượt qua nó thì sớm muộn thành công cũng đến với bạn. Còn nếu bạn không đủ can đảm vượt qua nó thì bạn mãi mãi là kẻ thất bại và chịu sự sắp đặt của số phận.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn chọn một cách nhắc nhở vô cùng nhẹ nhàng mà sâu lắng. Chúng ta ai cũng có một thời tuổi trẻ, có một thời nông nổi nhưng đầy nhiệt huyết. Và nếu như chúng ta không biết tranh thủ để làm những điều mình muốn, những điều có ích cho cuộc đời thì sẽ đến một ngày chúng ta nhìn lại và hối hận vì nó. Không có một ai có thể đoạt quyền tạo hóa cũng chẳng có ai có thể kéo dài tuổi trẻ cả. Nó đến rồi đi theo một định lí vô cùng hiển nhiên và nếu con người không biết tận dụng để làm điều mình muốn thì quả thực sẽ là một nỗi tiếc nuối cả đời.
Có lẽ trong chúng ta ai cũng có cho mình một ước mơ riêng, nhưng tuổi trẻ thì ai cũng giống ai. Vì thế ngay từ bây giờ chúng ta hãy cố gắng làm những điều mình muốn và thực hiện nó một cách vẹn toàn. Dù có thất bại hay thành công thì bạn cũng sẽ không bao giờ thấy hối tiếc.
Lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn vẫn còn văng vẳng đâu đây. Nó như một lời nhắc nhở chúng ta hãy đứng dậy chấp nhận thử thách để vươn lên thành những người có ích cho xã hội cho đất nước. Bởi tuổi trẻ sẽ chẳng bao giờ thắm lại lần hai.
Nghị luận xã hội 200 chữ về ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai – Mẫu số 2
Giải thích
– Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai: đặt vấn đề về đối tượng gánh vác những công việc khó khăn, nặng nhọc, gian khổ trong xã hội.
– Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình: Đề cập đến đối tượng “những người trẻ tuổi”, và những người “đã từng sống qua tuổi trẻ”.
– Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành: Khẳng định sứ mệnh làm chủ cuộc đời, làm chủ vận mệnh của cá nhân. Phủ định lối sống thu động, trông chờ vào rủi may của số phận.
=> Thông qua hình thức diễn đạt nhẹ nhàng mà ám ảnh (chuỗi những câu hỏi tu từ, câu phủ định, cách xưng hô…), lời bài hát đã khẳng định sứ mệnh, trách nhiệm, nghĩa vụ của tuổi trẻ trong việc gánh vác những công việc khó khăn trong xã hội và làm chủ vận mệnh của chính mình.
2. Bình luận kết hợp chứng minh, liên hệ
– Đây là ý kiến đúng đắn vì:
+ Tuổi trẻ là lứa tuổi được nhận sự nuôi dưỡng của cha mẹ, người thân, sự chăm lo của toàn xã hội. Trong suốt những năm tháng từ khi non nớt ngây thơ đến khi trưởng thành, họ được gia đình và xã hội ưu ái, dành cho tất cả những gì tốt đẹp nhất, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho họ phát triển.
+ Tuổi trẻ là lứa tuổi sung mãn về thể chất, sôi trào về nhiệt huyết, cháy bỏng đam mê, dồi dào ý tưởng sáng tạo, khát khao cống hiến…Họ có nhiều khả năng nhất trong việc tạo ra những giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội.
+ Những người trẻ tuổi có cả một cuộc đời dài trước mắt. Do đó, họ cũng là những người có nhiều cơ
hội được hưởng thụ những thành tựu khoa học, kĩ thuật và nhân văn mà chính họ có thể tạo ra.
+ Nhưng con người ta không chỉ “nhận” mà không “cho”. Thanh niên cần xác định được trách nhiệm, nghĩa vụ đối với thế hệ đi trước và cả thế hệ đi sau, phát huy ý chí, sự sáng tạo và tâm huyết của mình để gánh vác trọng trách mà xã hội giao phó.
– Đây là ý kiến sâu sắc: bản thân cấu trúc câu hỏi tu từ, câu phủ định cũng chính là một cách “phủ nhận”, “tranh luận ngầm” với thái độ sống ích kỉ của một bộ phận thanh niên:
+ Thái độ sống vị kỉ “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”, giành phần việc nhẹ nhàng, có lợi hơn cho mình, đẩy phần nguy hiểm, khó khăn cho người khác.
+ Thái độ sống “không biết đến ngày mai”, không cần biết mình sẽ để lại gì cho người thân và cống hiến đựơc gì cho xã hội mà chỉ nghĩ đến hưởng thụ trong hiện tại.
+ Thái độ sống buông xuôi, yếu hèn, không có hoài bão, lý tưởng, đổ lỗi cho số phận, sự may rủi (“may nhờ rủi chịu, trong đục cũng đành”)
– Dẫn chứng
– Lật lại vấn đề
Nghị luận xã hội 200 chữ về ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ sẽ dành phần ai – Mẫu số 3
1. Giải thích:
– Ý nghĩa lời bài hát: Lời nhắn nhủ tha thiết về một quan niệm sống tích cực: sống vì mọi người, sống có trách nhiệm, không lẩn tránh, biết gánh vác, không buông trôi, phó mặc số phận, sẵn sàng đương đầu, vượt lên mọi thử thách, không cam chịu, an phận thủ thường…
2. Phân tích- chứng minh:
Ý 1: Phải biết sống vì mọi người:
– Trong cuộc sống, có những con người luôn biết sống vì người khác, không ngại khó, ngại khổ, biết vì lợi ích của cộng đồng, biết vì mọi người, sống có trách nhiệm…
– Đó là những con người có nhân cách cao quý, có cuộc sống đáng trân trọng.
* Dẫn chứng:
– Hồ Chí Minh cả đời đấu tranh cho dân tộc…
– Louis Pasteur vì sự sống con người, sẵn sàng thí nghiệm vắc xin chống dại ngay trên cơ thể chính mình…
– anh Nguyễn Văn Trỗi sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân vì lợi ích cách mạng tham gia trận đánh quan trọng đặt mìn cầu Công Lý giết tên Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Mắc- na – ma – ra bởi anh cho rằng: “ Còn thằng Mĩ không ai hạnh phúc nổi cả…”
– Đặng Thùy Trâm từ giã Hà Nội vào nơi ác liệt của chiến trường…;
– Thời bình : những chiến sĩ Trường Sa, nhân vật anh thanh niên tình nguyện trong các chiến dịch “Mùa hè xanh”…
Ý 2: Đừng sống như những kẻ sống ích kỉ, vụ lợi, cơ hội
– Bên cạnh đó cũng có những con người luôn sống vị kỉ, cá nhân, nhỏ nhen, luôn tránh né, đùn đẩy khó khăn cho người khác, sống vụ lợi, lợi dụng sự giúp đỡ của người khác để thu vén cho bản thân…
– Lối sống đó rồi sẽ bị xã hội đào thải.
* Dẫn chứng: loại người Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau…; những kẻ cơ hội, đục nước béo cò; đó là một số thanh niên chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ, thõa mãn những thú vui tầm thường trụy lạc như đua xe bất chấp gieo tai họa cho người khác, đốt thời gian, sức khỏe, tiền bạc nơi vũ trường, , luôn đòi hỏi ở người khác vì mình, vô trách nhiệm với gia đình, xã hội và cả với bản thân…
Ý 3: Cũng không nên sống mờ nhạt, yếu đuối, cam chịu
– Và cũng có những con người sống yếu đuối, thụ động, cam chịu, luôn đổ lỗi cho số phận, đầu hàng những thử thách khó khăn, không đủ ý chí và nghị lực, chỉ biết bi lụy, cúi đầu trước nghịch cảnh…
* Dẫn chứng: những kẻ sa ngã, trượt dài trong tha hóa và phạm tội lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, số phận…
3. Bình luận:
* Đánh giá:
– Lời bài hát là những lời nhắn nhủ thiết tha gởi đến mọi người, nhất là đối với lớp trẻ, một thông điệp về sống đẹp đầy sức thuyết phục. Nó chứa đựng một quan niệm nhân sinh tích cực, đáng để cho mỗi chúng ta xem như kim chỉ nam trong rèn luyện và tu dưỡng bản thân để có một cuộc sống chân chính.
* Phê phán:
– Từ quan niệm sống đẹp đó phê phán lối sống ích kỉ, nhỏ nhen, vô trách nhiệm, vụ lợi, sống an phận, thụ động, yếu hèn.
4. Bài học:
* Nhận thức:
– Hiểu rằng cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa, nhân cách con người sẽ thật sự cao quý khi biết chọn cho mình lối sống đẹp và cao quý, cự tuyệt lối sống tầm thường, thấp hèn.
– Liên hệ :
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình.
( Tố Hữu)
* Hành động:
– Để có thể sống đẹp như lời bài hát gợi ý, thanh niên cần sống có lí tưởng cao đẹp, có ý thức bồi dưỡng lòng nhân ái, vị tha, phải học tập, rèn luyện bản thân ý chí, nghị lực, những năng lực và kĩ năng sống, phải năng động, sáng tạo, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Câu 1. (3,0 điểm) Trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn có đoạn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai. Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Phải không anh? Phải không em?”
Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý nghĩa được gợi ra từ những lời bài hát trên.
Mở bài:
Giới thiệu lời bài hát: Một đời người, một rừng cây – Trần Long Ẩn, có đoạn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai Ai cũng một thời trẻ trai, cũng từng nghĩ về đời mình Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Phải không anh? Phải không em?” Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Những lời hát đã gợi cho người nghe suy nghĩ về lối sống có trách nhiệm với cộng đồng của mỗi cá nhân. (0,5 điểm)
Thân bài (2,0 điểm)
Giải thích ý nghĩa lời bài hát: (0,5 điểm)
– Có ý nghĩa như một lời nhắn nhủ tha thiết về lối sống trách nhiệm của con người trong cuộc sống.
– Bàn luận về quan niệm sống tích cực, đầy sức thuyết phục được gợi lên từ bài bài hát: biết gánh vác, biết chia sẻ, không lẩn tránh, không cam chịu nhẫn nhục, không an phận thủ thường; thậm chí biết chấp nhận và từ đó biết vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của con người
Bàn luận vấn đề:
Trong cuộc sống, có những con người luôn biết sống vì người khác, không ngại khó, ngại khổ, biết vì lợi ích của cộng đồng, biết vì mọi người, sống có trách nhiệm… Đó là những con người có nhân cách cao quý, có cuộc sống đáng trân trọng. (dẫn chứng: Hồ Chí Minh, Pas- teur, anh Nguyễn Văn Trỗi sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân vì lợi ích cách mạng…, Đặng Thùy Trâm từ giã Hà Nội vào nơi ác liệt của chiến trường…; thời bình: Những chiến sĩ Trường Sa, nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa…). (0,5 điểm)
Phê phán: (0,25 điểm)
– Lối sống ích kỉ, cá nhân, nhỏ nhen, luôn tránh né, đùn đẩy khó khăn cho người khác, sống vụ lợi, lợi dụng sự giúp đỡ của người khác để thu vén cho bản thân…
– Lối sống đó rồi sẽ bị xã hội đào thải. (dẫn chứng: Loại người Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau…;những kẻ cơ hội, đục nước béo cò; đó là một số thanh niên chỉ biết Lời bài hát là những lời nhắn nhủ thiết tha gửi đến mọi người, nhất là đối với lớp trẻ, một thông điệp về sống đẹp.
– Liên hệ: Trong cuộc sống ngày nay, thanh nhiên càng cần chăm chỉ, năng động, sáng tạo biết gắn lợi ích cá nhân với lợi ích của nhân dân, Tổ quốc. (0,25 điểm)
Bài học: (0,5 điểm)
– Nhận thức: Hiểu rằng cuộc sống chỉ thật sự có ý nghĩa, nhân cách con người sẽ thật sự cao quý khi biết chọn cho mình lối sống đẹp và cao quý, cự tuyệt lối sống tầm thường, thấp hèn.
– Hành động: Để có thể sống đẹp như lời bài hát gợi ý, thanh niên cần sống có lí tưởng cao đẹp, có ý thức bồi dưỡng lòng nhân ái, vị tha, phải học tập, rèn luyện bản thân ý chí, nghị lực, những năng lực và kĩ năng sống, phải năng động, sáng tạo, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội.
Kết bài: (0,5 điểm)
Lời bài hát là những lời nhắn nhủ thiết tha gửi đến mọi người nhất là đối với thế hệ trẻ một thông điệp về sống đẹp đầy sức thuyết phục, nó chứa đựng một quan niệm nhân sinh tích cực, đáng để chúng ta xem như một kim chỉ nam trong rèn luyện và tu dưỡng bản thân để có một cuộc sống chân chính.
Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình.
(Tố Hữu)