/tmp/ivwqe.jpg
Tuyển tập Đọc hiểu Khát vọng hay nhất thi THPT Quốc gia. Trả lời các câu hỏi Đọc hiểu trong tác phẩm Khát vọng chi tiết nhất.
Đọc hiểu: Đọc đoạn văn sau (lời bài hát Khát Vọng – Phạm Minh Tuấn) và trả lời các câu hỏi:
Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao
Hãy sống như biển trào, như biển trào để thấy bờ bến rộng
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông
Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư
Câu 1: Chủ đề bài hát là gì? Phương thức biểu đạt của bài hát trên? Phong cách ngôn ngữ?
Câu 2: Chỉ ra và phân tích hiệu quả của những biện pháp tu từ được sử dụng trong lời bài hát trên?
Câu 3: Những câu nào trong lời bài hát để lại cho anh (chị) ấn tượng sâu sắc nhất?
Câu 4: Lời bài hát đem đến cho mọi người cảm xúc gì?
Câu 5. Xét theo cấu tạo thì câu:”Hãy sống như đồi núi vươn tới những tầm cao” thuộc kiểu câu gì?
Câu 6.
Từ những câu hát : “Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội/Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc/Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư” em hiểu được điều gì ( trình bày đoạn văn từ 3 đến 5 câu).
Câu 7. Qua câu “Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông?”, tác giả muốn nhắn nhủ điều gì
Câu 8. Sau khi đọc lời bài hát, anh/chị hãy viết một bài văn ngắn phát biểu suy nghĩ của mình về lối sống của tuổi trẻ học đường ngày nay?
Lời giải:
Câu 1:
– Chủ đề: Khát vọng ước mơ cao đẹp của con người.
– Phương thức biểu đạt: Biểu cảm, miêu tả.
(- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm)
– Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật
Nội dung kiến thức có thể bạn quan tâm: Đặc điểm nhận diện các phong cách ngôn ngữ cần nhớ
Câu 2:
– Các biện pháp tu từ được sử dụng trong lời bài hát:
+ Điệp ngữ: Hãy sống như, và sao không là…
+ Câu hỏi tu từ
+ Liệt kê…
– Tác dụng: Các biện pháp tu từ trên nhấn mạnh vào khát vọng cao đẹp của nhạc sĩ, đặc biệt còn khiến lời ca như giục giã nhắc nhớ con người về lẽ sống tốt đẹp…
Câu 3:
Những câu nào trong lời bài hát để lại ấn tượng sâu sắc nhất:
– Hãy sống như đời sống để biết yêu nguồn cội
– Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc
– Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư.
Lời bài hát đều rất xúc động bởi ý nghĩa sâu xa. Ba câu thơ trên cho ta bài học về đạo lí sống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn. Hơn thế, còn định hướng cho ta sống có ích như mặt trời đối với vạn vật trên trái đất.
Câu 4: Học sinh có thể nêu cảm nhận cá nhân về bài hát theo nhiều cách nhưng cảm xúc phải chân thành, không khuôn sáo, gượng ép.
Gợi ý: Lời bài hát đem đến cho mọi người cảm xúc phong phú, cảm phục tự hào về tình yêu cuộc đời tha thiết mà tác giả gửi gắm. Đó là khát vọng hóa thân để cống hiến và dựng xây cuộc đời.
Đoạn văn ngắn tham khảo:
Lời bài hát đã đem đến cho em những cảm xúc sâu xa về việc lựa chọn cách sống. Đó là sống phải biết ơn với nguồn cội, bài học về đạo lí sống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn. Đó còn là định hướng cho ta sống có ích như mặt trời đối với vạn vật trên trái đất.Đồng thời cũng đem đến cho em niềm cảm phục về tình yêu tha thiết với cuộc sống của tác giả.Khát vọng của tác giả chính chính là hóa thân để được cống hiến cho đời.
Câu 5
Câu văn trên thuộc kiểu câu rút gọn thành phần chủ ngữ.
Câu 6
Nội dung chính cần nêu ra: bài học mà 3 câu hát muốn nói đó là đạo lí sống uống nước nhớ nguồn.
Đoạn văn tham khảo
Ba câu hát giúp ta hiểu thêm rằng cuộc sống này tươi đẹp nhưng cũng ngắn ngủi vô cùng, từng giây từng phút ta sống trên cõi đời đều là đáng quý vì thế ta hãy sống hết mình với khao khát và đam mê,hãy sống thật vui vẻ , thoải mái và làm những điều có ý nghĩa nhất. Ai trong chúng ta cũng chỉ có một lần để sống, vậy hà cớ gì ta để cuộc đời mình trôi đi trong tẻ nhạt? Hãy sống thật vui vẻ và hạnh phúc với những gì mình đã chọn, hãy tô điểm cho cuộc đời để biến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa nhất.
Câu 7.
Câu thơ “Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông” gợi suy nghĩ: khát vọng mãnh liệt, mạnh mẽ sống phải có trách nhiệm phải làm đổi thay cuộc sống, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước.
Câu 8.
Yêu cầu cần đạt được:
Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận : Lối sống của tuổi trẻ học đường ngày nay
Trích dẫn lời bài hát
Thân bài:
1. Phân tích bức thông điệp từ bài hát: lời nhắn nhủ mọi người phải sống có ý nghĩa, có ích, sống có ước mơ, hoài bão, phải cống hiến cho đời, giúp ích cho người khác…
2. Bàn bạc về lối sống của tuổi trẻ hiện nay: Tuổi trẻ ngày nay sống như thế nào?
+ Biểu hiện tích cực
+ Phê phán biểu hiện tiêu cực
(Bàn về nguyên nhân, mặt tốt, mặt xấu…)
Kết bài : Mở rộng vấn đề, bài học về nhận thức và hành động.
Đọc lời bài hát Khát vọng (Phạm Minh Tuấn) và trả lời các câu hỏi từ 1 đến 4:
Hãy sống như đời sống, để biết yêu nguồn cội,
Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao,
Hãy sống như biển trào, như biển trào, để thấy bờ bến rộng,
Hãy sống như ước vọng để thấy đời mênh mông,
Và sao không là gió, là mây để thấy trời bao la?
Và sao không là phù sa rót mỡ màu cho hoa?
Sao không là bài ca của tình yêu đôi lứa?
Sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư?
Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông?
Và sao không là hạt giống xanh đất mẹ bao dung?
Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc?
Sao không là mặt trời gieo hạt năng vô tư?
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản (0,25đ)
Câu 2: Nêu nội dung bao trùm của văn bản (0,5đ)
Câu 3: Điệp ngữ “Sao không là” có tác dụng biểu đạt như thế nào? (0,25đ)
Câu 4: Qua câu “Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông?”, tác giả muốn nhắn nhủ điều gì (0,5đ).
Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ 5 đến 8
“Thưa quý vị!
Đã phải trải qua những cuộc chiến tranh ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực nên khát vọng hòa bình và thịnh vượng của Việt Nam chúng tôi càng cháy bỏng. Chúng tôi luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Chúng tôi sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp chúng tôi giành và giữ được độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”
(Trích Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khóa 68)
Câu 5: Đoạn trích sử dụng phong cách chức năng ngôn ngữ nào? (0,25đ)
Câu 6: Theo tác giả, Việt Nam đã làm gì để chứng tỏ mình là “một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”? (0,25đ)
Câu 7: Vì sao Việt Nam mong muốn “sẽ mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”? (0,5đ)
Câu 8: Đặt nhan đề cho đoạn trích trên (0,5đ)
Lời giải:
1. Xác định phương thức biểu đạt :biểu cảm
2. Nội dung bao trùm của văn bản: Bày tỏ khát vọng mãnh liệt được cống hiến cho xã hội, cho cuộc đời.
3. Điệp ngữ “sao là không là” có tác dụng nhấn mạnh khát vọng cao đẹp của người nghệ sĩ, lời thúc giục, nhắc nhở con người về lẽ sống đẹp.
4. Câu thơ “Và sao không là bão, là giông, là ánh lửa đêm đông” gợi suy nghĩ: khát vọng mãnh liệt, mạnh mẽ sống phải có trách nhiệm phải làm đổi thay cuộc sống, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước.
5. Đoạn trích sử dụng phong cách chức năng ngôn ngữ: chính luận.
6. Việt Nam đã trở thành “một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” qua các việc làm:
– Việt Nam nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình ,xóa đói giảm nghèo ,bảo vệ hành tinh của chúng ta.
– Sẵn sàng tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc.
– Sẵn lòng đóng góp nguồn lực dù còn nhỏ bé, như sự tri ân với bạn bè quốc tế đã giúp chúng ta giành và giữ độc lập.
7. Việt Nam mong muốn trở thành “một đối tác tin cậy,một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” vì:
– Việt Nam đang trong công cuộc hội nhập để phát triển nên việc trở thành một đối tác tin cậy sẽ giúp các nước tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ Việt Nam.
– Việt Nam muốn trở thành một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế để mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Việt Nam sẽ được quốc tế bảo vệ, can thiệp , hỗ trợ .
8. Đặt nhan đề: Việt Nam – khát vọng hòa nhập quốc tế.