/tmp/hxznr.jpg
Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Cảm nhận khổ 9 bài thơ Việt Bắc. Các bài văn mẫu được tổng hợp từ các bài viết hay, xuất sắc của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!
“Thơ khởi phát từ lòng người”. Khi lòng người xúc cảm dâng đầy thì khi đó có thơ. Chắc hẳn Tố Hữu đã viết “Việt Bắc” trong niềm cảm xúc dào dạt mê đắm ấy. Bởi vậy mà xuyên suốt bài thơ là những xúc cảm tha thiết mãnh liệt về cảnh và người Việt Bắc ào ạt tuôn trào qua ngòi bút tài hoa của tác giả. Đọc “Việt Bắc”, độc giả không chỉ ấn tượng với những lời đối đáp ân tình giữa người đi và kẻ ở, với cảnh Tây Bắc ấm áp mà thơ mộng, với người Việt Bắc cần cù, khéo léo sâu nặng nghĩa tình mà còn được sống lại trong khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc trong chiến đấu và chiến thắng:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đã muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
Nói “Việt Bắc” là bài thơ trữ tình cách mạng hay nhất thời đó quả không sai. Bởi bài thơ là sự dồn nén cảm xúc của tác giả trong hoàn cảnh hiệp định Giơnevo năm 1954 về Đông Dương. Hòa bình lập lại, Trung Ương đảng từ thủ đô gió ngàn Tây Bắc quay về thủ đô Hà Nội. Vì thế, những người chiến sĩ cách mạng phải chia tay với đồng bào miền núi để về xuôi. Khúc ca tiễn biệt ấy hội tụ biết bao cảm xúc ân tình, làm tái hiện lại cả một thời kì lịch sử hào hùng với biết bao kỉ niệm cùng những khó khăn gian khổ của người đi kẻ ở.
Nhưng nói về gian khổ làm gì nếu sự gian khổ ấy không hào hùng, không ca vang lên khúc nhạc chiến thắng. Hình ảnh đoàn quân ra trận được Tố Hữu miêu tả với khí thế “tam quân tì hổ khí thôn ngưu”:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
Một loạt các từ láy “đêm đêm”, “rầm rập” đã diễn tả khí thế mạnh mẽ của đoàn quân ra trận. “Rầm rập” là từ láy tượng thanh rất gợi cảm. Nó diễn tả bước chân khí thế hăng say và sức mạnh áp đảo của đội quân làm “rung trời lở đất”. Cuộc ra trận của quân ta bỗng trở thành một cuộc duyệt binh, diễu binh hùng tráng. Hình ảnh thơ vì thế mà mang đậm màu sắc thần thoại, đậm cả màu sắc sử thi cùng khí thế chống giặc ngoại xâm từ thời phong kiến cổ của nhân dân Đại Việt xưa. Ấn tượng của những câu thơ này còn được nổi bật lên bởi ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh “đường Việt Bắc”. Đó vừa là con đường thực, là con đường vận tải vũ khí lương thực, là con đường hành quân, là con đường với bao khó khăn gian khổ của tiền tuyến và hậu phương. Nhưng con đường ấy còn là con đường đi đến chiến thắng, là con đường chứng kiến cả quá rình đi lên của kháng chiến và cách mạng.
Hình ảnh một đất nước trong kháng chiến, của Việt Bắc trong tháng năm hào hùng bỗng trở nên rực sáng và hùng vĩ đến bất ngờ bởi hình ảnh những đoàn quân ra trận:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
“Điệp điệp”, “trùng trùng” gợi sự đông đảo, nối tiếp, lớn mạnh, hết lớp người này đến lớp người khác cùng nhau đứng đậy kháng chiến. Từ láy gợi hình mà còn gợi được cả âm thanh “rầm rập như là đất rung”. “Điệp điệp”, “trùng trùng” là bước chân của hàng vạn những người lính ra trận hay là sự trùng điệp của tinh thần cách mạng, của bài ca quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Thơ Tố Hữu là thơ trữ tình chính trị. Trong không khí hừng hực của đoàn quân ra trận, chất lãng mạn trữ tình vẫn bay bổng trong từng câu chữ. Hình ảnh đoàn quân đã được cảm hứng lãng mạn tạo nên tầm vóc vũ trụ bởi hình ảnh “ánh sao đầu súng”, một hình ảnh rất thực nhưng vụt lớn lên bởi cảm hứng lãng mạn. Ba hình ảnh súng- sao- mũ như đi cùng nhau. Khẩu súng tượng trưng cho ý chí đánh giặc của người chiến sĩ, “mũ” là hình ảnh hoán dụ cho người lính còn “ánh sao” là ánh sáng của Đảng soi đường chỉ lối, là niềm tin vào cách mạng, là niềm tin chiến thắng trong muôn bề khó khăn gian khổ. Hình tượng người lính ở đây hiện lên thật giàu lý tưởng biết bao. Không chỉ là những chiến sĩ cách mạng, những người dân công cũng hừng hực với nhiệm vụ của mình:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
Những bó đuốc thắp lên để những đoàn dân công xua tan bóng đêm, để băng rừng vượt núi đến với mặt trận. “Nát đá” là từ được dùng rất bạo khỏe vừa gợi lên được những gánh hàng rất nặng vừa nói lên bước chân đầy sức mạnh tiến công của họ. Câu thơ phảng phất câu nói dân gian “chân cứng đá mềm” thường là lời động viên mong mỏi của người ở lại với người ra đi, là niềm ngóng trông sức mạnh ý chí nghị lực vượt qua thử thách. Giờ đây niềm mơ ước đấy đã trở thành hiện thực kì diệu ở chiến trường Điện Biên. “Muôn tàn lửa bay” là một hình ảnh đẹp. Đó là lửa đuốc đang bay, hay có cả ánh lửa từ trái tim người anh, chị dân công hỏa tuyến. Ở hai câu thơ này, tác giả sử dụng nhiều hình ảnh giàu màu sắc tạo hình vừa chân thực, vừa bay bổng. Đoàn dân công đi vào chiến dịch mà như thể đi trong đêm hội hoa đăng. Thật đẹp đẽ biết bao về khí thế và niềm vui ra trận của quân ta.
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Đó là hình ảnh thực về cuộc hành quân trong đêm tối. “Nghìn đêm” có thể hiểu là nghìn đêm kháng chiến. “Đèn pha bật sáng” là hình ảnh thực được ghi lại từ những đoạn đường ra trận, hình ảnh rất thực nhưng cũng rất gợi. Chỉ ánh sáng “đèn pha” mới gợi được ánh sáng huy hoàng chói lọi của tương lai. Ở đó có ánh sáng của cách mạng soi đường chỉ lối, có tương lai xán lạn như “ngày mai lên”. Làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử ấy là sự chiếu rọi của bao nguồn sáng: ánh sáng của niềm tin “ánh sao đầu súng”, ánh sáng của nhiệt huyết “đỏ đuốc”, ánh sáng đẹp đẽ của tương lai “ngày mai bật sáng”. Tất cả khí thế ra trận được miêu tả bằng giọng thơ hùng hồn, nhịp thơ nhanh, dồn dập, làm người đọc như mường tượng được trong tâm trí. Kháng chiến thành công, tin vui cuối cùng cũng đến:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De núi Hồng”
Tố Hữu sử dụng bốn câu thơ để miêu tả không khí chiến thắng đang dồn dập trên khắp đất nước. Vẫn là thủ pháp liệt kê quen thuộc nhưng những địa danh ở đây không gắn liền với chữ “nhớ” như những dòng thơ ở đầu đoạn mà gắn với chữ “vui” để thấy tin vui như đang bay lên từ khắp “trăm miền”. Từ giọng trữ tình, rạo rực hào hùng đến giọng vui tươi rạng rỡ. Chiến thắng của nhân dân đã lan đến mọi miền Tổ quốc, niềm vui đã phơi phới rộn rã khắp nẻo đường. Vừa mới đó là Hòa Bình- Tây Bắc- Điện Biên, tiếp sau đã là Đồng Tháp (Nam Bộ), An Khê (Tây Nguyên), lại đã là Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
Qua đoạn thơ tràn ngập khí thế hào hùng chiến đấu và chiến thắng, Tố Hữu đã làm rõ tính chất nhân dân của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự kết hợp các lực lượng kháng chiến: quân đội chủ lực, dân công và bộ đội vận tải đã làm nên sức mạnh nối kết giữa hậu phương và tiền tuyến. Sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến và tinh thần quật khởi, phơi phới niềm tin đã là cơ sở làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tố Hữu đã khéo léo thể hiện sự lớn mạnh ấy qua hình ảnh, từ ngữ sống động. Tứ thơ vận động theo hướng lạc quan cách mạng: từ bóng tối ra ánh sáng, từ ánh sáng xa xôi mờ ảo đến ánh sáng chói lòa trước mặt. Chỉ điều ấy thôi cũng xứng đáng đưa Tố Hữu lên vị trí đỉnh cao của thơ ca cch mạng Việt Nam.
Gấp lại trang thơ Tố Hữu, trong lòng bạn đọc như rộn lên một khúc ca hào sảng, một niềm tự hào khôn tả về cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của cả dân tộc. Tố Hữu đã góp vào nền văn học Việt Nam một tác phẩm ý nghĩa vô cùng như thế đấy.
Nói đến thơ ca Cách mạng Việt Nam, ta không thể không nhắc đến “Việt Bắc” – tiếng thơ trữ tình, chính trị đậm đà tính dân tộc của nhà thơ Tố Hữu. Mỗi đoạn thơ trong tác phẩm đều mang những hình ảnh, cảm xúc riêng rất đậm sâu, ấn tượng. Đoạn thơ thứ chín trong bài thơ cũng được rất nhiều người đọc quan tâm và dành nhiều suy nghĩ, tình cảm cho nó.
Đọc “Việt Bắc”, ta hình dung ra một bức tranh chân thực, sống động mà đậm đà bản sắc dân tộc về thiên nhiên, về con người Việt Bắc được nhà thơ Tố Hữu phác họa khéo léo qua từng ngôn từ, hình ảnh thơ. Trong tác phẩm, nhà thơ bộc lộ tình nghĩa của người cán bộ và đồng bào Việt Bắc với cuộc kháng chiến gian lao của dân tộc, với Đảng, với Cách mạng. Gửi gắm dạt dào và trọn vẹn trong từng lời thơ là chứa chan một tình cảm thiết tha, bồi hồi cùng niềm gắn bó sâu sắc, nghĩa tình của tác giả. Với thể thơ lục bát truyền thống được vận dụng sáng tạo, linh hoạt đã đem đến một âm hưởng thống nhất song cũng có những lúc thay đổi đa dạng cho tác phẩm. Nhiều đoạn thơ trong tác phẩm, nhà thơ Tố Hữu có sử dụng tinh tế lối kết cấu đối đáp quen thuộc trong ca dao, dân ca xưa kết hợp cùng lối nói giàu hình ảnh, giọng thơ tâm tình đặc sắc. Khổ thơ thứ chín trong bài cũng mang rất nhiều nét đặc sắc đáng để suy nghĩ từ nội dung đến hình thức nghệ thuật.
Tiếp nối đoạn thơ phác họa bức tranh tứ bình về thiên nhiên và con người Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã phác họa ra khung cảnh Việt Bắc những ngày kháng chiến với nhiều chiến công được lập cũng như vai trò quan trọng của Việt Bắc trong cuộc kháng chiến đầy gian lao của dân tộc:
“Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành lũy sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù
Mênh mông bốn mặt sương mù
Đất trời ta cả chiến khu một lòng
…
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”
Trong hoài niệm người cán bộ cách mạng xưa, hay cũng chính là nhà thơ Tố Hữu dường như luôn chứa chan nỗi nhớ thiên nhiên, nỗi nhớ con người cùng những tháng ngày công tác trên Việt Bắc và nỗi nhớ về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ những câu thơ như hòa mình sống lại giây phút kháng chiến, nhà thơ đưa người đọc đến với bức tranh cuộc sống kháng chiến sôi động và đậm màu sắc tráng ca. Hình ảnh quân dân Việt Bắc cùng nhau đánh giặc được phác họa nổi bật trên nền khung cảnh rộng lớn, kỳ vĩ của núi rừng thiên nhiên Việt Bắc. Đó là những cánh rừng hùng vĩ, gần gũi như những người bạn chở che cho bộ đội ta trong những tháng ngày chiến đấu chống giặc. Đó là chiến khu với căn cứ kiên cố, vững chắc…Bằng cách sử dụng các nghệ thuật so sánh, nhân hóa: “núi giăng…lũy sắt”, “rừng che”, “rừng vây”… cùng việc sử dụng những cái tên, địa danh ở chiến khu Việt Bắc như: “phủ Thông, đèo Giàng”, “sông Lô”…đã giúp nhà thơ gợi ra một không khí chiến đấu đầy sôi nổi, hào hùng cũng như khí thế chống giặc sục sôi.
Những câu thơ tiếp theo nhà thơ tái hiện chân thực sức mạnh, ý chí hừng hực, sục sôi của quân và dân ta. Điều đó được thể hiện rõ nét qua các từ láy giàu sức gợi như “rầm rập”, “điệp điệp”, “trùng trùng”…Hình ảnh người chiến sĩ bộ đội cụ Hồ được nhà thơ tái hiện đậm chất tạo hình. Tố Hữu viết về người chiến sĩ với hình ảnh “ánh sao đầu mũ bạn cùng mũ nan” ý nói đến ánh sáng của niềm tin, của ý chí, của lí tưởng cao đẹp trong tâm hồn người lính. Bên cạnh đó, thành ngữ “chân cứng đá mềm” quen thuộc xưa đã được nhà thơ sáng tạo và sử dụng linh hoạt khi đưa vào trang thơ của mình khi ông viết “bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”. Những câu thơ tiếp theo, nhà thơ liệt kê ra những chiến công vang dội của ta sau những nỗ lực chiến đấu bền bỉ của quân và dân Việt Bắc nổ ra ở khắp nơi “Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên, đèo De, núi Hồng…” cũng như một niềm vui chiến thắng ngập tràn muôn nơi: “Vui từ…vui về…vui lên”. Là một nhà chính trị cách mạng và cũng là một nhà thơ giàu sáng tạo, Tố Hữu đã gửi gắm quan niệm về lý tưởng đầy sáng rõ vào từng ý thơ, hình ảnh thơ của mình như việc đoạn thơ tràn ngập hình ảnh ánh sáng với “ánh sao”, “ánh đuốc”, “ánh đèn pha” như để nhấn mạnh ánh sáng của niềm tin, của tương lai khi quân dân Việt Bắc đánh thắng quân thù.
Với một nhịp thơ dồn dập, âm hưởng hào hùng, sôi nổi, náo nức như một khúc tráng ca mừng chiến thắng, đoạn thơ thứ chín đã đem đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc cũng như những suy nghĩ sâu xa. Đoạn thơ đã góp phần làm tăng sự đặc sắc của nội dung và nghệ thuật tác phẩm, khiến người đọc thêm trân quý và yêu mến tài năng tác giả hơn.
—/—
Trên đây là một số bài văn mẫu Cảm nhận khổ 9 bài thơ Việt Bắc mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!