/tmp/mlafo.jpg
Tham khảo Cảm nhận Chí khí anh hùng dàn ý hay nhất. Qua các dàn ý sau đây sẽ giúp các bạn nắm được những ý chính và cách triển khai các luận điểm nhằm hoàn thiện bài viết một cách hoàn chỉnh nhất. Mời các bạn cùng tham khảo!
1. Mở bài
– Dẫn dắt vấn đề: Chủ đề chí nam nhi “đầu đội trời, chân đạp đất” quen thuộc trong văn học
– Giới thiệu vấn đề: Đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) đã thể hiện vẻ đẹp, chí khí phi thường, mưu cầu nghiệp lớn của người anh hùng Từ Hải.
2. Thân bài
a) Hoàn cảnh Kiều gặp Từ Hải:
– Lần thứ hai khi Thúy Kiều bị đẩy vào lầu xanh thì may mắn Từ Hải xuất hiện và đưa nàng thoát khỏi cảnh ô nhục
– Từ Hải giúp nàng “báo ân, báo oán” và hai người đã có cuộc sống hạnh phúc
– Tuy nhiên, là người đàn ông có bản lĩnh lớn, không bằng lòng với cuộc sống êm đềm, Từ Hải đã quyết chí từ biệt Kiều ra đi
b) Xuất xứ: Từ câu 2213 – 2230
c) Cảm nhận về tác phẩm:
* Cảm nhận về bốn câu thơ đầu: Bối cảnh và lí do dẫn đến cuộc chia li giữa Kiều và Từ Hải
– Câu thơ đầu: “Nửa năm… nồng”: Kiều và Từ Hải chung sống với nhau mới có nửa năm nhưng vô cùng êm đềm, tận hưởng tình yêu nồng nàn, say đắm
– Những câu thơ tiếp: “Trượng phu… thẳng rong”:
+ “trượng phu”: Từ chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng
+ “động lòng bốn phương”: Chí hướng mà Từ Hải đang muốn tung hoành thiên hạ, vùng vẫy khắp nơi, quyết lập sự nghiệp phi thường
+ “thanh gươm… thẳng rong”: Tư thế ra đi đầy hiên ngang, dứt khoát, tự tin, làm chủ phương trời tự do
=> Hình ảnh con người hiện lên không hề nhỏ bé mà sánh ngang cùng vũ trụ rộng lớn
* Cảm nhận về 12 câu thơ tiếp: Cuộc đối thoại giữa Kiều và Từ Hải
– Tâm trạng của Thúy Kiều: “Nàng rằng… xin đi” => Không chỉ yêu mà còn hiểu, khâm phục, kính trọng Từ
+ “phận gái chữ tòng”: Quan niệm phong kiến “Phu xướng tùy phụ, xuất giá tòng phu” => Kiều nguyện gắn bó cuộc đời với Hải, ý thức được bổn phận của người vợ, một lòng níu giữ tình yêu và đi theo chồng.
– Thái độ của Từ Hải: “Từ rằng… nữ nhi thường tình”
+ Khuyên Kiều vượt lên thói nữ nhi thông thường, không muốn Kiều phải vất vả vì mình
+ Lời hứa “Bao giờ mười vạn tinh binh… rước nàng nghi gia”: Chàng muốn làm nên nghiệp lớn và hứa hẹn ngày trở về đón nàng
* Cảm nhận về hai câu thơ cuối: Thái độ kiên quyết “dứt áo ra đi” của Từ Hải
– Thái độ và cử chỉ vô cùng dứt khoát, mạnh mẽ: “Quyết lời… dặm khơi”
– Viễn cảnh không gian ra đi: “gió mây, dặm khơi” => Không gian kì vĩ, tự do, rộng lớn
– Hình ảnh “chim bằng”: Biểu tượng của người anh hùng có lí tưởng cao đẹp, phi thường sánh ngang cùng vũ trụ
=> Ước mơ về người anh hùng lí tưởng trong xã hội phong kiến của Nguyễn Du.
3. Kết bài
– Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích
– Nêu suy nghĩ và cảm xúc của bản thân về tác phẩm.
1. Mở bài
– Tác giả: Đại thi hào Nguyễn Du, là danh nhân văn hóa Việt Nam.
– Tác phẩm: Trích truyện Kiều nói lên tính cách và chí khí anh hùng của Từ Hải.
2. Thân bài
* Tính cách và chí khí anh hùng của Từ Hải
– Sống với Kiều được nửa năm thì Từ Hải đã nghĩ đến nghiệp lớn.
– “Động lòng bốn phương” công việc và chí lớn của người nam nhi.
– “Trượng phu” là để chỉ người đàn ông có chí khí, bậc anh hùng với hàm hàm nghĩa khâm phục, ca ngợi.
– “Thoắt” sự mau chóng trong việc thay đổi tâm trạng, dáng vẻ của Từ Hải.
-> Từ Hải đã thoát khỏi tình cảm cá nhân nhanh chóng đi làm việc lớn của cuộc đời.
– “Mênh mang” càng lộ ra độ rộng và cao của trời đất càng bật lên tư thế của chàng giữa vũ trụ rộng lớn.
– “Trông vời” cái nhìn rộng lớn, sáng suốt.
– Từ Hải một mình cưỡi ngựa lên đường thẳng dong, cho thấy ý chí quyết tâm và bản lĩnh của người anh hùng.
– Từ Hải ra đi không lưu luyến, bịn rịn tình cảm. Chàng coi Kiều như tâm phúc của mình nhưng không thể để tình cảm cá nhân ảnh hưởng đến nghiệp lớn.
* Lời hứa của Từ Hải với Kiều:
– Chàng hứa Kiều khi nào “bao giờ mười vạn tinh binh”, “tiếng chuông ngập đất bóng tinh rợp đường”, “Làm cho rõ mặt phi thường” sự nghiệp ổn định sẽ cưới nàng cho nàng cuộc sống hạnh phúc ấm no.
– Sự tự tin và khẳng định của Từ Hải: một năm sau sẽ mang vinh quang về, chàng rất tự tin và chắc chắn về chiến thắng của mình.
* Sự dứt khoát của Từ Hải:
– Chim bằng là loài chim của sự dũng mãnh, ý chí tác giả ví với Từ Hải, đã đến lúc chàng tung bay đôi cánh để tìm khát vọng của bản thân.
– “Dứt”, “quyết” khẳng định ý chí quyết tâm của Từ Hải.
* Nghệ thuật:
– Tính chất ước lệ tượng trưng theo lối văn học cổ trung đại, lời thơ sâu sắc.
3. Kết bài
Đoạn trích Chí khí anh hùng là đoạn trích hay và ý nghĩa. Ca ngợi chí làm trai, chí khí của bậc đại trượng phu, lí tưởng về người anh hùng mang lại ánh sáng tươi đẹp cho đời và tình cảm sâu sắc của Từ Hải và Kiều, những ước vọng đẹp cho tương lai.
Sập bẫy của Tú Bà, Thúy Kiều phải vào lầu xanh với tâm trạng:
“Vui là vui gượng kẻo là,
Ai tri âm đó mặn mà với ai?”
Tại đây, Kiều gặp Thúc Sinh, người được xem là “tri âm” đối với Kiều. Nhưng vì nhu nhược, Thúc Sinh không giữ được Kiều khiến nàng lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, và phải làm gái lầu xanh lần nữa.
Cuộc đời Kiều tưởng như bế tắc hoàn toàn thì Từ Hải bỗng xuất hiện và đưa Kiều thoát khỏi cảnh ô nhục. Hai người sống hạnh phúc “Trai anh hùng gái thuyền quyên – Phỉ quyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”. Nhưng Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm bên cạnh nàng Kiều tài sắc, chàng muốn có sự nghiệp lớn nên sau nửa năm đã từ biệt Kiều ra đi. Đoạn trích (từ câu 2213 đến câu 22300 bao gồm ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại cho thấy chí khí của Từ Hải.
Trong “Truyện Kiều”, nếu nhân vật Thúy Kiều được Nguyễn Du xây dựng như một biểu tượng cho cái đẹp tinh túy, lí tưởng của hiện thực cuộc sống thì nhân vật Từ Hải, qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”, lại được Nguyễn Du xây dựng như một hình tượng đầy tính chất lãng mạn, chất anh hùng ca. Mở đầu đoạn thơ.
Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.
Bốn câu thơ là lời của tác giả miêu tả về tâm trạng và hành vi của Từ Hải. Nhà thơ gọi Từ Hải là “trượng phu” – người đàn ông có tài, đáng trọng là đã thể hiện sự yêu quý trân trọng của ông với nhân vật này. Tình yêu và sự nghiệp, cả hai đều có trong con người của Từ Hải. Tình yêu ấy là “nửa năm hương lửa đương nồng”, sự nghiệp ấy là “động lòng bốn phương”. Những ngôn từ ước lệ ấy giúp người đọc nhận ra cả hai thứ tình ấy Từ Hải đều quý. Và chỉ ở bôn câu thơ trên mà xét thì “động lòng bốn phương”, muốn lập công danh sự nghiệp mạnh hơn “hương lửa đương nồng”. Cứ tưởng tượng ra hình ảnh của một tráng sĩ “râu hùm, hàm én, mày ngài” đứng khoanh tay lặng hướng tầm mắt vào cõi xa xăm thì người đọc sẽ hiểu phần nào tâm trạng lúc này của con người:
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”.
Những hình ảnh ước lệ, thậm xưng, đặc tả, kết hợp với các từ Hán Việt trang trọng, cùng với cách ngắt nhịp cân xứng, mạnh mẽ trong các dòng thơ chứa tầm vóc, tài năng, chí hướng nêu trên như đã khẳng định và in sâu tính cách một nhân vật phi thường với tâm hồn chứa chan lãng mạn ước mơ, tung hoành ngang dọc, muốn đổi thay thời thế nhân sinh… Trong ý nghĩa đó, phải chăng hình ảnh Từ Hải đã thành ước mơ khát vọng trong tâm hồn Nguyễn Du: Ông muốn cứu vớt đời Kiều, một tâm hồn, một vẻ đẹp, một tài năng tiêu biểu cho một tinh hoa của hiện thực cuộc đời?
Sau lời của nhà thơ viết về tâm trạng và quyết định của “trượng phu” là lời đối thoại của đôi vợ chồng. Kiều thì muốn hành động theo luân lí đạo Nho truyền thống nên đã tâm sự với Từ Hải:
Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.
Kiều một lòng xin được theo Từ trên từng bước chàng đi cho tròn luân lí mà Nho giáo đã định ra: Là phận nữ nhi thì “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Ca dao ta cũng có câu:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Đây là về lí luận. Thật ra có lẽ Kiều xin theo Từ Hải là vì tình, là vì sau bao năm bị vùi dập bởi sóng gió lầu xanh Kiều đã tìm được người bạn tri âm.
Nhưng với Từ Hải thì khác. Chàng đã đáp lại:
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”
Từ Hải đã có ý trách Kiều, nhưng đó là lời trách đầy yêu thương: Đã là người hiểu biết nhau sâu sắc đến vậy sao cứ giữ mãi nếp suy nghĩ nông cạn của người phụ nữ bình thường!
Sau lời trách nhẹ nhàng đầy tình thương yêu ấy, Từ Hải mới giải thích rõ ràng. Từ phải chiêu mộ binh sĩ giỏi, làm những việc xuất chúng. Người đọc có thể suy ra là Từ chiêu mộ tướng giỏi binh hùng để lập nước, trị quốc. Với công việc như thế thì
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đấy là một hiện thực trong đời của con nhà lính. Từ đã trình bày cho Kiều hiểu rõ ngọn nguồn. Đó là về lí, mà cái lí ấy Từ nêu ra cũng vì tình. Từ đã khuyên Kiều:
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”
Cùng với lời hứa:
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Với lí lẽ và lời hứa rõ ràng ấy chắc Kiều chẳng nói thêm được điều gì. Và dù có nói điều gì chăng nữa thì Từ Hải cũng:
Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bàng đã đến kì dặm khơi.
Mạnh dạn, dứt khoát và nhanh nhạy là vì nghĩa của hai câu thơ mang hình ảnh ước lệ trên. Đã một lần người đọc biết hành động cao đẹp nhanh gọn dứt khoát không tính toán của Từ Hải khi chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh. Nay cũng với tính cách ấy, Từ Hải hành động không chỉ vì tương lai của chàng mà còn vì cả Thúy Kiều. Trước mắt người đọc, hình ảnh Từ Hải cùng tinh binh phóng ngựa tiến về phía trước để lại đằng sau đám bụi mù thay cho hình ảnh ước lệ chim bằng bay lên cùng gió mây.
Đã hơn một lần Nguyễn Du tập trung khắc họa chân dung Từ Hải. Một chân dung mà ngoại hình thật khác thường.
“Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”.
Một chân dung mà tài năng cái thế:
“Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài”.
Một chân dung mà phong thái thật anh hùng, chí hướng bay bổng ước mơ:
“Đội trời, đạp đất ở đời”
Và bây giờ với đoạn trích Chí khí anh hùng, một lần nữa càng chứng tỏ tài miêu tả, khắc họa nhân vật của nhà thơ Nguyễn Du. Cũng với các biện pháp ước lệ, nghệ thuật tượng trưng kết hợp với đối thoại quen thuộc của thể văn cổ nhưng khi Nguyễn Du vận dụng vào việc khắc họa nhân vật Từ Hải. Trong đoạn trích trên thì nghệ thuật ấy lại được phối hợp sáng tạo tuyệt hảo để người đọc đâu thể dễ dàng quên ngay được một nhân vật cái thế anh hùng, một tâm hồn mang bao hoài vọng của nhà thơ.
—/—
Trên đây là Cảm nhận Chí khí anh hùng dàn ý do Top lời giải sưu tầm được, mong rằng với nội dung tham khảo này các em có thể triển khai bài văn của mình tốt nhất, chúc các em học tốt môn Văn!