/tmp/nfarn.jpg
Trong mối quan hệ giữa lịch sử và văn học, ta bắt gặp những thời điểm lịch sử đồng thời cũng là thời điểm văn học. Điều đó được minh chứng cụ thể qua Nam quốc sơn hà với chiến thắng sông Như Nguyệt, Hịch tướng sĩ với cuộc kháng chiến chống quân Nguyên mông lần hai và Bình ngô đại cáo cùng cuộc đại phá quân Minh toàn thắng. Thế nhưng Bình ngô đại cáo là trường hợp đặc biệt mà từ trước đến nay vẫn giữ vai trò như áng “thiên cổ hùng văn” không tiền khoáng hậu. Cảm hứng về độc lập dân tộc và tương lai đất nước đã hòa quyện và kết tinh thành sức mạnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong khổ thơ thứ ba.
Đại cáo bình Ngô được đặt dưới hai nguồn cảm hứng là cảm hứng chính trị và cảm hứng sáng tác. Cảm hứng chính trị đã đem đến cho dân tộc một bản tuyên ngôn độc lập hùng hồn, đanh thép. Cảm hứng sáng tác đã khơi nguồn cảm xúc đem đến một kiệt tác văn chương. Khi hai nguồn cảm hứng hòa quyện đã viết lên áng thiên cổ hùng văn mang đậm giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ. Khổ thơ thứ ba nêu bật ý chí quyết chiến quyết thắng của nhân dân Đại Việt.
Với cảm hứng dồi dào, phong phú tác giả đã dụng công khắc họa tháng ngày thắng lợi vẻ vang nhất. Bám vào sườn lịch sử để cuộc khởi nghĩa hiện lên với tất cả tính chất phong phú, lớn rộng, sinh động của nó. Bằng tài năng của mình, nguyễn Trãi đã tái hiện tất cả diễn biến trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa và tập trung chủ yếu làm nổi bật đời sống tâm lí của người anh hùng Lê Lợi. Khắc họa hình tượng Lê Lợi tác giả đã sử dụng điển “nếm mật nằm gai” nói về Việt Vương Câu Tiễn. Dường như chính cảm hứng anh hùng của dân tộc đã giúp tác giả xây dựng thành công chân dung người anh hùng Lê Lợi:
Ngẫm thù lớn há đội trời chung,
Căm giặc nước thề không cùng sống.
Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời;
Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.
Với hoài bão và bầu nhiệt huyết yêu nước, Lê Lợi cùng những chiến hữu đã vững tay chèo để vượt qua mọi gian nan thách thức, mọi gian khổ chông gai: thiếu nhân tài, thiếu lương thực… Nhưng hơn tất cả nhờ “tấm lòng cứu nước”, nhờ “gắng chí khắc phục gian nan” và nhờ “manh lệ chi đồ tứ lập”, “phụ tử chi binh nhất tâm” cuộc khởi nghĩa dần bước qua khó khăn để buổi đầu đi đến cuộc tổng tiến công giành thắng lợi.
Xét về khoảng thời gian lịch sử từ năm 1418 đến 1424 là sáu năm “đau khổ” được nhắc đến bằng hai sự kiện:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần
Khi Khôi Huyện quân không một đội
Nó không chỉ tiêu biểu cho buổi gian lao của cuộc chiến mà còn nổi bật với tinh thần lạc quan của người dân: lạc quan ngay trong hoàn cảnh đen tối, tin tưởng ngay khi tạm thời thất bại. Chúng ta vững ý chí, chúng ta chắc niềm tin vì tin tưởng nhân dân, vì biết phát huy sức mạnh của dân, đặc biệt là tầng lớp manh lệ:
Yết can vi kì, manh lệ chi đồ tứ lập
Đầu giao hưởng sĩ, phụ tử chi binh nhất tâm
Đó là tư tưởng lớn mà mãi sau này đến khi Nguyễn Đình Chiểu ta mới một lần nữa thấy nhân dân tấp nập. Trong bản tuyên ngôn như Bình ngô đại cáo những người manh lệ được nhắc đến công khai và đầy trịnh trọng “cũng là chưa thấy xưa nay”.
Hai câu thơ có ý nghĩa như bản lề chuyển tiếp:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Có thể nói sau bao suy tư, chiêm nghiệm, bao đớn đau, căm giận, sau bao lo lắng quyết tâm đến lúc này tâm trạng tác giả mới thả lỏng đến hả hê, sảng khoái. Bao trùm đoạn văn là những hình tượng phong phú, đa dạng được đo bằng thiên nhiên tráng lệ, kì vĩ tiếp theo là vẽ ra khung cảnh chiến thắng “sấm vang chớp giật”, “trúc trẻ cho bay”, “sạch không kình ngạc”, “tan tác chim muông”, “trút sạch lá khô” khiến “đá núi cũng mòn”, “nước sông cũng phải cạn”. Bên cạnh chiến công lẫy lừng của quân và dân ta là thất bại ê chề của tướng giặc khi “máu chảy thành sông”, “máu trôi đỏ nước”, “thây chất đầy nội”, “thây chất đầy đường”. Chiến trường khi ấy tan tác trăm bề, thời gian, không gian như đắm chìm trong thuốc súng, khói bom “sắc phong vân phải đổi”, “ánh phật nguyệt phải mờ” với những chuyển rung dồn dập, dữ dội. Các tính từ chỉ mức độ ở điểm tối đa tạo thành hai mảng đối lập.
Bức tranh toàn cảnh về thất bại ê chề của kẻ thù thì mỗi tên một vẻ, mỗi đứa một cảnh: Trần Hiệp phải chịu bêu đầu,… và gặp nhau ở một điểm là sự ham sống sợ chết đến hèn nhát. Qua hình tượng kẻ thù hèn nhát và được tha tội chết đã nêu bật tính chất chính nghĩa, nhân đạo sáng ngời của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn:
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận, sạch không kinh ngạc
Đánh hai trận, tan tác chim muông.
Sự dồn dập như xương sống của đoạn văn để hòa quyện giữa hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu nhằm miêu tả một cách chân thật cuộc tổng phản công thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn.
Bên cạnh đó, hình tượng kẻ thù thảm hại, bi thương, nhục nhã càng tăng thêm khí thế hào hùng của khởi nghĩa. Qua hình tượng kẻ thù hèn nhát và được tha tội chết, được ưu ái tạo mọi điều kiện tiếp tục sống, Nguyễn Trãi càng làm nổi bật tính chất chính nghĩa, tư tưởng nhân nghĩa, nhân đạo sáng người của khởi nghĩa Lam Sơn.
Quả đúng, 4000 năm lịch sử đã vẽ lên trang sử hào hùng, đã phản ánh vào trong văn học thông qua những nhà văn, nhà thơ lớn và đồng thời cũng là những anh hùng của dân tộc. Trong lời tuyên bố kết thúc, cảm hứng về độc lập dân tộc và tương lai đất nước đã hòa quyện cảm hứng về vũ trụ khi “bỉ”, khi “hối” nhưng không nằm ngoài quy luật hướng tới sự sáng tươi, xây dựng “đài xuân dân tộc” khi vận hội duy tân đã mở.