/tmp/rlrbb.jpg
Từ ấu thơ, ta lớn lên trong tiếng ru ầu ơ của mẹ, trong câu hát em thơ và những chuyện ngày xửa ngày xưa bà thường hay kể. Ta biết mẹ Âu Cơ sinh con từ bọc trăm trứng, biết Sơn Tinh –Thủy Tinh giao tranh vì nàng công chúa xinh đẹp, kiều diễm, biết Thánh Gióng lớn lên cầm tre mà đánh giặc và ta cũng biết cô Tấm nết na bước ra từ quả thị. Câu chuyện về Tấm một lần nữa được gợi nhớ trong tác phẩm Tấm Cám.
Tục ngữ có câu “Cha chết ăn cơm với cá, mẹ chết liếm lá đầu chợ”, nó như là minh chứng cho nỗi thiệt thòi của đứa trẻ thiếu mẹ. Tất cả những cơ hành tấm phải chịu đựng đều đến từ sự tàn nhẫn, ích kỉ của mẹ con Cám. Tấm chọn sự câm lặng, dùng giọt nước mắt để vơi bớt tủi thân. Cuộc thi để có được yếm đào càng khẳng định với Tấm mỗi món đồ nhỏ bé đều quý trọng. Tấm khóc không chỉ vì nỗi thương mình mà còn bởi chút hi vọng được nhận yêu thương cũng tan biến mất. Đến chú bống bé nhỏ bầu bạn với Tấm cũng bị giết, Tấm lại khóc. Với cô gái mồ côi không được nhận sự chăm sóc nào như Tấm thì việc cô nuôi cá bống cũng như đang vun vén cho chính cuộc đời mình, như để tìm tiếng nói đồng điệu, đồng cảm. Vì vậy, việc giết bống cũng như dập tan nơi tựa của cô gái đơn côi. Lần thứ ba, khi mọi người từ già đến trẻ, từ giàu đến nghèo đều được đi hội, đều hòa vào dòng người đầy vui tươi náo nhiệt thì tấm lẻ loi giữa chính cuộc đời. Mẹ con cám dùng mọi âm mưu cản bước chân Tấm. Nỗi đau và sự tủi thân được đẩy lên cao trào, uất ức đến tận cùng, Tấm lại khóc.
Mỗi khi Tấm gặp khó khăn hay đau khổ, Bụt đều dang rộng tay mà nâng đỡ. Không có yếm đào, Tấm được tặng cá bống. Mẹ con Cám làm khó, Bụt cho chim sẻ đến giúp Tấm. Bụt đã được dân gian hoá, trở thành ông lão hiền lành, tốt bụng, hóa phép cho số phận hẩm hiu cho người nghèo. Không chỉ Bụt mà những con vật nhỏ bé bên cạnh cũng góp công không nhỏ giúp cô trên đường tới hạnh phúc. Rõ ràng, việc Tấm trở thành hoàng hậu là hoàn toàn hợp lý, đó chính là hạnh phúc tươi đẹp và xứng đáng nhất.
Tấm đã có hạnh phúc nhưng hạnh phúc ấy sẽ không vẹn nguyên, sẽ méo mó khi có sự tồn tại của mẹ con Cám. Cái chết nhục nhã và đau đớn của mẹ con Cám là hậu quả của hành động tàn nhẫn với tâm địa độc ác bởi người xưa thường nói “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Riêng Tấm được sống lại với bình yên, được trở về hạnh phúc sau bao thử thách, bao chông gai, bao cố gắng và quyết tâm. Có lẽ chính tinh thần, ý chí và sự bền bỉ của con người đã chiến thắng mọi gian ác. Cuộc sống là cuộc hành trình đầy gian lao mà ta phải gồng mình gánh vác, đấu tranh vì hai từ “hạnh phúc”. Ta cũng thấy một cái kết có hậu đậm tính nhân văn làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm. Ta phải biết trân trọng và gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, đừng nên chạy theo những xa vời, mơ hồ bởi mọi yên bình và tốt đẹp đều nằm trong tay ta và tồn tại ngay trong cuộc sống thường ngày. Đúng như dân gian có câu:
“Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta,
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay người đó là định luật,
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam”.
Chim vàng anh, cây xoan đào (khung cửi), cây thị (quả thị) là hình hài Tấm hóa thân, cũng là linh hồn của làng quê với tất cả mộc mạc trong cuộc sống dân dã làm nên ấn tượng thẩm mĩ cho câu chuyện. Nếu như ở phần đầu truyện, mỗi lần Tấm khóc Bụt đều dang rộng vòng tay cưu mang thì càng đến cuối chuyện, Tấm không còn nhờ cậy vào bất kì phép màu nào mà cứng rắn, kiên quyết hành động đến cùng. Cũng chính nhân dân lao động, những người có thân phận như Tấm đang dùng hết sức mình, oằn mình trước thử thách, vững bước trước gian lao để bảo vệ hai chữ hạnh phúc được tròn đầy. Qủa đúng, hạnh phúc chỉ bền chặt khi ta biết dũng cảm giành và giữ lấy. Vì vậy, nếu lúc đầu mỗi lần Tấm uất ức chỉ biết ngồi khóc, còn Bụt làm thay tất cả, thì đến đây chim vàng anh, khung cửi, quả thị (yếu tố kì ảo) không thay Tấm trong cuộc chiến đấu mà chính nó là hình hài giúp tấm trở về quyết liệt hơn.
Sau hành trình đầy gian lao, sau cuộc chiến không khoan nhượng, Tấm trở lại với dịu hiền, với thương yêu trong hình ảnh miếng trầu têm cánh phượng. Miếng trầu là hình ảnh rất quen thuộc trong đời sống văn hoá Việt Nam, gắn với phong tục hôn nhân người Việt “Miếng trầu nên dâu nhà người”, “Miếng trầu ăn ngọt như đường, đã ăn lấy của phải thương lấy người”…
Có lẽ cô Tấm đã trở thành “nàng thơ” trong trái tim mỗi người với tất cả xinh đẹp, dịu dàng, đoan trang, mạnh mẽ, quyết liệt. Chính cuộc đời Tấm và chặng đường đấu tranh của cô càng khẳng định chân lý cuộc sống là một cuộc hành trình có cả những vấp ngã chông gai, những tủi hờn, hành động hôm nay sẽ quyết định hạnh phúc của mai sau.
Các bài viết liên quan khác: