/tmp/mlonb.jpg
Nội dung bài viết
– Y Phương sinh năm 1948, tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, dân tộc Tày, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
– Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Cao Bằng.
Từ năm 1993, ông là chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi.
– Cảm hứng chủ đạo trong thơ Y Phương là gia đình, quê hương, đất nước.
– Phong cách sáng tác: Ngôn ngữ thơ giản dị, hồn nhiên, in đậm lối tư duy của người vùng cao; hình ảnh phong phú, mang giá trị biểu tượng…
1. Thể loại: thơ tự do
2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
– Bài thơ được sáng tác năm 1980, 5 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đó là giai đoạn mà đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào miền núi nói riêng còn rất nhiều khó khăn, vất vả.
– Bài thơ được in trong tập “Thơ Việt Nam” (1945 – 1985).
3. Bố cục: 2 phần
– Phần 1 (từ đầu đến “ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”): Con lớn lên trong tình yêu thương nâng đỡ của cha mẹ trong đời sống lao động của quê hương.
– Phần 2 (còn lại) : Lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ bền bỉ với truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống đó.
4. Giá trị nội dung
Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
5. Giá trị nghệ thuật
– Giọng điệu trìu mến tha thiết, thể hiện qua lời tâm sự của cha với con, của thế hệ đi trước với thế hệ mai sau.
– Thể thơ tự do làm cho cảm xúc cụ thể, rõ ràng.
– Nhịp điệu lúc nhẹ nhàng bay bổng, khi khúc chiết rành rọt, lúc mạnh mẽ âm vang
– Ngôn ngữ cụ thể mà giàu khái quát, bao hàm nhiều ý nghĩa, hình ảnh thơ độc đáo.
1. Hình ảnh em bé lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ
– Hình ảnh đứa trẻ tập đi được miêu tả giản dị, mộc mạc: Chân phải bước tới cha/ Chân trái bước tới mẹ.
– Tiếng nói, tiếng cười: hình ảnh của một gia đình đầm ấm, hạnh phúc.
⇒ tình yêu con của cha mẹ là vô hạn, chăm chút, dõi theo con từ những bước đi đầu đời.
2. Lời cha mẹ dạy con về những đức tính cần có trong cuộc sống
– Sống vui tươi, thân thiện, biết ơn:
+ Hồn nhiên, yêu đời, yêu lao động: cài nan hoa khi đan lờ bắt cá, luôn ca hát trong lao động.
+ Con người sống dựa vào tự nhiên, biết ơn tự nhiên: “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”.
+ Con người không thể sống một mình: ngày cưới của cha mẹ là ngày “đầu tiên đẹp nhất trên đời” và kết tinh đẹp nhất chính là đứa con.
⇒ Giọng thơ xúc động, vui tươi, cha mẹ vừa nói với con vừa như nhớ lại những kỉ niệm của mình.
– Sống kiên cường, hiên ngang, không quản gian khó:
+ Mong con học được sự kiên cường của “người đồng mình”: vượt qua những nỗi đau để nuôi chí làm việc lớn.
+ Sống phải biết ơn những hi sinh của cha ông đời trước đã xây dựng quê hương, không chê quê hương nguồn cội, không quản gian khó: “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”.
+ Cha mẹ mong con có đủ sức mạnh thể chất và tinh thần như “người đồng mình”: “thô sơ da thịt”, “chẳng mấy ai nhỏ bé”; có thể “Lên thác xuống ghềnh”, “Không lo cực nhọc”.
– Sống có ích, xây dựng quê hương và luôn ghi nhớ truyền thống, nguồn cội: “tự đục đá kê cao quê hương”, “quê hương thì làm phong tục” đó là mối quan hệ mật thiết giữa con người với quê hương đất nước. Con người xây dựng nên quê hương, tạo ra phong tục tập quán rồi chính quê hương là nơi lưu giữ những phong tục ấy.
⇒ Cha mẹ mong đứa con hãy “Sống như sông như suối”, luôn trôi chảy, luôn phát triển, nhưng những giá trị quan trọng của dân tộc thì không thể quên.
3. Lời dặn dò con về bản lĩnh làm người khi ra cuộc đời
– Lời dặn dò cuối cùng cha mẹ muốn nói với đứa con: “tuy thô sơ da thịt” nhưng khi rời khỏi gia đình, tự lập trong cuộc sống thì “không bao giờ nhỏ bé được”. Con người không phải máy móc, chỉ là da thịt “thô sơ” có thể chịu tổn thương, có thể ốm đau bệnh tật, mệt mỏi, nhưng phải cố gắng sống hiên ngang, không “nhỏ bé” khuất phục cái xấu, cái bất công, không “nhỏ bé” chấp nhận chịu sống cúi đầu, như ông cha ta ngàn đời nay.
– “Nghe con”: câu thơ cuối như tiếng lòng của cha mẹ, đầy yêu thương, hi vọng, lo lắng, mong con sẽ trưởng thành một người sống hạnh phúc, tự do, sống có ích.