/tmp/jctnr.jpg
Tuyển chọn những bài văn hay Mở bài Chị em Thúy Kiều trong tác phẩm Truyện Kiều. Với những bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du là một trong những tác phẩm xứng tầm kiệt tác trong nền văn học Việt Nam. Bên cạnh bút pháp tả cảnh thì nghệ thuật tả người cũng là yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm. Điều này đã được thể hiện rõ qua trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc phần “Gặp gỡ và đính ước”. Thông qua những câu thơ giàu chất tạo hình và ngòi bút thiên về sự ngợi ca tài năng, vẻ đẹp của con người xuất phát từ cảm hứng nhân đạo, nhân văn vô cùng cao đẹp, tác giả Nguyễn Du đã phác họa thành công bức chân dung của chị em Thúy Kiều, đồng thời gửi gắm những dự cảm sâu sắc về cuộc đời của nhân vật.
Một trong những đặc trưng nổi bật của thi pháp văn học trung đại là lấy thiên nhiên làm thước đo chuẩn mực để miêu tả, khắc họa và đánh giá vẻ đẹp của con người. Quan điểm này đã chi phối và có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều sáng tác tiêu biểu của các tác giả thuộc nền văn học trung đại, trong đó trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” thuộc kiệt tác “Truyện Kiều” là minh chứng tiêu biểu thể hiện rõ điều này. Qua đoạn trích, chúng ta có thể thấy được tài năng của tác giả Nguyễn Du trong việc miêu tả, khắc họa chân dung nhân vật thông qua vẻ đẹp về ngoại hình, tài năng, trí tuệ, cốt cách cùng dự cảm về cuộc đời, số phận của chị em Thúy Kiều.
Sử dụng bút pháp miêu tả ước lệ tượng trưng của văn học cổ điển, với ngòi bút tài hoa, chắt lọc, trau chuốt ngôn từ, Nguyễn Du đã khắc hoạ thật sinh động hai bức chân dung Thúy Vân và Thúy Kiều, mỗi người một vẻ đẹp riêng, toát lên từ tính cách, từng số phận riêng, không lẫn vào nhau, không thể phai nhạt trong tâm hồn người đọc. Đây là thành công trong bút pháp nghệ thuật miêu tả người của Nguyễn Du. Đã hơn hai thế kỉ rồi, với truyện Kiều và nghẹ thuật tả người đặc sắc, tinh tế của Nguyễn Du, đẫ là bậc thầy làm rung động và sự cảm phục, trân trọng của bao thế hệ đối với đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Trong bài thơ Kính gửi Cụ Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu viết:
Tiếng thơ ai động đất trời,
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu.
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du,
Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày…
Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc ta. Truyện Kiều là kiệt tác của nền thi ca cổ dân tộc sáng ngời tinh thần nhân đạo, về phương diện nghệ thuật, áng thơ này là mẫu mực tuyệt vời về ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, tả tình, tự sự v.v… đem lại cho nhân dân ta nhiều thú vị văn chương. Đoạn thơ giới thiệu Chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong Truyện Kiều.
Chị em Thúy Kiều” nằm trong phần đầu của tác phẩm “Truyện Kiều” . Với bút pháp tả người bậc thầy Nguyễn Du không chỉ làm bật lên vẻ đẹp riêng biệt của hai nàng Kiều mà qua đó còn cho người đọc thấy số phận của hai nàng trong tương lai. Quả là một đại thi hào của dân tộc.
“Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” chính là câu thơ toàn vẹn và khái quát nhất trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều, vẫn còn được lưu truyền và sử dụng cho đến ngày này để ca ngợi nhan sắc của những người con gái đẹp. Có thể nói chỉ là một câu thơ ngắn của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng bút pháp dụng từ và hàm ý miêu tả của ông lại vô cùng đặc sắc và tinh tế, mang lại cho người đọc cả cảm giác lẫn hình ảnh hiện ra trước mắt.
“Truyện Kiều” hay còn được gọi là “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng nghe mới kêu đứt ruột” là một kiệt tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du. Số phận và vẻ đẹp của Kiều – kiếp hồng nhan mà bạc mệnh – được Nguyễn Du khắc họa rõ nét trong tác phẩm. Đặc biệt là đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, Nguyễn Du đã miêu tả được vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều và đồng thời cũng dự cảm về số phận tương lai của họ.
“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du không chỉ là kiệt tác bất hủ của nền văn học trung đại mà còn là của cả nền văn học Việt Nam. Với những giá trị nội dung tư tưởng lớn, mang tính hiện thực sâu sắc, phản ánh, lên án sự bất công, tàn ác của chế độ phong kiến và số phận bất hạnh của người phụ nữ. Đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo, cảm thương sâu sắc cho số phận con người, đặc biệt là phận nhi nữ, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ dưới chế độ cũ.
—/—
Với các bài văn mẫu Mở bài Chị em Thúy Kiều do Top lời giải sưu tầm và biên soạn trên đây, hy vọng các em sẽ có thêm những góc nhìn mới mẻ và có cái nhìn tổng quát hơn về tác phẩm. Chúc các em làm bài tốt!