/tmp/dyvpt.jpg
Tuyển chọn những bài văn hay Cảm nhận về nhân vật Phương Định. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết
Là con gái Hà Nội vào chiến trường đánh giặc, Phương Định mang theo những kỉ niệm đẹp của một thời học sinh vô tư lự bên người mẹ và những hình ảnh, những kỉ niệm thân thương của vùng đất Hà thành. Ở chiến trường 3 năm, cô đã quen với những thử thách nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với cái chết, nhưng lại không hề mất đi sự hồn nhiên, trong sáng, cỗ vẫn luôn mơ mộng, thích được ca hát. Cô xinh đẹp, đầy nữ tính, biết điệu đà làm dáng nhưng lại rất kín đáo, tế nhị, có chiều sâu trong tình cảm và tự trọng về bản thân mình. Biết mình được các anh lính để mắt, điều đó khiến cô vui và tự hào nhưng cô không hề tỏ ra vồn vã, săn đón. Cô yêu mến đồng đội, đặc biệt là hai người bạn gái cùng tổ. Cô cũng yêu mến và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn. Cuộc sống chiến đấu đối mặt với kẻ thù hàng ngày, thần chết luôn đe doạ từng giây phút đã rèn luyện cho cô gái Hà thành đức tính dũng cảm, gan dạ, tự tin để hoàn thành mọi nhiệm vụ. Công việc hàng ngày của cô và đồng đội vô cùng nguy hiểm: phá bom, ít nhất là 3 quả, có ngày 5 quả nhưng trong giọng kể của cô lại là điều vô cùng hiển nhiên, dễ dàng. Vậy đấy, Lê Minh Khuê đã xây dựng một Phương Định vô cùng chân thực, sinh động trong mắt người đọc, và được coi là một trong các đại diện của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hình ảnh Phương Định – một trong ba cô gái của “tổ trinh sát mặt đường” trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” đã được nhà văn Lê Minh Khuê khắc họa rất thành công. Thật vậy, hình ảnh Phương Định hiện lên vô cùng đáng yêu đáng mến, một cô gái Hà Nội xinh xắn nhưng chỉ khiêm tốn nhận mình là “khá” với “hai bím tóc dày, tương đối mềm”, “cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn”, còn đôi mắt, đôi mắt tuyệt đẹp, đôi mắt mà các anh lái xe vẫn hết lời khen ngợi “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Một vẻ đẹp thật nữ tính và có chiều sâu! Bước chân vào chiến trường, hành trang duy nhất mang theo là những kỉ niệm về những ngày tháng hồn nhiên của thời thiếu nữ bên gia đình trong “một căn nhà nhỏ” để rồi cô chợt nhớ nhà, nhớ mẹ, “nhớ những ngôi sao to trên bầu trời thành phố”, “cái vòm tròn nhà hát” hoặc “bà bán kem…”…Tất cả như ùa về trong giây lát. Phải chăng chính những kỉ niệm hồn nhiên, trong sáng của thời thiếu nữ nơi quê nhà thân thương ấy đã làm dịu mát lòng cô ngay giữa chiến trường bom đạn ác liệt? Phương Định còn rất thích hát, cô thích “dân ca quan họ mềm mại dịu dàng”, “thích Ca-chiu-sa của Hồng Quân Liên Xô”, thích “dân ca Ý trữ tình giàu có”. Cô hát với một niềm lạc quan, yêu đời tha thiết, tiếng hát át tiếng bom, và cái ác liệt của chiến tranh cũng đâu thể ngăn cản được niềm vui thích rất đỗi ngây thơ đến trẻ con của Định, cô “vui thích cuống cuồng” khi bắt gặp một trận mưa đá trên cao điểm. Chao ôi, có ai ngờ rằng ở người con gái tưởng chừng như kiêu kì ấy lại có một tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn ruột thịt như chị em hơn bao giờ hết với Nho và cả chị Thao nữa. Không những thế, Phương Định còn là một nữ thanh niên xung phong hết sức can trường quả cảm, cô rời chiếc ghế nhà trường xung phong vào phục vụ tuyến đường Trường Sơn máu lửa để rồi từng ngày chạy trên cao điểm, từng giờ từng phút đếm bom rơi, bom nổ, ước lượng khối đất đá lấp vào hố bom, thậm chí phá bom nếu cần. Ngày ngày phải đối mặt với Tử thần nhưng dường như cô không hề quan tâm đến cái chết, cô luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu và hoàn thành tốt công việc. Đọc “Những ngôi sao xa xôi” ta như thấy được ở người con gái ấy hình ảnh của cả thế hệ thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước “Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Và những trang văn của Lê Minh Khuê đã khép lại nhưng hình ảnh một cô gái Hà Nội với “hai bím tóc dày” đang “ngồi bó gối mơ màng” bên khung cửa sổ vẫn còn mãi trong lòng người đọc.
Trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ chống Mĩ cứu nước, biết bao thế hệ thanh niên đã lên đường ra trận. Họ đến từ những miền quê, vùng đất khác nhau nhưng đều mang trong mình một lí tưởng cao đẹp, một ý chí chiến đấu kiên cường. Phương Định là cô gái được Lê Minh Khuê khắc họa với những nét đẹp đáng trân quý. Là cô gái đến từ mảnh đất thị thành, cô rất quan tâm đến hình thức bên ngoài, biết có nhiều người thích nhưng cô vô kín đáo và tế nhị. Cô mang một tâm hồn mộng mơ và lãng mạn, thích hát những bài hát dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Hay nhớ về những kỉ niệm ngọt ngào trong quá khứ hoặc say sư tận hưởng những cơn mưa. Cô hồn nhiên, trong trẻo như đóa hoa vừa chớm nở giữ sớm tinh khôi. Thế nhưng, khi đối diện với công việc, cô là người mang những phẩm chất anh hùng. Phương Định có tinh thần dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh thực hiện từng thao tác phá bom. Cô còn rất quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho đồng đội khi bị thương trong chiến đấu như chị em thân thiết một nhà. Một đóa hoa vẹn cả sắc hương, vừa mang nét duyên dáng, đáng yêu con gái nhưng vẫn sáng ngời phẩm chất của người anh hùng cách mạng. Có thể nói, Những ngôi sao xa xôi đã khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn của thanh niên Hà Nội qua hình ảnh Phương Định dũng cảm gan dạ mà cũng thật trong trẻo, mộng mơ.
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê kể về 3 cô gái trong tổ trinh sát mặt đường là Phương Định, Nho và chị Thao, trong đó người đem lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất có lẽ là cô gái trẻ Phương Định. Cô là con gái Hà Nội, là một người hồn nhiên yêu đời và giàu cá tính. Cô rất hay hát, cô có thể hát ngay cả khi sống trong chiến trường đầy bom đạn. Tuy nhiên cô cũng là một người rất cẩn thận và vô cùng can đảm. Trong công việc phá bom đầy nguy hiểm và căng thẳng, chỉ một sai lầm nhỏ có thể dẫn đến chết người nhưng cô vẫn lại hết sức bình tĩnh và thật khéo léo. Cô kể về công việc phá bom hàng ngày với giọng điệu bình thường, như thể đó chỉ là một việc làm thường xuyên thôi vậy. Cô cũng hết lòng yêu thương đồng đội, khi Nho bị thương cô đã tận tình chăm sóc chu đáo. Vậy đó, chỉ với những áng văn đơn giản, Lê Minh Khuê đã ghi dấu ấn trong lòng người đọc về một cô gái trẻ đáng khâm phục trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thời bấy giờ.
Nếu ai đã từng đọc tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, hẳn không thể nào quên được hình ảnh của ba cô gái xinh đẹp Phương Định, Nho và Thao, đặc biệt là Phương Định. Cô là một cô gái trẻ người Hà thành, yêu đời, hồn nhiên nhưng cũng rất giàu cá tính. Đến với chiến trường bom đạn khốc liệt nhưng hành trang trong cô lại là sự hồn nhiên trong sáng, mơ mộng, là những kỉ niệm về một thời học sinh thơ ngây, những kỉ niệm ngày còn bên mẹ ở quê hương. Cô thiếu nữ Phương Định ấy, ngay giữa bom rơi đạn nổ vẫn hồn nhiên, vô tư, thích ca hát, thích được làm dáng, thích được thêu thùa. Ở cô, người ta thấy một chiều sâu của một tâm hồn tràn đầy tình cảm và một sự tự trọng rất bản năng của người con gái. Sống cùng với hai người bạn chiến đấu, cô gắn kết với họ bằng tình cảm nồng thắm, chân thật. Sống giữa chiến trường, cũng là một người chiến sĩ nhưng Phương Định vẫn cảm phục những người chiến sĩ Trường Sơn quả cảm, anh dũng. Ở nơi đây, công việc của cô cùng hai người bạn là phá bom, mở đường, ngày ba quả, ngày năm quả. Tưởng chừng như cái chết luôn bủa vây lấy cuộc sống của những cô gái trẻ ấy khiến họ mất đi niềm vui, nhưng không, nó chỉ giúp tôi luyện nên một Phương Định bản lĩnh và dũng cảm hơn người. Phương Định vẫn luôn như thế, vẫn thích ca hát, vẫn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ và vẫn hồn nhiên như thế. Phương Định – cô gái ấy đã được tác giả Lê Minh Khuê dựng lên rất chân thực, rất sinh động về hình ảnh những cô gái mở đường – những nữ giải phóng quân đại diện cho tuổi trẻ chống Mỹ cứu nước.
Hình ảnh những người nữ thanh niên xung phong – “tổ trinh sát mặt đường” luôn được gợi nhắc trong nhiều tác phẩm, trong đó có Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê và nhân vật Phương Định. Hiện lên trong tác phẩm, Phương Định được giới thiệu như một cô gái người Hà thành, còn rất trẻ, vừa rời ghế nhà trường. Thế nên, điều đầu tiên người ta thấy ở cô là một sự trong sáng, hồn nhiên, thân thương đến vô cùng. Đến với chiến trường, giáp mặt với cái chết hàng giờ, thế nhưng, cô chưa bao giờ thôi mơ mộng, chưa bao giờ từ bỏ niềm yêu thích ca hát. Mang trong mình hành trang vào thời chiến là những kỉ niệm về bạn bè, thầy cô, mái trường, về người mẹ thân yêu, cô trở thành một trong ba cô gái gan dạ nhất tuyến đường Trường Sơn này. Nhiệm vụ của cô là phá bom, ngày ba quả, có ngày năm quả, thế nhưng, nó chẳng làm cho cô mất đi sự nữ tính, trong sáng và xinh đẹp của mình. Cô yêu mến đồng đội, cảm phục những người lính mà cô gặp trên tuyến đường này bằng tất cả sự trong sáng, hồn nhiên của mình. Lê Minh Khuê thật xuất sắc khi dựng lên một Phương Định giàu sức sống, chân thực, gan dạ và dũng cảm đến như thế! Tác phẩm khép lại, chúng ta vẫn chẳng thể nào quên hình ảnh của cô gái Hà thành với “hai bím tóc dày” “ngồi bó gối mơ màng” khung cửa sổ ấy và hình ảnh người nữ thanh niên xung phong xinh đẹp đang trong giây phút phá bom nghẹt thở đáng vô cùng ấy.
Cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước đã kết thúc từ lâu, thế nhưng hàng ngàn, hàng vạn những con người Việt Nam đã phải ngã xuống để giành lấy sự tự do đó. Trong các tác phẩm viết về những người lính, những cô gái thanh niên xung phong, thì Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê là một tác phẩm được nhiều người ưa thích. Bởi nó mang một sự trong trẻo, đáng yêu lạ thường mà điều đó đến từ Phương Định – nhân vật chính trong câu chuyện. Phương Định là một trong ba người nữ thanh niên xung phong làm công tác phá bom trên tuyến đường Trường Sơn. Cô là một thiếu nữ trẻ, người Hà thành vừa rời ghế nhà trường chưa được bao lâu. Chắc vì vậy mà Phương Định luôn mang trong mình một sự hồn nhiên, vô tư đến lạ lùng dù ở nơi chiến trường bom đạn khốc liệt này. Hành trang vào chiến trường của cô thật đặc biệt, đó là những kỉ niệm về thầy cô, bạn bè nơi trường học, là những kỉ niệm về người mẹ thân yêu. Giáp mặt với cái chết hàng ngày, bởi mỗi ngày cô phải phá ít thì ba quả bom, có ngày năm quả, nhưng cô vẫn luôn giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo và niềm yêu thích với ca hát. Thế nhưng, Phương Định cũng có cá tính riêng của mình, cô nữ tính, biết điệu đà làm dáng, thế nhưng khi được các anh lính để mắt, dù vui thích và tự hào, cô cũng chẳng vồn vã, săn đón. Đó là cá tính riêng của Phương Định. Cô yêu mến mảnh đất mình đang công tác, yêu mến đồng đội và thầm khâm phục tất cả những người lính cô gặp trên tuyến đường Trường Sơn này. Giáp mặt với thần chết từng phút giây đã tôi luyện lên một thiếu nữ Hà thành trong sáng là thế nhưng gan dạ, dũng cảm bậc nhất. Lê Minh Khuê đã thật thành công khi dựng lên hình ảnh một Phương Định đáng yêu là thế, nhưng cũng đầy tự tin, dũng cảm, xứng đáng là một gương mặt tiêu biểu cho lớp thanh niên trí thức tham gia kháng chiến chống Mỹ.
—/—
Trên đây là một số bài văn mẫu Cảm nhận về nhân vật Phương Định mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!