/tmp/sdkvl.jpg
Nội dung bài viết
Khái niệm về chất và khái niệm về lượng
Bất cứ sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm hai mặt chất và lượng. Hai mặt đó thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng.
Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính làm cho sự vật là nó chứ không phải là cái khác.
Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật.
Mối quan hệ biện chứng giữa lượng và chất
Bất kỳ sự vật hay hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa mặt chất và mặt lượng, chúng tác động qua lại lẫn nhau. Trong sự vật, quy định về lượng không bao giờ tồn tại nếu không có tính quy định về chất và ngược lại. Vì vậy, sự thay đổi về lượng của sự vật có ảnh hưởng đến sự thay đổi về chất của nó và ngược lại, sự thay đổi về chất của sự vật tương ứng với thay đổi về lượng của nó.
Sự biến đổi về lượng có thể xảy ra theo hai hướng: sự tăng lên hoặc giảm đi về lượng dẫn đến sự biến đổi ngay hoặc thay đổi dần dần về chất. Do chất là cái tương đối ổn định còn lượng là cái thường xuyên biến đổi nên ở một giới hạn nhất định khi lượng của sự vật thay đổi chưa dẫn đến sự thay đổi về chất của nó. Giới hạn đó được gọi là độ.
Độ là phạm trù triết học dùng để chỉ khoảng giới hạn mà ở đó sự thay đổi về lượng của sự vật chưa làm thay đổi căn bản chất của sự vật ấy. Độ là mối liên hệ giữa lượng và chất của sự vật, ở đó thể hiện sự thống nhất giữa chất và lượng của sự vật. Trong độ, sự vật vẫn là nó chứ chưa biến thành cái khác.
Sự vận động, biến đổi của sự vật, hiện tượng thường bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Khi lượng thay đổi đến một giới hạn nhất định thì sẽ dẫn đến sự thay đổi căn bản về chất. Giới hạn đó chính là điểm nút.
Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ thời điểm mà tại đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật. Sự vật tích lũy đủ về lượng tại điểm nút sẽ làm cho chất mới của nó ra đời. Lượng mới và chất mới của sự vật thống nhất với nhau tạo nên độ mới và điểm nút mới của sự vật đó, quá trình này diễn ra liên tếp trong sự vật và vì vậy sự vật luôn phát triển chừng nào nó còn tồn tại.
Chất của sự vật thay đổi do lượng của nó thay đổi gây ra gọi là bước nhảy. Bước nhảy là phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng của sự vật trước đó gây nên.
Bước nhảy là sự kết thúc của một giai đoạn phát triển của sự vật và là điểm khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới. Đó là sự gián đoạn trong quá trình vận động và phát triển liên tục của sự vật. Có thể nói trong quá trình phát triển của sự vật, sự gián đoạn là tiền đề cho sự liên tục và sự liên tục là sự kế tiếp của hàng loạt sự gián đoạn.
Chất mới của sự vật chỉ có thể xuất hiện khi sự thay đổi về lượng đạt tới điểm nút. Chất mới của sự vật ra đời sẽ tác động trở lại lượng đã thay đổi của sự vật, chất mới ấy có thể làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật.
Tóm lại, bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng có sự thống nhất biện chứng giữa hai mặt chất và lượng. Sự thay đổi dần về lượng tới điểm nút sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất thông qua bước nhảy. Chất mới ra đời sẽ tác động trở lại với lượng dẫn đến sự thay đổi của lượng mới. Quá trình đó liên tục diễn ra, tạo thành cách thức phổ biến của các quá trình vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy.
Ý nghĩa phương pháp luận
Vì bất kì sự vật nào cũng có hai phương diện chất và lượng tồn tại trong tính quy định lẫn nhau, tác động và làm chuyển hóa lẫn nhau, do đó trong nhận thức cần phải coi trọng cả hai chỉ tiêu, tạo nên sự nhận thức toàn diện về sự vật.
Cần từng bước tích lũy về lượng để có thể làm thay đổi về chất của sự vật; đồng thời phát huy tác động của chất mới theo hướng làm thay đổi về lượng của sự vật.
Cần khác phục tư tưởng nôn nóng, tả khuynh và tư tưởng bảo thủ hữu khuynh trong công tác thực tiễn.
Cần phải vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy cho phù hợp với từng điều kiện, lĩnh vực cụ thể.
Đôi nét về hoạt động tích lũy kiến thức của học sinh
Tri thức là hành trang không thể thiếu của mỗi người. Từ khi sinh ra, chúng ta đã tích lũy tri thức theo từng giai đoạn phát triển: từ những điều cơ bản nhất như ngôn ngữ, đồ vật, màu sắc,… đến những kiến thức về các lĩnh vực trong cuộc sống như văn học, toán học, lịch sử. Đặc biệt là những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta được tiếp thu những tri thức cơ bản về cuộc sống trong lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng trang bị thêm cho mình những kiến thức thực tiễn, những kĩ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này. Tuy nhiên, 12 năm học trung học và phổ thông và những năm trên giảng đường đại học vẫn là thời gian quan trọng nhất bởi đó là thời điểm chúng ta trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất mà mỗi người đều phải biết trong xã hội ngày nay.
Vì vậy, việc nghiên cứu quá trình này là một vấn đề vô cùng quan trọng và cần thiết để từ đó có thể hiểu rõ hơn hoạt động và giúp hoạt động này đạt được hiệu quả cao nhất.
Mối quan hệ biện chứng giữa chất và lượng trong quá trình tích lũy kiến thức của học sinh, sinh viên
Quá trình học tập của mỗi học sinh là một quá trình dài, khó khăn và cần sự cố gắng không biết mệt mỏi, không ngừng nghỉ của bản thân mỗi học sinh. Quy luật chuyển hóa từ sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất thể hiện ở chỗ: mỗi học sinh tích lũy lượng (kiến thức) cho mình bằng việc nghe các thầy cô giảng trên lớp, làm bài tập ở nhà, đọc thêm sách tham khảo,… thành quả của quá trình tích lũy đó được đánh giá qua những bài kiểm tra, những bài thi học kỳ và kỳ thi tốt nghiệp. Khi đã tích lũy đủ lượng tri thức cần thiết, học sinh sẽ được chuyển sang một cấp học mới cao hơn. Như vậy, quá trình học tập, tích lũy kiến thức là độ, các bài kiểm tra, các kì thi là điểm nút và việc học sinh được sang một cấp học cao hơn là bước nhảy. Trong suốt 12 năm học, học sinh phải thực hiện nhiều bước nhảy khác nhau. Trước hết là bước nhảy để chuyển từ một học sinh trung học lên học sinh phổ thông và kỳ thi lên cấp 3 là điểm nút, đồng thời nó cũng là điểm khởi đầu mới trong việc tích lũy lượng mới (tri thức mới) để thực hiện một bước nhảy vô cùng quan trọng trong cuộc đời: vượt qua kì thi đại học để trở thành một sinh viên. Sau khi thực hiện dược bước nhảy trên, chất mới trong mỗi người được hình thành và tác động trở lại lượng. Sự tác động đó thể hiện trong lối suy nghĩ cũng như cách hành động của mỗi sinh viên, đó là sự chín chắn, trưởng thành hơn so với một học sinh trung học hay một học sinh phổ thông. Và tại đây, một quá trình tích lũy về lượng (tích lũy kiến thức) mới lại bắt đầu, quá trình này khác hẳn so với quá trình tích lũy lượng ở bậc trung học hay phổ thông. Bởi đó không đơn thuần là việc lên giảng đường để tiếp thu bài giảng của thầy cô mả phần lớn là sự tự nghiên cứu, tìm tòi, tích lũy kiến thức, bên cạnh những kiến thức trong sách vở là những kiến thức xã hội từ các công việc làm thêm hoặc từ các hoạt động trong những câu lạc bộ. Sau khi đã tích lũy được một lượng đầy đủ, các sinh viên sẽ thực hiện một bước nhảy mới, bước nhảy quan trọng nhất trong cuộc đời, đó là vượt qua kì thi tốt nghiệp để nhận được tấm bằng cử nhân và tìm được một công việc. Cứ như vậy, quá trình nhận thức (tích lũy về lượng) liên tục diễn ra, tạo nên sự vận động không ngừng trong quá trình tồn tại và phát triển của mỗi con người, giúp con người ngày càng đạt đến trình độ cao hơn, tạo động lực cho xã hội phát triển.
Quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh, sinh viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của xã hội, của đất nước. Bởi chính quá trình này tạo ra những con người có đủ năng lực để tiếp quản đất nước, đưa đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Vì vậy, mỗi học sinh, sinh viên cần phải có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về vấn để này, phải tích đủ lượng tới giới hạn điểm nút thì mới được thực hiện bước nhảy, không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Hiện nay, kiểu học tín chỉ đã tạo điều kiện cho những sinh viên cảm thấy mình đủ năng lực có thể đăng kí học vượt để ra trường sớm. Tuy nhiên cũng có không ít sinh viên đăng kí học vượt nhưng không đủ khả năng để theo, dẫn đến hậu quả là phải thi lại chính những môn đã đăng kí học vượt. Điều này cũng có nghĩa là các sinh viên đó chưa tích lũy đủ về lượng đến giới hạn điểm nút mà đã thực hiện bước nhảy, đi ngược lại với quy luật lượng – chất, và hậu quả tất yếu là sự thất bại. Bên cạnh đó, thực trạng nền giáo dục của nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại căn bệnh thành tích, đặc biệt là ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tức là học sinh chưa tích lũy đủ lượng cần thiết đã được tạo điều kiện để thực hiện thành công bước nhảy, điều này đã khiến cho nền giáo dục của chúng ta có những người không có cả “chất” và “lượng”, dẫn đến những vụ việc rất vô lí như học sinh đi học không viết nổi tên mình mà vẫn được lên lớp, chỉ vì nếu cho ở lại sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích phổ cập giáo dục của trường. Ví dụ như vụ việc vào tháng 10/2014, chị Hoàng Thị Thu (trú xóm Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không đồng ý con trai mình là Bảo Quân bị nhà trường “bắt ép” lên lớp 2. Phụ huynh này đã xin cho con học lại lớp 1, vì cháu chưa thuộc hết bảng chữ cái. Các chữ O, A…, em cũng không biết. Tuy nhiên, yêu cầu cho con học lại lớp 1 của chị Thu không được giáo viên chủ nhiệm chấp thuận, vì ảnh hưởng thành tích phổ cập giáo dục của nhà trường. Đến gặp ban giám hiệu, chị cũng nhận được cái lắc đầu vì lý do tương tự. Như vậy, có thể khẳng định việc đốt cháy giai đoạn theo khuynh hướng tả khuynh là một hành động sai lầm, tuy nhiên, sự bảo thủ, trì trệ theo khuynh hưởng hữu khuynh cũng như vậy. Nếu lượng đã tích đủ, đạt đến điểm nút mà vẫn không thực hiện bước nhảy thì quan niệm phát triển cũng chỉ là sự tiến hóa đơn thuần về lượng, không phải về chất, như thế thì sự vật sẽ không phát triển được. Bên cạnh đó, do hình thức bước nhảy của sự vật rất đa dạng, phong phú nên trong nhận thức và thực tiễn cần phải vận dụng linh hoạt các hình thức của bước nhảy trong những điều kiện, lĩnh vực cụ thể. Trong quá trình tiếp thu kiến thức của học sinh không thể áp dụng hình thức bước nhảy đột biến, không thể có chuyện học sinh mới đi học đã có thể tham gia kì thi tốt nghiệp, mà phải thực hiện bước nhảy dần dần: đó là vượt qua từng bài kiểm tra nhỏ, rồi đến bài kiểm tra học kì và bài thi tốt nghiệp, có như vậy mới đúng với quy luật và đạt được hiệu quả.
Như vậy, có thể thấy việc áp dụng đúng đắn quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại vào các hoạt động trong đời sống là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong hoạt động tích lũy kiến thức của học sinh, sinh viên. Bởi có như vậy hoạt động đó mới có hiệu quả, góp phần đào tạo ra những con người cú đủ cả chất và lượng để đưa đất nước ngày một phát triển hơn.
Quy luật lượng – chất hay còn gọi là quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác – Lênin, chỉ cách thức của sự vận động, phát triển, theo đó sự phát triển được tiến hành theo cách thức thay đổi lượng trong mỗi sự vật dẫn đến chuyển hóa về chất của sự vật và đưa sự vật sang một trạng thái phát triển tiếp theo. Ph.Ăng-ghen đã khái quát quy luật này: “Những thay đổi đơn thuần về lượng, đến một mức độ nhất định, sẽ chuyển hóa thành những sự khác nhau về chất” – Ph.Ăng-ghen[1]
Theo quan điểm của Triết học Mác – Lenin, bất cứ một sự vật, hiện tượng nào cũng bao gồm mặt chất và mặt lượng. Hai mặt đó thống nhất hữu cơ với nhau trong sự vật, hiện tượng. Phép biện chứng duy vật đưa ra khái niệm chất, lượng và quan hệ qua lại giữa chúng như sau:
Chất
Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, hiện tượng, đó là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính, những yếu tố cấu thành sự vật, hiện tượng, nói lên sự vật, hiện tượng đó là gì, phân biệt nó với các sự vật, hiện tượng khác. Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều có những chất vốn có, làm nên chính chúng. Nhờ đó chúng mới khác với các sự vật, hiện tượng khác.
Chất có tính khách quan, là cái vốn có của sự vật, hiện tượng, do những thuộc tính, những yếu tố cấu thành quy định. Thuộc tính của sự vật là những tính chất, những trạng thái, những yếu tố cấu thành sự vật. Đó là những cái vốn có của sự vật từ khi sự vật được sinh ra hoặc được hình thành trong sự vận động và phát triển của nó. Tuy nhiên những thuộc tính vốn có của sự vật, hiện tượng chỉ được bộc lộ ra thông qua sự tác động qua lại với các sự vật, hiện tượng khác.
Mỗi sự vật có rất nhiều thuộc tính trong đó mỗi thuộc tính lại biểu hiện một chất của sự vật. Do vậy, mỗi sự vật có rất nhiều chất. Chất và sự vật có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời nhau. Trong hiện thực khách quan không thể tồn tại sự vật không có chất và không thể có chất nằm ngoài sự vật. Chất của sự vật được biểu hiện qua những thuộc tính của nó. Nhưng không phải bất kỳ thuộc tính nào cũng biểu hiện chất của sự vật. Thuộc tính của sự vật có thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản.
Những thuộc tính cơ bản được tổng hợp lại tạo thành chất của sự vật. Chính chúng quy định sự tồn tại, sự vận động và sự phát triển của sự vật, chỉ khi nào chúng thay đổi hay mất đi thì sự vật mới thay đổi hay mất đi. Những thuộc tính của sự vật chỉ bộc lộ qua các mối liên hệ cụ thể với các sự vật khác. Sự phân chia thuộc tính thành thuộc tính cơ bản và thuộc tính không cơ bản cũng chỉ mang tính chất tương đối, tùy theo từng mối quan hệ. Chất của sự vật không những quy định bởi chất của những yếu tố tạo thành mà còn bởi phương thức liên kết giữa các yếu tố tạo thành, nghĩa là bởi kết cấu của sự vật. Trong hiện thực các sự vật được tạo thành bởi các yếu tố như nhau, song chất của chúng lại khác nhau.
Mỗi sự vật có vô vàn chất: vì sự phân biệt giữa chất và thuộc tính chỉ có ý nghĩa tương đối, song sự vật có vô vàn thuộc tính nên có vô vàn chất. Chất và sự vật không tách rời nhau: chất là chất của sự vật, còn sự vật tồn tại với tính quy định về chất của nó. Chất biểu hiện trạng thái tương đối ổn định của sự vật, là sự kết hợp tương đối trọn vẹn, hoàn chỉnh, bền vững các thuộc tính của sự vật, làm cho sự vật này không hòa lẫn với sự vật khác mà tách biệt cái này với cái khác. Chất luôn gắn liền với lượng của sự vật.
Lượng
Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật, biểu hiện bằng con số các thuộc tính, các yếu tố cấu thành nó. Lượng là cái khách quan, vốn có của sự vật, quy định sự vật ấy là nó. Lượng của sự vật không phụ thuộc vào ý chí, ý thức của con người. Lượng của sự vật biểu thị kích thước dài hay ngắn, số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm…
“Những lượng không tồn tại mà những sự vật có lượng hơn nữa những sự vật có vô vàn lượng mới tồn tại” – Engels[2]
Trong thực tế lượng của sự vật thường được xác định bởi những đơn vị đo lượng cụ thể như vận tốc của ánh sáng là 300.000 km trong một giây hay một phân tử nước bao gồm hai nguyên tử hydrô liên kết với một nguyên tử oxy,… bên cạnh đó có những lượng chỉ có thể biểu thị dưới dạng trừu tượng và khái quát như trình độ nhận thức tri của một người ý thức trách nhiệm cao hay thấp của một công dân,… trong những trường hợp đó chúng ta chỉ có thể nhận thức được lượng của sự vật bằng con đường trừu tượng và khái quát hoá.
Có những lượng biểu thị yếu tố kết cấu bên trong của sự vật (số lượng nguyên tử hợp thành nguyên tố hoá học, số lượng lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội) có những lượng vạch ra yếu tố quy định bên ngoài của sự vật (chiều dài, chiều rộng, chiều cao của sự vật). Bản thân lượng không nói lên sự vật đó là gì, các thông số về lượng không ổn định mà thường xuyên biến đổi cùng với sự vận động biến đổi của sự vật, đó là mặt không ổn định của sự vật.
Mỗi sự vật, hiện tượng là một thể thống nhất bao gồm chất và lượng nhất định, trong đó chất tương đối ổn định còn lượng thường xuyên biến đổi. Sự biến đổi này tạo ra mâu thuẫn giữa lượng và chất. Lượng biến đổi đến một mức độ nhất định và trong những điều kiện nhất định thì lượng phá vỡ chất cũ, mâu thuẫn giữa lượng và chất được giải quyết, chất mới được hình thành với lượng mới, nhưng lượng mới lại biến đổi và phá vỡ chất đang kìm hãm nó. Quá trình tác động lẫn nhau giữa hai mặt: chất và lượng tạo nên sự vận động liên tục, từ biến đổi dần dần đến nhảy vọt, rồi lại biến đổi dần để chuẩn bị cho bước nhảy vọt tiếp theo. Cứ căn cứ thế, quá trình động biện chứng giữa chất và lượng tạo nên cách thức vận động, phát triển của sự vật.
Nói ngắn gọn hơn, bất cứ sự vật nào trong quá trình phát triển đều là quá trình biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất. Biến đổi về lượng đến một mức nhất định sẽ dẫn đến biến đổi về chất, sản sinh chất mới. Rồi trên nền tảng của chất mới lại bắt đầu biến đổi về lượng. Biến đổi về lượng là nền tảng và chuẩn bị tất yếu của biến đổi về chất. Biến đổi về chất là kết quả tất yếu của biến đổi về lượng. Quy luật biến đổi về chất và lượng cho thấy trạng thái và quá trình phát triển của sự vật.
Khái niệm độ
Độ là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự thống nhất giữa lượng và chất, là giới hạn mà trong đó sự thay đổi về lượng chưa làm thay đổi căn bản về chất của sự vật, sự vật chưa biến thành cái khác. Trong giới hạn của độ, lượng và chất tác động biện chứng với nhau, làm cho sự vật vận động.
Chu trình thay đổi
Từ những thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất Trong mối quan hệ giữa chất và lượng thì chất là mặt tương đối ổn định, còn lượng là mặt biến đổi hơn. Sự vận động và phát triển của sự vật bao giờ cũng bắt đầu từ sự thay đổi về lượng. Song không phải bất kỳ sự thay đổi nào về lượng cũng dẫn đến sự thay đổi về chất ngay tức khắc, mặc dù bất kỳ sự thay đổi nào về lượng cũng ảnh hưởng đến trạng thái tồn tại của sự vật. So với lượng thì chất thay đổi chậm hơn. Chỉ khi nào lượng biến đổi đến một giới hạn nhất định (độ) thì mới dẫn đến sự thay đổi về chất, sự vật không còn là nó nữa, một sự vật mới ra đời thay thế nó.
Tại thời điểm lượng đạt đến một giới hạn nhất định để vật thay đổi về chất gọi là điểm nút. Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ thời điểm mà tại đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật.
Khi có sự thay đổi về chất diễn ra gọi là bước nhảy. Bước nhảy là sự kết thúc một giai đoạn biến đổi về lượng, là sự đứt đoạn trong liên tục, nó không chấm dứt sự vận động nói chung mà chỉ chấm dứt một dạng vận động cụ thể, tạo ra một bước ngoặt mới cho sự thống nhất biện chứng giữa chất và lượng trong một độ mới.
Các hình thức cơ bản của bước nhảy. Bước nhảy để chuyển hoá về chất của sự vật hết sức đa dạng và phong phú với những hình thức rất khác nhau. Những hình thức bước nhảy khác nhau được quyết định bởi bản thân của sự vật, bởi những điều kiện cụ thể trong đó sự vật thực hiện bước nhảy.
Dựa trên nhịp điệu thực hiện bước nhảy của bản thân sự vật, có thể phân chia thành bước nhảy đột biến và bước nhảy dần dần. Bước nhảy đột biến là bước nhảy được thực hiện trong một thời gian rất ngắn làm thay đổi chất của toàn bộ kết cấu cơ bản của sự vật. Chẳng hạn, khối lượng Uranium 235(Ur 235)được tăng đến khối lượng tới hạn thì sẽ xảy ra vụ nổ nguyên tử trong chốc lát. Bước nhảy dần dần là bước nhảy được thực hiện từ từ, từng bước bằng cách tích luỹ dần dần những nhân tố của chất mới và những nhân tố của chất cũ dần dần mất đi. Bước nhảy dần dần khác với sự thay đổi dần dần về lượng của sự vật. Bước nhảy dần dần là sự chuyển hoá dần dần từ chất này sang chất khác còn sự thay đổi dần dần về lượng là sự tích luỹ liên tục về lượng để đến một giới hạn nhất định sẽ chuyển hoá về chất.
Căn cứ vào quy mô thực hiện bước nhảy của sự vật có bước nhảy toàn bộ, có bước nhảy cục bộ. Bước nhảy toàn bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của toàn bộ các mặt, các yếu tố cấu thành sự vật. Bước nhảy cục bộ là bước nhảy làm thay đổi chất của từng mặt, những yếu tố riêng lẻ của sự vật.
Khi lượng biến đổi đến điểm nút thì diễn ra bước nhảy, chất mới ra đời thay thế cho chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế cho sự vật cũ, nhưng rồi những lượng mới này tiếp tục biến đổi đến điểm nút mới lại xảy ra bước nhảy mới. Cứ như vậy, quá trình vận động, phát triển của sự vật diễn ra theo cách thức từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất một cách vô tận. Đó là quá trình thống nhất giữa tính tuần tự, tiệm tiến, liên tục với tính gián đoạn, nhảy vọt trong sự vận động, phát triển.
Tác động ngược
Sự thay đổi về chất tác động trở lại đối với sự thay đổi về lượng. Lượng thay đổi luôn luôn trong mối quan hệ với chất, chịu sự tác động của chất. Song sự tác động của chất đối với lượng rõ nét nhất khi xảy ra bước nhảy về chất, chất mới thay thế chất cũ, nó quy định quy mô và tốc độ phát triển của lượng mới trong một độ mới. Khi chất mới ra đời, nó không tồn tại một cách thụ động, mà có sự tác động trở lại đối với lượng, được biểu hiện ở chỗ: chất mới sẽ tạo ra một lượng mới phù hợp với nó để có sự thống nhất mới giữa chất và lượng. Sự quy định này có thể được biểu hiện ở quy mô, nhịp độ và mức độ phát triển mới của lượng.