/tmp/wgfak.jpg
Nội dung bài viết
Văn bản chính luận là loại văn bản trực tiếp bày tỏ lập trường, chính kiến, thái độ, đối với những vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, pháp luật…lập luận dựa trên quan điểm chính trị nhất định.
Các loại văn bản chính luận
Văn bản chính luận đã xuất hiện từ thời xưa được viết theo các thể như hịch, cáo, sách, chiếu, biến… và được viết chủ yếu bằng chữ Hán.
Một số tác phẩm tiêu biểu như Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, Cáo bình ngô của Nguyễn Trãi, Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ…
Văn bản chính luận hiện đại bao gồm các cương lĩnh, tuyên tố, tuyên ngôn, lời kêu gọi, hiệu triệu, các bài bình luận xã luận, báo cáo tham luận phát biểu trong các hội thảo, hội nghị chính trị…
Ví dụ một vài dạng văn bản chính luận hiện đại
* Văn bản chính luận – Tuyên ngôn
Các bản tuyên ngôn nổi tiếng như “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ hay bản tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt.
* Văn bản chính luận – Bình luận thời sự
Đề cập đến những vấn đề về chính trị, quân sự hay bình luận các sự kiện, vấn đề đang diễn ra theo cách đúng người, đúng việc và đúng sự thật.
* Văn bản chính luận – Xã luận
Xã luận là các vấn đề kinh tế, văn hóa, giải trí, chính trị, thể thao… nổi bật của đất nước và thế giới.
– Là ngôn ngữ dùng trong các văn bản chính luận hoặc lời nói miệng trong các buổi hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự,… nhằm trình bày, bình luận, đánh giá những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,…theo một quan điểm chính trị nhất định.
– Có 2 dạng tồn tại: dạng nói & dạng viết.
Các phương tiện diễn đạt
Về từ ngữ:
– Văn bản chính luận sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có nhiều từ ngữ chính trị: Độc lập, đồng bào, bình đẳng, tự do, quyền lợi, phát xít, thực dân, kháng chiến, thống nhất, công bằng, dân chủ, đa số, thiểu số…
– Nhiều từ ngữ chính trị có nguồn gốc từ văn bản chính luận nhưng được dùng rộng khắp trong sinh hoạt chính trị nên thấm vào lớp từ thông dụng đến mức người dân dùng quen thuộc, không còn quan niệm đó là từ ngữ lí luận nữa.
Ví dụ: đa số, thiểu số, dân chủ, phát xít, bình đẳng, tự do…
Về ngữ pháp:
– Câu văn trong văn bản chính luận thường là câu có kết cấu chuẩn mực, gần với những phán đoán logic trong một hệ thống lập luận, câu trước liên kết với câu sau, câu sau nối tiếp câu trước trong một mạch suy luận.
– Các văn bản chính luận thường dùng những câu phức hợp có những từ ngữ liên kết như do vậy, bởi thế, cho nên, vì lẽ đó…; tuy… nhưng; dù… nhưng để phục vụ cho lập luận được chặt chẽ.
Về biện pháp tu từ:
– Ngôn ngữ chính luận không phải phải lúc nào cũng mang tính công thức, ước lệ, khô khan. Ngược lại, nó có thể rất sinh động do sử dụng khá nhiều các biện pháp tu từ.
– Tuy vậy việc dùng các biện pháp tu từ chỉ giúp cho lí lẽ, lập luận thêm hấp dẫn, vì mục đích của văn bản chính luận là thuyết phục người đọc, người nghe bằng lí lẽ và lập luận.
– Ở dạng nói (khẩu ngữ), ngôn ngữ chính luận chú trọng đến cách phát âm, người nói phải diễn đạt khúc chiết, rõ ràng, mạch lạc. Trong trường hợp cần thiết thì ngữ điệu đóng vai trò quan trọng để thu hút người nghe.
Là phong cách được dùng trong lĩnh vực chính trị xã hội.
– Tính công khai về quan điểm chính trị: Văn bản chính luận phải thể hiện rõ quan điểm của người nói/ viết về những vấn đề thời sự trong cuộc sống, không che giấu, úp mở. Vì vậy, từ ngữ phải được cân nhắc kĩ càng, tránh dùng từ ngữ mơ hồ; câu văn mạch lạc, tránh viết câu phức tạp, nhiều ý gây những cách hiểu sai.
– Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận: Văn bản chính luận có hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng rõ ràng, mạch lạc và sử dụng từ ngữ liên kết rất chặt chẽ: vì thế, bởi vây, do đó, tuy… nhưng…, để, mà,….
– Tính truyền cảm, thuyết phục: Thể hiện ở lí lẽ đưa ra, giọng văn hùng hồn, tha thiết, bộc lộ nhiệt tình của người viết.
Cách nhận biết ngôn ngữ chính luận trong đề đọc hiểu
– Nội dung liên quan đến những sự kiện, những vấn đề về chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng,…
– Có quan điểm của người nói/ người viết
– Dùng nhiều từ ngữ chính trị
– Được trích dẫn trong các văn bản chính luận ở SGK hoặc lời lời phát biểu của các nguyên thủ quốc gia trong hội nghị, hội thảo, nói chuyện thời sự , …
1. Phân biệt hai khái niệm nghị luận và chính luận
Như đã nói ở trên:
– Nghị luận là thao tác tư duy, là phương tiện biểu đạt. Còn chính luận là một phong cách chức năng ngôn ngữ.
– Thao tác (phương pháp) nghị luận được sử dụng ở tất cả mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn chương (nghị luận văn học), còn chính luận chỉ thu hẹp trong phạm vi trình bày quan điểm về vấn đề chính trị.
2.Tìm hiểu những biểu hiện của phong cách chính luận trong đoạn văn sau:
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quỷ báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khố khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
(Hồ Chí Minh – Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
Gợi ý:
– Đoạn văn sử dụng nhiều các từ ngữ chính trị như: lòng yêu nước, truyền thống, xâm lăng,…
– Câu văn mạch lạc, chặt chẽ; kết hợp câu ngắn với câu dài (câu thứ ba).
– Đoạn văn thể hiện rõ quan điểm chính trị về lòng yêu nước. Trong đoạn văn, Bác đánh giá cao lòng yêu nước, truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Nó tạo nên một niềm tự hào sâu sắc.
– Lời văn có sức hấp dẫn và truyền cảm: nhờ lập luận chặt chẽ, nhờ những hình ảnh so sánh cụ thể, sát hợp (… tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước).
3. Để chứng minh được bài Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh (Ngữ văn 10, tập một) có lời văn giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng diễn đạt nội dung phong phú, lập luận vững chắc, cần lần lượt phân tích theo ba luận điểm sau (3 phần của bài):
– Tình thế buộc ta phải chiến đấu: bên ta, bên địch.
– Ta chiến đấu bằng mọi thứ có trong tay.
– Niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.