/tmp/durhh.jpg
Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy kể về nước Âu Lạc ra đời, nguyên nhân mất nước và mối tình Mị Châu- Trọng Thủy. Nhân vật Mị Châu có lẽ là nhân vật đáng thương nhất nhưng cũng đáng trách. Nàng là công chúa của nước Âu Lạc và nàng được gả cho con trai của kẻ thù là Trọng Thủy. Nàng với sự nhẹ dạ cả tin của mình đã tạo cơ hội để cho chiếc nỏ thần rơi vào tay kẻ thù, khiến cho nước Âu Lạc rơi vào cảnh bị xâm lăng. Tuy vậy, nhân dân vẫn dành một tình thương cảm cho thân phận bi đát của Mị Châu, nàng là một người vừa đáng thương, vừa đáng trách.
Trước hết, Mị Châu nhận một sự cảm thông sâu sắc, nàng là một người công chúa đáng thương. Nàng đáng thương ở chỗ, khi sinh ra nàng đã mang trong mình danh phận công chúa của một đất nước, nàng được gả cho Trọng Thủy- con trai của Triệu Đà và cũng là kẻ thù của nhân dân ta. Số phận của nàng khi vừa là công chúa của một đất nước vừa là một người vợ. Nàng một lòng một dạ tin chồng, không dấu diếm bất cứ điều gì với Trọng Thủy nên việc để Trọng Thủy xem chiếc nỏ thần và đánh cắp chiếc nỏ thần hoàn toàn dễ xảy ra. Điều đó cho thấy Mị Châu đã bất nghĩa với đất nước, làm hại vận mệnh với quốc gia, nhưng xét về thời phong kiến lúc bấy giờ, khi nàng được gả cho người ta thì phải “tòng phu”.
Trước trọng tội gây ra, Mị Châu phải bị lãnh bản án trước sự kết tội của Rùa Vàng. An Dương Vương cũng chính là cha của nàng chính là người thực thi bản án đó như sự trừng phạt nghiêm khắc cho kẻ có tội với đất nước. Đó chính là một bài học sâu sắc cho con cháu đời sau, phải có trách nhiệm với an toàn lợi ích của quốc gia, giữa bản thân với cộng đồng, giữa việc chung và việc riêng.
Chính vì thế, nàng đáng trách hơn bao giờ hết. Với nghĩa vụ đất nước thì Mị Châu chọn hạnh phúc riêng của mình. Nàng quên đi bổn phận của mình để cho kẻ thù đạt được âm mưu dễ dàng. Nàng mù quáng khi quá tin vào những lời của Trọng Thủy mà gây ra tội danh bán nước. Nếu như hình ảnh Trọng Thủy tuy là kẻ thù với đất nước ta nhưng lại là nhân vật trung thành với đất nước của chàng, vì việc lớn mà quên đi tình cảm cá nhân, hy sinh hết mình phục vụ cho Tổ Quốc thì nhân vật Mị Châu lại ngược lại. Chính vì thế mà nhân dân phải trừng trị nghiêm khắc với nàng để chuộc lỗi cho đất nước.
Tuy vậy, nhân dân ta đã thể hiện lòng nhân từ với Mị Châu qua hình ảnh “Ngọc trai- giếng nước”. Câu chuyện khi An Dương Vương tuốt kiếm chém Mị Châu, nàng khấn rằng: “Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch, mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù”. Và như chứng minh cho sự trong sáng của nàng mà khi Mị Châu chết đi máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Sự việc hư cấu trên cũng chính là niềm cảm thông cho số phận bi thảm của Mị Châu, nhân dân đã bày tỏ thái độ khoan dung sâu sắc trước nàng dù mang trọng tội. Hình ảnh “giếng nước” chính là việc rửa oan cho nàng, “càng rửa càng sáng”.
Dù cho hàng nghìn năm lịch sử trôi đi, truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy vẫn để lại trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ. Và với nhân vật Mị Châu thì có người đáng thương, cũng có người đáng trách và cũng có vừa thương vừa trách. Tóm lại, bằng chi tiết lịch sử cùng với nhiều chi tiết hư cấu đã đem lại cho chúng ta một câu chuyện đậm chất truyền thuyết. Nhân vật Mị Châu được đưa vào tình huống bi đát, mâu thuẫn để lại cho người đọc nhiều dấu hỏi.
Các bài viết liên quan khác: