/tmp/fhtrx.jpg
Tuyển chọn những bài văn hay Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. Với những bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết
1. Mở bài:
– Giới thiệu về tác phẩm Ánh trăng
Nguyễn Duy là một nhà thơ nổi tiếng và đi đầu trong công cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. thơ văn của ông gần gũi với cuộc sống, mang hương vị thân thương, giản dị và đằm thắm. một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Duy là tác phẩm Ánh trăng, tác phẩm rất đỗi gần gũi và giản dị. tác phẩm đã mang lại cho chúng ta cảm giác chân thực và vô cùng sâu sắc.
2. Thân bài:
– Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy
a. Vầng trăng trong quá khứ:
-Tác giả nhớ đến kỉ niệm của mình với trăng lúc nhỏ: gắn bó với đồng, với sông, với bể,…
-Tác giả nhớ đến hồi khi chiến tranh mình và trăng đã ở trong rừng cùng
-Tình cảm gắn bó sâu sắc và thân thiết
-Trăng như bạn thân tình, người bạn tri kỉ đối với tác giả
b. Vầng trăng của hiện tại:
– Ở hiện tại thì trăng như một người dưng qua đường, không quen biết, không rõ ràng trăng như người xa lạ, không quen biết, không từng gặp con người bội bạc, thờ ơ và không thân thiết với thẳng như trước
c. Cảm xúc của tác giả về trăng với con người:
– Tâm trạng buồn tủi của tác giả nhớ trăng kỉ niệm, nhớ trăng xưa tác giả cảm thấy cuộc sống thay đổi thì tình cảm cũng thay đổi theo cảm nhận về một quá khứ đẹp, một kỉ niệm sâu sắc với trăng
3. Kết bài:
– Nêu cảm nhận của em về tác phẩm ánh trăng của Nguyễn Duy
Ví dụ:
Hình ảnh ánh trăng trong tác phẩm là một hình ảnh hết sức chân thực và sâu sắc. qua những kỉ niệm của tác giả về trăng và những biểu hiện của hiện tại cho chúng ta thấy được sự thật về con người, khi cuộc sống đầy đủ thì người ta lại quên đi những khổ sở, khó khăn lúc trước.
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ quân đội trưởng thành trong cuộc kháng chiến chông Mĩ cứu nước đau thương và oanh liệt của dân tộc. Bài thơ Ánh trăng được viết tại thành phố Hồ Chí Minh năm 1978, ba năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc sống hòa bình, một số người đã từng trải qua thử thách, gian khổ, từng chứng kiến sự hi sinh lớn lao của đồng đội và nhân dân, từng gắn bó sâu nặng với thiên nhiên nhưng đã vội quên những gian nan, cơ cực và những kỉ niệm thắm thiết nghĩa tình của một thời chưa xa.
Bài thơ là một lần “giật mình” nhìn lại của Nguyễn Duy. Nó có tác dụng thức tỉnh bao người trước cái điều vô tình ấy.
Ánh trăng trước hết là tiếng lòng, là sự tự vấn lương tâm của riêng Nguyễn Duy. Nhà thơ đứng giữa hôm nay mà suy ngẫm về thời đã qua và từ tâm trạng riêng, tiếng thơ ông cất lên như một lời nhắc nhở. Vầng trăng ở đây không chỉ là một hình ảnh cụ thể của đất trời mà còn là biểu tượng cho một quá khứ đẹp đẽ, là mối liên hệ giữa tâm tình riêng và ý nghĩa phổ biến rộng lớn, giữa nội dung cụ thể và tính khái quát của bài thơ.
Bài thơ không chỉ đề cập đến thái độ thờ ơ, quay lưng đối với những hi sinh, mất mát của thời chiến tranh mà còn là chuyện nghĩa tình, nhớ về cội nguồn, nhớ về những người đã khuất. Cao hơn nữa, Ánh trăng còn là lời nhắc nhở mỗi con người về lẽ sống chung thủy với chính mình.
Sự kết hợp khéo léo giữa tự sự với trữ tình đã tạo cho bài thơ dáng dấp của một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Giọng điệu tâm tình được thể hiện bằng thể thơ năm chữ. Hai khổ thơ đầu là cảm xúc của nhà thơ về ánh trăng khi chiến đấu trong rừng. Khổ thứ ba là cảm xúc trước vầng trăng trong thành phố hoà bình. Nhịp thơ ở phần này tự nhiên, nhịp nhàng. Đến khổ thứ tư, giọng thơ thay đổi, thể hiện thái độ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của tác giả trước sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng trong đêm mất điện. Giọng thơ trầm lắng, thiết tha ở hai khổ cuối rất hợp với sự hồi tưởng và suy tư lặng lẽ.
Dòng cảm xúc trữ tình của nhà thơ cũng tuôn chảy theo những lời tự sự.
Nhà thơ kể rằng:
Hồi nhỏ sống với đồng,
Với sông rồi với bể;
Hồi chiến tranh ở rừng,
Vầng trăng thành tri kỉ.
Nhà thơ tưởng không bao giờ quên cái vầng trăng tình nghĩa ấy. Thế mà từ hồi về thành phố ăn sung mặc sướng, quen sống giữa những tiện nghi hiện đại, mới chỉ có mấy năm mà đã nhìn vầng trăng tình nghĩa như người dưng qua đường.
Sự việc bất thường ở khổ thơ thứ tư chính là tác nhân gợi nhớ để từ đó tác giả bộc lộ cảm xúc của mình:
Thình lình đèn điện tắt,
Phòng buyn-đinh tối om,
Vội bật tung cửa sổ,
Đột ngột vầng trăng tròn.
Ánh trăng toả sáng căn phòng. Chính vầng trăng xuất hiện bất ngờ trong bối cảnh ấy đã gây ấn tượng mạnh, thổi bùng nỗi nhớ về một thời máu lửa chưa xa.
Là một trong những nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Duy được biết đến với nhiều bài thơ hay, nhẹ nhàng, giàu cảm xúc chẳng hạn như Hơi ấm ổ rơm, Tre Việt Nam,… Một trong những bài thờ được nhiều người chú ý đó chính là bài thơ Ánh trăng. Bài thơ đã thể hiện được sự tài hoa của ông và thể hiện rõ chất suy tư trong thơ của Nguyễn Duy.
Bài thơ Ánh trăng được nhà thơ Nguyễn Duy viết năm 1978. Một lý do khiến bài thơ này được yêu thích là bởi nội dung bài thơ chứa đựng những tình cảm chân thành, mới lạ nhưng vô cùng sâu sắc. Ở hai khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã nhắc đến những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ nơi quê nhà:
Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với bể
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ
Từ những ngày còn ấu thơ, vầng trăng đã gắn bó với tác giả. Nói đến trăng là nói đến dòng sông, đồng ruộng, biển cả. Vậy cho nên dù có đi đến nơi đâu thì vầng trăng vẫn cứ gắn bó với con người. Con người đi một bước, vầng trăng cũng đi theo một bước. Vốn dĩ ban đầu trăng là bạn, tới khi nhà thơ đi lính, tham gia vào chiến trường gian khổ và ác liệt, vầng trăng mới trở thành tri kỉ đối với nhà thơ. Lúc này đối với nhà thơ, trăng trở thành người bạn không thể thiếu. Trăng cùng với nhà thơ chia sẻ những ngọt bùi, cùng nhà thơ vượt qua những khó khăn trong cuộc đời người lính. Cũng chính vì thế mà nhà thơ hiểu vầng trăng hơn. Nhà thơ miêu tả về vẻ đẹp của ánh trăng với một cảm xúc trẻ trung, tươi mới:
Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa
Vẻ đẹp của trăng là một vẻ đẹp bình dị, chẳng cần khoác lên mình bất cứ thứ gì, trăng vẫn đẹp một cách vô tư và hồn nhiên. Cũng chính vì tượng trưng cho vẻ đẹp hồn nhiên nên trăng hòa mình vào thiên nhiên cỏ cây. Trăng đẹp như vậy, gần gũi như vậy trăng lại còn từng đồng cam cộng khổ với mình nên nhà thơ ngỡ rằng sẽ chẳng bao giờ có thể quên được vầng trăng tình nghĩa ấy.
Nhưng đó là nhà thơ nghĩ vậy còn thực tế cho thấy nhà thơ đã có lúc lãng quên vầng trăng:
Từ hồi về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường
Nếu như ở tuổi thơ của mình tác giả sống gần gũi với thiên nhiên, với sông, với bể, với rừng thì giờ đây môi trường sống của nhà thơ đã thay đổi rồi. Ông sống ở thành phố, nơi có những ánh đèn chiếu sáng được mọi ngõ ngách, mọi không gian. Chính vì ánh sáng của đèn điện, của cửa gương mà người ta không còn nhớ đến ánh sáng của vầng trăng nữa. Dần dần, vầng trăng tình nghĩa ngày nào bị đẩy lùi vào quên lãng. Vầng trăng tượng trưng cho kỉ niệm, cho kí ức về những năm tháng đấu tranh gian khổ, cho những người bạn của tuổi thơ, cho những người đồng đội đã từng cùng nhau vào sinh ra tử. Vậy mà giờ đây, trăng trở thành người dưng qua đường. Khi cuộc sống thay đổi, nó kéo theo sự thay đổi trong suy nghĩ của con người. Vầng trăng có lẽ sẽ cứ trôi vào trong dĩ vãng như vậy nếu như không có chuyện thành phố bị mất điện:
Phòng buyn đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn
Trong khoảnh khắc đèn điện vụt tắt ấy, ánh sáng của vầng trăng hiện lên thật bất ngờ. Dường như cùng với ánh trăng, mọi kí ức năm xưa ùa về trong lòng tác giả. Đó là sông, là bể, là rừng, là những năm tháng nghèo đói, thiếu thốn nhưng vẫn luôn đong đầy hạnh phúc. Chính vì lẽ đó đã khiến cho nhà thơ trở nên rưng rưng:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
Trăng vẫn như vậy, tròn trịa và vẹn nguyên. Thứ duy nhất thay đổi đó chính là lòng người. Chính vì đối diện với vầng trăng mà vầng trăng không nói gì khiến cho nhà thơ cảm thấy hổ thẹn với chính bản thân mình. Đúng là vầng trăng tình nghĩa đã quá bao dung và độ lượng.
Với lối diễn đạt bình dị, bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy đã gây được nhiều xúc động đối với độc giả. Giọng thơ sâu lắng với thể thơ 5 chữ cô đọng khiến cho bài thơ chan chứa cảm xúc. Qua bài thơ này, chúng ta cũng nên nhìn lại cách sống của bản thân để sống tốt đẹp hơn.
Cát trắng và Ánh trăng là hai tập thơ của Nguyễn Duy, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Một hồn thơ tươi trẻ tỏa mát bóng tre, như con sóng vỗ dòng sông thơ ấu phảng phất hương vị đồng quê:
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trầm.
(Đò Lèn)
Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm, Ánh trăng, Đò Lèn… là những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Duy. Bài thơ Ánh trăng rút trong tập thơ cùng tên, được tác giả viết vào năm 1978, tại Thành phố Hổ Chí Minh. 3 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Bài thơ như một lời tâm sự chân thành: vầng trăng không chỉ là vẻ đẹp thiên nhiên đất nước mà nó còn gắn bó với tuổi thơ, với những ngày kháng chiến gian khổ vầng trăng đối với mỗi chúng ta không bao giờ có thể quên và đừng vô tình lãng quên.
Nếu như trong bài thơ Tre Việt Nam, câu thơ lục bát có khi được tách ra thành 2 hoặc 3 dòng thơ để tạo nên hiệu quả nghệ thuật biểu đạt gây ấn tượng thì ở bài thơ Ánh trăng này lại có một nét mới. Chữ đầu của dòng thơ, câu thơ không viết hoa. Phải chăng nhà thơ muốn cho cảm xúc được dào dạt trôi theo dòng chảy của thời gian, kỉ niệm?
Hai khổ thơ đầu nói về vầng trăng của tuổi thơ và vầng trăng thời chiến tranh. Vầng trăng tuổi thơ trải rộng trên một không gian bao la: “Hồi nhỏ sống với đồng – với sông rồi với bể”. Hai câu thơ 10 tiếng, gieo vần lưng (đồng – sông); từ “với” được điệp lại 3 lần nhằm diễn tả một tuổi thơ đi nhiều, được hạnh phúc cảm nhận những vẻ đẹp kì thú của thiên nhiên, từng được ngắm trăng trên đồng quê, ngắm trăng trên dòng sông và ngắm trăng trên bãi bể. Tuổi thơ của chúng ta dễ có mấy ai được cái cơ may ấy như nhà thơ? Thuở bé nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chỉ được ngắm trăng nơi sân nhà: “Ông trăng tròn sáng tỏ – Soi rõ sân nhà em… Chỉ có trăng sáng tỏ – Soi rõ sân nhà em… ” (Trích Trăng sáng sân nhà em).
Tuổi thơ được ngắm trăng thích thế, như một chút hoài niệm xa vời. Hai câu thơ tiếp theo nói về hồi máu lửa, trăng với người lính, trăng đã thành “tri kỉ”:
Hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.
“Tri kỉ”: biết người như biết mình; bạn tri kỉ là người bạn rất thân, hiểu biết mình. Trăng với người lính, với nhà thơ trong những năm ở rừng thời chiến tranh đã trở thành đôi bạn tri kỉ- Người chiến sĩ nằm ngủ dưới trăng “Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm” (Hồ Chí Minh). Giữa rừng khuya sương muối, người chiến sĩ đứng chờ giặc tới “Đầu súng trăng treo” (Chính Hữu). Nẻo đường hành quân của người chiến sĩ nhiều đêm đã trở thành “nẻo đường trăng dát vàng”. Trăng đã chia sẻ ngọt bùi hân hoan trong niềm vui thắng trận với người lính tiền phương. Đất nước trải qua những năm dài máu lửa, trăng với anh bộ đội đã vượt lên mọi tàn phá hủy diệt của bom đạn quân thù:
Và vầng trăng, vầng trăng đất nước
Vượt qua quầng lửa, mọc lên cao.
(Phạm Tiến Duật)
Các tao nhân ngày xưa thường “đăng lâu vọng nguyệt”, còn anh bộ đội Cụ Hồ một thời trận mạc đã nhiều phen đứng trên đồi cao, hành quân vượt núi cũng say sưa ngắm vành trăng cao nguyên. Thật là thú vị khi đọc vần thơ Nguyễn Duy vì nó đã mở ra trong lòng nhiều người một trường liên tưởng: “hồi chiến tranh ở rừng – vầng trăng thành tri kỉ”.
Khổ thơ thứ hai như một lời nhắc nhở của tác giả về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Lại một vần lưng nữa xuất hiện – Một ẩn dụ so sánh làm nổi bật chất trần trụi, chất hồn nhiên người lính những năm tháng ở rừng. Đó là cốt cách của các anh:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ.
Vầng trăng là biểu tượng đẹp của những năm tháng ấy, đã trở thành “vầng trăng tri kỉ”, “vầng trăng tình nghĩa” ngỡ như không bao giờ có thể quên. Một ý thơ làm động đến đáy tâm hồn, như một sự thức tỉnh lương tâm đối với những kẻ vô tình: “ngỡ không bao giờ quên – cái vầng trăng tình nghĩa “
Sự thay đổi của lòng người thật đáng sợ. Hoàn cảnh sống đổi thay, con người dễ thay đổi, có lúc dễ trở nên vô tình, có kẻ dễ trở thành “ăn ở bạc”. Từ ở rừng, sau chiến thắng về thành phố, được trưng diện và xài sang: buyn-đinh, cao ốc, quen ánh điện, cửa gương… Và “vầng trăng tri kĩ”, “vầng trăng tình nghĩa” đã bị người lãng quên, dửng dưng. Cách so sánh thấm thía làm chột dạ nhiều người:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường.
Trăng được nhân hóa, lặng lẽ đi qua đường, trăng như người dưng đi qua, chẳng còn ai nhớ, chẳng còn ai hay. Người có lương tâm, lương tri mới biết sám hối. Biết sám hối để tự hoàn thiện nhân cách, tự vươn lên, hướng tâm hồn về ánh sáng và cái cao cả. Không đao to búa lớn, không đại ngôn, mà trái lại, giọng thơ thầm thì như trò chuyện, giãi bày tâm sự, nhà thơ đang trò chuyện với mình. Chất trữ tình của thơ ca trở nên sâu lắng, chân thành.
Cũng như dòng sông có thác ghềnh, có quanh co, uốn khúc, cuộc đời cũng có nhiều biến động li kì. Ghi lại một tình huống “cuộc sống thị thành”của những con người mới ở rừng về thành phố, nhà thơ chỉ sử dụng 4 câu thơ 20 từ. Các từ “thình lình”, “vội”, “đột ngột” gợi tả tình thái đầy biểu cảm. Có nhà triết học nói: “Cuộc đời dạy ta nhiều hơn trang sách . Vần thơ của Nguyễn Duy nói với ta rất nhiều:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bạt tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn.
Trăng xưa đã đến với người, vẫn “tròn”, vẫn “đẹp”, vẫn thủy chung với mọi người, mọi nhà, với thi nhân, với người lính. Người ngắm trăng rồi suy ngẫm bâng khuâng:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng,là bể
như là sông, là rừng.
Nguyễn Tuân từng coi trăng là “cố nhân”, nhà thơ Xuân Diệu, trong bài Nguyệt cầm viết cách đây 60 năm cũng có câu: “Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần”. Trở lại với tâm trạng người lính trong bài thơ này. Một cái nhìn đầy áy náy xót xa: “Ngửa mặt lên nhìn mặt”. Hai chữ “mặt” trong vần thơ: mặt trăng và mặt người cùng “đối diện đàm tâm”. Trăng chẳng nói, trăng chẳng trách thế mà người lính cảm thấy “có cái gì rưng rưng”. “Rưng rưng” nghĩa là vì xúc động, nước mắt đang ứa ra, sắp khóc. Giọt nước mắt làm cho lòng người thanh thản lại, trong sáng lại, cái tốt lành hé lộ. Bao kỉ niệm đẹp một đời người ùa về, tâm hồn gắn bó, chan hòa với thiên nhiên, với vầng trăng xưa, với đồng, với bể, với sông, với rừng, với quê hương đất nước. Cấu trúc câu thơ song hành, với biện pháp tu từ so sánh, với điệp từ (là) cho thấy ngòi bút của Nguyễn Duy thật tài hoa:… “như là đồng, là bể – như là sông, là rừng”. Đoạn thơ hay ở chất thơ bộc bạch chân thành, ở tính biểu cảm, tính hình tượng và hàm súc, từ ngôn ngữ hình ảnh đi vào lòng người, khắc sâu điều nhà thơ muốn tâm sự với chúng ta một cách nhẹ nhàng mà thấm thía.
Khổ thơ cuối bài thơ mang tính hàm nghĩa độc đáo, đưa tới chiều sâu tư tưởng triết lí:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
“Tròn vành vạnh” là trăng rằm, một vẻ đẹp viên mãn. “Im phăng phắc” là im như tờ, không một tiếng động nhỏ. Vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ “kể chi người vô tình” là biểu tượng của sự bao dung độ lượng, của nghĩa tình thuỷ chung trọn vẹn trong sáng mà không hề đòi hỏi đền đáp. Đó cũng chính là phẩm chất cao cả của nhân dân mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc trong thời kì chiến tranh chống Mĩ.
Ánh trăng là một bài thơ hay. Thể thơ năm chữ được vận dụng sáng tạo, tài hoa. Sự phong phú vần điệu, ngôn ngữ trong sáng, giọng thơ tâm tình vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Nhà thơ tâm sự với người đọc những sâu kín nhất nơi lòng mình. Chất triết lí thâm trầm được diễn tả qua hình tượng “ánh trăng”đã tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Không nên sống vô tình. Phải thủy chung trọn vẹn, phải nghĩa tình sắt son với bạn bè, đồng chí, với nhân dân – đó là điều mà Nguyễn Duy nói thật hay, thật cảm động qua bài thơ này.
Nguyễn Duy thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Ông đã có những tác phẩm hay, để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Một trong những bài thơ tiêu biểu là “Ánh trăng”, bài thơ được sáng tác năm 1978. Bài thơ như một lời nhắc nhở người đọc thái độ sống ân nghĩa thủy chung qua một hình thức nghệ thuật độc đáo, đặc sắc.
Trước hết, Ánh trăng gợi lên trong lòng người đọc những kỉ niệm sâu sắc, ấm áp và nghĩa tình của người chiến sĩ.
“Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến trang ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ”.
Tuổi thơ êm đềm, hiền lành và bình dị gắn với đồng, sông, bể đã nuôi dưỡng tâm hồn của người chiến sĩ. Điệp từ “với” lặp lại 3 lần thể hiện sự gắn bó, liên hồi và da diết của cảm xúc, nhịp thơ. Vầng trăng đã trở thành tri kỉ, thành người bạn tâm tình, gần gũi gắn bó với tuổi thơ tươi đẹp, trong sáng. Cứ như thế, trăng theo nhịp bước người chiến sĩ lớn dần theo năm tháng, đến cả những nơi gian khổ, hiểm nguy nhất, là trong chiến tranh:
“Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa”.
Vầng trăng mang vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc nguyên thủy như vẻ đẹp của thiên nhiên, khiến cho nhân vật trữ tình cảm nhận dường như sẽ không bao giờ có thể quên cái vầng trăng tri kỉ-tình nghĩa ấy. Vậy là vầng trăng không còn là vật vô tri vô giác mà đã trở thành người bạn, người đồng chí, đồng tình có linh hồn, nhịp đập và hơi thở riêng.
Nhưng vầng trăng không chỉ gắn liền với những kỉ niệm, không chỉ đẹp lung linh, tươi mới mà còn là lời nhắc nhở thầm kín của tác giả với người đọc về lối sống nghĩa tình, thủy chung.
“Từ hồi về thành phố
quen ánh điện của gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường”.
Cuộc sống thay đổi, con người cũng phải thay đổi mình để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại để theo kịp nhịp nhảy của thời đại, nhưng một điều đáng buồn là vầng trăng tri kỉ-tình nghĩa năm nào giờ không còn nữa mà đã trở thành người xa lạ, dửng dưng. Chính cuộc sống hiện đại, văn minh và những tiện nghi đã làm con người ta quên đi cái quá khứ khó nhọc mà anh hùng của mình, quên đi những gì bình dị, thiêng liêng nhất trong kí ức, đến nỗi giờ đây tất cả chỉ là người dưng nước lã, kẻ xa lạ, không quen biết. Một tình huống bất ngờ xảy ra và chính khoảnh khắc ấy đã làm nổi lên tất cả vấn đề mà nhà văn muốn gửi gắm:
“Thình lình đèn điện tắt
Phòng buyn-đinh tối om
Vội bật tung cửa sổ
Đột ngột vầng trăng tròn”.
Từ láy “thình lình” xuất hiện ở đầu khổ thơ đã diễn tả tình huống mất điện đột ngột vào ban đêm. Ba động từ “vội, bật, tung” để tìm ánh sáng đặt liền nhau đã diễn tả sự khó chịu, bức bối và hành động khẩn trương đi tìm nguồn sáng của con người. Hình ảnh vầng trăng tròn tình cờ và tự nhiên hiện ra giữa trời chiếu vào căn phòng tối om kia, vào khuôn mặt đang ngửa lên nhìn trời, nhìn trăng ấy. Từ láy “đột ngột” được lựa chọn rất đắt nhằm diễn tả một tình huống hết sức bất ngờ. khổ thơ giống như một nút thắt khơi gợi tâm trạng suy ngẫm cho người đọc:
“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì dưng dưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng”.
Vầng trăng xuất hiện thật bất ngờ dẫn đến sự đối mặt đầy xúc động. Ngửa mặt lên nhìn mặt diễn tả một động tác vừa trân trọng vừa thân mật. Điệp từ “mặt” xuất hiện hai lần trong một câu thơ nhấn mạnh sự giao cảm giữa trăng và người trong một tư thế tập trung, chú ý. Một cái nhìn trực diện và cảm xúc thiết tha dâng trào trong lòng nhà thơ, đó là cảm xúc về những kỉ niệm ấu thơ, những gì thân thiết, gần gũi êm đềm trong sáng mà bấy lâu dường như bị lu mờ, phai nhạt dưới ánh điện cửa gương. Hình ảnh vầng trăng gợi nhớ đến thiên nhiên, nơi con người đã đi qua, đã sống và gắn bó như máu thịt. Cảm xúc “rưng rưng” là cảm xúc nghẹn ngào, bồi hồi, xúc động như trực trào nước mắt của nhân vật trữ tình:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình”.
Mạch cảm xúc suy tưởng của nhà thơ đã phát triển thành chiều sâu tư tưởng mang tính chất triết lí về trăng. Hình ảnh vầng trăng tròn vành vạnh biểu tượng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên, viên mãn, tròn đầy không bị phai nhạt. “ánh trăng im phăng phắc” là sự im lặng như tờ, không một lời trách cứ, mặc cho con người vô tình. Như vậy một cách hình tượng, nhà văn Nguyễn Duy muốn gửi đến thông điệp sắc về nhân sinh cho người đọc: con người có thể lãng quên quá khứ, thiên nhiên nghĩa tình nhưng vầng trăng, quá khứ luôn tròn đầy, viên mãn, rộng lượng, vị tha. Câu thơ có sự đối lập giữa trăng tròn vành vạnh và kẻ vô tình, giữa cái im lặng của trăng với sự giật mình, thức tỉnh của con người. Kết hợp với biện pháp nhân hóa, hình ảnh ẩn dụ và các từ láy “vành vạnh, phăng phắc” đã gợi lên chính xác sự tròn đầy của trăng, đồng thời gợi lên một không khí tĩnh lặng, đủ để xoáy sâu vào lòng người sự suy ngẫm, day dứt. Cái giật mình là cảm giác và phản xạ tâm lí của một con người biết suy nghĩ chợt nhận ra sự vô tình của bản thân và sự nông nổi trong cách sống của mình, cái giật mình của sự ăn năn, tự trách tự thấy mình cần phải thay đổi không được phản bội quá khứ.
Lời thơ kết hợp tự sự với trữ tình. Hình ảnh thơ bình dị, hàm súc, giàu sức gợi và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng tất cả đã tạo nên một bài thơ hay, ám ảnh và giàu sức gợi.
—/—
Trên đây là một số bài văn mẫu Phân tích bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy mà Top lời giải đã biên soạn. Hy vọng sẽ giúp ích các em trong quá trình làm bài và ôn luyện cùng tác phẩm. Chúc các em có một bài văn thật tốt!