/tmp/enked.jpg
Tràng Giang là một bài thơ đậm chất Huy Cận, từ những chất liệu nhà thơ xây dựng, đến cảm xúc buồn âu sầu ảo não mà hình ảnh thơ mang lại, đặc biệt hai khổ thơ đầu đã lột tả chân thực xúc cảm ấy cho người đọc. Hãy cùng cảm nhận nó trong bài Phân tích 2 khổ thơ đầu bài Tràng Giang dưới đây nhé.
Huy Cận tưởng như đã đem hồn thơ với nỗi buồn thiên cổ đầy sầu mộng của mình để lượm lặt những nỗi buồn nhân thế mà đem vào trang thơ. Tràng Giang có thể nói là bài thơ thể hiện rõ nhất điệu hồn ấy của phong cách thơ Huy Cận. Đặc biệt hai khổ đầu bài thơ, là những nét vẽ vừa đẹp vừa thấm đẫm chút buồn man mác phủ lên toàn bộ cảnh vật.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Nỗi ám ảnh thời gian luôn vận động theo quy luật tuyến tính, một đi không trở lại đã khiến Xuân Diệu luôn vội vàng, cuống quýt trong từng nhịp điệu sống. Còn nỗi ám ảnh không gian đã mang vào trong thơ Huy Cận những thế giới rộng lớn, mênh mông sầu mộng của thi sĩ. Ở Tràng Giang cũng không phải là ngoại lệ, mở đầu bài thơ là hình ảnh sông dài với những đợt sóng buồn điệp điệp nối đuôi nhau. Cái hay ở đây, là cách nhà thơ dùng từ “tràng giang” để gọi nó, nó gợi màu sắc cổ điển, vì thế con sông trong thơ Huy Cận dường như gọi về bao nhiêu nỗi niềm xưa, bao nhiêu dấu rêu phong, bao nhiêu những con sông hoàng hà cổ đại, từ đó chảy trên dòng thời gian bất tận để đưa người đọc xuôi dòng về hiện thực. Thuyền và nước, nỗi niềm của sự chia rẽ được thể hiện rất rõ trong nỗi sầu ở câu thơ thứ ba. Nỗi sầu của dòng sông, nỗi buồn man mác của dòng chảy bất tận về muôn ngã rẽ, mang theo nỗi lòng của mình để hướng về muôn nơi, sự chia cắt của thuyền và nước, tưởng như là sự chia cắt của lòng người khiến cho sự vật cũng như tan tác, chia li. Câu thơ thứ tư, mới thực là sự đắc địa và cẩn trọng trong cách chọn từ của Huy Cận. Củi, đã là sự vật gợi sự khô héo, tàn lụi, thậm chí là mất dần sự sống. Tiếp đến, lượng từ “một’ gợi sự đơn lẻ đơn độc và lạnh lẽo trên dòng sông bất tật, thế nhưng không chỉ một mình, đơn độc mà cành củi ấy còn vô phương vô định lưu lạc về chân trời nào. Ở đây có thể thấy, Huy Cận đã đưa vào trong thơ những chất liệu từ đời thực, những chất liệu sống để diễn tả một cách chân thực, mộc mạc nhất sự cô đơn, mất phương hướng thậm chí là bế tắc của chính tác giả, hay của những cái tôi thơ Mới lúc bấy giờ. Nếu trong Tràng Giang, Huy Cận mượn cành củi khô để diễn tả tình cảnh lưu lạc, hoang hoải trong tâm hồn của những cái tôi thơ mới, thì Xuân Diệu cũng từng viết:
“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới
Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối”.
Rõ ràng, Huy Cận đã đưa vào thơ một cách trần trụi rất riêng những chất liệu của đời sống.
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Thiên nhiên một lần nữa xuất hiện trong thơ nhưng chỉ là những cảnh vật gợi sự khô héo, đìu hiu tàn lụi. Những cồn nhỏ như đang nương vào cơn gió để khe khẽ kể về nỗi buồn của mình. Và ngọn gió, dường như cũng mang trong nó nỗi buồn man mác của cảnh vật mà hồn thơ âu sầu ảo não của Huy Cận đã họa thành. Tiếp đến, chợ vốn là là hình ảnh của không gian sống, là biểu tượng của cuộc sống nhộn nhịp, đông đúc. Nhưng chợ ở đây, cũng là chợ chiều đã vãn. Cảnh vật héo buồn, sinh hoạt và cuộc sống của con người cũng đi dần vào thế nghỉ ngơi, vào sự buồn bã hiu quạnh. Hai câu thơ cuối có thể nói là tuyệt bút nên thơ của Huy Cận, cách dùng từ độc đáo của thi nhân đã lột tả một cách chính xác cảm giác của nhân vật trữ tình khi đứng trước thiên nhiên rộng lớn. Những chuyển động đối lập nhau : lên-xuống cùng với cách tạo vế đối nắng xuống, trời lên tạo cảm giác như một chiếc tù giam lỏng dồn nén con người ở giữa cảm thấy ngột ngạt, bí bách và chán chường trong sự vận động xoay guồng của tạo hóa. Sâu chót vót là cụm từ độc đáo, vừa diễn tả độ sâu, vừa diễn tả độ cao, vừa tạo cảm giác mở về sự cảm nhận của người đọc. Và rồi tiếp nối mạch cảm xúc ấy, là cảm giác cô liêu, cô đơn đến cùng cực của con người giữa sông dài trời rộng, giữa sự vô tận.
Chỉ với 8 câu thơ, Huy Cận đã yểm vào đó linh hồn cho từng câu chữ, để bắt cảnh vật sống dậy với chất buồn thấm đẫm trong từng thớ vỏ, đồng thời tạo nên cảm giác âu sầu ảo não vốn rất đặc trưng trong thế giới thơ Huy Cận.