/tmp/vrfni.jpg
Quang Dũng không chỉ là một nhà thơ, mà còn là người thơ, nghĩa là trong hồn thơ ông có cả chất nhạc, chất họa thắm quyện vào. Vì thế nên vào thơ Quang Dũng, người ta vẫn hay ví trong thơ có nhạc, trong thơ có họa là vì vậy. Tây Tiến là những trang hoa tờ hoa đẹp nhất minh chứng cho điều đó, đặc biệt là 14 câu thơ mở đầu. Hãy cùng phân tích để làm rõ nhận định trên nhé:
Tây Tiến mở đầu bằng nỗi nhớ, nỗi nhớ miên man của cảm xúc, của trái tim được diễn tả thật độc và lạ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Vần “ơi” như mở ra mênh mông bất tận khoảng lặng của nỗi nhớ, để gửi nó về phương xa, nỗi nhớ vô hình mà nay lại như bật thành hình khối, thành âm vang. Nhớ chơi vơi là một cách diễn đạt là về nỗi nhớ, dân gian ta có câu “nhớ ai bổi hổi bồi hồi, như đứng đống lửa như ngồi đống than”. “Chơi vơi” của Quang Dũng vừa như đang ngân dài nỗi nhớ, mà cũng như đang làm vang xa nỗi nhớ vào cái điệp trùng bất tận của không gian. Nỗi nhớ giăng giăng cả đoạn thơ, và dẫn dắt người đọc vào những miền cảm xúc dạt dào bất tận. Thơ là khởi nguồn của cảm xúc, vậy thì những câu thơ mở đầu này, Quang Dũng đã phổ vào tâm hồn người đọc điệu nhạc, điệu hồn bất tận của trái tim ông, để kiếm tìm sự đồng điệu, khơi gợi sự tri âm trong tâm hồn người đọc. Tiếp tục mạch chảy ấy, là những hình ảnh đầy chất thơ thấm đượm trong từng ý thơ. “Sương lấp, hoa về”, những từ ngữ gợi cảm giác về sự mơ hồ, huyền diệu, và như đang hàm chứa những khoảng vô ngôn rất đỗi dư tình là vì thế chăng? Hoa về, thật nhiều liên tưởng, là hình ảnh của thiên nhiên, hay là tâm hồn lãng mạn, đa tình của những người chiến sĩ đất Hà thành đã đằm vào màn sương hơi đêm khuya, câu thơ của Quang Dũng như đưa người đọc vào đường biên của khả giải, bất khả giải, để rồi, cứ một nét mờ, lại một nét đậm, sau những cảnh tượng đầy thơ mộng trữ tình, lại là hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ dữ dội:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Các từ láy “khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút” như những nét vẽ sắc nét đã lột tả hết toàn bộ cảnh tượng núi rừng hiểm trở, hoang vu, heo hút thăm thẳm. Từ “khúc khuỷu” gợi cái gập ghềnh, trúc trắc của những cung đường. “Thăm thẳm” lại gợi lên chiều sâu hun hút và sự nguy hiểm của nơi rừng thiêng nước độc. Tiếp đó từ “heo hút” như vẽ cả cái ngút ngàn của rừng thiêng, lại cũng vừa gợi ra cái ớn lạnh của đường rừng mà ở câu thơ tiếp theo đó Quang Dũng đã hé lộ “Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Thiên nhiên thì hùng vĩ nhưng đầy chông gai, lại ẩn tàng những con thú hoang dữ, nguy hiểm chập chùng như đang thách thức bước chân những người lính. Nhịp thơ nhanh, ngắn, dồn dập, như đang vẽ nên những cung đường hành quân trúc trắc, gập ghềnh, mà cũng như đang phổ một bản nhạc với nhịp điệu trúc trắc trên cung đường những người lính đã qua. Còn trên nền bức tranh thiên nhiên hùng vĩ ấy, hiện lên hình ảnh người lính:
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời”
Quang Dũng ở đây đã không hề né tránh hiện thực, mà tái hiện thực tế chiến trường và nỗi nhọc nhằn gian truân của những người lính, nếu câu thơ trên gợi sự mệt nhọc, uể oải, thì đến câu thơ thứ hai cụm từ “bỏ quên đời”, như thấy được khí phách ngang tàn, đậm chất lính của những người chiến sĩ nơi đây. Trong khó khăn gian khổ, vẫn luôn ung dung tư thế tâm thế anh lính đất Hà thành, không chỉ hiên ngang giữa thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, dữ tợn, mà cũng thả hồn mình vào cái thơ mộng ở nơi đây:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Giữa cái heo hút, lạnh lẽo trên kia, dưới này lại là hình ảnh khói lam chiều của cuộc sống dân dã ấm áp, đượm hương, đượm tình của người đồng bào miền núi. Đặc biệt trong câu thơ dưới, hồn thơ lãng mạn, đa tình của Quang Dũng như đã ngỏ hết vào hai chữ “mùa em”, vừa gợi sự trẻ trung, tươi mới, vừa có chút gì đó đa tình, lãng mạn, tình tứ, mộng mơ. Chính những ranh giới và những nét pha trộn, đối kháng giữa hùng vĩ và thơ mộng đã làm 14 câu thơ đầu này của Quang Dũng thêm đặc sắc, thú vị.
Chỉ với 14 câu thơ mở đầu, nhưng tự nó như đã vẽ nên rất nhiều về vẻ đẹp của hồn thơ, chất thơ Quang Dũng, đó là vừa hào hùng mà cũng rất đỗi hào hoa, tráng lệ.
Các bài viết liên quan: