/tmp/ndpji.jpg
Người ta nói, mùa thu đến mang thơ vào đất trời mà cũng như đề thơ vào lòng người, đặc biệt với những tâm hồn thi sĩ nghệ sĩ nhạy cảm tinh tế như Nguyễn Khuyến thì thơ thu của thi nhân không chỉ mang nét vẽ riêng về thiên nhiên, mà còn là cái cớ để ngụ những tâm sự thầm kín. Câu cá mùa thu là những trang thơ đượm dư vị ấy.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”.
Nếu mùa thu trong thơ Xuân Diệu mang đậm một nét vị hiện đại của cái tôi thơ Mới để góp phần vào bức tranh thu trên thi đàn văn học, thì mùa thu của Nguyễn Khuyến lại là mùa thu đậm hồn quê, dấu quê xưa, một nét thu quê kiểng, dân dã. Và ngay từ những câu thơ mở đầu này ta đã bắt gặp điệu hồn ấy. Nước ao thu trong, mang trong nó hơi sương lạnh của những ngày chớm rét, khiến cho không gian hiện lên mang những đường nét nhỏ nhẹ mà thi vị tẩm vào trong câu thơ cũng toát lên nét gì đó lạnh, buồn. Đặc biệt điểm nhấn về chiếc thuyền câu bé tẻo teo đã làm cho không gian thêm nhỏ lại. Như vậy chỉ trong hai câu thơ đầu, nhưng không gian hiện lên mang màu thanh vị đạm, đường nét thì gợi sự tinh tế, mơ hồ khó nắm bắt. Một nét thơ rất Nguyễn Khuyến và cũng mang đậm dấu vị thơ về một miền quê với nét thu xưa
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.
“Sóng biếc” ý chỉ nước thu trong, xanh. Nhưng cách dùng từ của thi nhân đã giúp cho gợn sóng vô tri như chở trong nó linh hồn của mùa thu đang hiện diện, cũng như phải chăng còn gợi lên một điểm tựa khác cho sự hình dung của người đọc, ấy là bầu trời có cao trong, có xanh trong thì mặt nước ao thu, thì con sóng ấy mới trong veo xanh tận đáy như thế. Hơi gợn tí, đến chuyển động của gợn sóng cũng thật khẽ khàng nhỏ nhẹ. Tiếp đến bức tranh thiên nhiên lại được điểm chút lá vàng rơi, lá vàng là sắc điệu quen thuộc của mùa thu, nhưng lá vàng trong thơ Nguyễn Khuyến “khẽ đưa vèo” tưởng như thi nhân có thể bắt được tốc độ bay của chiếc lá, mà dùng câu từ để thâu tóm lại phần linh hồn chở trong nó để ướm lên trang thơ của mình. Mọi cử động, chuyển động trong bức tranh thu của Nguyễn Khuyến đều nhất mực nhỏ nhẹ, đơn giản, khẽ khàng.
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Trên kia qua sắc nước mà gợi về bầu trời, dưới này lại một lần nữa họa them cho không gian một lớp nền trong xanh cao vời vợi. Xanh ngắt trong thơ Nguyễn Khuyến lại một lần cho ta thấy, thơ thu trong thơ thi nhân ngập tràn những điệu xanh, sắc xanh riêng. Hình ảnh ngõ trúc, ở đây không đơn thuần là câu thơ lột tả vẻ đẹp của thiên nhiên làng quê, mà ẩn dụ cho vẻ đẹp thanh cao của người quân tử. Đặt vào trong hoàn cảnh Nguyễn Khuyến viết bài thơ này, có lẽ nó phần nào cho thấy thú vui nơi chốn quê thôn dã, và tâm hồn thanh cao đạo mạo của một bậc hiền nhân muốn lánh đục về trong.
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Rõ ràng nhờ tâm hồn tinh tế của thi nhân nên đã cảm nhận được cái đớp động của con cá. Nhưng đồng thời cũng đặt ra cho ta một câu hỏi, không gian làng quê xưa phải thật tĩnh tại an yên bình lặng như thế nào mà trái tim tinh tế rất mực nhạy cảm của thi nhân mới có thể bắt được điệu riêng ấy để gửi vào trong thơ bức tranh thu đẹp, tĩnh lặng buồn.
Câu cá mùa thu là bức tranh thu mang những điệu xanh riêng, một điệu xanh của cảnh vật thiên nhiên, đã góp phần làm nên một mùa thu điển hình trong văn học Việt Nam, nhuần thấm vẻ đẹp thơ cổ điển đó là ưa vẻ đẹp tĩnh lặng, nét thanh tao, đạm trong vị. Đồng thời hé mở một tư thế tâm thế của Nguyễn Khuyến đầy nho nhã, thanh cao, tinh tế.
Tham khảo: Dàn ý nghị luận về lòng yêu nước của Nguyễn Khuyến qua Thu điếu