/tmp/kkuwe.jpg
MỞ BÀI 1
Không phải lúc nào cũng cần lên tiếng, phải lập luận đúng sai. Bởi im lặng cũng là thanh âm. Và ” thinh lặng là hùng biện cũng là thứ ngôn ngữ mạnh mẽ nhất”. Tôi bỗng nhớ đến cái im lặng của Tây Bắc, nhớ đến cái cuộc sống im lìm ” lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa” của Mị. Trong trang văn “Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài, nhân vật ít khi cất tiếng. Ngày hôm qua vẫn sẽ như ngày hôm nay, chẳng có gì thay đổi nếu không có cái đêm mùa xuân ở Hồng Ngài. Vào thời khắc ấy, nhân vật Mị đã lấp đầy cuộc sống im lặng của mình bấy lâu nay bằng âm thanh của tình yêu cuộc sống mãnh liệt, bằng khát vọng tự do hạnh phúc tha thiết dẫu cho có bị chà đạp khổ đau….
MỞ BÀI 2
Cái đẹp của truyện ngắn muôn màu là cái đẹp của chính cuộc sống luôn hiện ra như một thực thể không đáy và mình luôn là kẻ phải mò mẫm dò tìm. Dò tìm trong say mê thì may ra mới thấy được. Và có lẽ, trong mỗi một truyện ngắn để ” dò tìm” được thứ ” vàng mười đã qua thử lửa” thực chẳng dễ dàng gì. Nhưng may mắn thay, trong những giây phút ” dò tìm say mê”, tôi có cơ hội bắt gặp bóng dáng của một con người trong cái lặng im Tây Bắc, bắt gặp những tia sáng le lói đằng sau một tâm hồn tưởng như đã chìm vào đêm đen. Trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài dưới trang sách “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài, tôi tìm thấy Mị – một con người bị chà đạp khổ đau nhưng vẫn yêu cuộc sống mãnh liệt đến da diết….
MỞ BÀI 3
Rất nhiều tác giả của những truyện ngắn hay là những người cầm bút có cái biệt tài “có thể chọn trong cái dòng đời xuôi chảy một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất… thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại”. Và tôi chợt nghĩ đến Tô Hoài -nhà văn có cái ” biệt tài ” đó. Với đêm mùa xuân ở Hồng Ngài, chính là ” khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất” ông đã thể hiện rõ nét về chân dung nhân vật Mị – người con gái xinh đẹp với sức sống và khát khao hạnh phúc tiềm tàng trong bóng đêm cuộc sống Tây Bắc.
MỞ BÀI 4
.” Chẳng có nơi nào trên thế gian này là nơi trú ngụ bình an thực sự, đó là bản chất tự nhiên của thế gian. Hãy nương tựa vào chính mình để tìm một chỗ trú ngụ an toàn. Đừng tìm cầu nơi nào khác bên ngoài”
( Chỉ là một cội cây thôi)
Chỉ có thể dựa vào động lực bên trong, dựa vào chính mình để tiếp tục sống. Phải chăng chính vì thế mà hình ảnh nhân vật Mị trong trang văn ” Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài ngày hôm nay vẫn còn sức quyến rũ lạ thường đối với mỗi độc giả chúng ta? Trong lay lắt khổ đau, Mị vẫn sống âm thầm tiềm tàng mãnh liệt. Những khát vọng của một bản thể ham sống, thiết tha với cuộc đời được thể hiện rõ nét qua đêm mùa xuân ở Hồng Ngài….
MỞ BÀI 5
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng cô Mị trong ” Vợ chồng A Phủ”- Tô Hoài sẽ mãi tê liệt với kiếp sống đày ải. Thế nhưng sức sống tiềm tàng một lần nữa lại bùng cháy trong tâm hồn Mị. Mị muốn sống với những tháng năm của những đêm tình mùa xuân. Cái gì đã làm hồi sinh một cô Mị “đầy xuân sắc, xuân tình” nơi một người đàn bà đang mòn mỏi bên tàu ngựa nhà thống lí ? Có phải vì Tết năm ấy rạo rực hơi xuân? Nhà văn Tô Hoài bằng mối quan hoài thường trực về số phận con người đã tái hiện trọn vẹn một tâm hồn mãnh liệt với cuộc đời, mãnh liệt với tình yêu và tuổi trẻ trong Mị vào đêm mùa xuân Hồng Ngài.