/tmp/iwbcl.jpg
Hướng dẫn lập dàn ý nghị luận về ý nghĩa của việc cho đi trong cuộc sống ngắn gọn, chi tiết, hay nhất. Với các bài dàn ý và văn mẫu được tổng hợp và biên soạn dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết
1. Mở bài:
– Giới thiệu về cho và nhận trong cuộc sống
2. Thân bài:
* Giải thích:
– Cho: Ban tặng, sẻ chia, chuyển những thứ thuộc quyền sở hữu của mình sang cho người khác mà không đổi lấy thứ gì.
– Nhận: Lấy về cái được cho, được ban tặng.
-> Cho và nhận là truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay.
-> Cho và nhận có mối quan hệ mật thiết với nhau.
* Biểu hiện:
– Chúng ta có thể cho đi những thứ vật chất, tiền bạc thông qua các hành động từ thiện, quyên góp ủng hộ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
– Đó cũng có thể là những hành động giúp đỡ, chia sẻ nỗi buồn, nỗi mất mát với những người xung quanh mình.
– Cho và nhận là hành động xuất phát từ tình yêu thương giữa con người với con người.
– Đó là hành động hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi cá nhân.
– Khi chúng ta cho đi cũng là lúc chúng ta được nhận lại. Điều chúng ta nhận lại có thể là một lời cảm ơn chân thành, một nụ cười, một cử chỉ ấm áp khiến chúng ta vui lòng.
* Ý nghĩa của cho và nhận:
– Cho và nhận gắn kết con người lại với nhau nhiều hơn.
– Giúp chúng ta biết yêu thương đồng loại, sống nhân ái, vị tha hơn.
– Những người biết cho đi sẽ được mọi người quý mến.
* Bài học:
– Không sống ích kỉ mà phải biết chia sẻ với người khác, biết cho đi.
– Phê phán lối sống vị kỉ, chỉ biết nhận mà không biết cho đi.
3. Kết bài:
– Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của cho và nhận trong cuộc sống.
1. Mở bài
– Nhà thơ Tố Hữu có câu “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
– Giữa cuộc sống bộn bề lo âu, chúng ta rất cần những yêu thương và sẻ chia, dù nó bình dị, nhỏ nhoi nhưng đó là một tấm lòng đáng trân trọng. Trao đi yêu thương để nhận lại yêu thương vốn dĩ là một quy luật trong cuộc sống. Đó vẫn là một mối quan hệ nhân quả giữa “cho” và “nhận” mà đôi khi ta không nhận ra.
2. Thân bài
2.1. Giải thích
– Cho chính là sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương xuất phát từ tâm, từ tim của một người. Dù “cho” rất nhỏ, nhất đời thường nhưng đó là cả một tấm lòng đang quý.
– Nhận chính là được đáp trả, được đền ơn.
– Cho và nhận là một mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó rất nhiều mối quan hệ tương trợ, bổ sung cho nhau.
2.2. Bàn luận
a) Biểu hiện của cho và nhận
– Trong cuộc sống quanh ta, đâu đó vẫn còn những mảnh đời bất hạnh, đau khổ cần rất nhiều sự sẻ chia, giúp đỡ, bao dung, rộng lượng. Họ cần chúng ta chia ngọt sẻ bùi.
– Chúng ta trao đi yêu thương chúng ta sẽ nhận lại sự thanh thản và niềm vui trong tâm hồn. Dù cái chúng ta nhận lại không phải là vật chất, là những thứ hiển hiện, chỉ là niềm vui, là sự an nhiên mà thôi.
– Khi trao đi hạnh phúc cho người khác, chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống của mình thực đáng sống và đáng trân trọng. Có nhiều người làm từ thiện cả một đời, họ trao đi rất nhiều mà chẳng mong nhận lại điều gì. Nhưng thứ họ nhận được là sự nhẹ nhõm và bình an trong tâm mình.
– Những người đang cho đi, đôi khi sự nhận lại không phải trong phút chốc, cũng không hẳn nó sẽ hiển hiện ngay trước mắt. Điều bạn nhận lại có khi là cả một quá trình, sau này bạn mới nhận ra mình được đáp trả nhiều hơn cái cho đi đó.
b) Ý nghĩa của cho và nhận
– Cho và nhận là những quy luật của tự nhiên và xã hội loài người. Trong xã hội, vấn đề này càng cần được nhận thức rõ ràng: không cho thì không thể nào nhận được.
– Cho và nhận xứng đáng được ngợi ca với tinh thần ta biết sống vì người khác, một người vì mọi người.
– Cho là một hạnh phúc, vì phải có mới cho được, điều đó càng có ý nghĩa khi cái ta cho không chỉ là vật chất, tiền bạc mà là lòng nhân ái.
– Xã hội càng phát triển, vấn đề cho và nhận càng được nhận thức rõ ràng. Muốn đời sống được nâng lên, mỗi cá nhân phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng. Có như vậy, bằng tài năng và sức lực, mới góp phần làm giàu cho Tổ quốc, làm giàu cho bản thân. Khi đó, cái mà ta cho cũng là cái ta nhận. Trong cuộc sống, nếu chỉ cho mà không nhận thì khó duy trì lâu dài, nhưng nếu như cho và lại đòi hỏi được đền đáp thì sự cho mất đi giá trị đích thực của nó.
c) Mở rộng, phản đề
– Cho và nhận đáng phê phán khi: những kẻ tham lam tàn nhẫn sống trên mồ hôi nước mắt của người khác, kẻ tầm thường chỉ muốn nhận muốn vay mà không muốn cho, muốn trả.
– Phê phán một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ biết nhận từ cha mẹ, từ gia đình, người thân… để rồi sống ích kỉ, vô cảm, không biết chia sẻ với bạn bè, đồng loại.
Bài học nhận thức và hành động
– Cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên tầm thường nếu chỉ biết nhận mà không biết cho. Vì thế, sống, hãy đừng chỉ biết nhận lấy, mà còn học cách cho đi.
3. Kết bài
– Hãy mở rộng lòng mình để cảm nhận cuộc sống. Hãy yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn để xã hội càng văn minh, để cái nắm tay giữa con người với con người thêm ấm áp.
1. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: cho và nhận.
(Trong cuộc sống, con người muốn phát triển và thành công cần phải rèn luyện những đức tính quý báu. Một trong số đó phải kể đến việc “cho và nhận”).
2. Thân bài
a. Giải thích
“Cho”: nghĩa là cho đi, trao đi tình cảm, sẵn sàng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những người gặp khó khăn trong cuộc sống.
“Nhận”: là chấp thuận việc làm, tình cảm mà người khác dành cho mình.
“Cho và nhận” là một thông điệp ý nghĩa: trong cuộc sống, con người cần biết trao đi tình cảm, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn. Khi trao đi những điều quý giá ấy chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, niềm hạnh phúc, an yên trong tâm hồn và cả những sự giúp đỡ từ người khác.
b. Bàn luận
(Trả lời cho câu hỏi Tại sao chúng ta phải biết cho đi và nhận lại?)
– Cuộc sống còn có nhiều mảnh đời khó khăn, giúp đỡ họ làm cho xã hội phát triển tốt hơn, họ sẽ đỡ đi phần nào thiếu thốn; hơn nữa lại thể hiện được hơi ấm tình người.
– Khi chúng ta trao cho người khác bất cứ điều gì, ta sẽ cảm thấy thanh thản, hạnh phúc hơn.
– Hành động cho đi, giúp đỡ người khác sẽ lan tỏa những thông điệp tốt đẹp ra toàn xã hội, mọi người sẽ có suy nghĩ tích cực, tốt đẹp và nhân văn hơn.
c. Mở rộng vấn đề
– Trong cuộc sống có nhiều tấm gương về sự “cho đi”, giúp đỡ người khác.
(Học sinh tự tìm dẫn chứng chứng minh cho luận điểm này).
d. Phản đề
– Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người vô cảm, lãnh đạm trước sự đau khổ, bất hạnh của người khác; ích kỉ chỉ biết đến bản thân mình; chỉ muốn nhận những điều tốt đẹp của người khác mà không muốn cho đi → những người này đáng bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề và liên hệ bản thân.
Giữa một cuộc sống có biết bao nhiêu bộn bề và lo lắng cho nên chúng ta ắt hẳn ai cũng rất cần những yêu thương và chia sẻ cho dù là bình dị nhất. Trao đi yêu thương để nhận lại vốn là một quy luật luôn có trong cuộc sống. Đó là mối quan hệ qua lại lẫn nhau
Cho và nhận vừa là vô hình vừa là hữu hình. Ý của câu nói này là nếu chúng ta cho đi những gì thì chúng ta sẽ được nhận lại xứng đáng với những gì mà mình cho đi. Đó là một mối quan hệ cần được giữ gìn và trân trọng
Đã có rất nhiều người vẫn chưa hình dung rõ cho và nhận là gì? Cho là cho đi những yêu thương, sẵn sàng có thể giúp đỡ người khác và những việc làm đó xuất phát từ trái tim từ bản thân của mỗi người. Nhận là được đáp trả lại từ những gì mình đã cho đi. Cho và nhận có mối quan hệ khăng khít nhau, đó còn là mối quan hệ nhân quả nhưng ẩn chứa trong đó là mối quan hệ tương trợ nhau.
Có câu hát rằng “sống trên đời sống cần có một tấm lòng” đây là một câu hát, một triết lí mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một tấm lòng đáng kính và đang được ghi nhận.
Biểu hiện của cho đi và nhận lại trong cuộc sống đó chính là trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta mà đôi lúc chúng ta cũng không thể nhận ra được. Đó chính là phép màu, là điều kì diệu mà tạo hóa ban tặng.
Khi mỗi người chúng ta sống có ích, sống biết cho đi thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn bao giờ hết và ta sẽ cảm thấy yêu đời hơn, hạnh phúc hơn.
Ở đâu đó xung quanh chúng ta luôn có những mảnh đời bất hạnh cần được sẻ chia giúp đỡ. Chúng ta không ngần ngại mà hãy giúp đỡ, bao dung và rộng lượng khi còn có thể. Chúng ta trao đi yêu thương thì chúng ta sẽ được nhận lại niềm vui từ trong tâm hồn của mình. Không hẳn là cho đi rồi sẽ trông chờ người ta trả lại cho mình là vui mà niềm vui bắt nguồn từ chính cảm xúc, nhận lại được những điều thực sự ý nghĩa.
Khi chúng ta trao đi cho người khác những điều yêu thương chúng ta mới cảm thấy rằng cuộc sống này thực sự rất tươi đẹp và đáng trân trọng. Có rất nhiều người đi làm từ thiện cả đời luôn luôn quan tâm đến những người nghèo khổ bần cùng, mang cho họ những miếng cơm manh áo “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, đấy là những tấm lòng thực và chân thành của họ dành cho những con người đói khổ bất hạnh của xã hội. Họ trao đi cả đời mà chẳng mong nhận lại được điều gì nhưng những cái họ nhận được là hữu hình, là ý nghĩa của cuộc sống trong họ.
Bởi thế cho nên những người đang cho đi đôi khi không phải là sự nhận lại trong phút chốc mà có khi là cả một quá trình, sau này bạn sẽ nhận ra được rằng mình được nhận nhiều hơn thế.
Bên cạnh những người luôn biết cho đi thì còn rất nhiều người sống rất ích kỷ, chỉ mong muốn nhận về cho mình chứ không hề muốn cho đi. Họ cứ giữ khư khư cho riêng mình. Đây là một thực tế rất đáng lên án, lối sống này rất ích kỉ. Sự tính toán hơn thiệt được mất trong cuộc sống sẽ làm cho họ đánh mất đi chính mình và sẽ bị mọi người xa lánh
Cho đi là một điều chúng ta nên làm trong cuộc sống cho nên chúng ta hãy sống sao để cho bản thân thấy có ý nghĩa hơn và bạn sẽ thấy điều kì diệu từ trong cuộc sống về luật cho đi và nhận lại.
Trong cuộc sống này, ai cũng có riêng cho mình những kế hoạch, những dự định riêng, rồi những nỗi lo của cơm, áo, gạo, tiền… mà đôi lúc dường như con người chúng ta không còn có thời gian quan tâm tới những việc, những người xung quanh.
Trong dòng đời vội vã đó nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhưng đã cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn đó nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác, đó. Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này.
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói ? Hơn nữa, khi bạn “cho” đi, bạn có đảm bảo rằng bạn không mong “nhận” về không? Hãy cố gắng sống vì sự tốt đẹp cho người khác bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói và với sự vô tư nhất có thể. Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Bất cứ ai cũng đã có lần nghe câu nói “cho đi là hạnh phúc” nhưng thực hiện được điều đó chẳng dễ dàng gì. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.
“Cho” không có nghĩa là khi chúng ta có đầy đủ về vật chất mới có thể giúp đỡ người khác, mà đôi khi chỉ cần một lời hỏi han, một lời động viên đúng lúc để giúp người khác có thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực sống. Các bạn hãy làm một việc gì đó, có thể giúp đỡ một ai đó trong lúc túng quẫn, những xa cơ lỡ vận hay những lúc gặp khó khăn, bạn sẽ nhận được những niềm vui vượt lên cả sự mong đợi. Dù cho sự giúp đó là tiền bạc hay chỉ là một lời động viên an ủi. Bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc tràn ngập từ trong sâu thẳm trái tim mình, hạnh phúc đó đang đến từ chính hành động đẹp đẽ của bạn. Đó là khi người khác gặp khó khăn, bạn luôn chìa tay ra giúp đỡ. Khi người khác có tâm sự, nỗi niềm, bạn luôn là người lắng nghe và luôn sẵn sàng sẻ chia. Khi người khác hạnh phúc, bạn hãy luôn mỉm cười, chung vui với người khác.
Không phải lúc nào “cho” cũng mang lại hạnh phúc cả. Một điều kỳ diệu xảy ra khi nó đúng lúc, đúng việc. “Cho” là không mong được “nhận” lại, không mong người khác sẽ trả ơn lại cho mình vì đã giúp đỡ họ. Thật vậy, nếu như ta đem niềm vui đến cho người khác có nghĩa là đã tạo được cho mình một niềm hạnh phúc. Chúng ta hãy sống hết mình với người khác đi, rồi bạn sẽ đón nhận rất nhiều niềm vui hạnh phúc từ nơi người khác. “Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”.
Cuộc sống này có quá nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất. Có ai đó đã từng nói “hạnh phúc là một cái rất kì lạ mà người ta chỉ nhận được khi đem nó cho người khác”, mỗi người chúng ta hãy thử cho đi môt cái gì đó, để rồi biến niềm hạnh của người khác thành niềm hạnh phúc của chính mình.
“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Hạnh phúc là một điều rất kì diệu, ta chỉ nhận được nó khi đem nó trao cho người khác.
“Cho” và “nhận” cũng giống như cặp phạm trù “nhân”, “quả”, trong Triết học. Trên đời này luôn có luật “nhân”, “quả”, “gieo gió thì sẽ gặp bão”, nếu chúng ta biết yêu thương người thì cũng sẽ được yêu thương trở lại, khi chúng ta giúp người khác thì cũng chính là lúc chúng ta tự giúp mình. Khi chúng ta cho đi cũng chính là lúc chúng ta nhận lại, là lúc chúng ta tạo được những điều kỳ diệu nhất của cuộc sống.
Đã là con người thì cũng không ai hoàn thiện cả, vấn đề quan trọng là chúng ta biết sống như thế nào cho xứng đáng với bản chất thật sự của một con người, để không phải hổ thẹn với lương tâm của một con người. Cuộc sống của chúng ta cũng giống như những vết nứt của một chiếc bình, vì vậy chúng ta hãy biết tận dụng những vết nứt đó để cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa hơn. Khi nào bạn làm được điều đó, thì cũng chính là lúc bạn nhận lại được niềm vui cho mình.
Ý nghĩa của cuộc sống nằm ngay trong những giá trị bình thường quanh ta, là tình yêu của mẹ cha, là tình thân của bạn bè, là niềm vui và hạnh phúc khi đối mặt và vượt qua khó khăn, là ước mơ và hy vọng vào ngày mai. Và điều gì nuôi dưỡng tâm hồn ta, xây đắp nên cuộc sống của chúng ta, thì ta cần, nên và phải sống vì chính những điều đó. Và đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc sống đấy các bạn à.
Trong cuộc sống của mỗi chúng ta ai cũng có lúc gặp những khó khăn, trở ngại những lúc như vậy chúng ta cần được người khác giúp đỡ, để vượt qua những khó khăn thử thách.
Giữa những lo toan bộn bề của cuộc sống tình yêu thương cần phải chia sẻ, giúp đỡ cho nhau dù là nhỏ bé nhưng nó sẽ mang lại những thành tựu vô cùng lớn. Cho đi yêu thương sẽ nhận về những yêu thương đó chính là quy luật tồn tại bao lâu nay của cuộc sống. Là quy luật nhân quả của xã hội con người.
Cho là gì? Cho là một hành động thể hiện sự cảm thông, thương xót, sự sẻ chia của mình với những con người, những số phận gặp hoàn cảnh khó khăn hơn mình cần được giúp đỡ. Hành động cho đi cần phải xuất phát từ trái tim của người cho có như vậy hành động này mới thể hiện đúng hết ý nghĩa thiêng liêng, đáng quý của nó.
Nhận là gì? Nhận chính là hành động được đáp trả, được nhận về yêu thương, sự quan tâm chia sẻ, giúp đỡ của người khác dành cho mình. Cho và nhận là hai mảnh ghép gắn bó với nhau trong cuộc sống. Trong mỗi chúng ta ai cũng có lúc cho đi và có lúc được nhận về. Bởi cho và nhận là những điều không thể thiếu trong cuộc sống.
Tác giả Tố Hữu đã từng có câu thơ rất hay rằng “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” hay “Người với người sống để yêu nhau”. Nếu con người trong cộng đồng sống quá ích kỷ chỉ biết tới quyền lợi, lợi ích của mình mà không quan tâm yêu thương những người xung quanh mình, không quan tâm tới cộng đồng, thì xã hội chúng ta sẽ ra sao.
Xã hội chúng ta khi đó sẽ chỉ là một xã hội ích kỷ, đấu tranh, hận thù, căm ghét lẫn nhau không có sự yêu thương, đồng cảm, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Một xã hội như vậy chẳng khác nào những con rô bốt vô tri vô giác.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều mảnh đời những số phận hoàn cảnh éo le, cần sự giúp đỡ của chúng ta. Vì vậy, con người chúng ta hãy mở lòng mình ra để chia sẻ với những số phận kém bất hạnh đó. Khi chúng ta làm được một việc có ích, mang niềm vui cho người khác bản thân chúng ta cũng thấy trái tim mình ấm áp hơn. Khi chúng ta cho đi yêu thương chúng ta nhận được sự bình yên nhận được niềm vui trong cuộc sống hành động ý nghĩa của mình. Đó là ý nghĩa của việc cho và nhận.
Mỗi chúng ta hãy biết chia sẻ, yêu thương giúp đỡ người khác để nhận được niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn mình. Đó chính là niềm vui mà mỗi người chúng ta dễ dàng tìm được trong cuộc sống vô thường này.
—/—
Như vậy, Top lời giải đã vừa cung cấp những dàn ý cơ bản cũng như một số bài văn mẫu hay nghị luận về ý nghĩa của việc cho đi trong cuộc sống để các em tham khảo và có thể tự viết được một bài văn mẫu hoàn chỉnh. Chúc các em học tốt môn Ngữ Văn !