/tmp/sannd.jpg
Câu hỏi: Biện pháp tu từ trong Truyện Kiều
Trả lời:
Biện pháp tu từ ẩn dụ trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều
– Sử dụng những hình ảnh thiên nhiên để ẩn dụ cho vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều.
+ “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”: sự thẳng thắn trong cốt cách như cành mai, hình dáng yểu điệu như hoa mai, tinh thần trong sáng thánh thiện như tuyết.
+ Bốn câu thơ tiếp theo tả Thúy Vân: “khuôn trăng” – khuôn mặt phúc hậu, xinh tươi như trăng rằm; “hoa cười ngọc thốt” – cười tươi như hoa, tiếng nói trong như ngọc; “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” – tóc mềm hơn mây, da trắng hơn tuyết.
+ Tả Thúy Kiều: “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” – dùng hình ảnh làn nước mùa thu, nét núi mùa xuân để nói về vẻ đẹp đôi mắt Kiều. Kiều đẹp đến nỗi hoa, liễu phải ghen tị.
⇒ dùng thiên nhiên để ẩn dụ cho vẻ đẹp con người, đặc biệt là người phụ nữ, tác giả vừa vận dụng nghệ thuật truyền thống vừa thể hiện tinh thần tiến bộ, tôn trọng phái đẹp.
Biện pháp tu từ ẩn dụ trong đoạn trích Cảnh ngày xuân
– Hình ảnh ẩn dụ “yến anh” để nói về sự tươi đẹp, đông vui của khách đi dự hội.
– Hình ảnh hoán dụ “ngựa xe”, “áo quần” để chỉ người đi hội, đi đôi với so sánh “như nước”, “như nêm” tạo nên một bức tranh rực rỡ, sống động, nhộn nhịp.
Biện pháp tu từ ẩn dụ trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều
– Ẩn dụ: “thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”, “ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”, lấy hoa để nói về Thúy Kiều trong ngày bán mình cho Mã Giám Sinh.
⇒ Diễn tả về sự đau lòng, vẻ miễn cưỡng nhưng vẫn cho thấy vẻ đẹp của Kiều.
Biện pháp tu từ ẩn dụ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
– “Kiều ở lầu Ngưng Bích” sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình đề nói về tâm trạng của Thúy Kiều:
+ Ẩn dụ: “người dưới nguyệt chén đồng” nói về Kim Trọng và mối tình tươi đẹp nhưng dang dở đầy bất hạnh của hai người; “người tựa cửa hôm mai”, “sân lai”, “gốc tử” nói về cha mẹ của Thúy Kiều, thể hiện sự lo lắng hiếu thuận của Kiều. Hình ảnh cửa bể, cánh buồm, ngọn nước, hoa trôi, nội cỏ, chân mây mặt đất, gió, sóng đều ẩn dụ cho hoàn cảnh, số phận cô đơn, trôi nổi, bấp bênh của Kiều.
+ Hoán dụ: “tấm son” – nói về danh dự, nhân phẩm, tiết hạnh của Thúy Kiều, cũng là về bản thân Kiều. Trong nỗi nhớ, sự đau khổ tình yêu, Thúy Kiều luôn day dứt nỗi đau nhân phẩm.
+ Điệp ngữ “buồn trông” lặp lại 4 lần: tả tâm trạng sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng của Thúy Kiều.
Kết luận
– Các biện pháp ẩn dụ đều dùng lời ít ý nhiều để tả ngoại hình, tả tâm trạng của nhân vật.
– Nguyễn Du đã kết hợp các biện pháp tu từ một cách hiệu quả.