/tmp/ghmcq.jpg
Để tìm hiểu sâu hơn về giá trị tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, mời các em tham khảo một số bài văn mẫu Chiếc thuyền ngoài xa sáng tác năm nào? sau đây. Hi vọng với các bài văn mẫu ngắn gọn, chi tiết, hay nhất này các em sẽ có thêm tài liệu, cách triển khai để hoàn thiện bài viết một cách tốt nhất!
Nội dung bài viết
Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) quê ở Nghệ An. Ông được coi là một trong những cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.
Nguyễn Minh Châu là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam thời chống Mĩ, cũng là “người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) cho công cuộc đổi mới văn học từ sau 1975. “Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu trong thời kì sau.
“Chiếc thuyền ngoài xa”của Nguyễn Minh Châu được sáng tác vào tháng 8/1983, lúc đầu được in trong tập “Bến quê”, sau đó có vinh dự được nhà văn dùng để đặt tên cho cả tập truyện ngắn, xuất bản năm 1987. Năm 1983, đó là một thời điểm khá đặc biệt khi cuộc chiến tranh chống Mĩ và tay sai đã kết thúc thắng lợi, chúng ta trở về muôn mặt của đời thường. Và cũng trong thời điểm này, cả dân tộc đang bước vào giai đoạn đổi mới, cho nên cuộc sống có nhiều điều bất ngờ thú vị, có sức hút đối với văn nghệ sĩ, trong đó có Nguyễn Minh Châu.
“Chiếc thuyền ngoài xa” là truyện ngắn xuất sắc thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Trong giai đoạn này, qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn đã bộc lộ sự chuyển biến quan trọng trong sáng tác: từ phong cách mang đậm tính chiến đấu, chuyển sang cảm hứng thế sự, cảm hứng nhân sinh, ngòi bút của nhà văn hướng vào thể hiện con người trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và bình yên. “Chiếc thuyền ngoài xa” thực sự là một tác phẩm mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Đồng thời giúp nhà văn gửi gắm được những thông điệp nghệ thuật quan trọng.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng nhận lệnh về vùng biển miền Trung cũng là chiến trường năm xưa anh từng chiến đấu để chụp một bộ ảnh nghệ thuật về thuyền và biển cho bộ lịch năm sau. Sau nhiều ngày lui tới và thay đổi quyết định của mình cũng như tìm kiếm cảnh đẹp, cuối cùng anh cũng bắt được một cảnh đắt trời cho đó là hình ảnh chiếc thuyền chài ngoài xa đang tiến vào bờ ẩn hiện sau làn sương mờ ảo buổi sáng. Cảnh tượng đó đẹp đến mức như một bức tranh mực tàu. Anh giơ máy lên chụp lia lịa thì phát hiện sau cảnh đắt trời cho ấy là hình ảnh một chồng vũ phu đang đánh đập vợ một cách dã man trước sự chứng kiến của những đứa con. Thằng Phác là đứa con cả từ đâu lao tới đánh trả cha mình để bảo vệ mẹ. Phùng ngạc nhiên và sững sờ, anh không chịu được cảnh đó liền tiến đến và ngăn cản người đàn ông thì bị người đó đánh bị thương.
Người vợ được chánh án Đẩu (Đẩu là bạn cũ của Phùng) mời đến tại tòa án Huyện. Tại đây, Phùng và Đẩu ra sức khuyên nhủ người đàn bàn nên bỏ lão chồng vũ phu đi để cảnh tượng này không lặp lại nhưng khi người đàn bà đưa ra những lí lẽ lập luận bảo vệ quan điểm của mình thì Phùng và Đẩu chỉ biết im lặng, cúi đầu. Người đàn bà lại trở về với cuộc sống đời thường, với sự vất vả và những trận đòn roi.
Nghệ sĩ Phùng trở về thành phố với những bức ảnh trên tay cùng những kỉ niệm không thể nào quên về những chuyện đã xảy ra trên biển. Tấm ảnh thu vào bộ lịch năm ấy gợi lên vẻ đẹp man mác của biển cả cùng cuộc sống đói nghèo đến cùng quẫn của con người gây ám ảnh không chỉ với Phùng mà còn với nhiều bạn đọc.
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một nhan đề mang tính biểu tượng, hé mở tình huống truyện, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là “Chiếc thuyền “, cự li quan sát là “ngoài xa”, người quan sát là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng. Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự li khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau. Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết hướng người đọc về một hình ảnh tuyệt đẹp, đó là con thuyền thu lưới trong biển sớm mờ sương, nó toàn bích như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sĩ bối rối, xúc động, cảm thấy “khám phá thấy chân lí của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi con thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp toàn bích ấy là bao ngang trái, đau khổ, phũ phàng. Cuộc sống của những người dân chài bị giam cầm bởi đói nghèo tâm tối và bạo lực gia đình.
Vậy là qua mâu thuẫn giữa cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh với hiện thực phũ phàng của cuộc sống, nhà văn mang đến cho người đọc một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống con người: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tránh cái nhìn giản đơn, sơ lược, hời hợt, nhìn hình thức, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của sự vật, hiện tượng.
Nhan đề “Chiếc thuyền ngoài xa” là một khái quát giản dị về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ phải có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực, dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người. Nguyễn Minh Châu đã khẳng định về trách nhiệm của người nghệ sĩ:” nhà văn không có quyền nhìn sự việc một cách đơn giản mà nhân vật cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử”. Chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất. Ấy là “giá trị nhân đạo”.
“Chiếc thuyền ngoài xa” đã trở thành tấm ảnh đẹp treo ở nhiều nơi, nhất là ở trong các gia đình sành nghệ thuật, nhưng có ai hiểu được câu chuyện con người trên chiếc thuyền ấy. Chỉ có nghệ sĩ Phùng, mỗi khi ngắm nhìn tấm ảnh bao giờ cũng thấy”người đàn bàn ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh”, một người đàn bà lam lũ, cam chịu, giàu tình thương và lòng vị tha. Đó cũng là thông điệp tác giả gửi tới người đọc: nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc đời.
– Tác phẩm gửi đến người đọc nhiều thông điệp về cách nhìn nhận thế giới xung quanh và con người: phải nhìn cuộc sống đa diện, nhiều chiều, mang tính thấu hiểu, khám phá, phải phát hiện bản chất thực sự đằng sau vẻ bề ngoài của hiện tượng.
– Giá trị nội dung mang đậm tính triết lý nhân sinh sâu sắc, răn dạy con người về cách sống, cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng. Và tác giả hẳn phải là một người từng trải rất nhiều và thấu hiểu cuộc sống sâu sắc mới có thể tạo nên tình huống tác phẩm độc đáo, đưa đến bạn đọc những góc nhìn đa chiều về cuộc đời đến vậy.
– Tình huống truyện đặc sắc,độc đáo, cốt truyện hấp dẫn.
– Ngôn từ chọn lọc, nhân vật được khắc họa sắc sảo và điểm nhìn trần thuật linh hoạt, …