/tmp/gxapl.jpg
Tuyển chọn những bài văn hay Chẳng may em đánh vỡ một lọ hoa đẹp. Hãy viết 1 đoạn văn ngắn kể lại sự việc đó. Với những bài văn mẫu đặc sắc, chi tiết dưới đây, các em sẽ có thêm nhiều tài liệu hữu ích phục vụ cho việc học môn văn. Cùng tham khảo nhé!
Nội dung bài viết
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
– Chiếc bình hoa của ai? (Ví dụ: Bình hoa là một kỉ vật quý của bố.)
– Chuyện xảy ra khi nào? (Trước Tết vài ngày.)
– Cảm tưởng của em lúc đánh vỡ bình hoa? (Lo lắng, sợ hãi, ân hận…)
2. Thân bài:
* Kể lại sự việc:
– Em giúp ông nội lau dọn, sắp xếp bàn thờ, chuẩn bị đón Tết.
– Ông nội đánh bóng bộ đồ thờ bằng đồng…
– Em quét bụi, lau rửa ấm chén, bình hoa…
– Hai ông cháu vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ.
– Mọi thứ đã sạch sẽ, được ông sắp xếp vào chỗ cũ.
– Em thích thú nâng chiếc bình hoa lên ngắm nghía, chẳng may lỡ tay, chiếc bình rơi xuống, vỡ tan.
– Em hoảng hốt, luống cuống, không biết làm thế nào nên nói với ông rằng hay là đổ tội cho con mèo làm vỡ.
– Ông nội an ủi, khuyên em nhận lỗi với bố, xin bố tha thứ.
– Bố rất tiếc chiếc bình quý nhưng cũng tha lỗi cho em.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của bản thân:
– Rút ra được nhiều bài học từ sự việc trên.
– Trong cuộc sống hằng ngày, sơ suất là điều không thể tránh khỏi.
– Có lỗi phải nhận, không nên quanh co đổ lỗi cho người khác.
– Trung thực là đức tính đáng quý.
Ngày nhỏ, ai cũng có lần làm hỏng, làm hư đồ đạc trong gia đình. Em cũng đã có một lần trót nghịch ngợm làm vỡ một lọ hoa rất đẹp của bà. Lỗi lầm ấy đã đem đến cho em nhiều bài học.
Đó là một lọ hoa bằng gốm sứ Bát Tràng được tráng men trắng, vẽ mực xanh mịn màng, sáng bóng. Nó được trân trọng đặt trên bàn thờ giữa nhà. Mẹ em nói đó là một kỉ vật thời trẻ của bà, bà đã giữ gìn, nâng niu chiếc lọ ấy mấy chục năm nay, lọ hoa này có số tuổi nhiều hơn cả tuổi của mẹ em. Bà quý chiếc lọ ấy lắm. Thỉnh thoảng bà lại mang lọ ra lau chùi cho sáng bóng. Mỗi lần như thế, bà ngắm chiếc lọ không biết chán, đôi mắt đã nhăn nheo vì thời gian lại ánh lên vẻ long lanh kì lạ. Ai cũng biết tình cảm bà dành cho chiếc lọ nên hết sức giữ gìn, nâng niu. Mỗi lần sửa sang bàn thờ mẹ lại cẩn thận đặt nó vào một chiếc hộp xốp để tránh va đập.
Buổi sáng hôm ấy.
Mọi người trong nhà em đi làm hết cả. Bà đi sang nhà bà hàng xóm chơi. Em ở nhà một mình buồn quá bèn rủ mấy đứa bạn sang nhà đá bóng, sân nhà em rất rộng, đủ cho chục đứa bằng tuổi em đá bóng, đùa nghịch. Đi một vòng quanh xóm, em đã gọi được sáu đứa bạn cùng sang chơi.
Cả bọn hò reo hào hứng với trái bóng tròn. Em thê hiện khả năng bằng những đường dắt bóng lắt léo và những cú sút “thần sầu”. Đang có bóng trong chân, em co chân tung một cú sút thật mạnh. “Rầm!”. Cửa nhà em mở tung. Bóng va vào cửa, rơi “bịch!” xuống sân. Đáng lẽ phải chạy ra đóng cửa thì em lại quá hào hứng với trái bóng mà hăm hở lao vào đá tiếp.
Em lại có bóng trong chân. Dắt bóng. Rê bóng. Và… “Sút!”. Em hét lên và co chân sút bóng về phía “khung thành” đội bạn. Nhưng bóng lao thẳng vào nhà, bay về phía bàn thờ, đập vào cái lọ. Lọ hoa từ trên cao rơi xuống vỡ tan thành những mảnh vụn. Em hoảng hốt lao vào nhà. Sững sờ. Trời ơi! Biết làm sao bây giờ?
Đám bạn xôn xao rồi từng đứa một đi về. Em sợ hãi ngồi lo lắng. Biết nói gì với bà bây giờ? Bà sẽ rất tức giận. Bà sẽ la mắng em. Bố mẹ sẽ quở trách, thậm chí… đánh em. Em nhắm mắt sợ hãi nghĩ đến những điều có thể xảy ra.
Em đang đau khổ vì lỗi lầm của mình thì tiếng gậy lộc cộc chống xuống sân vang lên. Bà đã về! Em chạy vội ra sân, miệng lắp bắp: “Bà… bà ơi!”. Bà ngẩng lên nhìn em, lo lắng hỏi: “ Sao thế con? Có việc gì mà mặt tái mét lại thế?”. Em run rẩy: “Bà ơi… cái lọ hoa bị vỡ. Con… con xin lỗi”. Bà khẽ giật mình. Bà đi nhanh vào nhà, sững sờ nhìn những mảnh vụn vỡ tan tành của chiếc lọ bà hằng gìn giữ mấy chục năm. Em vội vàng tránh cơn giận của bà có thể đến bằng một câu nói dối: “Chúng con đá bóng… Thằng Tí nó sút vào”. Bà không nói gì chỉ run run lượm những mảnh vụn đặt vào một chiếc bình cũng bằng gốm.
Đúng lúc ấy, bố mẹ em đi làm về. Em lại sợ hãi tránh tội bằng lời nói dối như khi nãy. Mẹ chăm chú nhìn vào mắt em hỏi nhỏ: “Con nói thật chứ?”. Em nhắm mắt, cúi đầu nói khe khẽ: “Vâng ạ!”. Mẹ không nói gì nữa, lẳng lặng đi chuẩn bị bữa trưa.
Bữa cơm trưa hôm đó là một bữa cơm buồn. Cả nhà lặng lẽ ăn không ai nói câu gì. Nhất là bà. Người ăn chưa hết lưng cơm đã ngừng đũa đi vào phòng. Đôi mắt bà u sầu, buồn bã. Em ăn cũng không yên lòng. Trời ơi! Em đã làm gì thế này? Chỉ vì mải mê chơi đá bóng, chỉ vì bất cẩn mà em đã làm mất đi một kỉ vật quý giá của bà. Nhưng tội lỗi hơn là em đã nói dối. Lời nói dối trơn tru như một đứa dối trá chuyên nghiệp. Đổ tội cho thằng Tí, em đã tránh được những la rầy, trách mắng, nhưng không tránh được sự dằn vặt về tội lỗi của chính mình.
Giấc ngủ trưa không an lành. Em thấy một bóng người bay ra từ chiếc lọ hoa đã vỡ. Đó là một cụ già trông rất đỗi quen thân. Cụ nhìn em chăm chú rồi thở dài hỏi: “Sao con lại nói dối? Sao con lại nói dối?…”. Câu hỏi cứ ngân vang đầy ám ảnh. Em sợ hãi ngồi bật dậy, mồ hôi ướt đầm đìa. Em vội vã đi sang phòng bà rồi cứ thế òa khóc nức nở:
– Bà ơi… Hu hu…!
Bà lo lắng hỏi:
– Con làm sao vậy?
– Hu hu… Bà ơi, con đã nói dối. Chính con đã làm vỡ lọ hoa của bà…
Bà ôm em vào lòng, xoa đầu em rồi thủ thỉ:
– Con biết nhận lỗi là tốt. Con biết không, đó là chiếc lọ ông tặng bà khi còn trẻ. Bà gìn giữ nó đã lâu…
Trời ơi, vậy cụ già trong giấc mơ vừa rồi là ông nội em đó. Bố đã có lần kể rằng ông mất khi bố còn nhỏ, bà cứ ở vậy nuôi bố lớn lên. Em chỉ được nhìn thấy ông qua một bức vẽ truyền thần. Chẳng vậy mà em thấy gương mặt ấy quá quen thân.
Em nhẹ lòng khi đã nói ra được lời thú lỗi của mình. Vậy là bà không trách mắng gì em. Càng nghĩ về chiếc lọ đã vỡ, em càng thấm thìa hơn tình cảm gia đình ấm áp thiêng liêng. Nhìn quanh bà, em hiểu rằng mỗi đồ vật đều có cuộc sống riêng của nó. Mỗi món đồ đều gắn với một kỉ niệm riêng mà chỉ những ai biết trân trọng tình cảm mới hiểu được.
Bố em là một cây vợt có hạng của Công ty giấy Bãi Bằng. Hầu như năm nào đi thi đấu bóng bàn, bố cũng đoạt giải cao. Cách đây ba năm, bố được huy chương vàng và phần thưởng là chiếc bình cắm hoa bằng pha lê rất đẹp. Bố quý chiếc bình ấy lắm nên chỉ đem ra cắm hoa vào những dịp đặc biệt.
Chỉ còn vài hôm nữa là đến Tết Nguyên Đán. Bà nội đi chợ mua lá gói bánh chưng. Bố mẹ em đi làm đến tận chiều hăm tám mới được nghỉ nên ông nội bảo em giúp ông dọn dẹp, trang trí bàn thờ. Em chuyển bộ đồ thờ bằng đồng ra trước hiên để cho ông đánh bóng. Còn em nhận phần quét bụi và lau sạch những thứ bằng sứ như khay rượu, bình rượu, bát nhang, ấm chén…
Hai ông cháu vừa làm vừa chuyện trò vui vẻ. Ông kể chuyện lúc ông còn nhỏ, chỉ mong mau đến Tết để được mặc quần áo mới và được tiền mừng tuổi. Tết ngày xưa vui lắm! Hội làng mở gần như suốt tháng Giêng với những trò chơi dân gian hấp dẫn như đánh đu, đấu vật, đua thuyền, thổi cơm thi, chọi trâu, đánh cờ người… Sau ngày hội, tình cảm họ hàng, làng nước chan hoà, gắn bó hơn. Nghe giọng kể tha thiết của ông, em biết ông đang nhớ và nuối tiếc quá khứ êm đẹp chưa xa.
Dưới tay ông, cặp hạc thờ, đôi chân nến, chiếc lư hương… dần dần sáng bóng trông như mới. Công việc của em cũng đã xong. Ông nhắc em sắp xếp các thứ vào chỗ cũ và không quên dặn phải nhẹ nhàng, cẩn thận, đừng để đổ vỡ. Miệng em vâng dạ nhưng trong bụng lại nghĩ rằng ông coi cháu cứ như trẻ lên ba!
Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy nếu như em không nổi hứng nhấc chiếc bình pha lê lên mà gõ thử xem tiếng nó thế nào. Vừa gõ, em vừa hỏi ông: “Ông ơi, có phải tiếng thuỷ tinh thì đục, còn tiếng pha lê thì trong phải không ạ?”. Ông bảo là đúng như vậy. Em gõ thêm lần nữa rồi áp chiếc bình vào tai để nghe cho rõ. Bỗng chiếc bình tuột khỏi tay, rơi xuống đất vỡ tan. Ông em giật mình thốt lên: “Thôi chết! Sao thế cháu?!”. Em sợ run người, lắp bắp: “Cháu… cháu… Ông ơi! Làm thế nào bây giờ hả ông?”. Ông lắc đầu buồn bã: “Phí quá! Chiếc bình quý thế! Ông đã dặn cháu phải cẩn thận rồi mà!”. Em đứng chôn chân giữa những mảnh pha lê vương vãi trên nền nhà, đầu óc quay cuồng và tự giận mình ghê gớm.
Có lẽ cùng quá hoá liều, em năn nỉ ông đừng nói với bố là em đánh vỡ, cứ đổ tội cho con mèo mướp là xong. Không ngờ, ông bảo: “Cháu làm cho ông thất vọng. Có lỗi mà không dám nhận là hèn nhát. Đổ tội cho người khác lại càng tệ hại hơn. Theo ông, tối nay bố về, cháu nên xin lỗi bố. Chắc là bố cháu sẽ tha lỗi. Chiếc bình quý thật đấy nhưng sự trung thực còn đáng quý hơn nhiều cháu ạ!”. Em bật khóc trước lời khuyên ấy và thấm thía vô cùng.
Chiều tối, sau bữa cơm, trước mặt mọi người trong gia đình, em đã khoanh tay, cúi đầu xin lỗi bố và chờ đợi cơn giận dữ của bố. Không ngờ bố nói: “Bố tiếc cái bình lắm vì nó là vật kỉ niệm, nhưng chuyện đã xảy ra rồi, tiếc cũng chẳng được. Bố mừng là con dám nhận lỗi. Bố tha thứ cho con. Lần sau, làm gì con cũng nên cẩn thận”.
Sau sự việc ấy, em rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích. Trong cuộc sống hằng ngày, chẳng ai có thể tránh được sơ suất, lỗi lầm. Điều quan trọng là có dám nhận lỗi và sửa lỗi hay không. Em sẽ nhớ mãi lời dạy của ông về tính trung thực, một phẩm chất cơ bản của đạo làm người.
Nhà tôi có một chiếc bình hoa rất đẹp. Nó cao khoảng chừng ba mươi phân, màu trắng như tuyết. Đây là một chiếc bình cổ loe được trang trí bởi hình chiếc lá xung quanh miệng rất sinh động. Đó là món quà mà bố đã phải sang tận Bát Tràng để mua về tặng mẹ nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày cưới của hai người. Hôm ấy, tôi đi học về sớm, cả nhà chưa có ai về. Tôi đang bực bội vì bài kiểm tra Toán hôm nay bị làm sai mất một câu, lỗi là do tôi chủ quan, không kiểm tra lại bài. Về đến nhà, tôi quăng chiếc cặp lên ghế với vẻ bực tức, nhưng thật không ngờ, chiếc quai cặp vướng vào bình hoa đang để trên bàn khiến nó rơi xuống đất. Choang một cái. Bình hoa vỡ tan tành mà tôi thì không kịp trở tay. Nước lênh láng dưới sàn, còn những bông hoa hồng đỏ thẫm nằm la liệt trên mặt đất. Tôi quên béng mất nỗi bực tức vì bài kiểm tra mà thay vào đó là sự lo lắng và sợ hãi. Phải làm sao bây giờ? Mẹ tôi rất thích chiếc bình này. Nó còn là quà kỉ niệm của bố mẹ. Tôi sẽ phải nói thể nào đây? Bần thần suy nghĩ mất một lúc, tôi vẫn chưa nghĩ ra sẽ nói thế nào với bố mẹ thì bỗng con Mi – con mèo tam thể của nhà hàng xóm, đứng ngoài sân kêu lên “meo…meo…”. Đầu tôi lóe lên một cái. Tôi nhanh chóng thu dọn mảnh vỡ của cái bình, cẩn thận nhặt nhạnh từng mảnh thủy tinh vỡ cho vào chiếc túi bóng rồi vứt đi. Tôi vừa thu dọn xong thì mẹ về. Không cần mẹ hỏi, tôi đã kể lại câu chuyện và tất nhiên, lí do bình hoa bị vỡ là do con Mi ấy. Ánh mắt mẹ nhìn tôi buồn buồn nhưng không nói gì cả. Mẹ để chiếc túi lên ghế rồi hỏi tôi có bị mảnh vỡ đâm vào tay hay không. Tôi bỗng thấy hối hận quá. Nhưng tôi không dám nói sự thật với mẹ. Vì tôi sợ đôi mắt buồn buồn kia của mẹ sẽ là vì tôi chứ không phải vì con mèo kia. Đến tận bây giờ, đó vẫn còn là chuyện tôi hối hận nhất, vì tôi vẫn chưa dám nói với mẹ sự thật là chính tôi đã làm vỡ chiếc bình hoa mà mẹ thích nhất chứ không phải con mèo nhà hàng xóm.
Ngày còn nhỏ ai chẳng có lần vô tinh làm vỡ cái bát hay cái chén thậm chí là cả những vật to lớn và quý giá. Và hẳn sẽ bị người lớn mắng. tôi cũng vậy, không biết bao nhiêu lần tôi bị mắng là vụng về, hậu đậu vì những chuyện vô tình ấy. Nhưng có một lần mà tôi tôi đã chẳng may làm vỡ chiếc lọ hoa mà tôi còn được khen nữa.
Ngày còn bé , tôi thích dọn dẹp nhà cửa những lúc bố mẹ vắng nhà vì cô giáo nói rằng giúp đỡ bố mẹ là rất ngoan . Một lần, bố tôi đi làm còn mẹ tôi thì đi chợ, tôi hào hứng dọn dẹp nhà cửa từ căn gác xép đến tầng một, lau nhà sạch sẽ. Cứ tưởng đến khuôn mặt mẹ cười tươi sung sướng, được mẹ xoa đầu âu yếm:” Con gái mẹ ngoan lắm” là tôi lai phấn khởi vô cùng. Vừa lau nhà tôi vừa hát theo nhịp bài hát mà mình yêu thích. Căn nhà tuy rộng nhưng qua những câu hát vớ vẩn của tôi thì cũng đã xong. Sàn nhà sạch bóng thơm mát làm tôi thích thú vô cùng.
Bỗng nhiên con miu ở đâu về mà chân nó lấm láp đày đất cát bẩn vô cùng. Nó cứ chạy lăng xăng quanh nhà làm ngôi nhà mà tôi vừa lau sach sẽ giờ đây đầy ắp những vết chân . tôi tức giận quát nó ầm mĩ :
– Miu! Đi ra ngoài mau lên!
Nó cứ thích đùa tôi nên chạy khắp nơi.
– mày có nghe lời chị không? Đi ra ngay!
Tôi chưa bao giờ quát mắng nó to như vậy nhưng chẳng hiểu có chuyện gì mà nó không chịu nghe lời cứ chạy từ phòng này sang phòng khác. Thế là tôi vớ luôn cai dép ném vào chỗ nó cho nó chừa cai thói không chịu nghe lời. nhưng chao ôi! Thật là một tai họa! thật là khủng khiếp!cái dép văng đúng vào chậu hoa của bố tôi. Tôi sững sờ nhìn cái bình bị văng xuống đất thành từng mảnh vụn, nước bắn ra và mấy bông hoa cẩm chướng nằm la liệt trên nền nhà. Tôi thẫn thờ khi nhớ ra đó chính là chiếc lọ hoa quý mà ông để lại cho bố tôi. Bố quý nó vô cùng . bố cất nó ở trong tủ cẩn thận thỉnh thoảng lại mang ra lau chùi cho sáng bóng. Mấy hôm nay mẹ tôi đem nó ra để cắm vái bông hoa cho phòng khách thêm đẹp vì nghĩ rằng chiếc lọ đẹp mà cứ cất trong tủ mãi thì cũng phí. Vậy mà mới mang ra chưa được đầy một tuần thì đã….tôi ngồi sệt xuống sàn nhà. Con miu có vẻ nhận ra tai họa của việc chơi đùa quá đáng của mình, vẻ mặt nó buồn rầu. nó chậm chạp đi về phía tôi hươ hươ cái chân vào tay tôi như thầm xin lỗi. tôi nhấc nó lên vuốt ve bộ lông mềm mại của nó. Biết làm gì bây giờ?tôi biết làm thế nào?thể nào bố về tôi cũng sẽ bị mắng. tôi lặng lẽ thu dọn đống đổ nát rồi lau lại nhà.
Bỗng có người bấm chuông bên ngoài, tôi chẳng hiểu ai đến nhà tôi vào giờ này. Tôi chạy ra mở của.
– A, bố! sao bố lại về nhà?
– Hôm nay công ti sơn lại văn phòng và sửa lại mạch điện hỏng nên bố được nghỉ.
– Bố! – Tôi ôm chầm lấy bố òa lên khóc- con thật hư bố ạ…hic …hic…cái lọ hoa của bố…
Tôi không thể nói hết câu và bố tôi cũng nhận ra ngay mọi việc.
– Nó bị vỡ rồi sao?
Tôi cúi đầu không nói gì. Bố lau giọt nước mắt lăn trên má tôi:
– Bố sẽ không mắng con đâu, con gái ngoan của bố ạ .
Bố cười tươi. Chưa bao giờ tôi thấy bố tuyệt vời như lúc này. Rồi hai bố con tôi cùng nhau dọn dẹp nhà cửa.
các bạn biết không, người lớn không quá đáng như chúng ta thường nghĩ, như bố tôi vậy bố tuyệt vời vô cùng. Vậy nếu các bạn có làm gì sai đừng nói dối cũng đừng sợ, hãy tin vào bố, mẹ.
—/—
Trên đây là các bài văn mẫu Chẳng may em đánh vỡ một lọ hoa đẹp. Hãy viết 1 đoạn văn ngắn kể lại sự việc đó do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!