Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa (ngắn gọn, hay nhất) | Myphamthucuc.vn

Tuyển chọn những bài văn hay chủ đề Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa. Các bài văn mẫu được biên soạn, tổng hợp ngắn gọn, chi tiết, đầy đủ từ các bài viết hay, xuất sắc nhất của các bạn học sinh trên cả nước. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Dàn ý chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa

1. Mở bài: Giới thiệu truyện LẶNG LẼ SA PA: tác phẩm thấm đẫm chất thơ.

2. Thân bài:

a) Chất thơ từ ngữ cảnh của truyện ngắn- từ địa danh được chọn làm bối cảnh cho câu chuyện- khung cảnh đẹp như tranh của Sa pa: cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông hoạ sĩ, cô kí sư trẻ và anh thanh niên-nhân vật chính của tác phẩm-trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét.

b) Chất thơ toát lên dưới ngòi bút miêu tả chân thực và đầy chất lãng mạn. Chân thực vì ghi lại toàn bộ vẻ đẹp đầy hoa mộng của thiên nhiên, cảnh vật của một địa danh nổi tiếng với vẻ đẹp của một chốn núi rừng trong sương. Những hình ảnh chân thực và đẹp như tranh của những rừng hoa ban trắng muốt, những cánh rừng bạt ngàn dưới ánh nắng ban mai, những đồi núi trập trùng dưới sương mờ bao phủ, những thửa ruộng bậc thang, những phiên chợ tình lãng mạn được đón nhận, phác họa, ghi lại, gọi lên dưới ngòi bút sinh động của một nhà văn, với con mắt của một họa sĩ và với một tâm hồn rộng mở đón nhận tất cả những vẻ đẹp của cảnh để mô tả, để chạm khắc, tô vẽ, để yêu và tự hào.

     Chất thơ thấm trong cả việc chọn cảnh, chọn góc, chọn chi tiết để mô tả đã làm bật lên khung cảnh lung linh rạng rỡ của cảnh vật. Vì vậy, đọc truyện mà có cảm giác như đọc được cả cảm xúc say mê say sưa của người viết. (Đưa ví dụ 1 vài chi tiết đẹp về cảnh mà tác giả mô tả ở đây để thấy ngòi bút ấy đã chứa sẵn nguồn thơ, nên mỗi câu viết ra đều lai láng.

c) Chất thơ toát lên trong nhân vật và cốt truyện.

– Nhân vật: những con người tưởng như bình dị nhưng càng đọc, càng hiểu, càng thấy thế giới nội tâm của mỗi nhân vật sâu sắc, nhân cách của nhân vật cao đẹp. Chất thơ nằm ở việc mô tả nhân vật. Họ đều như những con người bước ra từ một câu chuyện cổ tích hiện đại, dù chất liệu hiện thực trong tả và kể vẫn là cái chất liệu hiện thực, nhưng dưới ngòi bút của nhà văn, họ trở nên thật đẹp. Bởi vậy câu chuyện và chân dung của họ cũng rất nên thơ.

(Phân tích ngắn gọn mỗi nhân vật)

– Cốt truyện và sự sắp đặt các tình tiết cũng toát lên chất trữ tình rung động tâm hồn người đọc. (Phân tích các tình tiết đầy chất thơ thế nào = đẹp và thơ mộng, dường như ở một nơi thanh tao nào đó), cốt truyện gợi cảm xúc ra sao)

3. Kết bài: Dù là một truyện ngắn, chất hiện thực và ý nghĩa hiện thực vẫn là thông điệp chính trong truyện, LẶNG LẼ SA PA chinh phục và làm say mê người đọc bởi một ngòi bút thấm đẫm chất thi vị của một phong cách lãng mạn chất chứa trong từng chi tiết, từng tình tiết được lựa chọn và sắp đặt thành một chất liệu đặc biệt của tác phẩm. Có lẽ nguyên nhân chính là bởi cảnh vật, con người đã đầy thơ đầy mộng, và bởi tâm hồn rộng mở với cái đẹp và một ngòi bút với cái chất đặc biệt như thế. Vì vậy, truyện ngắn cũng nhẹ nhàng, thanh tao đặt một nốt nhạc vào trái tim độc giả, để nốt nhạc ấy ngân nga mãi, ngay cả khi đã đọc xong dòng cuối cùng của truyện ngắn đầy thi vị này.

Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành long – Bài mẫu 1

1. Giới thiệu chung:

– Nguyễn Thành Long (1925-1991), quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Thành công trong sáng tác của Nguyễn Thành Long không phải ở khai thác tình huống dữ dội mà là sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình.

– “Lặng lẽ Sa Pa” sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai, in trong tập “Giữa trong xanh” (1972), là một trong những tác phẩm thành công của ông. Đây là một truyện ngắn đậm chất thơ.

2. Phân tích:

a. Khái quát:

– Thơ là tiếng nói của tình cảm mãnh liệt, thể hiện qua ngôn ngữ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh, nhạc điệu. Khái niệm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi để chỉ tác phẩm có thiên hướng biểu hiện trực tiếp tình cảm, cảm xúc trước những vẻ đẹp cuộc sống, thiên nhiên, con người và có ý nghĩa khơi gợi cảm xúc trữ tình ở người đọc thông qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhạc điệu, giọng văn nhẹ nhàng êm ái…

–  Chất thơ được biểu hiện phong phú, bàng bạc trong cả đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa nhưng chủ yếu toát lên từ thiên nhiên đẹp đầy thơ mộng của Sa Pa, thấm đượm trong vẻ đẹp cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ của anh thanh niên, từ tình cảm, cảm xúc đẹp đẽ về con người, nghệ thuật, cuộc sống của người họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ…

b. Biểu hiện của chất thơ trong đoạn trích Lặng lẽ Sa Pa:

b1. Chất thơ trong thiên nhiên:

– Cảnh đẹp Sa Pa đẹp một cách kì lạ, quyến rũ khiến con người ta ngỡ ngàng khi lần đầu tiên bắt gặp. Sa Pa bắt đầu với những rặng đào…những đàn bò lang cổ…; Sa Pa của nắng ngập tràn (nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây… nắng chiếu làm cho bó hoa thêm rực rỡ…nắng đã mạ bạc cả con đèo…); Sa Pa của những rừng cây (những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng), của sương (các vòm lá ướt sương)… Sa Pa không hoang vu, lạnh lẽo mà mang nét đẹp thơ mộng, huyền ảo và rất đỗi hữu tình.

Xem thêm:  Điều chế HNO3 trong phòng thí nghiệm | Myphamthucuc.vn

b2. Chất thơ trong vẻ đẹp của con người:   

* Nhân vật anh thanh niên – vẻ đẹp toát lên từ những suy nghĩ, cảm xúc, việc làm, cách sống của anh:

– Đó là con người có tình yêu nghề, có ý thức sâu sắc về công việc của mình và ý nghĩa của công việc với cuộc sống con người, có tinh thần trách nhiệm, biết vượt lên khó khăn và gian khổ của hoàn cảnh sống và làm việc.

– Là một chàng trai với tâm hồn cởi mở, chân thành, quý trọng tình cảm, khát khao được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. chức, sắp xếp cuộc sống một cách chủ động, ngăn nắp, lãng mạn.

– Là con người khiêm tốn, trân trọng sự hi sinh thầm lặng của những người xung quanh. Vẻ đẹp bình dị, thầm lặng của anh thanh niên đã đem lại niềm vui bất ngờ cho mọi người và khơi gợi cho họ những nhận thức sâu sắc về lẽ sống, cuộc đời, nghệ thuật.

Lưu ý: Cần có dẫn chứng cụ thể cho mỗi ý trên.

* Các nhân vật khác:

– Người họa sĩ: con người từng trải, tâm huyết với nghệ thuật, khát khao đi tìm đối tượng của nghệ thuật, có tâm hồn nghệ sĩ giàu xúc cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của tâm hồn con người và nghệ thuật.

– Cô kĩ sư: cô gái mang nhiệt huyết của tuổi trẻ, có niềm khát khao cống hiến, sẵn sàng rời thành phố đến với miền đất xa xôi khi vừa mới ra trường ; cuộc gặp gỡ với người thanh niên đã khơi dậy trong cô những tình cảm lớn lao, cao đẹp, hiểu thêm về cuộc sống tuyệt đẹp của người thanh niên, có những nhận thức sâu sắc về lẽ sống và vững tin vào con đường mình đã lựa chọn.

– Ông kĩ sư vườn rau: hàng ngày ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy phấn của ông, tự tay thụ phấn cho hoa su hào…

– Người cán bộ nghiên cứu khoa học: luôn sẵn sàng trong tư thế suốt ngày chờ sét…

=> Đó là vẻ đẹp của những con người lao động thầm lặng mà cao quý luôn vì cuộc sống, vì mọi người. 

3. Đánh giá:

– Lặng lẽ Sa Pa là đoạn trích giàu chất thơ. Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, còn có những chi tiết rất thơ, có ngôn ngữ văn xuôi trau chuốt, nhịp điệu nhẹ nhàng… khơi gợi nhiều xúc cảm cho người đọc.

– Chất thơ là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và thành công của truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đặc biệt là trong đoạn trích, giúp cho chủ đề truyện được rõ nét và sâu sắc (trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước) làm nên đặc sắc văn phong và khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo trong nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Thành Long.

Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành long – Bài mẫu 2

Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa (ngắn gọn, hay nhất) (ảnh 2)

     Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn và góp vào thành cống của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa ”là chất thơ, chất trữ tình mênh mang, bàng bạc trong từng câu chữ. Chất trữ tình toát lên từ phong cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa được miêu tả qua cái nhìn của người hoạ sỹ già: Hình ảnh thiên nhiên Sa Pa mang vẻ đẹp thơ mông, độc đáo, kỳ lạ.

     Chất thơ toát lên từ cảnh sắc Sa Pa thơ mộng như một bức tranh. Đó là nơi núi cao, thác đổ trắng xoá, với mây, nắng, sương đều rất la. Sự bắt đầu của Sa Pa là những răng đào ven đường hay những đàn bò lang cổ, cổ đeo chuông là đặc trưng hữu hình của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ nơi đây. Hình ảnh rừng cây đầu mùa bao bọc lấy nhau “Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng, những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”.

     Nhất là vẻ đẹp của nắng khiến cảnh sắc thêm lộng lẫy. “Nắng bây giờ bắt đầu len tới đốt cháy rừng cây”; “nắng đã mạ bạc cả con mèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”. Người ta cảm thấy như bị cuốn theo nhịp chạy của mây hay đầy xúc cảm trong sự cuốn hút của nắng.

     Chỉ là những nét phác hoạ nhưng cảnh thiên nhiên hiên lên đẹp như nhũng bức tranh, đẹp đến hai lần. Cái đẹp tự nhiên của nó và cái đẹp qua tâm hồn người nghệ sĩ của ông hoạ sỹ.

     Chất thơ vút lên từ vẻ đẹp con người sống và làm việc ở nơi đây. Thiên nhiên đẹp làm nền tôn thêm vẻ đẹp con người nơi đây. Những đỉnh Yên Sơn, Phan-xi-păng cao vòi vọi gợi nghĩ tới những con người ở tầm cao của sự cống hiến và hy sinh. Cái hừng hực của nắng, của gió gợi đến nhiệt huyết hừng hực cháy của con người lao động nơi đây. Thiên nhiên thơ mộng, trong sáng như tâm hồn những con người ở Sa Pa trong sáng, mộng mơ.

     Chất thơ, chất trữ tình chủ yếu toát lên từ nội dung truyện. Từ cuộc gặp gỡ tình cờ mà để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ những nét đẹp giản dị rất đáng mến của người thanh niên, từ những câu chuyện anh kể về cuộc sống của mình giữa lặng lẽ Sa Pa, và từ những tình cảm, cảm xức mới nảy nở của ông hoa sĩ, cô kỹ sư đối với anh thanh niên.

     Có thể nói, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa có dáng dấp như mốt bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh những con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô đơn bởi sự gắn bó của họ đối với đất nước, với mọi người. Tác giả đã tao được không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của những sự việc, con người rất bình di được miêu tả trong truyện, nhờ thế mà chủ đề của truyện được rõ nét và sâu sắc hơn.

Xem thêm:  Mở bài Người lái đò sông Đà học sinh giỏi nâng cao | Myphamthucuc.vn

Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành long – Bài mẫu 3

Thiên nhiên thơ

     Trước hết, chất thơ trong tác phẩm biểu hiện ở vẻ đẹp của thiên nhiên, cụ thể là núi rừng Sa Pa.

     Trong truyện, theo chuyến xe đưa ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ lên Sa Pa, tác giả dẫn người đọc đến với những không gian núi rừng Tây Bắc với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng:

     “Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng… Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”.

     Cuối truyện, khi ông họa sĩ và cô kĩ sư tạm biệt Sa Pa, khung cảnh núi rừng lại được miêu tả một lần nữa:

     “Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”.

     Tác giả không miêu tả nhiều nhưng chỉ với những nét chấm phá, qua lời văn trong sáng, giàu hình ảnh, ngôn ngữ như có đường nét, hình khối, sắc màu, cảnh sắc thiên nhiên Sa Pa hiện lên ấn tượng với vẻ đẹp trong trẻo, hữu tình.

     Khung cảnh nên thơ này có tác dụng làm phông nền cho câu chuyện đầy chất thơ, là chất xúc tác đồng thời là điểm tựa cho chất thơ trong truyện được thăng hoa.

Con người thơ

     Chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa được thể hiện nổi bật qua vẻ đẹp của con người và những câu chuyện bình dị mà cảm động của họ. Trong truyện, không hề có một nhân vật phản diện.

     Tất cả đều hiện lên với những vẻ đẹp riêng. Ông họa sĩ già với khát vọng chân chính về nghệ thuật, cô kĩ sư trẻ với lí tưởng cống hiến tuổi thanh xuân, bác lái xe với hơn 30 năm miệt mài, ông kĩ sư vườn rau Sa Pa tận tụy với công việc, anh cán bộ nghiên cứu sét hi sinh hạnh phúc bản thân vì đam mê khoa học, anh đồng nghiệp trên đỉnh Phan-xi-păng lặng lẽ cống hiến cho cộng đồng…,

     Tất cả những nhân vật của Lặng lẽ Sa Pa đều hiện lên với vẻ đẹp rạng ngời trong tâm hồn và cách sống. Không chỉ say mê, hết lòng trong công việc, họ còn biết hi sinh hạnh phúc riêng tư cho lí tưởng xây dựng, làm giàu đất nước.

     Dù thật lặng lẽ, bình dị (phần lớn các nhân vật đều không có tên – đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả) nhưng nhân cách, tâm hồn của họ vẫn tỏa vẻ đẹp nhân văn lấp lánh.

     Nổi bật trong truyện là hình tượng nhân vật anh thanh niên. Đây là hình tượng tập trung cho vẻ đẹp của con người trong truyện. Qua lời kể của bác lái xe, sự nhìn nhận, đánh giá của ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ, đặc biệt, qua chính ngôn ngữ và hành động của mình, nhân vật anh thanh niên hiện lên trong truyện với những vẻ đẹp riêng:

     Có nếp sống ngăn nắp, khoa học và thơ mộng (“một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”), không cảm thấy cô đơn vì có niềm vui trồng hoa, đọc sách); yêu nghề, tận tụy, có trách nhiệm và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc (“khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”); chân thành, cởi mở, chu đáo và biết quan tâm người khác (tặng củ tâm thất để vợ bác lái xe chữa bệnh, vui sướng khi có khách đến thăm, tiếp đãi khách nồng nhiệt, lưu luyến, tặng quà khi chia tay); thành thật, khiêm tốn (tự nhận thấy đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé so với những người khác, từ chối khi được vẽ chân dung và giới thiệu những người xứng đáng hơn mình).

     Có thể nói, hiện lên với những vẻ đẹp dung dị, đời thường mà cao quý, anh thanh niên hình ảnh tiêu biểu của những con người “lặng lẽ” giữa “Sa Pa”, là chân dung của con người lao động mới trong thời đại mới đang góp sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

     Tâm hồn, cách thế sống, từng câu chuyện về công việc của anh như những bài thơ mang vẻ đẹp nhân văn thấm đẫm. Chất thơ trong truyện bung tỏa từ chính hình tượng nhân vật này.

Một câu chuyện thơ

     Không chỉ trên phương diện nội dung, chất thơ trong Lặng lẽ Sa Pa còn được thể hiện sinh động trên nhiều khía cạnh của phương diện hình thức. Ấn tượng chung của độc giả đối với tác phẩm là câu chuyện nhẹ nhàng với cốt truyện đơn giản, tình tiết không phức tạp, diễn biến truyện không quá gây cấn.

     Tuy có đôi lúc sôi nổi nhưng chủ yếu truyện vẫn mang giọng điệu chậm rãi, khoan thai. Đặc biệt, truyện có lớp ngôn ngữ trong sáng, giàu sức biểu cảm và hình ảnh với những biểu hiện như:

     Sử dụng nhiều từ ngữ chỉ màu sắc (thác trắng xóa, mây hắt từng chiếc quạt trắng, thấp thoáng trong màu xanh bao la, một vệt hình ba góc màu vàng, những ngón tay bằng bạc, nhô cái đầu màu hoa cà màu xanh của rừng, anh chỉ đỏ mặt, đứng trông mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng kia, hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong…);

     Sử dụng nhiều từ láy (lặng lẽ, lả tả, thấp thoáng, dễ dàng, nhẹ nhàng, bối rối, nhỏ nhẻ, sạch sẽ, toe toe, khe khẽ, hí hoáy, loay hoay, choáng choàng, vắng vẻ, vòi vọi, băn khoăn, rực rỡ,…); sử dụng nhiều so sánh tu từ (nó như con gián gặm nhấm người ta, nó như bị chặt ra từng khúc, các anh chị cứ như con bướm,…).

     Có thể nói, lớp ngôn ngữ truyện giàu chất thơ là một trong những phương diện quan trọng làm nên chất thơ xuyên suốt trong toàn bộ tác phẩm.

Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành long – Bài mẫu 4

1. Chất thơ trong nội dung

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Tràng Giang ngắn nhất | Myphamthucuc.vn

a. Bức tranh thiên nhiên Sa Pa kì ảo, tráng lệ

“Nhà họa sĩ” Nguyễn Thành Long đã sử dụng chất liệu ngôn từ để tạo nên bức tranh thiên nhiên Sa Pa tuyệt đẹp.

–  Đó là bức tranh lung linh sắc nắng: “nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây”, “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”, “nắng chiếu làm bó hoa thêm rực rỡ và làm cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”.

–  Cảnh vật thiên nhiên nơi đây tươi tắn, quyến rũ: “Sa Pa bắt đầu với những rặng đào”, “những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng có hai bên đường”, “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng như những ngón tay bằng bạc”, “những cây tử kinh thỉnh thoảng lại nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng”, những bông hoa đủ loại đủ màu sắc “đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng”…

–  Những áng mây bảng lảng trên mặt đất chính là nét đẹp đặc trưng của Sa Pa. “Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại thành từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”.

NHẬN XÉT

– Bức tranh thiên nhiên khiến tâm hồn con người xao xuyến, khiến họ phải “nín bặt” chiêm ngưỡng, rung động.

– Bức tranh thiên nhiên tạo không khí thi vị, nên thơ cho cuộc gặp gỡ, khiến các nhân vật như đẹp hơn, lung linh hơn.

b. Vẻ đẹp lý tưởng của những người trẻ nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” đã tạo ra một thế giới lí tưởng của những nhà khoa học trẻ lao động nghiêm túc, thầm lặng cống hiến, lao động vì tổ quốc, vì cuộc sống của mọi người:

– Đó là anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu, nhân vật chính của truyện. Ở anh sáng lên vẻ đẹp của của tình yêu công việc, của lý tưởng sống, tình yêu cuộc sống và gắn bó với mọi người, đức tính khiêm tốn đáng quý, đáng trọng. (Học sinh phân tích cụ thể).

– Đó là anh kĩ sư vườn rau, là anh kĩ sư nghiên cứu bản đồ sét. Tất cả họ đã vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp ca ngợi thế hệ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhiệt huyết sức trẻ, với lẽ sống đẹp đáng khâm phục. (Học sinh phân tích cụ thể).

⇒ Tất cả các nhân vật đều không được đặt tên, tác giả muốn “bình thường hóa” nhân vật của mình, khiến họ trở nên gần gũi, thân thuộc với người đọc, trở thành những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

c. Những cung bậc tâm trạng đa dạng của nhân vật

Vẻ đẹp nhân cách của anh thanh niên đã trở thành những âm vang trong âm thầm, tác động vào người họa sĩ già và cô kĩ sư, làm nảy lên trong họ những cung bậc cảm xúc đa dạng, sâu sắc:

– Anh khơi dậy ở bác họa sĩ nguồn cảm hứng nghệ thuật, khiến bác vừa vui sướng, bối rối vừa trăn trở, suy tư. Để cuối cùng bác thấy thêm yêu cuộc đời, rút ra được những triết lý sâu sắc về cuộc sống. (HS phân tích cụ thể)

– Anh khiến cô kĩ sư đi từ bất ngờ, bối rối, e thẹn đến “bàng hoàng”, để rồi tìm ra câu trả lời về con đường mình đã chọn, thêm tin tưởng và thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng. Ở cô có một tình cảm hàm ơn quyến luyến với anh thanh niên. (HS phân tích cụ thể).

2. Chất thơ trong hình thức nghệ thuật

a. Những hình ảnh, biểu tượng, chi tiết giàu hàm nghĩa

– Ý nghĩa nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” gợi tò mò, gợi ra những vẻ đẹp của Sa Pa và những con người thầm lặng, cao quý nơi đây.

– Các hình ảnh gợi nhiều suy nghĩ:

+ Hình ảnh “một ngôi sao xa” tượng trưng cho anh thanh niên và những con người cống hiến thầm lặng, lẻ loi một mình nhưng góp cho đời những ánh sáng dịu dàng, ý nghĩa.

+  Hình ảnh “một bó hoa của những háo hức và mơ mộng” mà anh thanh niên trao cho cô kĩ sư: bó hoa của tấm lòng, của niềm tin, của sức trẻ, nảy nở trong tâm hồn cô những giá trị tốt đẹp.

– Kết thúc mở gợi nhiều dư ba: “Cô gái liếc nhìn bác già một cái rất nhanh, tự nhiên hồi hộp, nhưng vẫn im lặng”. Câu kết tác phẩm để lại trong lòng người đọc một ánh sáng ấm áp, đầy hứa hẹn, gợi ra hình ảnh một cuộc gặp lại trong tương lai.

b. Những câu văn du dương, giàu nhạc tính

Cả tác phẩm có âm hưởng du dương, miên man nhờ những câu văn dài, bay bổng, giàu nhạc tính. Có thể kể đến như: “Nhà họa sĩ thì còn trở lại, nhưng cô, trong đất trời Tây Bắc bạt ngàn, trong cuộc đời mông mênh nói chung, chốc nữa, là cô sẽ đi luôn, biến mất, có cái gì tặng lại anh ta để, như anh ta nói, kỉ niệm lần gặp gỡ này” è Nhịp điệu du dương của câu văn gợi ra cái mênh mông diệu vợi của đất trời Sa Pa bảng lảng mây và lung linh nắng, cái rộng lớn của đời người, và cả cái bâng khuâng của biết bao cảm xúc không tên trong trái tim cô kĩ sư.

3. Tổng kết

Về nội dung

– Có thể nói, truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” mang dáng dấp như một bài thơ, chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh đẹp hết sức thơ mộng của thiên nhiên vùng núi cao đến hình ảnh con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc bởi sự gắn bó với đất nước, với mọi người.

– Tác giả đã tạo được không khí trữ tình cho tác phẩm, nâng cao ý nghĩa và vẻ đẹp của những sự việc, con người được miêu tả trong truyện, nhờ thế mà tư tưởng chủ đề của truyện được thể hiện sâu sắc.

Về nghệ thuật

– Nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế, tạo nên những câu văn giàu hình ảnh, nhạc tính.

– Cách kể chuyện tự nhiên, gần gũi, tạo ra những tình tiết giàu mang những chiều sâu chưa nói hết.

—/—

Trên đây là các bài văn mẫu Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa pa do Top lời giải sưu tầm và tổng hợp được, mong rằng với nội dung tham khảo này thì các em sẽ có thể hoàn thiện bài văn của mình tốt nhất!

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập