/tmp/gmgif.jpg
Điều kỳ diệu của thái độ sống là một cuốn sách hay về thái độ đối với cuộc sống, nhấn mạnh về sự lạc quan, tin tưởng vào những điều tích cực. Dù có đối mặt với nghịch cảnh thì hãy nhìn nó theo khía cạnh tốt đẹp nhất. Chúng ta cùng làm làm bộ đề đọc hiểu điều kỳ diệu của thái độ sống để hiểu hơn giá trị của cuốn sách mang lại, cũng như chuẩn bị tốt nhất kiến thức để bước vào kỳ thi tốt nghiệp thpt 2021.
Nội dung bài viết
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:
Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiệt bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tính cảm và cảm nhận phấn khởi với nguồn cuộc sống.
Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, ở sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi tuổi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi ) vì tuổi tác, chúng ta chỉ giá đi khi để làm tâm hồn mình héo hon.
Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn. Năm tháng in hằn những vết nhăn trên da thịt, còn sự thờ ơ với cuộc sống tạo những vết nhăn trong tâm hồn. Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.
(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh, 2017)
Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Nêu quan niệm của tác giả về tuổi trẻ.
Câu 3: Anh / chị hiểu như thế nào về ý kiến: Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn?
Câu 4: Anh / chị có đồng tình với quan niệm: Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta?
Câu 1: Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích là: Lập luận
Câu 2: Quan niệm của tác giả về tuổi trẻ đó là:
– Là trạng thái tâm hồn.
– Tuổi trẻ gắn liền với ý chí mạnh mẽ, chí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và những cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.
– Tuổi trẻ luôn có sở thích phiêu lưu trải nghiệm, thể hiện ở lòng can đảm.
Câu 3: “Thời gian hình thành tuổi tác, thái độ tạo nên tâm hồn” là một ý kiến rất hay và sâu sắc. Dù cho con người có già đi theo năm tháng nhưng thái độ sống, tâm thế sống của con người mới định hình nên tâm hồn và làm nên tuổi trẻ trong mỗi cá nhân. Chỉ cần mỗi cá nhân vẫn mãi giữ gìn những sự nhiệt huyết, những thái độ sống nhiệt huyết, tích cực và can đảm thì lúc ấy, tuổi trẻ sẽ mãi mãi còn. Chính thái độ sống làm nên 1 tâm hồn tươi trẻ chứ không phải thân thể.
Câu 4: Các em được đưa ra quan điểm cá nhân và dùng lý lẽ để bảo vệ lập luận của mình
– Ví dụ: Đồng tình với quan điểm Lo lắng, sợ hãi, mất lòng tin vào bản thân là những thói xấu hủy hoại tinh thần của chúng ta.
– Vì:
+/ Đây là những trạng thái tâm lí tiêu cực. Một khi xuất hiện thường xuyên, trở thành thói quen nó sẽ thao túng, nhấn chìm đời sống tâm hồn ta trong bóng tối, khiến đời sống bên trong ta luôn u ám, tẻ nhạt, rơi vào sự bế tắc, không lối thoát.
Lo lắng sợ hãi khiến ta luôn cảm thấy bất an trước cuộc đời, khiến ta mất đi sức sống, sức trẻ, mất đi niềm vui sống.
Việc mất lòng tin vào bản thân khiến ta không tìm được điểm tựa tinh thần vững chắc, từ đó đánh mất tiềm lực bản thân, luôn trong trạng thái mặc cảm, hoang mang, hoài nghi chính mình.
+/ Tất cả những trạng thái tâm lý đó khiến ta không nhận thức được về giá trị bản thân, về ý nghĩa sự tồn tại của mình, thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa, không còn cảm giác hào hứng sống nữa. Đó là lúc ta chết về mặt tinh thần. Cuộc đời còn gì thú vị khi đời sống bên trong bị hủy hoại?
+/ Để tránh cho đời sống tâm hồn không bị hủy hoại chúng ta cần có ý nghĩ, tình, cảm, cách nhìn, cách lựa chọn lối sống đúng đắn, tích cực.
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Vài tuần trước, trong bức thư gửi cho tôi, cô Anna Lee Wilson – một phụ nữ tốt bụng và luôn quan tâm đến người khác, có gửi kèm theo một bài thơ tựa đề “Lằn gạch nối” của Linda Ellis. Chị bảo đây là bài thơ mà chị rất thích và chị tin rằng tôi cũng sẽ thích nó.
Quả thật, tôi bị ấn tượng ngay khi vừa mới đọc những câu đầu tiên. Bài thơ bắt đầu bằng hình ảnh của một người đàn ông đứng lặng trong đám tang bạn mình. Trên tấm bia khắc tên người bạn ấy, người đàn ông dừng lại thật lâu ở lằn gạch mong manh giữa năm sinh và năm mất để hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp đẽ về người bạn quá cố.
Dù chỉ là một lằn gạch nối rất mong manh nhưng nó lại chứa đựng rất nhiều điều. Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này. Dù cho chúng ta có nổi tiếng đến mức nào và có đạt được bao nhiêu sự thành công đi chăng nữa, thì điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời này chính là hình ảnh của chúng ta đang có trong trái tim mọi người. Nó được xây dựng dựa trên cách chúng ta đã từng sống và yêu thương, cách mà chúng ta đi qua trong cõi đời này. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc sống, giữa sự xô bồ, náo nhiệt, chúng ta hãy nên dừng lại một chút để quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh và để yêu mến họ nhiều hơn, kể cả những người không quen biết. Đó mới là cuộc đời thật sự, để khi bước qua bên kia lằn gạch nối, chúng ta sẽ không phải hối tiếc về điều gì.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 06)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.
Câu 2. Nêu tác dụng biện pháp tu từ so sánh trong câu: Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này.
Câu 3. Tại sao nhân vật tôi có ấn tượng ngay khi vừa mới đọc những câu đầu tiên khi đọc bài thơ “Lằn gạch nối” của Linda Ellis ?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản. Nêu rõ lí do tại sao chọn thông điệp đó.
Câu 5. Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa câu nói “điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời này chính là hình ảnh của chúng ta đang có trong trái tim mọi người.” được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên là: Nghị luận
Câu 2: Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu: Dấu gạch nối như một ký hiệu biểu trưng cho quãng thời gian tồn tại của chúng ta trên cõi đời này là:
– Tạo tính hình tượng cho lời văn.
– Thể hiện rõ ý nghĩa của “dấu gạch nối” với quãng thời gian của một đời người.
Câu 3: Nhân vật tôi có ấn tượng ngay khi vừa mới đọc những câu đầu tiên khi đọc bài thơ “Lằn gạch nối” của Linda Ellis vì:
– Dấu gạch nối sử dụng đã gợi nhiều kỷ niệm.
– Dấu gạch nối ẩn chứa nhiều triết lý sống.
Câu 4: Các em tùy ý lựa chọn thông điệp mà mình thấy tâm đắc nhất, sau đó đưa ra lý lẽ lập luận
Ví dụ:
– Thông điệp: Hãy biết dừng lại một chút để yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh.
– Lý giải:
+ Cuộc sống hiện đại nhiều lúc cuốn trôi con người đi một cách vội vã.
+ Xã hội hiện nay còn rất nhiều lúc chúng ta sống thờ ơ, vô tâm.
Câu 5:
Mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy câu chuyện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
Các câu phát triển đoạn:
– Giải thích: Câu nói khẳng định điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là có thể tạo được những ấn tượng, tình cảm tốt đẹp đối với mọi người.
– Phân tích, chứng minh
Được người khác yêu thương, cảm mến là hạnh phúc lớn của đời người; tiền bạc, danh vọng không thể sánh được với tình cảm chân thành; được mọi người yêu mến là ý nghĩa, lẽ sống quan trọng nhất.
Bàn bạc mở rộng: Phê phán những con người sống thờ ơ, tự cao tự đại, vô cảm, sống khép kín, coi thường chối bỏ tình cảm của mọi người…
Kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: cần nhận thức đúng về lẽ sống của bản thân; biết quan tâm, yêu thương mọi người hơn; yêu thương bằng những việc làm thiết thực
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Một lần, trên đường đi làm tôi ghé vào một cửa hàng nhỏ để mua tờ báo và mấy thanh kẹo cao su. Cô gái trẻ ở quầy thu ngân đưa cho tôi hóa đơn với số tiền phải trả là năm đô-la. Trong khi mở ví lấy tiền, tôi nhầm tính một tờ báo và mấy thanh kẹo không thể đến năm đô-la được nên có ý muốn hỏi lại.
Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì cô đã nở nụ cười thật tươi và dỉ dỏm:
– Cháu tính thêm tiền công vì đã làm cho bác vui đấy!
Tôi bật cười khi biết mình bị “lừa”. Cô gái nhìn qua tờ báo tôi vừa mới mua và nói:
– Cháu tật không hiểu sao người ta chỉ đưa những tin không hay lên trang đầu. Cháu thì thích đọc những tin tốt lành hơn.
Rồi cô nói tiếp:
– Cháu nghĩ chắc phải có thêm một tờ báo toàn những câu chuyện viết về những người tốt và những việc hay lẽ phải để khơi dậy niềm tin và mang điều tốt lành đến cho mọi người. Nếu có tờ báo ấy, cháu sẽ mua hàng ngày. Cô gái cảm ơn tôi và nói với vẻ đầy lạc quan:
– Hy vọng là ngày mai sẽ có tin tức gì đó tốt lành, bác nhỉ!
Và cô lại cười. Cả ngày hôm ấy tôi cảm thấy phấn chấn và trong lòng tràn ngập niềm vui.
Ngày hôm sau, tôi ghé lại cửa hàng sau khi vừa giải quyết xong công việc với khách hàng. Nhưng lần này tiếp tôi ở quầy thu ngân là một cô gái khác. Lúc thanh toán tiền cho mấy thứ vừa mua, tôi chào cô nhưng cô chẳng buồn đáp lại, không nở một nụ cười, cũng không một lời nói. Gương mặt không có vẻ gì là thân thiện vui vẻ, cô ta chỉ thối lại tôi mấy đồng tiền thừa, rồi uể oải nói: “mời người tiếp theo”.
Hai cô gái, cùng một độ tuổi, cùng làm một công việc như nhau, nhưng lại gây cho tôi những ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Một người mang đến cho tôi niềm vui, sự gần gũi, còn một người lại khiến tôi có cảm giác như thể xuất hiện của mình làm cho cô ấy khó chịu.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mác Anderson,
Dịch giả: Hiếu Dấn, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng Hợp TPHCM, 2016)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản
Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp nghệ thuật trong câu: Hai cô gái, cùng một độ tuổi, cùng làm một công việc như nhau, nhưng lại gây cho tôi những ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Một người mang đến cho tôi niềm vui, sự gần gũi, còn một người lại khiến tôi có cảm giác như thể xuất hiện của mình làm cho cô ấy khó chịu.
Câu 3: Tại sao nhận vật “tôi cảm thấy phấn chấn và trong lòng tràn ngập niềm vui”?
Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với câu trả lời: “Cháu thích đọc những tin tốt lành hơn”của cô gái thứ nhất trong văn bản không? Vì sao?
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản là: Tự sự
Câu 2:
– Biện pháp nghệ thuật trong câu: “Hai cô gái, cùng một độ tuổi, cùng làm một công việc như nhau, nhưng lại gây cho tôi những ấn tượng hoàn toàn khác biệt. Một người mang đến cho tôi niềm vui, sự gần gũi, còn một người lại khiến tôi có cảm giác như thể xuất hiện của mình làm cho cô ấy khó chịu” là đối lập (niềm vui, sự gần gũi>< khó chịu)
– Tác dụng: Nhấn mạnh sự trái ngược giữa hai cô gái trong cùng độ tuổi, cùng công việc nhưng thái độ, cách ứng xử với khách hàng lại khác nhau hoàn toàn; tác dụng của cách ứng xử vui vẻ, thân thiện.
Câu 3: Nhận vật “tôi cảm thấy phấn chấn và trong lòng tràn ngập niềm vui” vì: nhờ thái độ cư xử tích cực của cô gái thu ngân thứ nhất. Cô là người vui vẻ, hài hước với nụ cười dí dỏm khi giao tiếp với khách hàng. Điều đó đã làm cho người khách trở nên lạc quan, yêu đời.
Câu 4: Thí sinh được đưa ra quan điểm cá nhân đồng tình hoặc không đồng tình, sau đó đưa ra lập luận giải thích cho lựa chọn của mình.
Ví dụ:
– Đồng tình: Trong cảm nhận mỗi người, không ai muốn nhận được tin xấu. Không ai muốn cuộc sống của mình chìm trong bóng tối âm u, sợ hãi. Mọi người ai cũng mong chờ tin tốt lành vì nó đem đến sự may mắn, làm cho cuộc sống trở nên tươi sáng, hạnh phúc. Tin tốt lành có tác dụng truyền động lực, cảm hứng, niềm lạc quan…cho tất cả mọi người
– Không đồng tình: Trong cuộc sống, mỗi người có sở thích khác nhau. Có khi đọc những tin không tốt lành lại là dịp mỗi người nhận ra bản chất của cái xấu, cái ác…để rút ra bài học kinh nghiệm cho mình và mọi người
– Nếu đồng tình một phần: kết hợp 2 ý trên.
ĐỌC HIỂU (3,0điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới
(1) Bằng những trải nghiệm của bản thân, càng ngày tôi càng nhận rõ ra một chân lý là bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa. Nói cách khác, chúng ta nên đón lấy cuộc sống ngay khi nó đến, đừng đợi chờ một điều gì đó thật đủ đầy rồi mới chịu đón nhận. Hãy sống một cuộc đời chừng mực, đừng đợi chờ hay mong muốn hưởng thụ những điều xa xỉ, vì sẽ không có giới hạn nào kiểm soát việc đó.
(2) Điều đó tương tự như khi chúng ta làm công việc chăm sóc và tỉa cành cho cây. Khi cắt đi những nhánh dư thừa, cây sẽ tập trung nhựa sống của nó để tạo ra hoa thơm quả ngọt. Cuộc sống của chúng ta cũng thế. Khi biết loại bỏ những điều không cần thiết, chúng ta có thể tập trung sức lực của mình cho những điều giá trị hơn.
(3) Mỗi người quan niệm lợi ích của việc đơn giản hóa cuộc sống theo một cách khác nhau. Đó có thể tạo ra nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, cuộc sống ít căng thẳng hơn, ít huyên náo hơn, ít nợ nần hơn… Cuộc hành trình này tuy có cùng một đích đến nhưng lại có rất nhiều con đường khác nhau để tiến tới mục đích đó.
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson, Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 24)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?
Câu 2. Anh/ chị hiểu thế nào về câu văn: Cuộc sống của chúng ta cũng thế
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về chân lí mà tác giả đã rút ra: bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa?
Câu 4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu lí do vì sao chọn thông điệp đó
Câu 1:
Chỉ ra được phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận.
Câu 2:
Câu văn: Cuộc sống của chúng ta cũng thế được hiểu là: Cuộc sống của chúng ta cũng giống như khi chúng ta làm công việc chăm sóc và tỉa cành cho cây. Khi cắt đi những nhánh dư thừa, cây sẽ tập trung nhựa sống của nó để tạo ra hoa thơm quả ngọt. Khi biết loại bỏ những điều không cần thiết, chúng ta có thể tập trung sức lực của mình cho những điều giá trị hơn.
Câu 3:
Hiểu về chân lí mà tác giả đã rút ra: bất cứ một điều gì vừa phải bao giờ cũng tốt hơn thừa mứa.
– Vừa phải tức là có chừng mực, không thừa, không thiếu; thừa mứa là nhiều đến mức không thể sử dụng hết được;
– Cả câu nói được hiểu là: cuộc sống sẽ trở nên đơn giản khi ta biết vừa phải, biết loại bỏ đi những điều vô bổ hay quá xa xỉ. Nếu biết tiết chế, dừng đúng lúc, ta sẽ không rơi vào lối sống hoang phí, để dành thời gian quý giá tập trung vào những việc làm thiết thực.
Câu 4:
HS có thể nêu một thông điệp tâm đắc nhất. Nêu lí do vì sao chọn thông điệp đó một cách hợp lí, hợp tình, không vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức.
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
– Ông ơi, cuộc sống là gì? – Một cậu bé da đỏ hỏi ông mình
– Ông cảm thấy cuộc sống như hai con sói đang đánh nhau, một con thì hung dữ, đầy thù hận, còn một con thì tràn ngập lòng yêu thương, vị tha. – Người ông trả lời.
– Thế con sói nào sẽ chiến thắng hả ông? – Đứa cháu ngây thơ hỏi.
– À, điều này còn tùy vào chúng ta muốn con nào thắng, cháu ạ! – Người ông chậm rãi đáp.
Câu chuyện trên hé mở cho chúng ta thây một quy luật bất biến của vũ trụ, một quy luật có khả năng thay đổi cuộc đời của môi chúng ta. Chúng ta sẽ trở nên những gì mình nghĩ.
Nói một cách đơn giản, nếu chúng ta suy nghĩ tích cực, thì những điều tốt đẹp của cuộc sống cũng đến với chúng ta. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực chỉ đem lại cho chúng ta những điều không mong đợi. Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giống được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng. Đúng như những gì trong quyển “The power of Positive Thinking” (Quyền năng của suy nghĩ tích cực), tiến sĩ Norman Vincent Peale đã viết: “Hãy kì vọng, chứ đừng hoài nghi. Vì sự kì vọng sẽ giúp bạn vượt qua bất kì khó khăn, trở ngại nào. Còn sự hoài nghi sẽ chỉ ngăn trở bạn mà thôi”.
Do đó, mỗi người trong chúng ta đều có thể tạo nên những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống của mình. Biết bắt tay vào thực hiện những công việc được coi là tốt nhất dành cho mình tức là bạn đang gửi một thông điệp rằng bạn không những biết quý trọng bản thân mà bạn còn mến yêu cuộc đời này biết bao. Với cuộc sống và với cá nhân bạn, không có điều gì là không thể. Bạn hãy tin vào điều đó!
(Trích Điều kì diệu của thái độ sống, Tác giả: Mac Anderson,
Dịch giả: Hiếu Dân, Thế Lâm, Văn Khanh, NXB Tổng hợp TPHCM, 2016, tr 05)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên?
Câu 2. Nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giông được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng?
Câu 3. Theo văn bản,thế nào là suy nghĩ tích cực, thế nào là suy nghĩ tiêu cực?
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản.
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong văn bản là: nghị luận
Câu 2: Tác dụng biện pháp tu từ trong câu: “Hãy hình dung ý nghĩ như những hạt giông được gieo trong tâm hồn. Hạt giống tốt sẽ đem về những vụ mùa bội thu, hạt giống xấu chỉ cho quả đắng” là làm cho nhận định về tầm quan trọng của ý nghĩ có hình ảnh cụ thể. Qua đó, người đọc hình dung rõ hơn tác dụng của ý nghĩ tốt và hậu quả của ý nghĩ xấu.
Câu 3: Theo văn bản:
– Suy nghĩ tích cực là: suy nghĩ theo chiều hướng tốt làm cho con người lạc quan, vui vẻ; theo đó những điều tốt đẹp sẽ đến.
– Suy nghĩ tiêu cực là: suy nghĩ theo chiều hướng xấu làm cho con người bất an, lo lắng, chỉ nhận được những điều bất lợi.
Câu 4: Mỗi thí sinh được đưa ra thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng của mình. Sau đó dùng lí lẽ giải thích cho lập luận đó
Ví dụ: “Nếu chúng ta suy nghĩ tích cực, thì những điều tốt đẹp của cuộc sống cũng đến với chúng ta” vì bất cứ vấn đề nào mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống cũng đều có hai mặt: tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực chính là những ưu thế để kích thích mình hăng hái tiến lên, vượt qua những khó khăn, thử thách; còn với những gì chưa được tích cực cho lắm thì đấy cũng là lý đo để mình học hỏi kinh nghiệm, nâng cao bản lĩnh và hoàn thiện bản thân. Còn tiêu cực thì ngược lại, nó sẽ kéo bạn xuống vũng bùn do chính bạn tạo ra.
Đọc đoạn trích dưới đây:
Thái độ sống tích cực chính là chìa khóa của hạnh phúc mà qua đó bạn nhìn cuộc đời tốt hay xấu, đưa đến cho bạn những cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề khác nhau. Nếu người có thái độ tích cực nhìn cuộc sống bằng lăng kính lạc quan, màu sắc rực rỡ, thì người tiêu cực lại chỉ thấy một màu xám xịt, ảm đạm mà thôi.
Thái độ sống tích cực còn giúp ta nhìn được những cơ hội trong khó khăn cũng như không cảm thấy khó chịu, than trách cuộc sống. Ngoài ra, thái độ sống tích cực còn có thể giúp cho chúng ta cảm thấy yêu đời, yêu cuộc sống và biết quan tâm những người xung quanh hơn.
Người có thái độ sống không tốt thường nhìn nhận tiêu cực về các vấn đề, họ cho rằng không thể giải quyết được và tự tăng mức độ trầm trọng lên. Những người này luôn chú ý đến những nhược điểm của bản thân, có thái độ nuối tiếc, suy nghĩ về những điều mất mát và lo sợ điều tồi tệ sẽ xảy đến.
Trong cuộc sống, vốn dĩ hai mẫu người này đã có sự khác nhau về cách cư xử, suy nghĩ, cách giao tiếp… Nhưng đến khi họ cùng gặp một vấn đề, sự khác biệt này mới thể hiện rõ và từ đó, cuộc sống của họ cũng được tạo nên từ những yếu tố này.
(Mac Anderson, Điều kì diệu của thái độ sống, NXB Tổng Hợp TpHCM, năm 2016, tr.17)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Sự khác nhau về cách nhìn cuộc sống giữa người tích cực và người tiêu cực là gì?
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về câu: “Thái độ sống tích cực chính là chìa khóa của hạnh phúc”?
Câu 3. Thông điệp ý nghĩa nhất mà anh/chị nhận được từ đoạn trích trên.
Câu 1:
Người có thái độ tích cực nhìn cuộc sống bằng lăng kính lạc quan, màu sắc rực rỡ, còn người tiêu cực lại chỉ thấy một màu xám xịt, ảm đạm.
Câu 2:
“Thái độ sống tích cực chính là chìa khóa của hạnh phúc”:
– Thái độ sống tích cực sẽ làm cho con người luôn thấy lạc quan, dễ chịu, yêu đời… đó là cảm xúc của hạnh phúc.
– Thái độ tích cực sẽ dẫn đến hành động tích cực, như thế con người dễ đạt được thành công.
Câu 3:
Học sinh có thể rút ra một trong những thông điệp:
– Giá trị của thái độ sống tích cực
– Hai thái độ sống khác nhau (tích cực và tiêu cực) sẽ mang lại những giá trị khác nhau trong cuộc sống.
– …
Lưu ý: HS có thể rút ra những thông điệp không giống với đáp án, nhưng là những thông điệp có ý nghĩa sẽ được cho điểm.
Trên đây là một số đề Đọc hiểu Điều kỳ diệu của thái độ sống mà Top lời giải đã sưu tầm được, mong rằng sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em trong quá trình ôn tập tại nhà!