/tmp/wdant.jpg
Tuyển chọn những bài văn tả mẹ cảm động.
Bài văn tả mẹ cảm động nhất – Mẹ yêu thương con vô điều kiện
Bài văn viết về mẹ của tác giả Hà Thị Phương Linh được đọc trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đó là ngày khai giảng năm học mới. Thay vì những lời cảm nhận ngắn ngủi và chung chung về mái trường, thầy cô trong những ngày đầu tiên của năm học như mọi năm thì nữ sinh này đã chọn cách chia sẻ với toàn trường những cảm nhận về người mẹ của mình qua những câu chuyện giữa mẹ và con gái. Có không ít những giọt nước mắt đã lăn trên má những bạn trẻ và cả thầy cô bởi bài văn ấy đã chạm đến trái tim của người nghe, khiến cho tâm hồn họ lắng lại, cảm nhận và suy nghĩ. Bài văn còn là tâm sự, là nỗi lòng của rất nhiều bạn trẻ giống như Linh mà không dám thể hiện với mẹ, đồng thời thức tỉnh biết bao tâm hồn đang u mê không nhận ra giá trị của tình mẫu tử thiêng liêng.
Qua lời kể tự nhiên và chân thực, Hà Thị Phương Linh không ngần ngại nói ra những sai lầm của mình khi đã từng là đứa con gái khiến mẹ phải phiền lòng vì tính đua đòi và hưởng thụ – tính cách mà có thể rất nhiều các bạn trẻ hiện nay đang mắc phải, thậm chí, cô còn nảy sinh tâm lý ghét mẹ khi những yêu cầu không được đáp ứng. Cô chưa bao giờ chịu hiểu vì sao mẹ mình lại như vậy cho đến một ngày, người sinh thành và nuôi dưỡng cô mà hàng ngày cô vẫn ghét ấy vẫn yêu thương cô vô điều kiện, vẫn đứng bên cô lúc cô gặp khó khăn nhất, bế tắc nhất, vẫn mở ra cho cô một cánh cửa mới với rất nhiều hi vọng về tương lai. Lúc đó, cô mới thực sự bừng tỉnh và nhận ra sự bao dung tuyệt vời của mẹ. Các bạn hãy đọc và cảm nhận.
Ở lứa tuổi cấp 1 mẹ thường bắt tôi ngủ trưa và học bài, tôi không nghe thì bị mẹ đánh, lúc đó tôi rất ghét mẹ, đôi khi tâm trí tôi thấy “mẹ thật là ác”. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, đến khi lên cấp 2, tôi ghét mẹ vì luôn bị xét nét. Lúc đó, tôi chỉ muốn xách ba lô ra ở riêng. Tôi ghét mẹ lắm! Tôi từng muốn không có mẹ trên đời này…Tôi có tính đua đòi mà gia đình thì không khá giả lắm. Năm tôi học lớp 9, tôi bắt mẹ phải cho tôi học trường tư dù học phí rất cao, lúc đó tôi suy nghĩ thật nông cạn. Mỗi lần ba tôi về, thấy tôi hư là lại gọi mẹ ra la và ba mẹ tôi thường cãi nhau vì tôi…
Lên cấp 3, các bạn lớp tôi ai cũng được tổ chức sinh nhật, riêng tôi từ bé đến giờ chưa có lần nào. Tôi về xin tiền mẹ, mẹ bảo tốn kém và chỉ cho vài trăm mời bạn bè uống nước. Tối hôm đó, tôi bù lu, bù loa ăn vạ đủ kiểu, thấy vậy, mẹ vẫn kiên quyết không cho vì vậy tôi bắt đầu cáu giận, cãi với mẹ còn hơn cãi nhau với bạn cùng lứa…Đỉnh điểm mâu thuẫn giữa tôi và mẹ là năm lớp 11, tôi chuyển về gần nhà học, đây là năm tôi không thể quên những gì tôi đối xử với mẹ. Ngày Noel tôi đã dặn mẹ đón sớm hơn mà mẹ lại quên. Báo hại là hôm đó, tôi phải đi bộ cả tiếng đồng hồ. Về tới nhà, tôi cãi lộn với mẹ, nói những câu nói mà chính tôi cũng không tưởng tượng được.
Tối Giáng sinh, tôi đi Nhà thờ chơi nhưng khi bước xuống cổng, mẹ vẫn cằn nhằn và la tôi trước mặt bạn bè. Tôi đã không suy nghĩ mà ném cả khóa cổng vào người mẹ, làm bàn tay mẹ bị bầm tím cả tháng trời. Lúc đó tôi rất giận mẹ, nhưng tôi cũng thấy chưa có đứa con gái nào lại hư như tôi. Trong thâm tâm, tôi biết rằng mẹ cũng rất quan tâm tới tôi nhưng vì mẹ hay la mắng và bắt tôi phải theo khuôn phép nên tôi thấy khó chịu. Thêm vào đó, thấy bạn bè của mình có được nhiều thứ và được ba mẹ chiều chuộng, dễ dãi nên lúc nào tôi cũng chỉ muốn mẹ mình bằng một góc nhỏ của mẹ đứa bạn…
Nhưng mọi việc đã bắt đầu đổi thay khi tôi học lớp 12. Tôi đã gặp khó khăn lớn với đám bạn cùng khối. Đó là những đứa bạn mà tôi từng nói với mẹ là chúng còn tốt với tôi hơn cả mẹ. Chúng tôi bắt đầu chia phe và lên facebook lời qua tiếng lại, rồi chúng kéo nhau đến tận nhà để đòi đánh tôi. Rồi chúng cô lập để bạn bè trong lớp dần xa lánh tôi. Mâu thuẫn kéo dài, nhiều ngày liền và điều đó khiến tôi mất ăn mất ngủ. Khi vượt qua giới hạn chịu đựng của mình, tôi kể cho mẹ nghe những rắc rối và xin mẹ cho chuyển trường. Hôm đó, tôi bị mẹ la rất nhiều, mẹ bảo tôi: “Mày chết đi cho nhẹ đầu” và quyết định cho tôi nghỉ học luôn. Tuy nói vậy, nhưng mẹ vẫn bên tôi những lúc tôi suy sụp. Mẹ cho tôi một cơ hội mới tại ngôi trường khác.
Tối hôm đó, mẹ không ngủ được và trằn trọc suốt đêm. Lúc ấy, tôi bắt đầu thấy hận vì đã đi theo bạn bè mà quay lưng với mẹ. Sáng hôm sau, mẹ dậy từ sớm để chở em tôi đi học, sau đó quay lại chở tôi lên trường xin rút học bạ cho tôi. Trưa nắng, mẹ không ngủ trưa mà chở tôi lên trường mới để xin học. Chiều mẹ với tôi về, mẹ vừa chạy vừa đi đón em, vừa lo soạn đồ ăn để đưa tôi vào trường nội trú học. Hơn 7 giờ tối, vì nội quy trường không được mặc quần ngắn, mẹ lại chạy đi mua quần cho tôi. Cả ngày mẹ không ăn uống đủ, lại lăn lộn ngoài đường vì tôi. Điều đó đã thực sự thay đổi suy nghĩ của tôi về mẹ. Đi học nội trú xa nhà, tôi lại muốn quay về khoảnh khắc đẹp khi có mẹ bên cạnh. Tôi thầm hiểu và ngày càng quý trọng mẹ hơn. Mẹ không hề ghét bỏ tôi như tôi nghĩ, hồi bé mẹ bắt tôi ngủ trưa và học bài thì tốt cho tôi chứ mẹ có được gì. Đánh tôi đau, mẹ còn đau hơn cả trăm lần như thế. Tôi còn nhớ, ngày còn nhỏ, cứ mỗi lần mẹ đánh tôi là tối mẹ lại ngồi bóp mật gấu cho tôi.
Và ở trường mới, tôi phải vô cùng biết ơn cô giáo dạy văn của mình. Bởi cô đã từng dạy để giúp mỗi chúng tôi kịp nhận ra rằng: “Cha mẹ chúng ta là những người rất tốt, tuy đôi khi họ có thể chưa đúng, nhưng chắc chắn một việc đúng nhất mà họ đã làm được là cho chúng ta được đến trường. Để chúng ta hiểu được là chúng ta có sự hiểu biết và nhận thức nhằm hóa giải những mâu thuẫn của thế hệ và thời đại”. Tôi dần thấy và cảm nhận rằng, dù mẹ có thể là người phụ nữ quê mùa nhưng mẹ đã hi sinh cả công việc và sự nghiệp của mình để chăm sóc chị em tôi…
Là con gái, sau này lớn lên tôi cũng làm mẹ. Tôi cũng không muốn con mình sau này như tôi. Tới lúc khó khăn nhất, tôi mới biết bên mình không phải là bạn bè mà là gia đình, là mẹ, nơi tôi sinh ra và nuôi dưỡng cho đến khi tôi lớn lên.Giờ đây, khi đã đủ nhận thức để trưởng thành, tôi muốn nói với mẹ rằng: “Con xin lỗi mẹ! Vì con không bao giờ chịu ngồi xuống lắng nghe lời mẹ dạy, con đã luôn để ngoài tai những gì mẹ dặn dò, răn bảo. Con hư đốn lắm phải không mẹ? Những việc mà con gây ra chắc chắn đã làm mẹ tổn thương nhiều lắm. Nhưng dù sao con cũng thấy mình may mắn vì đã kịp nhận ra để biết tôn trọng mẹ từng phút, từng giây khi mẹ còn bên cạnh…”
Bài văn tả mẹ cảm động – Em xin lỗi em chỉ là đứa trẻ mồ côi
Cách đây ít ngày, một bức ảnh chụp bài văn điểm 10 kèm theo lời phê của thầy giáo “Thầy đã khóc khi đọc xong dòng đầu tiên” được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội và thu hút sự chú ý, theo dõi của dân mạng. Khác với những bài văn dạt dào cảm xúc trước đây, bài văn tả mẹ của em học sinh này dài chưa hết một mặt giấy, nhưng từng câu từng chữ trong bài văn như thấm sâu vào tâm hồn người đọc, khiến họ bật khóc ngay khi đọc dòng chữ đầu tiên.
Với đề bài thầy đưa ra “Hãy viết một bài văn về mẹ của em”, học sinh này ngậm ngùi chia sẻ:
Em xin lỗi. Em chỉ là đứa trẻ mồ côi.
Em sinh ra không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Vì sinh ra em, mẹ em đã ra đi trong sự dày vò của căn bệnh ung thư hiểm ác. Em chỉ thấy mẹ qua giấc mơ, lời bố kể và bức ảnh đen trắng được đặt trên bàn thờ. Trong trái tim em, mẹ luôn là người phụ nữ đẹp nhất thế gian, mặc dù chỉ qua tưởng tượng”.
Bài văn tả mẹ cảm động về mẹ của học sinh lớp 6
Với đề bài: “Em hãy tả lại một người thân trong gia đình”, em Phạm Thị Thu Hà – học sinh lớp 6 đã viết bài văn tả mẹ của mình thật hay và giàu hình ảnh. Dù mới được làm quen với văn tả người ở lớp 5 nhưng những gì mà em thể hiện trong bài văn của mình có thể thấy đây không những là một học sinh giỏi văn mà còn là một cô bé rất giàu cảm xúc. Bài văn của em viết về mẹ thu hút người đọc ngay từ cách mở bài gián tiếp rất ấn tượng từ những câu thơ trong một bài thơ của nhà thơ Trần Quốc Minh. Và cứ thế, em đã miêu tả mẹ của mình theo đúng trình tự miêu tả, từ những đặc điểm ngoại hình cho đến tính tình và hoạt động.
Nếu không yêu mẹ của mình thật nhiều, quan tâm tới mẹ thật nhiều, quan sát những việc mẹ làm trong đời sống hàng ngày thì Hà không thể tả mẹ của mình chân thực và gần gũi đến thế. Dù cuộc sống của mẹ còn nhiều khó khăn vất vả, do đặc thù công việc, người mẹ trong bài văn không kiều diễm, thướt tha mà đẹp một cách bình dị – nét đẹp của người phụ nữ trong lao động hiện lên thật kín đáo và duyên đến lạ.Tác giả rất khéo léo khi sử dụng những câu văn có các hình ảnh so sánh để làm nổi bật lên những nét đẹp của mẹ. Mẹ chịu thương chịu khó, chăm sóc gia đình, được mọi người quý mến và là niềm tự hào của tác giả, là động lực để tác giả cố gắng học hành trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.
“Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chợt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là người như vậy đó.
Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.
Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.
“Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.
Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều. Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà… thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.
Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua. Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.
Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
“Mẹ như biển cả mênh mông
Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.
Bài văn tả mẹ xúc động đạt điểm 10 – Người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này
“Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này. Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi.
Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Như hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi.
Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất.
Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc. Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn nhưng không được nhớ oán.
Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không có dạy”.
Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con mới hiểu mồ cô mẹ là gì?
Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ me nhiều lắm, nhất định cn sẽ làm theo những gì mẹ dạy.
Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa.
Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt nước mắt “Mẹ không sao đâu con.
Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.
Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh tôi.
Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ, việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc.
Và điều tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”. Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”.
Bài văn tả mẹ cảm động – Mẹ ơi, hãy cho con cùng chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc với bố mẹ
Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu – Lớp 11 chuyên Lý – trường chuyên Amsterdam – Hà Nội
Với đề bài: “Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, Nguyễn Trung Hiếu đã viết về mẹ của mình với nỗi lo thường trực về cơm áo, gạo tiền mà hàng ngày mẹ vẫn phải đối mặt với nó. Bài văn đạt được điểm 9 với những nhận xét rất đáng khen ngợi từ cô giáo dạy văn bởi cô thực sự bất ngờ và cảm động. Còn với độc giả của Toplist thì sao, bạn hãy đọc và cảm nhận để nhận thấy rằng đồng tiền đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng cuộc sống mỗi gia đình. Đặc biệt đối với những gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn thiếu thốn, người kiếm tiền chính trong gia đình ốm đau bệnh tật, không có khả năng lao động thì nó thực sự trở thành gánh nặng với người phụ nữ trong gia đình ấy.
Mẹ của Nguyễn Trung Hiếu phải sống trong hoàn cảnh như vậy. Mang trong mình căn bệnh suy thận độ 4, hàng ngày vẫn phải chạy thận ở bệnh viện và số tiền chi trả cho việc duy trì sự sống của mẹ cứ ngày càng vơi đi nhưng đối với con cái, mẹ vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Dù khó khăn đến mấy, bà mẹ ấy vẫn không để cho con mình nhịn ăn sáng mà đi học, bởi hơn ai hết, mẹ hiểu được giá trị của sức khỏe là như thế nào. Nguyễn Trung Hiếu bày tỏ quan điểm của mình khi vừa ghét tiền mà cũng lại vừa quý trọng đồng tiền thông qua những lời nhắn nhủ với mẹ kính yêu. Cậu muốn được chia sẻ với mẹ, tiết kiệm tiền cùng mẹ và cố gắng học thật tốt để mẹ vui lòng.
“Trời ơi là trời ! Anh ăn đi cho tôi nhờ, đừng có nhịn ăn sáng nữa. Đừng có dở hơi đi tiết kiệm mấy đồng bạc lẻ thế, anh tưởng rằng thiếu tiền như thế thì tôi chết à ?”. Đó là những “điệp khúc” mẹ cất lên hàng ngày dạo gần đây vì con quyết định nhịn ăn sáng đi học để tiết kiệm chút tiền cho mẹ, cho gia đình. Có lúc mẹ còn gắt lên, hỏi con “Sao cứ phải đắn đo khổ sở về tiền đến thế nhỉ ?” .
Mẹ ơi, những lúc ấy mẹ đang giận nên con không dám cãi lại. Nhưng giờ đây con muốn được bày tỏ lòng mình rằng tại sao con lại có những suy nghĩ, hành động kì lạ như vậy. Vâng, tất cả là vì tiền. Chỉ đến tận bây giờ con mới nhận ra cả một quãng thời gian dài trước đó con đã non nớt, ngây thơ biết chừng nào khi nghĩ về tiền.
Cách đây 8 năm bệnh viện đã chuẩn đoán mẹ bị suy thận mãn tính độ 4 (độ cao nhất về suy thận). 8 năm rồi nhà ta đã sống trong túng thiếu bần hàn, vì bố mẹ không kiếm được nhiều tiền lại phải dành tiền cho mẹ đi chạy thận. Nhưng bố mẹ vẫn cho con tất cả những gì có thể, và cậu bé học trò như con cứ vô tư đâu biết lo gì.
Hồi học tiểu học, tiền bạc đối với con là một cái gì đó rất nhỏ, nó là những tờ giấy với đủ màu có thể dùng để mua cái bánh, cái kẹo, gói xôi hay cái bánh mì … Con đâu có ngờ tiền chính là yếu tố quyết định sinh mạng mẹ mình, là thứ bố mẹ phải hàng ngày chắt bóp và bao người thân gom góp lại để trả cho từng ca lọc máu cho mẹ tại bệnh viện Bạch Mai, là thứ càng làm mẹ thêm đau đầu suy nghĩ khi mẹ buộc phải nghỉ việc làm vì điều kiện sức khỏe không cho phép. Rồi đến khi con học lớp 8, mẹ càng ngày càng yếu và mệt, phải tăng từ 2 lên 3 lần lọc máu/ tuần. Những chỗ chích ven tay của mẹ sưng to như hai quả trứng gà, nhiều hôm máu thấm ướt đẫm cả tấm băng gạc. Do ảnh hưởng từ suy thận mà mẹ còn bị thêm viêm phổi và suy tim.
Rồi ông lại bị ốm nặng, bố phải nghỉ việc ở nhà trông ông, nhà mình vì thế càng trở nên túng quẫn, mà càng túng thì càng khổ hơn. Tờ một trăm ngàn hồi ấy là một thứ gì đó xa xỉ với nhà mình. Cũng từ dạo ấy, đầu óc non nớt của con mới dần vỡ lẽ ra rằng tiền bạc chính là mồ hôi, nước mắt, là máu (theo đúng nghĩa đen của nó, vì có tiền mới được chạy thận lọc máu mà) và bao nỗi niềm trăn trở lo lắng của bố và mẹ. Hôm trước con có hỏi quan điểm của mẹ về tiền bạc thế nào để con có thêm ý viết bài làm văn nghị luận cô giao. Mẹ hơi ngạc nhiên vì câu hỏi đường đột ấy. Rồi mẹ chỉ trả lời với 3 từ gọn lỏn “Mẹ ghét tiền”. Nếu con còn thơ dại như ngày nào, hay như một người ngoài nào khác thì chắc con đã ngạc nhiên lắm.
Nhưng giờ đây con cũng đồng ý với mẹ: con cũng ghét tiền. Bởi vì nó mà mẹ phải mệt mỏi rã rời sau mỗi lần đi chạy thận. Mẹ chạy thận 3 lần mỗi tuần, trước đây bố đưa đón mẹ bằng xe đạp nhưng rồi mẹ bảo đi thế khổ cả hai người mà còn phải chờ đợi mất ngày mất buổi của bố nữa nên mẹ chuyển sang đi xe ôm. Nhưng đi xe ôm mất mỗi ngày mấy chục, tốn tiền mà lại chẳng kiếm đâu ra, mẹ quyết định đi xe buýt. Mỗi khi về nhà, mẹ thở hổn hển, mẹ lăn ra giường lịm đi không nói được câu gì. Con và bố cũng biết là lúc ấy không nên hỏi chuyện mà nên để yên cho mẹ nghỉ ngơi. Tám năm rồi, tám năm chứng kiến cảnh ấy nhưng con vẫn chưa bao giờ có thể quen được. Con chỉ biết đứng từ xa nhìn mẹ, và nghiến răng ước “giá như có dăm chục ngàn cho mẹ đi xe ôm thì đâu đến nỗi!”.
Con bỗng ghét, thù đồng tiền. Con bỗng nhớ hồi trước, khi mẹ vẫn nằm trong viện. Ba người bệnh chen chúc chung nhau một chiếc giường nhỏ trong căn phòng bệnh ngột ngạt và quá tải của bệnh viện Bạch Mai. Con đã ngây thơ hỏi mẹ “Sao mẹ không vào phòng bên kia, ở đấy mỗi người một giường thoải mái lại có quạt chạy vù vù, có tivi nữa ?” Mẹ chỉ nói khẽ “cha tổ anh. Đấy là phòng dịch vụ con ạ”. Con lúc ấy chẳng hiểu gì. Nhưng rồi con cũng vỡ lẽ ra rằng đó là phòng mà chỉ những ai rủng rỉnh tiền thì mới được vào mà thôi. Còn như mẹ thì không được. Con căm nghét đồng tiền vì thế. Con còn sợ đồng tiền nữa. Mẹ hiểu con không ? Con sợ nó vì sợ mất mẹ. Mẹ đã phải bốn lần đi cấp cứu rồi. Những người suy thận lâu có nguy cơ tử vong cao vì huyết áp dễ tăng, máu dồn vào dễ làm tắc ống khí quản và gây tắc thở. Mẹ thừa biết điều này.
Nhiều người bạn mẹ quen trong “xóm chạy thận” đã phải chịu những cái kết bi thảm như thế. Nhiều đêm con bỗng choàng tỉnh dậy, mồ hôi đầm đìa mà lạnh toát sống lưng bởi vừa trải qua một cơn ác mộng tồi tệ …Con sợ mẹ lại phải đi cấp cứu, và sợ nhỡ nhà mình không đủ tiền để nộp viện phí thì con sẽ mất đi người thân yêu nhất trong cuộc đời này. Mỗi buổi mẹ đi chạy thận là mỗi buổi cả bố và con đều phấp phỏng, bồn chồn, lo lắng. Mẹ về muộn là lòng con nóng như lửa đốt, còn bố thì cứ đi đi lại lại và luôn hỏi “bao giờ mẹ mày mới về?” Với con cơ hội là 50/50, hoặc là mẹ chạy thận an toàn và về nhà, hoặc là… Con lo sợ hơn khi đọc báo thấy bảo có người không đủ tiền trả phần ít ỏi chỉ là 5% bảo hiểm y tế, tiền thuốc men mà phải về quê “tự điều trị”. Với những bệnh nhân phải chạy thận, như thế đồng nghĩa là nhận bản án tử hình, không còn đường sống.
Con bỗng hoảng sợ tự hỏi nếu không còn BHYT nữa thì sao? Và nếu ông mất thì sao? Chi tiêu hàng ngày nhà mình giờ đây phần nhiều trông chờ vào tiền lương hưu của ông, mà ông thì đã già quá rồi …Mẹ ơi, tiền quan trọng đến thế nào với gia đình mình thì chắc mẹ hiểu rõ hơn con. Cứ nghĩ đến tiền là con lại nhớ đến những đêm bố mất ngủ đến rạc cả người, nhớ đến những vết chích ven sưng to như quả trứng gà của mẹ, nhớ đến cả thìa đường pha cốc nước nóng con mang cho mẹ để mẹ uống bồi bổ mỗi tối. Mẹ chắt chiu đến mức sữa ông thọ rẻ tiền mà cũng không mua để tự bồi dưỡng sức khỏe cho mình.
Con sợ tiền mà lại muốn có tiền. Con ghét tiền mà lại quý tiền nữa mẹ ạ. Con quý tiền và tôn trọng tiền bởi con luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp nhà mình. Từ những nhà sư tốt bụng mời mẹ đến chùa vào cuối tuần, những cô bác ở Hội chữ thập đỏ quyên góp tiền giúp mẹ và gia đình mình. Và cả những người bạn xung quanh con, dù chưa giúp gì được về vật chất, tiền bạc nhưng luôn quan tâm hỏi thăm sức khỏe của mẹ… Nhờ họ mà con cảm thấy ấm lòng hơn, vững tin hơn.
Con cảm thấy bất lực ghê gớm và rất cắn rứt lương tâm khi mẹ không đồng ý với các kế hoạch của con. Đã có lúc con đòi đi lao động, đi làm gia sư hay đi bán bánh mì “tam giác” như mấy anh sinh viên con quen để kiếm tiền giúp mẹ nhưng mẹ cứ gạt phăng đi. Mẹ cứ một mực “tống” con đến trường và bảo mẹ chỉ cần con học giỏi thôi, con giỏi thì mẹ sẽ khỏe. Vâng, con xin nghe lời mẹ. Con vẫn đến trường. Con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ và bố vui lòng. Nhưng mẹ hãy để con giúp mẹ, con đã nghĩ kĩ rồi, không làm gì thêm được thì con sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền. Không bán bánh mì được thì con sẽ ăn cơm với muối vừng.
Mẹ đừng lo mẹ ạ, mẹ hãy an tâm chạy chữa và chăm sóc cho bản thân mình. Hãy để con được chia sẻ sự túng thiếu tiền bạc cùng bố mẹ. Vậy con khẩn thiết xin mẹ đừng cằn nhằn la mắng con khi con nhịn ăn sáng. Mẹ đừng cấm đoán con khi con đi lấy chầy, cối để giã lạc vừng. Dù con đã sút 8 cân so với năm ngoái nhưng con tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình thì nhà ta vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa. Đứa con ngốc nghếch của mẹ!”
Bài văn tả mẹ xúc động – Mẹ như là tia sáng của đời con
Tác giả: Tăng Văn Bình – Lớp 6 năm 2003 – Trường THCS Lý Nhật Quang – Thị trấn Đô Lương – Nghệ An
Với đề bài: “Em hãy kể về người mẹ kính yêu”, cậu học sinh lớp 6 Tăng Văn Bình đã đạt điểm tối đa: 10 điểm với lời phê “Cô tin ở em. Tương lai tươi sáng đang chờ đón em. Cố lên Bình nhé!” Và lời phê của cô năm ấy đã trở thành hiện thực khi sau này em đã trở thành thủ khoa trường đại học Ngoại thương cũng với điểm tối đa 30/30 điểm. Thật đáng ngưỡng mộ. Chúng ta hãy cùng đọc lại bài văn để thấy tình cảm chân thành của cậu học trò nhỏ đối với mẹ của mình để hiểu vì sao cậu đạt được thành công như thế.
Bài văn ngắn gọn, không dài dòng, câu từ mạch lạc, trong sáng, diễn đạt ý hay, Tăng Văn Bình đã kể về mẹ của mình cũng như hoàn cảnh gia đình một cách tự nhiên. Sinh ra và lớn lên với sự thiếu thốn tình cảm của người cha, cậu bé Bình cùng mẹ phải bươn chải với cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả. Song cũng chính trong hoàn cảnh đó cộng với tình thương yêu vô bờ bến của mẹ, cậu bé đã nhận ra sự lam lũ của mẹ là vì ai. Cậu chính là niềm hi vọng không bao giờ tắt của mẹ chính vì vậy mà cậu luôn cố gắng học tập để đền đáp công ơn đó.
“Mỗi người đều có một người mẹ. Đó là một chỗ dựa tinh thần rất lớn mà ai cũng phải đáng quý trọng. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ luôn luôn dành tình yêu thương lớn nhất cho chúng tôi để bù đắp nỗi mất mát về người cha.
Tôi sinh ra đã không thấy được mặt cha. Đó là sự tổn thương rất lớn. Tuy vậy, nhưng mỗi khi ở bên mẹ, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Năm tôi lên một tuổi, mẹ tôi phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Nào là đóng gạch, cuốc mướn… mẹ làm hết. Nghĩ đến đây mà tôi rưng rưng nước mắt. Số mẹ tôi thật khổ! Mẹ làm vất vả đến như vậy mà vẫn không đủ ăn nên mẹ phải đi làm nghề dạy trẻ. May mắn lắm mẹ mới xin được vào một nơi ổn định.
Bàn tay mẹ tần tảo, đầy những vết chai sần. Đôi mắt thì quầng đen vì làm việc vất vả. Nhưng tôi biết, vào những ngày Tết trong khi mọi người đang vui đùa chạy nhảy thì mẹ lại ra ngoài vườn lặng lẽ ngồi khóc. Những giọt nước mắt chứa đọng tâm hồn trong sáng, chung thủy của mẹ. Mẹ thật là cao cả! Mẹ vẫn luôn dõi theo từng bước đi của tôi như một động lực giúp tôi không ngừng học hỏi. Tôi còn nhớ có năm lúa thất (mất) mùa mẹ phải đi khuân vác gạch thuê cho người ta để kiếm tiền. Đôi vai mẹ bị chầy xước rất nhiều. Nhưng nó lại chưa đựng nhiều kỷ niệm đối với tôi. Đến bây giờ, mẹ vẫn không ngừng làm việc.
Có lẽ ông trời không cho mẹ nghỉ. Tuy vậy, mẹ có một tâm hồn vẫn lạc quan, yêu đời. Tôi thật cảm phục trước mẹ. Năm tháng qua đi, mẹ vẫn phải chịu đựng bao nỗi đắng cay, ngọt bùi. Mẹ như là một tia sáng của đời con. Tôi biết mẹ ấp ủ trong mình một nỗi hy vọng: “Không để cuộc đời con lại giống mình phải gây dựng cho con một sự nghiệp”. Tôi biết vì tôi, mẹ có thể hy sinh tất cả, kể cả niềm vui.
Vì thế mẹ rất nghiêm khắc khi tôi làm sai việc. Tôi thật khâm phục mẹ. Tôi phải phấn đấu để trở thành một người con ngoan để mẹ khỏi buồn lòng, để đền đáp công lao sinh dưỡng của mẹ. Mẹ là một người mẹ không giống với người mẹ nào. Trong mắt mẹ, tôi như là một hy vọng rực rỡ. Tôi vẫn luôn ghi nhớ câu nói: “Nếu mẹ là dòng sông, con là nước thì dòng sông không thể chảy được nếu thiếu nước”.
Bài văn tả mẹ xúc động – Mẹ chở che cho con những sóng gió cuộc đời
Tác giả: Bùi Như Mai – Lớp 11 CA3 – THPT Trần Đại Nghĩa – TP Hồ Chí Minh
Từ một bức ảnh mà tác giả Ngô Trần Hải Anh chụp lại cảnh mẹ dắt xe chở con trai lớn qua dòng nước lụt tại Sài Gòn, nữ sinh lớp 11 Bùi Như Mai đã hoàn thành xuất sắc bài cảm nhận về về tình mẫu tử mà cô giáo giao cho. Bài văn của em đạt điểm 9 và nhận được lời khen ngợi của cô. Với cách viết văn chân thực, lời văn trong sáng, giàu hình ảnh và xúc động, Bùi Như Mai đã khiến người đọc dễ dàng đồng cảm với những suy nghĩ của em về tình cảm của mẹ đối với con thật bao la và cao thượng.
Có thể thấy người mẹ trong bức ảnh như phải gồng mình trong mưa, bì bõm lội nước để dắt chiếc xe đã khó, lại còn thêm sức nặng của một cậu con trai quý tử ngồi bên trên, với mong muốn sao con mình vẫn an toàn và khô ráo đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc đối với tác giả. Điều đó, khiến tác giả trở trăn, suy nghĩ và nhận ra chính mình trong đó. Chính mình vẫn hàng ngày nhận tình yêu thương vô điều kiện của mẹ, chính mình nhiều khi đã làm cho mẹ buồn. Thầm trách bạn trẻ sức dài vai rộng ngồi trên xe để mẹ dắt bao nhiêu, tác giả lại nghĩ về bản thân mình phải cố gắng nỗ lực để làm mẹ vui bấy nhiêu.
Những ngày gần đây, Sài Gòn cứ mưa tầm tã, mưa dầm dề, mưa như tiếng nỉ non, day dứt của đất trời mãi không thôi. Mưa mãi như thế, nên đường Sài Gòn dần biến thành sông. Giữa cảnh trời đất mù mịt ấy, chúng ta thấy được nhiều cảnh tượng ấm áp và cảm động đến lạ. Trong đó có hình ảnh một người mẹ, giữa cơn mưa âm ỉ, nước ngập quá bánh xe, ra sức lội nước và đẩy chiếc xe chết máy về phía trước, cố gắng giữ cho đứa con của mình được khô ráo. Hình ảnh ấy khiến cho bất cứ ai nhìn vào cũng thấy sự bao la của tình mẫu tử.
Tình mẫu tử là tình yêu người mẹ dành cho đứa con của mình, kể từ khi đứa con ấy chưa tượng hình đến lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay. Tình cảm ấy là vô điều kiện, chẳng có người mẹ nào lúc chăm con lại nghĩ về việc sau này mình được báo hiếu như thế nào, chỉ cần con lớn lên khỏe mạnh là đủ. Khi còn trẻ các cô gái có thể đôi lúc yếu đuối, nũng nịu hay thậm chí choảnh chọe. Nhưng khi đã là mẹ thì tình mẫu tử sẽ cho các cô sức mạnh để cứng rắn, kiên cường vì con mà đứng ra nơi đầu sóng ngọn gió, bởi con là tất cả. Có thể nói, tình mẫu tử không phải thứ tình cảm giản đơn, mềm yếu mà là sức mạnh, là phép nhiệm màu của loài người.
Tình mẫu tử đến với những phụ nữ một cách tự nhiên. Giây phút họ biết rằng mình đang mang trong người một sinh linh bé nhỏ thì trong tim họ tự dưng sẽ nảy sinh cảm giác yêu thương và bảo vệ sinh linh ấy. Thứ tình cảm thiêng liêng ấy không hữu hình như cơm ăn áo mặc hằng ngày nhưng thiếu nó, ắt hẳn không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn. Khi con còn bé thơ, chập chững tập đi tập nói, thì mẹ sẽ đứng ra chở che cho con, cản lại những sóng gió cuộc đời, tặng con một tuổi thơ yên bình, ấm áp. Rồi khi con lớn lên từng bước vào đời, mẹ vẫn luôn ở phía sau âm thầm dõi theo con và dẫu con có đi xa đến đâu, chỉ cần quay đầu lại, mẹ vẫn luôn ở đó vì mẹ là nhà, là yêu thương.
Tình mẫu tử còn đồng nghĩa với tình bao dung vô hạn. Dù con có phạm sai lầm điều gì đi nữa, dù cả thế giới có quay lưng với con thì mẹ vẫn sẵn sàng ôm con vào lòng, tha thứ cho con tất cả. Chúng ta có thể thấy hình ảnh những người mẹ tóc bạc phơ, tấm lưng còng xuống vẫn cần mẫn tay xách nách mang các thứ vào trại giam thăm những đứa con lầm lỡ. Tình mẫu tử còn là sự hy sinh. Chúng ta có thể thấy những tấm gương vượt khó, những học sinh vùng nông thôn nghèo đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học, nhưng mấy ai thấy rằng phía sau đó là những người mẹ chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu từng đồng để nuôi con ăn học.
Còn có bao nhiêu người phụ nữ ngoài kia, vốn có thể hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, sung túc nhưng vẫn lao vào lam lũ kiếm tiền để cho con có một tương lai tốt đẹp hơn. Sự hy sinh của mẹ chẳng ai có thể diễn tả hết bằng lời, như một nhà thơ đã viết: “Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá – Sao đong đầy hai tiếng: Mẹ ơi”. Tình mẫu tử không chỉ nuôi đứa trẻ lớn khôn và còn có giúp người phụ nữ trưởng thành hơn, dạy họ biết sống vị tha, vị kỷ, biết dẹp bỏ những yêu thích của mình để dành tất cả cho con, dạy họ sống điềm tĩnh, sống mạnh mẽ để làm gương, làm lá chắn cho suốt cuộc đời đứa con bé bỏng.
Mẹ yêu con nhiều là thế, nhưng đâu phải lúc nào cũng hiểu lòng mẹ, cũng biết thương mẹ như thương con. Như đứa con trong bức ảnh kia, tuổi trẻ sức dài vai rộng vậy mà để mẹ mình lội nước giữa cơn mưa tầm tã. Trên đời còn nhiều người còn không tốt hơn thế nữa. Họ hỗn hào, họ vô ơn với bậc sinh thành. Chỉ cần một lời mẹ lớn tiếng cũng đủ khiến họ giận dỗi bỏ đi, làm người mẹ ở nhà lo lắng khôn nguôi. Nhưng bất hiếu với mẹ nhất là khi mẹ đã hy sinh tất cả, cố gắng mỗi ngày để lo cho ta mà ta lại chây lười, lại không chịu học hành, làm việc, chỉ biết ăn bám mẹ mà thôi. Những người như thế thật đáng trách biết bao. Còn có những người mặc kệ công sinh thành dưỡng dục của mẹ, chỉ vì gia cảnh nghèo khó mà trách mẹ không lo được cho mình.
“Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, những người trách mẹ như thế, không hề xứng đáng với tình cảm đấng sinh thành dành cho họ. Bản thân tôi cũng có lúc giận dỗi mẹ. Nhưng khi khôn lớn hơn một chút, tôi đã hiểu mẹ đã hy sinh cho mình nhiều đến chừng nào. Vì thế, mỗi ngày tôi luôn cố gắng học tập, phụ giúp mẹ thật nhiều. Có thể tôi không cho được mẹ sung sướng nhưng tôi chắc chắn có thể cho mẹ hạnh phúc mỗi ngày. Có thể mẹ không cho được con điều tốt nhất trên thế giới nhưng mẹ sẽ cho con điều tốt nhất mà mẹ có. Tình mẹ vĩ đại như thế, cho nên tôi hy vọng rằng bất kỳ người nào cũng sẽ nhận được niềm vui, hạnh phúc và sự yêu thương tương xứng từ những đứa con của họ. Và: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?”.
Bài văn tả mẹ xúc động – Mẹ không ở bên con nhưng con biết mẹ vẫn dõi theo con, con nhớ mẹ rất nhiều.
Tác giả: Nguyễn Thị Kiều Vân – Học sinh lớp 8
“Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi, và mẹ em chỉ có một trên đời”, quả đúng như vậy, có mẹ là niềm hạnh phúc nhất trên đời và mất mẹ cũng đồng nghĩa với bất hạnh nhất. Bài văn của em học sinh lớp 8 Nguyễn Thị Kiều Vân thật khiến cho người đọc rơi nước mắt. Mới có 9 tuổi, mẹ của Vân đã ra đi mãi mãi vì căn bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng công sinh thành và dưỡng dục trong suốt những năm tháng ấy khiến cô bé Vân khắc ghi suốt đời và không bao giờ quên. Trong bài văn viết về mẹ, Nguyễn Thị Kiều Vân đã viết bằng cả trái tim mình với những ngôn từ mộc mạc và dung dị nhưng chan chứa tình cảm và niềm thương nhớ mẹ.
Hình ảnh mẹ bé Vân hiện lên trong lời kể của em thật tuyệt vời, yêu thương con hết mực và luôn dạy cho con những đạo lý làm người. Cũng qua bài văn, chúng ta càng thêm yêu thêm quý một cô bé yêu mẹ vô vàn. Tình yêu ấy đã tiếp thêm cho em sức mạnh để em sống giàu nghị lực và bản lĩnh giữa cuộc đời. Cái cảm nhận của một cô bé mồ côi khi mất mẹ như gửi tới bạn đọc một thông điệp mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra và trân quý những gì mình đang có: Hãy biết sống tốt để không phụ lòng mẹ, không làm mẹ khóc, dù chỉ một lần.
Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này.
Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Nhưng hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi. Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc.
Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn nhưng không được nhớ oán. Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không có dạy”. Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con mới hiểu mồ côi mẹ là gì? Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ mẹ nhiều lắm, nhất định con sẽ làm theo những gì mẹ dạy.
Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa. Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt nước mắt “Mẹ không sao đâu con. Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.
Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh tôi. Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ, việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc. Và điều tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”. Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”
Bài văn tả mẹ xúc động – Hàng vạn lời cảm ơn cũng không bao giờ đủ cho những gì mẹ đã làm vì chúng con
Tác giả: Bùi Văn Ánh – sinh viên ngành xây dựng cầu đường – ĐH Xây dựng Hà Nội (năm thứ 3)
Trong số những bài văn viết về mẹ hay và cảm động nhất thì bài viết của Bùi Văn Ánh – một sinh viên nam khối kĩ thuật thật khiến cho độc giả xúc động nghẹn ngào. Với hoàn cảnh vô cùng éo le, chật vật, khó khăn nối tiếp khó khăn, hình ảnh người mẹ trong bài viết của Bùi Văn Ánh thật phi thường và vĩ đại. Bởi không phải người phụ nữ nào ở vào hoàn cảnh ấy cũng có thể kiên cường đến thế. Tác giả đã viết cho mẹ nhân “Ngày của mẹ” như một sự biết ơn sâu sắc nhất, một nỗi thấu hiểu đến tận cùng những đắng cay mà mẹ đã trải qua, động viên, khích lệ mẹ với tình yêu chưa một lần được cất thành lời.
Bạn đọc hãy đọc và cảm nhận để thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ của một cậu trai tuy nhà nghèo nhưng vẫn cố gắng vươn lên, không đổ lỗi cho số phận, đồng cảm sâu sắc với gánh nặng của mẹ trong gia đình, lo toan nhiều bề chẳng có một phút thảnh thơi. Lời viết của tác giả thật gần gũi, dễ hiểu, mạch lạc như một lời tâm tình thủ thỉ của người con đối với mẹ khiến cho sợi dây tình cảm mẹ con thật bền chặt, có sứ mạnh vượt qua mọi sóng gió phía trước. Người mẹ cũng thật hạnh phúc khi con trai đã trưởng thành và hiểu biết.Thật cảm động và ý nghĩa biết bao.
Không biết ngoài mùng 8/3 và 20/10 ra còn một “Mother’s day” như thế này nữa đâu mẹ nhỉ? Mẹ vẫn làm việc vất vả, lo lắng cho gia đình bé nhỏ, cho thằng con trai đang học xa trên thành phố với bao khó khăn, cám dỗ nó. Dù trong những ngày quan trọng với mẹ, con có mua hoa, mua quà tặng thì mẹ cũng sẽ cười rồi bảo: “Cha bố anh, tiền đâu mà vẽ”. Mẹ là thế, không bao giờ nghĩ cho mình mà luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng con. Trong tâm trí con, mẹ luôn đẹp và hiền hậu. Mẹ không bao giờ đánh mắng các con, chỉ nói rất nhẹ nhàng. Ai cũng bảo mẹ giống như cô giáo. Thế nhưng cuộc sống quá vất vả khiến mẹ ngày càng tiều tụy…
Tuổi thơ con trôi qua êm đềm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Bố đi làm xa, mẹ ở nhà chăm lo ba anh em con với quanh năm bộn bề việc đồng áng. Ngày ấy con còn bé, không giúp mẹ được gì, nhưng có lẽ chính vì thế mà con thấy thương mẹ nhiều hơn. Những vụ mùa, nhìn đôi vai mẹ còng xuống, nhìn dáng mẹ liêu xiêu gánh mạ, chở lúa mà con chỉ mong mình lớn thật nhanh để có thể đỡ đần mẹ. Mỗi khi đi làm về, mẹ chỉ ăn một chút cơm, chưa kịp ngả lưng mẹ đã tất bật đi làm giữa nắng hè oi ả. Vậy mà mẹ vẫn vui vẻ, cười đùa cùng ba anh em. Con lên lớp 5 cũng là lúc mẹ vào Nam để làm thuê cùng bố. Con nhớ, mình đã rất hụt hẫng. Con không muốn mẹ đi một chút nào, nhưng con hiểu mẹ vào đó cũng chỉ vì mong tương lai của chúng con tốt đẹp hơn mà thôi. Ở quê mình, quanh năm trông chờ vào cây lúa, củ khoai thì làm sao khấm khá lên được. Đêm trước ngày mẹ đi, con không sao ngủ được. Mẹ đã đi một thời gian dài mà con vẫn luôn thấy trống rỗng.
Nhưng là con trai, con đủ mạnh mẽ để vượt qua cảm giác đó. Con biết mẹ luôn muốn con là người anh cả có thể thay bố mẹ quan tâm, chăm sóc cho các em. Ngày bố mẹ về Bắc, những tưởng gia đình mình sẽ đoàn tụ, được sống đầm ấm, hạnh phúc bên nhau nhưng thực sự lúc này, khó khăn mới tiếp tục ập đến. 18 tuổi, niềm vui bất ngờ đến khi con cùng thi đỗ HV Quân y và ĐH Xây dựng Hà Nội với số điểm cao. Con lựa chọn trường HV Quân y với lý do sẽ được miễn giảm học phí, thuận lợi cho việc học tập cũng như xin việc sau này, phù hợp với hoàn cảnh gia đình của mình. Nhưng, thật khủng khiếp, con bị tai nạn giao thông đúng vào ngày lên thành phố nhập học. Bác sỹ kết luận, chân trái của con bị gãy đôi. Điều này đã tước đi ước mơ trở thành sinh viên HV Quân y của con, cũng là ngành mà bố mẹ luôn kỳ vọng. Bản thân con cũng biết từ đây chính mình đã trở thành gánh nặng cho gia đình. Trở thành tân sinh viên ĐH Xây dựng, con là người nhập học sau cùng.
Thương con, mẹ lên tận trường học để chăm nom, kiếm sống từ công việc lao công vất vả. Con nhớ lúc làm thủ tục nhập học trường mới cho con, mẹ phải đi đi về về giữa trời mùa hè nắng như đổ lửa, nhìn mẹ mồ hôi nhễ nhại mà vẫn nắn bóp chân cho con đỡ đau, nước mắt con như muốn trào ra, chưa bao giờ con cảm thấy mình bất lực và vô dụng đến thế. Con biết mẹ sẽ phải vất vả vì con rất nhiều nữa. Hai mẹ con ở trong nhà kho dành cho nhân viên lao động. Giữa lòng thành phố ồn ào xa lạ con vẫn hạnh phúc vì những phút giây bên mẹ. Hàng ngày, mẹ quét sân trường, con lên giảng đường. Những đồng lương còm cõi của mẹ không đủ chi phí thuốc thang, sinh hoạt nhưng mẹ vẫn cố gắng để được ở lại bên con, tiện cho việc đi lại của con. Nhưng thú thực với mẹ, thời gian đầu tiên con có nhiều mặc cảm về hoàn cảnh gia đình mình nhưng về sau cũng quen dần, con nhận được sự giúp đỡ của bạn bè.
Ở nhà chỉ còn lại bố và em trai, chăm lo công việc đồng áng. Nhưng chỉ một thời gian không lâu sau đó, bố lại bị tai nạn, dập xương gót chân, mất sức lao động. Những trận ốm liên miên khiến bố không chăm được đàn gà trong chuồng, đàn cá dưới ao, chúng chết hết. Gia tài trong gia đình không có gì đáng giá, khó khăn trăm bề. Cùng thời gian đó, người thầu lao động mới của trường ĐH Xây dựng đã không cho mẹ và con ở trong trường nữa. Con buộc phải ra ngoài ở với bạn, tự trang trải cuộc sống bằng việc đi dạy gia sư. Mẹ đi bán hàng thuê, tất bật quãng đường từ Hà Nội về Ninh Bình, từ Ninh Bình lên Hà Nội để vừa chăm chồng con vừa kiếm tiền nuôi cả gia đình. Thật không tưởng tượng nổi khi một lần nữa tai ương lại ập đến gia đình bé nhỏ của mình. Em trai bị tai nạn giao thông trong ngày ôn thi đại học cuối cùng. Vụ tai nạn khủng khiếp đã gây ra “hệ lụy” đau thương, em trai bị chấn thương sọ não, liệt nửa người, đồng nghĩa với việc ước mơ vào đại học cũng tan tành.
Như một tin sét đánh bên tai, con hoàn toàn suy sụp. Hơn ai hết, con hiểu mẹ là người đau đớn nhất khi chứng kiến cả chồng và những đứa con của mình đều lần lượt chịu tai ương. Không bao giờ con quên được những giọt nước mắt xối xả trên gương mặt gầy còm của mẹ ngày hôm đó. Đôi lúc con tự hỏi sao cuộc đời lại bất công như thế? Tại sao những người phụ nữ khác họ được toàn tâm toàn ý với gia đình, còn mẹ thì không bao giờ có lấy một phút nghỉ ngơi? Những câu hỏi đó nhiều lúc làm con thấy thật chán ghét và mệt mỏi với cuộc sống này. Lớn khôn hơn, con đã biết mình phải làm gì, đó là không được đổ lỗi cho số phận, cũng không được tự ti, thay vào đó hãy học tập thật tốt, để mẹ không phải vất vả bươn chải như bây giờ nữa.
Mẹ à, mẹ hãy yên tâm về con nhé, con sẽ không làm gì để mẹ phải buồn lòng đâu, vì những gì mẹ phải chịu đựng đã quá đủ rồi. Học kỳ này, con phải làm nhiều đồ án, rất vất vả nhưng chính nụ cười của mẹ đã giúp con vượt qua những lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc. Hàng nghìn, hàng vạn lời cảm ơn cũng không bao giờ đủ cho những gì mẹ đã làm vì chúng con. Chưa bao giờ con khát khao được sống như mỗi khi nghĩ về mẹ. Con chưa bao giờ đủ dũng cảm để nói ra “Con yêu mẹ” nhưng trong tim con mẹ luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất.
Bài văn tả mẹ xúc động – Tình mẫu tử của mẹ giúp con lớn khôn
Tác giả: Phạm Nguyễn Đông Hưng – Lớp 11 CA3 – THPT Trần Đại Nghĩa – TP Hồ Chí Minh
Cũng giống như bài viết của Bùi Như Mai, bài viết về tình mẫu tử của nam sinh Phạm Nguyễn Đông Hưng Lớp 11 CA3 – THPT Trần Đại Nghĩa – TP Hồ Chí Minh đạt 9 điểm và làm cô giáo rất hài lòng. Dù chỉ mới học lớp 11 thôi nhưng những cảm nhận về tình mẫu tử với cậu học trò này thật sâu sắc và ý nghĩa. Lấy câu chuyện về gia đình mình, cậu đã thể hiện những hiểu biết của mình về tình cảm của mẹ đối với con cụ thể nhất, gần gũi nhất và trong sáng nhất. Đó là tình thương yêu vô bờ bến, sự chăm sóc, quan tâm và dõi theo từng bước con đi của mẹ dành cho cậu. Cậu không ngần ngại nói lên những suy nghĩ của mình và gửi tới các bạn trẻ, đặc biệt những bạn còn ham chơi, còn làm mẹ buồn một thông điệp: Trái tim người mẹ luôn rộng mở và ấm áp vì con, đừng làm mẹ phải buồn, phải khóc.
“Tình mẫu tử – một chủ đề quen thuộc với những ai học văn trên khắp thế giới. Tình yêu thương là sự lo lắng của đấng sinh thành dành cho những đứa con của mình – đó có thể là tình cảm trong sáng nhất của con người. “Cha mẹ nuôi con chẳng mong ngày đền đáp”. Và trong cái khung cảnh lạnh lẽo, lầy lội của bức ảnh trước mắt khi mẹ dắt con đi trong mưa, tôi không hề cảm thấy sự cô đơn, lạc lõng. Bởi ở đây có hiện diện của tình mẫu tử trong hình dáng mộc mạc và đẹp nhất của nó. Người đời vẫn nói: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng của vạn vật, không riêng gì con người. Chính vì thế, dù trong hình thể của những con vật hiền lành hay tồn tại trong tâm của loài ác thú thì bản năng làm mẹ vẫn luôn giành phần chiến thắng.
Bản thân tôi không biết định nghĩa tình mẫu tử như thế nào bởi một đứa con trai ham chơi như tôi không thể đủ kinh nghiệm để diễn tả điều đó. Nhưng tôi có thể diễn tả lại cho các bạn cảm nhận của tôi về tình mẫu tử. Không biết như thế nào và tại sao nhưng người đầu tiên mà ánh mắt tôi luôn tìm kiếm đó là má tôi. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu tại sao mỗi khi nhìn thấy hình ảnh của má tôi trong bếp, lòng tôi lại được trấn tĩnh lại. Tôi sinh ra trong một gia đình “người Bắc điển hình” với người bố gia trưởng và khó tính. Cố nhiên một đứa con ương bướng và nghịch ngợm như tôi luôn phải chịu những trận đòn từ bố. Những lúc ấy, má tôi sẽ đóng vai một cô y tá để sơ cứu cho bệnh nhân là tôi. Bàn tay má nhẹ nhàng xoa lên những vết bỏng rát sao mà dễ chịu đến thế. Những trận đòn roi vì nghịch ngợm trải dài khắp tuổi thơ tôi cho đến ngày vào lớp 10.
Cũng có lẽ vì thế mà tôi thân với má hơn bố. Rồi tôi nhớ có lúc phải vào viện (do ngày bé tôi hay tắm mưa nên viêm phổi triền miên), sốt cả tháng liền chỉ được ăn cháo má mang đến. Cháo má nấu dở lắm, vừa loãng lại vừa mặn. Sau này tôi mới biết cháo mặn do má trộn thuốc vào nhưng chẳng hiểu sao tôi lại c