/tmp/sbkrt.jpg
Xuân Diệu nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới, cái mới của Xuân Diệu có lẽ không chỉ đến từ cảm xúc, mà còn đến từ những quan niệm sống, quan niệm thẩm mĩ mới mẻ. Nếu ở khổ thơ đầu tiên là những quan niệm cách tân về cuộc sống thì đến khổ thơ thứ hai này là cách nhìn thời gian đầy mới mẻ, hiện đại của cái tôi thơ Mới.
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian.
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuân tôi tiếc cả đất trời”.
Chậm lại một chút, ta sẽ nhận ra nét mới trong ý thơ của Xuân Diệu. Nếu như người xưa quan niệm, thời gian tuần hoàn, cứ lặp lại trong vòng chảy vô tận của tạo hóa, vậy nên họ luôn cảm thấy an nhiên, tự tại “nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tâm” thì đến Xuân Diệu, thời gian mới trở thành một nỗi ám ảnh. Ông quan niệm thời gian tuyến tính, một đi không trở lại, vậy nên nhìn thấy xuân đương tới trên vạn vật muôn nơi, đang xem sắc xuân phủ lên vạn vật một màu xanh non tràn trề sức sống thì cũng thấy ngay trong nhịp bước của thời gian, trong cả nhịp bước ngỡ ngàng của nàng xuân, rằng nàng vừa hiện hữu mà cũng sẽ nhanh chóng biến mất khỏi đất trời. Mùa xuân là mùa nảy nở, của sinh sôi và sáng tạo nghệ thuật. Mùa xuân là tuổi trẻ của đất trời, còn mùa xuân của đời người là tuổi trẻ. Vậy nên mùa xuân hết, nghĩa là khi tuổi trẻ qua đi trên màu sương mái tóc con người, cũng là lúc cái tôi thi nhân ngập tràn lo âu, và chán nản. Lòng thi nhân tha thiết với xuân hứng, xuân tình, xuân nảy nở trong tâm hồn con người, và bất diệt trên từng nụ cười ánh mắt, nhưng tiếc thay lượng trời cứ chật, “không cho dài thời trẻ của nhân gian”. Chính vì thế sự luân hồi vẫn tuần hoàn chảy trôi, nhưng tôi của mỗi phút mỗi giây đã đổi khác rồi, chẳng còn tôi mãi, nên “bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”. Đó là nỗi tiếng nuối của một nhà thơ tha thiết với tuổi trẻ và mùa xuân, tha thiết với tình yêu và sự sống. Nhưng nổi bật nhất, trong những câu thơ trên vẫn là quan niệm thời gian cực kì mới mẻ, hiện đại của cái tôi thơ Mới.
“Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi
Khắp núi sông vẫn than thầm tiễn biệt
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”
Mùa xuân của đất trời có thể còn mãi, tuần hoàn trong nhịp chảy trôi của vĩnh hằng nhưng mùa xuân của đời người, tuổi trẻ ấy chẳng hai lần thắm lại.Vậy nên tưởng như nỗi buồn của thi nhân cũng đã thấm thía vào từng chảy vật, để cảnh vật cũng chở nặng một điệu buồn, hay là bởi chính những cảnh vật kia cũng thấy cái chảy trôi của thời gian mà nén một tiếng thở dài buồn rượi. Ở khổ thơ này, Xuân Diệu thực sự sử dụng rất đắt thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác mà nhà thơ tiếp thu được từ phương Tây. Mùi tháng năm là hương vị vô hình, nhưng trong câu thơ lại có thể cảm nhận được dư vị của nó, ấy thế nhưng cái dư vị ấy là lại là dư vị được cảm nhận từ trái tim chứ không phải dư vị có thể dùng ngũ giác quan để cảm thử. Nỗi buồn bỏ vào mênh mang những lặng câm của không gian, nên nghe thấy cả sông núi than thầm tiễn biệt, con gió xinh reo vui trên những cành cây ngày nào, giờ thì thào trong tiếc nuối vì nỗi phải lìa cành, để trở về với đất mẹ. Tất cả đều cho thấy nỗi sợ về sự chảy trôi không ngừng nghỉ của thời gian. Nó đánh tung vào trong cả lòng người và trong tâm hồn muôn vật những khoảng trống bất tận của nỗi buồn và dư vị tiếc nuối.
Khổ thơ hai trong Vội vàng đã thể hiện một quan niệm vô cùng mới mẻ của Xuân Diệu về thời gian, nó đồng thời cũng là bản lề để mở ra những lời giục giã sống, tận hưởng và cống hiến cho đoạn thơ kế tiếp.
Nền văn học Việt Nam với điểm nhấn của trào lưu Thơ Mới luôn để lại dấu ấn với nhiều tuyệt tác đặc biệt. Trong số những đóng góp của các nhà thơ thì Xuân Diệu được xem là một cây đại thụ lão làng với bao tập thơ về tình yêu khiến độc giả say đắm, mê mẫn. Vội vàng là tác phẩm điển hình viết về nét đẹp nhân sinh, quan niệm sống tích cực từ thi nhân. Ta sẽ thấy rõ nét hơn về điều này ngay khi đến với khổ thứ hai của bài thơ.
Nếu như ở khổ thơ thứ nhất nhà thơ vì yêu cái đẹp của thiên nhiên mà muốn đoạt quyền tạo hóa “tắt nắng”, “buộc gió” thì quan niệm vô cùng tích cực của thi nhân, sự lí giải đầy sâu sắc được trình bày ở khổ thơ thứ hai. Mở đầu cho khổ thứ hai của bài là hai câu thơ đọc vào như khiến ta vỡ lẽ khi thời gian cứ ngày một trôi qua nhanh chóng bởi cách ngắt nhịp 3/5.
“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”
Người ta như chìm đắm vào trong từng vần thơ bởi cách tả vô cùng tinh tế, táo bạo khi đọc thơ của Xuân Diệu. Sự trôi nhanh vội vã của thời gian để rồi tiếc nuối, lo sợ được nhà thơ phát hiện. “Đương tới” – “đương qua”, “còn non – sẽ già” là lúc nhà thơ gọi tên các trạng thái đối lập của thời gian. Trở về với những vần thơ trung đại thì sẽ thấy thời gian qua cách kể của các thi nhân xưa nhận ra sự nhỏ bé, chóng qua của thời gian nhưng người đọc sẽ hiếm hoi nhận thấy được lời than thở, buồn đau trong những câu thơ này. Tuy nhiên trong Thơ Mới cái nhìn có sự thay đổi hơn, trước sự ngắn ngủi của đời người, không còn là vô tận mà tuyến tính con người tỏ ra hoảng sợ, ý thức rõ ràng về điều này. Minh chứng trong câu thơ của Mãn Giác Thiền trong Cáo tật thị chúng:
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đào bách hoa khai”
Trước không gian mênh mông, con người dường như thu mình lại khi thời gian chảy trôi nhanh, thấy bản thân trở nên bé nhỏ. Mùa xuân hôm nay đẹp lung linh nhưng rồi mai đây nó cũng đến lúc phai tàn, già cỗi đi cùng thời gian là điều không ai níu giữ lại được.
“Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn”
Khi xuân đi qua thì tuổi xuân của con người cũng trôi theo trong tiếc nuối. Ở đây nhà thơ cảm thấy chẳng còn gì, chẳng thể níu kéo mọi thứ khi thời gian rồi cũng mai một tất cả, kể cả tuổi thanh xuân:
“Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
…
Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”
Nhà thơ muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của mùa xuân, tuổi trẻ rồi sẽ chảy trôi cùng thời gian thấy được qua danh từ “xuân” gợi nhắc đi lại nhiều trong đoạn thơ, . Khi tuổi trẻ đi qua thì “tôi” rồi cũng trở nên vô nghĩa, trống rỗng, bởi lúc này tình yêu đã không còn. “Lòng tôi” và “lượng trời” là sự tương phản của hai thế cực bật lên sự hữu hạn, vô hạn giữa đời người và đất trời. Từ đó để thấy rằng vòng xoáy của thời gian tiếp nối trong sự vận động không ngừng của thời gian thì vạn vật, con người rồi sẽ phải thay đổi. Sinh lão bệnh tử là lẽ thường tình, là vòng tròn tuần hoàn lặp lại không ngừng. Niềm tiếc nuối của tác giả trước sự chảy trôi của thời gian tuyến tính một đi không trở lại được thấy rõ hơn trong lời thơ. Bước đi của mùa xuân cũng là bước đi của thời gian, của đời người. Nhìn mọi thứ đều nhuốm màu của lo âu, hốt hoảng nên thi sĩ muốn níu giữ tuổi trẻ. Do đó mà ta nhận thấy có sự thay đổi, có sự đa dạng trong cách diễn đạt từ câu định nghĩa, khẳng định về mùa xuân và tuổi trẻ, tinh tế một chút sẽ thấy được đó là lời cảm nhận về sự có mặt, hiện hữu rồi tàn phải của tuổi xuân, tiếng than đầy nuối tiếc từ đó lại cất lên da diết. Tuy nhiên ở đây có một điều rất hay khi tinh tế nhận thấy trong lời thơ của Xuân Diệu đó là tuổi xuân, tuổi trẻ trôi qua ông không nuối tiếc bằng việc không thể được tận hưởng mọi hương sắc của đất trời.
Vài dòng thơ ngắn ngủi nhưng đầy triết lí đã cho thấy một tâm hồn thơ lãng mạn, cá tính của Xuân Diệu. Vội vàng là tác phẩm tuyệt đỉnh đi theo cùng năm tháng.