/tmp/aahap.jpg
Nội dung bài viết
1. Thực tiễn là gì?
Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, thực tiễn là một phạm trù triết học chỉ toàn bộ hoạt động vật chất – cảm tính có tính lịch sử xã hội của con người nhằm mục đích cải tạo tự nhiên và xã hội. Do vậy, thực tiễn có ba đặc trưng sau:
– Hoạt động sản xuất vật chất : Thực tiễn không phải là toàn bộ hoạt động của con người mà chỉ là những hoạt động vật chất, chứ không phải là hoạt động tinh thần (hay còn gọi là hoạt động lý luận). Đó là những hoạt động mà con người phải sử dụng công cụ vật chất, lực lượng vật chất tác động vào các đối tượng vật chất để làm thay đổi chúng. Ví dụ hoạt động sản xuất ra của cải vật chất như xây nhà, đắp đê, trồng lúa,v.v…
– Hoạt động chính trị – xã hội: Thực tiễn là những hoạt động có tính lịch sử – xã hội. Nghĩa là hoạt động thực tiễn là hoạt động của con người, diễn ra trong xã hội với sự tham gia của đông đảo người, và trải qua những giai đoạn lịch sử phát triển nhất định. Trình độ và hình thức của hoạt động thực tiễn có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử xã hội.
– Hoạt động thực nghiệm khoa học : Thực tiễn là hoạt động có tính mục đích nhằm trực tiếp cải tạo tự nhiên và xã hội phục vụ con người tiến bộ. Đặc trưng này nói lên tính mục đích, tính tự giác của hoạt động thực tiễn. Trong hoạt động thực tiễn, con người phải sử dụng các phương tiện, công cụ vật chất để tác động và tự nhiên, xã hội nhằm cải tạo, biến đổi chúng cho phù hợp với mục đích, phục vụ cho nhu cầu của mình.
Trong ba loại trên, hoạt động sản xuất vật chất có vai trò quyết định đối với các loại hoạt động thực tiễn. Còn hoạt động chính trị – xã hội là hình thức cao nhất của thực tiễn. Hoạt động khoa học là loại hình đặc biệt nhằm thu nhận kiến thức từ tự nhiên và xã hội.
2. Lý luận là gì?
Theo nghĩa chung nhất, lý luận là sự khái quát hóa những kinh nghiệm thực tiễn, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên, xã hội đã được tích lũy trong suốt quá trình tồn tại của nhân loại.
Như vậy, lý luận là sản phẩm cao cấp của nhận thức, là tri thức về bản chất, quy luật của hiện thực khách quan.
Nhưng do là sản phẩm của nhận thức, nên lý luận là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan.
1. Thực tiễn có vai trò quyết định đối với lý luận.
Sở dĩ như vậy vì thực tiễn là hoạt động vật chất, sản xuất ra mọi thứ, còn lý luận là sản phẩm tinh thần, phản ánh thực tiễn.
Thực tiễn là cơ sở, động lực của lý luận. Tức là, thực tiễn là bệ phóng, cung cấp các nguồn lực cho lý luận. Thực tiễn còn vạch ra tiêu chuẩn cho lý luận.
Thông qua hoạt động thực tiễn, lý luận mới được vật chất hóa, hiện thực hóa, mới có sức mạnh cải tạo thế giới khách quan.
2. Tuy nhiên, lý luận có tính độc lập tương đối và tác động tích cực trở lại thực tiễn.
Lý luận có vai trò rất lớn đối với thực tiễn, tác động trở lại thực tiễn, góp phần làm biến đổi thực tiễn thông qua hoạt động của con người.
Lý luận là “kim chỉ nam” cho hành động, soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo thực tiễn. Lênin khẳng định: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng”.
Lý luận khi thâm nhập vào quần chúng thì biến thành sức mạnh vật chất.
Lý luận có thể dự kiến được sự vận động của sự vật trong tương lai, chỉ ra những phương hướng mới cho sự phát triển của thực tiễn.
Lý luận khoa học làm cho hoạt động của con người trở nên chủ động, tự giác, hạn chế tình trạng mò mẫm, tự phát. Vì vậy, Bác Hồ đã ví “không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”.
Tuy nhiên, do tính gián tiếp, tính trừu tượng cao của sự phản ánh hiện thực nên lý luận có thể xa rời thực tiễn và trở nên ảo tưởng.
Khả năng tiêu cực đó càng tăng lên nếu lý luận đó lại bị chi phối bởi những tư tưởng không khoa học hoặc phản động. Vì vậy, phải coi trọng lý luận, nhưng không được cường điệu vai trò của lý luận, coi thường thực tiễn và tách rời lý luận với thực tiễn.
Điều đó cũng có nghĩa là phải quán triệt nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong nhận thức khoa học và hoạt động cách mạng.
Như Bác Hồ đã khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”.
– Không được tuyệt đối hóa vai trò của thực tiễn, hạ thấp vai trò của lý luận trong lao động, công tác, sản xuất.
Nếu không coi trọng vai trò của lý luận, ta sẽ rơi vào chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa kinh nghiệm. Nếu không có lý luận, ta sẽ ở vào tình trạng mò mẫm, không phương hướng, không xác định được các chương trình, kế hoạch khả thi.
– Ngược lại, ta không được đề cao vai trò của lý luận đến mức xem nhẹ thực tiễn, rời vào bệnh giáo điều, chủ quan duy ý chí. Việc xa rời thực tiễn sẽ đưa đến những chương trình, kế hoạch viển vông, lãng phí nhiều sức người, sức của.
– Trong sự nghiệp Đổi Mới hiện nay, ta phải không ngừng đổi mới tư duy gắn liền với nắm sâu, bám sát thực tiễn.
Chỉ có đổi mới tư duy lý luận, gắn liền với việc đi sâu, đi sát vào thực tiễn thì mới đề ra đường đường lối, chủ trương đúng đắn trong việc xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh.