/tmp/jdzje.jpg
Trao Duyên là một trong những đoạn trích cảm động, đau thương nhất trong Truyện Kiều, ở đó Nguyễn Du đã thể hiện khả năng nắm bắt tâm lí nhân vật tài tình, đồng thời thấy được bi kịch tình yêu, bi kịch nỗi đau tâm hồn đầy giằng xé của Thúy Kiều khi trao duyên cho Thúy Vân. Đặc biệt là 8 câu thơ cuối.
“Bây giờ trâm gãy gương tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”
Sự thức tỉnh của Thúy Kiều về nỗi đau của đời mình, để thấm thía hơn hiện thực mối tình đẹp đẽ sâu nặng tha thiết với chàng Kim giờ chỉ đành bỏ ngỏ, không thể tái hồi, dẫu có ghép lại thì cũng không còn được như xưa. “Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”, đối lập giữa cái bây giờ và cái bao giờ. Cái bây giờ là hiện tại đớn đau, cái bao giờ là mảnh tình một thuở muôn vàn ái ân. Hạnh phúc với Kiều lúc này chỉ là một tương lai mờ mịt xa xăm chỉ có thể cảm thấy mà không nhìn thấy.
“Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”
“hồng nhan bạc mệnh”, câu nói ấy dường như ám cả vào nàng, vào cuộc đời nàng, suốt đời ôm lấy kiếp long đong. Chính xã hội phong kiến kim tiền giả dối, thối nát và tàn ác đã đẩy Kiểu đến bước đường cùng đầy đau đớn này, nhưng dù như vậy phận nữ nhi thường tình, nàng còn có thể làm gì hơn được nữa, nàng cũng đành bất lực “đã đành” như một lời thở than, cam chịu số phận đớn đau. Câu thơ như lời đối thoại, mà cũng như lời độc thoại đớn đau đến tột cùng, Kiều than cho số kiệp bạc bẽo, thân phận bèo bọt của mình, cũng giống như biết bao nhiêu kiếp hồng nhan bạc mệnh khác bị cuống vào guồng quay oan nghiệt của xã hội phong kiến. Câu thơ vang lên nặng nề, ai oán như một lời nghi vấn nghìn năm thiên cổ, như thay cho tiếng nói của biết bao số kiếp bạc mệnh khác.
Nhưng trong đỉnh điểm của nỗi đau riêng lắng của mình, Kiều lại nghĩ đến chàng Kim. Tên Kim Trọng vang lên lúc này, như một tiếng kêu thương của một người đang chới với trước bờ vực thẳm của đời mình:
“Ơi Kim Lang! Hỡi Kim Lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Sự thực là có một Thúy Kiều đã chết, đó là cái chết trong tâm hồn,cái chết của mối tình đầu chưa trọn vẹn suốt 15 năm lưu lạc mãi vẫn tan nát cõi lòng. Rõ ràng trong đau đớn Kiều vẫn hướng về Kim Trọng, vẫn một lòng thủy chung son sắt với chàng, thế nhưng nàng vẫn nhận mình là người phụ bạc, khiến nỗi đau như đang dấy lên không ngớt trong lòng nàng. Sau những dòng tâm tư quằn quại, nỗi đau về tình yêu tan vỡ trào dâng trong trái tim Kiều. Sau cả một đêm thức trắng, thể xác mệt nhọc, tâm hồn, trái tim tan nát, Kiều dường như không thể trụ vững được nữa:
“Cạn lời hồn ngất máu say
Một hơi lạnh ngắt, đôi tay giá đồng”
Trong tột cùng của nỗi đau, ta vẫn thấy tỏa sáng một tình yêu cao đẹp, đẹp đến đau thương, bi thương cho số kiếp nàng Kiều , “hồn ngất máu say”, “hơi lạnh ngắt”, tất cả những cách diễn đạt như ghim những khắc khoải vào lòng người đó, đã trở thành niềm đau đáu tâm can, làm cồn lên những dày xé bất tận trong lòng người đọc về cái kết quá đỗi bi thương, cũng vì một trái tim yêu quá sâu nặng, tha thiết đến quặn thắt của Kiều. Với nàng, tình yêu cho chàng Kim là lẽ sống, bây giờ lẽ sống ấy đã không còn, sự thực chẳng khác nào, sống không bằng chết.
Nếu không có một trái tim đồng cảm với nàng kiều, sao Nguyễn Du có thể viết những câu thơ như rỉ máu đầu ngọn bút như thế, trang văn, từng nhịp thơ, lời thơ như tiếng lòng gào thét, cũng đầy uất nghẹn, bế tắc của Thúy Kiều. Đó thực sự là sự đồng điệu đến từng điệu hồn tế vi nhất của tác giả và nhân vật.