/tmp/acupc.jpg
Truyền Thuyết An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy kể về quá trình An Dương Vương xây dựng thành Cổ Loa, chế tạo thành công nỏ thần, nhận được sự giúp đỡ của Rùa Vàng và nguyên nhân nhà nước Âu Lạc “đắm biển sâu” có liên quan đến mối tình Mị Châu, Trọng Thủy. Truyện được rút ra từ truyện Rùa Vàng trong tuyển tập Lĩnh Nam chích quái.
Khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa, hễ đắp tới đâu lại lở đến đó bèn lập đàn trai giới, cầu đảo bách thần. Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Vàng, chỉ trong nửa tháng đã xây xong thành, lấy tên là Loa Thành. Nhà vua luôn lo lắng, trăn trở và suy nghĩ cho sự an nguy của đất nước. Việc đó được thể hiện qua việc An Dương Vương xây thành, dù nhiều lần bị lở nhưng vẫn quyết tâm xây làm cảm động thánh thần, bèn ra tay giúp sức. An Dương Vương bày tỏ thái độ quý trọng hiền tài, ta có thể thấy từ việc ông mừng rỡ, thi lễ tiếp đón cụ già và Rùa Vàng.
Khi thành Cổ Loa xây xong thì Rùa thần từ biệt ra về, vua cảm tạ nói “Nhờ ơn của thần, thành đã xây được. Nay nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?” Rùa Vàng bèn tháo vuốt đem cho nhà vua và nói: “Đem vật này làm lẫy nỏ, nhằm quân giặc mà bắn thì sẽ không lo gì nữa”. Qua hành đồng của hai nhân vật ta thấy vua An Dương Vương lo cho an nguy xã tắc, là một vị vua tài đức nên đã làm cảm động Rùa Vàng mà lấy vuốt của mình dâng cho An Dương Vương.
Vua lấy vuốt rùa thần chế thành nỏ, lúc Triệu Đà đem quân sang xâm lược, vua lấy nỏ thần ra bắn làm cho bọn giặc phải tháo chạy, không dám đối chiến mà phải xin hòa. Kể từ đó, dân chúng sống trong yên bình nhờ công lao to lớn của An Dương Vương.
Hình tượng chiếc nỏ thần vô cùng độc đáo khắc họa một sức mạnh phi thường mà thần linh ban tặng cho người hiền tài, đức độ như An Dương Vương. Chiếc nỏ thần cũng là một hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh của toàn thể dân tộc nước Âu Lạc với tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu đánh bại mọi kẻ thù xâm lăng.
An Dương Vương xây thành Cổ Loa để bảo vệ đất nước, chế tạo nỏ thần để chiến đấu chống kẻ thù xâm lăng đem lại những chiến công to lớn. Thể hiện sự ca ngợi của nhân dân một vị vua anh minh, sáng suốt, luôn quan tâm đến vận mệnh của đất nước qua việc trọng người tài và ra sức xây thành, đắp lũy. Bằng những chi tiết nghệ thuật hư cấu, tưởng tượng kết hợp với lịch sử oai hùng đã làm nên một câu chuyện hết sức thú vị và kích thích người đọc.
Qua đó, ta còn thấy được một bài học mà nhân dân ta muốn truyền đạt lại cho đời sau về mất nước với những sai lầm của An Dương Vương và câu chuyện tình yêu Mị Châu- Trọng Thủy thấm đẫm nước mắt.
Sai lầm nhất mà An Dương Vương gây nên đó là gả con gái của mình cho con trai kẻ thù, thậm chí còn cho hắn ở rể. Hành động chủ quan đó đã gánh theo biết bao nhiêu hệ lụy là Trọng Thủy lấy trộm nỏ thần đem về nước. Sai lầm tiếp nối sai lầm của An Dương Vương chính là khi đất nước lâm nguy, giặc xâm bờ cõi vẫn ung dung đánh cờ. Sự chủ quan, khinh địch dẫn đến khi phát hiện nỏ thần bị lấy cắp thì đã quá muộn, trở tay không kịp. Trước những sai lầm đó, An Dương Vương đã sửa chữa lỗi lầm của mình bằng việc chém Mị Châu để tạ lỗi với đất nước dù cho đó là tình ruột thịt cha con. Hình ảnh vua cầm sừng dê bảy tấc, Rùa Vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển thể hiện thái độ khoan dung và trân trọng của nhân dân dành cho vị vua.
Câu chuyện bi kịch Mị Châu- Trọng Thủy cũng được nhân dân khắc họa lại bằng hình tượng ngọc trai- giếng nước. Mị Châu là con gái của An Dương Vương được gả cho Trọng Thủy- con trai của Triệu Đà. Nàng mang trong mình danh phận công chúa tuy đáng thương nhưng cũng đáng trách vì đã quá tin lời Trọng Thủy, để cho Trọng Thủy dễ dàng lấy cắp nỏ thần. Không những thế con rắc lông ngỗng chỉ đường cho quân giặc đuổi theo cha mình. Cuối cùng với sai lầm của Mị Châu, An Dương Vương đã rút đao chém chết Mị Châu. Tuy vậy, Mị Châu đáng thương ở chỗ nàng được gả cho Trọng Thủy, nàng đã quá ngây thơ và tôn thờ tình yêu đến mức mù quáng với Trọng Thủy dẫn đến những hành động sai lầm kia phải chăng cũng là hợp lý. Cũng chính vì thế mà nhân dân đã thể hiện thái độ cảm thông bằng chi tiết “Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành ngọc trai”.
Sau khi Mị Châu chết, Trọng Thủy hối hận trong muộn màng, thương tiếc Mị Châu khôn cùng mà lao đầu xuống giếng chết. Nhân dân còn tạo ra câu chuyện “giếng nước- ngọc trai” như sự thể hiện bao dung, luyến tiếc cho một cuộc tình bi đát, đáng thương.
Qua câu chuyện mất nước này, nhân dân ta muốn dạy cho người đời sau bài học quý báu là luôn đề cao tinh thần, cảnh giác trước âm mưu của kẻ thù. Không được chủ quan, khinh địch, lơ là cảnh giác kẻ thù.
Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy đã giải thích nguyên nhân mất nước Âu Lạc cùng với thái độ khoan dung, nhân hậu của nhân dân ta trước những tội nhân cũng như truyền đạt lại những bài học quý giá cho con cháu đời sau. Bằng nghệ thuật kết hợp lịch sử dân tộc với các yếu tố hư cấu, kì ảo “Rùa Vàng” “Nỏ thần”,… đã góp phần xây dựng cho thể loại truyền thuyết.
Các bài viết liên quan khác: