/tmp/vbrxb.jpg
Câu 23: Trình bày chuyển động biểu kiến hằng năm của Mặt Trời.
Lời giải
– Hiện tượng Mặt Trời ở đúng đỉnh đầu lúc 12 giờ trưa (tia sáng mặt trời chiếu thẳng góc với tiếp tuyến bề mặt đất) được gọi là Mặt Trời lên thiên đỉnh.
– Trong một năm, những tia sáng mặt trời chỉ lần lượt chiếu thẳng góc với mặt đất tại các địa điểm trong khu vực giữa hai chí tuyến khiến người ta cảm thấy Mặt Trời như di chuyển giữa hai chí tuyến. Nhưng trong thực tế, không phải Mặt Trời di chuyển mà là Trái Đất chuyển động tịnh tiến xung quanh Mặt Trời. Chuyển động không có thực đó của Mặt Trời được gọi là chuyển động biểu kiến hằng năm của Mặt Trời.
– Hiện tượng này xảy ra như sau:
+ Ngày 21-3, Mặt Trời ở Xích đạo, tia sáng mặt trời chiếu vuông góc với tiếp tuyến của bề mặt đất tại Xích đạo (Mặt Trời lên thiên đỉnh ở Xích đạo).
+ Sau ngày 21-3, Mặt Trời chuyển động dần lên chí tuyến Bắc và lên thiên đỉnh ở chí tuyến Bắc vào ngày 22-6.
+ Sau ngày 22-6, Mặt Trời chuyển động dần về Xích đạo, lên thiên đỉnh ở Xích đạo vào ngày 23-9.
+ Sau ngày 23-9, Mặt Trời từ Xích đạo chuyển động dần xuống chí tuyến Nam và lên thiên đỉnh ở chí tuyến Nam vào ngày 22-12.
+ Sau ngày 22-12, Mặt Trời lại chuyển động dần về Xích đạo, rồi lại lên chí tuyến Bắc,… đó là hiện tượng chuyển động biểu kiến hằng năm của Mặt Trời giữa hai chí tuyến.
+ Như vậy, Mặt Trời chỉ lên thiên đỉnh một lần tại chí tuyến Bắc vào ngày 22-6 và chí tuyến Nam vào ngày 22-12; Mặt Trời lên thiên đỉnh hai lần tại các địa điểm trong khu vực nội chí chuyển; khu vực ngoại chí tuyến không có hiện tượng Mặt Trời lên thiên đỉnh.