/tmp/eiiyx.jpg
Tuyển tập Bộ đề Đọc hiểu Để chạm vào hạnh phúc hay nhất. Tổng hợp, sưu tầm các đề Đọc hiểu Để chạm vào hạnh phúc đầy đủ nhất.
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.
Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện – ác, chân – giả, chính – tà, đúng – sai…, biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực đặc biệt này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó, mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.
Xã hội mở ngày nay làm cho không có ai là “nhỏ bé” trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn “nhỏ bé”. Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc!.”
(“Để chạm vào hạnh phúc”- Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.
Câu 2. Nêu nội dung chính của văn bản .
Câu 3. Trong văn bản có nhiều cụm từ in đậm được để trong ngoặc kép, hãy nêu công dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép trong những trường hợp trên. Từ đó, hãy giải thích nghĩa hàm ý của 02 cụm từ “nhỏ bé” và “con người lớn”
Câu 4. Theo quan điểm riêng của mình, anh/chị chọn cách “chạm” vào hạnh phúc bằng việc “làm những việc lớn” hay “làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn”. Vì sao? ( Nêu ít nhất 02 lý do trong khoảng 5 – 7 dòng)
Lời giải:
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ của văn bản : Phong cách ngôn ngữ báo chí.
Câu 2: Nội dung chính của văn bản trên:
– Con người có năng lực tạo ra hạnh phúc, bao gồm: năng lực làm người, làm việc, làm dân.
– Để chạm đến hạnh phúc con người phải trở thành “con người lớn” bằng hai cách: làm việc lớn hoặc làm việc nhỏ với tình yêu lớn.
=> Con người tự tạo ra hạnh phúc bằng những vệc làm đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của xã hội dù đó là việc lớn hay nhỏ.
Câu 3:
– Công dụng của việc sử dụng dấu ngoặc kép: làm nổi bật, nhấn mạnh đến một ý nghĩa, một cách hiểu khác có hàm ý…
– Nghĩa hàm ý của hai cụm từ “nhỏ bé”: tầm thường, thua kém, tẻ nhạt… và “con người lớn”: tự do thể hiện mình, khẳng định giá trị bản thân, thực hiện những ước mơ, sống cao đẹp, có ích, có ý nghĩa…
Câu 4: Nêu ít nhất 02 lí do thuyết phục để khẳng định lối sống mình chọn theo quan điểm riêng của bản thân. “Làm những việc lớn” gắn với ước mơ, lí tưởng hào hùng, lối sống năng động, nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng. Còn “tìm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn” lại chú trọng đến niềm đam mê, cội nguồn của sáng tạo.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Hạnh phúc – đó là mẫu số chung, là mong ước chính đáng nhất của tất cả mọi con người, mọi gia đình, mọi xứ sở…
Quan niệm về hạnh phúc không giống nhau ở mỗi người, mỗi nhà, mỗi thế hệ, mỗi thời đại, mỗi xã hội. Chẳng hạn, có người xem hạnh phúc là hài lòng với những gì mình có theo chủ thuyết “biết đủ”. Cũng có người cho rằng hạnh phúc là khi ta có một sức khỏe tốt, một sự nghiệp như ý, một gia đình ấm cúng và những bạn hữu chí tình. Hạnh phúc cũng có khi là những điều giản dị: có một việc yêu thích để làm, có người để yêu thương và một nơi chốn bình yên để đi về….
Lại có những vĩ nhân gọi tên hạnh phúc theo một cách rất riêng của họ. Ví như nhà hiền triết Ấn Độ Mahatma Gandhi bảo rằng: “Hạnh phúc là khi những gì mà bạn nghĩ, những gì mà bạn nói và những gì mà bạn làm hòa quyện với nhau”. Điều này giống như thông điệp mà các tín đồ Thiên Chúa giáo tin tưởng: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, để khẳng định hạnh phúc có từ cái tâm an bình của mỗi người, là sự tĩnh tại trong sâu thẳm tâm hồn… Liệu có thể hạnh phúc chăng nếu nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm một kiểu?[…]
Rồi cũng có ý kiến: ranh giới giữa biết đủ, biết hài lòng và thỏa hiệp với bản thân mình là rất mong manh. Bởi khi luôn nghĩ rằng “ừ, vậy là được rồi…”, thì chính là lúc mà ta ngừng nỗ lực, ngừng cống hiến để làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng của mình tiến về phía trước. Sẽ rất nhanh, những cái “biết đủ” và sự hài lòng dễ dãi này sẽ làm ta chán ngán. Sẽ rất nhanh, hạnh phúc sẽ biến mất khi ta không hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình nằm ở nơi đâu…
Vậy hạnh phúc là biết đủ, biết hài lòng hay là biết vượt qua, biết chinh phục hay là gì khác?
(Trích Để chạm vào hạnh phúc – Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, www. thesaigontimes.vn)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Theo một ý kiến được dẫn trong bài viết, nếu ta không ý thức được ranh giới mong manh giữa biết đủ, biết hài lòng và thỏa hiệp với bản thân mình thì sẽ dẫn tới hậu quả gì?
Câu 3. Liệu có thể hạnh phúc chăng nếu nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm một kiểu?
Câu 4. Thông điệp nào trong đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?
Lời giải:
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là: Nghị luận.
Câu 2: Khi ta không ý thức được ranh giới mong manh giữa biết đủ, biết hài lòng với việc thỏa hiệp với bản thân mình sẽ dẫn đến hậu quả:
– Ta sẽ ngừng nỗ lực, ngừng cống hiến để làm cho cuộc sống bản thân và cộng đồng của mình tiến về phía trước.
– Ta sẽ rơi vào trạng thái chán ngán
– Rất nhanh, hạnh phúc sẽ biến mất
Câu 3:
– Nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm một kiểu nghĩa là không có sự thống nhất trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Điều đó cũng có nghĩa sống giả dối, giả tạo, không dám sống thực là chính mình.
– Không thể có hạnh phúc nếu lúc nào cũng nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm một kiểu vì:
+ Mỗi người có thể có quan niệm khác nhau về hạnh phúc nhưng đích đến cuối cùng đều là: Hạnh phúc là trạng thái vui sướng của tâm hồn khi đạt được điều mình mong muốn. Trong khi sống giả dối, giả tạo, …,tác hại sẽ khôn lường và không thể mang đến trạng thái cảm xúc ấy
+ Lối sống giả tạo sẽ khiến con người tự đánh mất dần nhân cách, đánh mất niềm tin, sự quý trọng mà mọi người giành cho mình, nó sẽ làm lẫn lộn đạo đức, thực giả bất phân, suy đồi phong hóa xã hội; điều đó khiến tâm hồn không thể có sự tĩnh tại vì con người luôn sống trong nơm nớp lo sợ, không thanh thản, không vui vẻ, …cũng có nghĩa không thể chạm được đến hạnh phúc.
Câu 4: Các em trình bày rõ suy nghĩ của cá nhân về thông điệp thông qua đoạn văn.
– Có thể là thông điệp về hạnh phúc hoặc thông điệp sống: cần có lúc biết đủ, biết hài lòng nhưng không bao giờ được thỏa hiệp với bản thân….
Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là “năng lực tạo ra hạnh phúc”, bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.
Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện – ác, chân – giả, chính – tà, đúng – sai…, biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực ỉàm dân là biết được làm chủ đất nước là làm chủ cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực làm việc này thì sẽ thực hiện được những điêu mình muốn. Khi đó mỗi người sẽ trở thành một “tế bào hạnh phúc”, một “nhà máy hạnh phúc” và sẽ ngày ngày “sản xuất hạnh phúc” cho mình và cho mọi người.
Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là “nhỏ bé” trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn “nhỏ bé”. Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm được những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự “chạm” vào hạnh phúc.
(Để chạm vào hạnh phúc, Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2: Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích.
Câu 3: Tại sao tác giả lại cho rằng: Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là “nhỏ bé”?
Câu 4: Anh/ Chị chọn cách “chạm” vào hạnh phúc bằng việc “làm những việc lớn” hay “làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn”. Vì sao?
Lời giải
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên là: Nghị luận
Câu 2: Nội dung chính của đoạn trích: Bàn về năng lực tạo ra hạnh phúc và cách thức để chạm đến hạnh phúc của con người.
Câu 3: Theo tác giả, xã hội mở ngày nay làm cho không ai là “nhỏ bé”, bởi vì: Ai cũng có thể trở thành những “con người lớn” bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm được những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn.
Câu 4: Các em được đưa ra quan điểm riêng của mình sau đó dùng lập luận để giải thích và đảm bảo được hai ý chính sau:
– “Làm những việc lớn” gắn với ước mơ, lí tưởng hào hùng, lối sống năng động, nhiệt huyết, tràn đầy khát vọng.
– “Tìm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn” lại chú trọng đến niềm đam mê, cội nguồn của sáng tạo.