/tmp/iziix.jpg
Bài văn Giới thiệu về chiếc áo dài gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
Đề bài: Dàn ý Thuyết minh, giới thiệu về chiếc áo dài
A. Mở bài: Giới thiệu khái quát về áo dài
B. Thân bài:
Luận điểm 1: Nguồn gốc, lịch sử
– Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam
– Cách đây khoảng vài nghìn năm, theo như hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ, phụ nữ Việt đã mặc trang phục với 2 tà áo xẻ.
– Trải qua những thay đổi trong lối sống, nếp sống văn hóa Việt, áo dài từng có thời gian bị cấm song cho đến nay, áo dài đang ngày càng được yêu thích bởi sự duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh thoát của nó.
Luận điểm 2:Chất liệu và Cấu tạo
– Chất liệu: Áo dài được may bằng vải mềm, rũ, thường là lụa tơ tằm.
– Áo dài truyền thống Việt Nam gồm 5 phần chính: cổ áo, thân áo, tay áo, tà áo và quần.
+ Cổ áo cổ điển cao từ 4-5 cm, ôm sát vào cổ. Ngày nay, cổ áo dài được cách tân hơn rất nhiều, có cổ trái tim, cổ tròn, cổ chữ U,… Ở cổ áo thường được đính ngọc, thể hiện sự sang trọng, quý phái.
+ Thân áo được tính từ phần cổ xuống đến eo, có đính cúc từ cổ chéo đến vai rồi xuống kéo xuống ngang hông
+ Tà áo được xẻ từ eo xuống đến gót chân. Áo dài có 2 tà: tà trước và tà sau. Độ dài 2 tà tùy vào sở thích thiết kế, thường là tà sau dài hơn tà trước. Trên tà áo, người thợ thủ công thường thêu hoa văn hoặc bài thơ lên để tăng vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát cho áo dài.
+ Tay áo được tính từ phần vai xuống đến cổ tay hoặc khuỷu tay (áo tay lỡ), hoặc cũng có thể làm tay cộc tùy sở thích, ôm sát lấy cánh tay khiến cho áo dài càng thon gọn.
+ Áo dài được mặc với quần lụa, ống rộng, chạm đến gót chân. Màu sắc của quần thường là màu đen hoặc trắng.
Luận điểm 3: Phân loại áo dài
– Áo dài được chia làm 2 loại chính: áo dài cổ điển và áo dài cách tân
+ Áo dài cách tân có sự thay đổi về thiết kế ở cổ và độ dài tà áo, đáp ứng nhu cầu và sở thích của người mặc. Ngày nay, áo dài cách tân rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong các ngày lễ, tết bởi phần tà áo ngắn hơn khá nhiều, dễ hoạt động nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, dịu dàng của áo.
Luận điểm 4: Ý nghĩa của áo dài trong truyền thống văn hóa Việt Nam
– Áo dài là trang phục truyền thống Việt Nam, được chọn làm quốc phục và trở thành biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam. Chiếc áo dài làm tôn thêm vẻ đẹp quyến rũ, dịu dàng, đằm thắm mà lại không kém phần sang trọng, thanh lịch cho người phụ nữ Việt Nam.
– Tà áo dài đã đi vào đời sống văn hóa nghệ thuật, đi vào thơ ca nhạc họa và trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, thể hiện tình cảm yêu mến, say đắm cuẩ người con trai dành cho người con gái.
+ Bài thơ “Áo trắng” của Huy Cận:
Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương bước tỏa hồng
+ Bài “Áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…
+ Hình ảnh chiếc áo dài cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Sỹ Luân, Nguyễn Đức Cường,…
+ Trong hội họa không thể không kể đến bức họa “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân
+ Trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, áo dài cũng được đưa vào như một tình cảm, một sự tự hào về văn hóa dân tộc Việt Nam.
C. Kết bài: Khát quát về ý nghĩa của chiếc áo dài trong đời sống.