/tmp/rlcmz.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Ca Huế trên sông Hương Ngữ văn lớp 7, bài học tác giả – tác phẩm Ca Huế trên sông Hương trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Văn bản ghi chép lại một trong những nét đẹp văn hoá truyền thống ở cố đô Huế là ca Huế. Bài văn vừa giới thiệu về nguồn gốc những làn điệu dân ca Huế vừa tả cảnh nghe ca Huế trong một đêm trăng. Thông qua sự phong phú, đa dạng của các làn điệu dân ca, tác giả ca ngợi vẻ đẹp tinh thần đằm thắm, thiết tha của con người xứ Huế. Qua bài viết, tác giả đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về ca Huế và bày tỏ tình cảm yêu mến trân trọng dành cho ca Huế. Ca Huế thanh tao, lịch sự, nhã nhặn sang trọng và duyên dáng. Chính vì thế, nghe Ca Huế trên sông Hương cũng là một thú vui tao nhã.
1. Tác giả
– Hà Ánh Minh
2. Tác phẩm
a, Xuất xứ
– Trích báo “Người Hà Nội”.
b, Bố cục
– 2 phần
+ Phần 1: Từ đầu đến “lí hoài nam”: Giới thiệu chung về dân ca Huế.
+ Phần 2: Còn lại: Một đêm ca Huế trên sông Hương
c, Phương thức biểu đạt
– Thuyết minh kết hợp miêu tả và biểu cảm.
d, Thể loại
– Bút kí
e, Giá trị nội dung
– Giới thiệu những làn điệu dân ca Huế và tả cảnh nghe ca Huế trong đêm trăng trên sông Hương. Qua đó ca ngợi vẻ đẹp tinh thần đằm thắm của người dân xứ Huế.
– Khẳng định ca Huế là một hình thức sinh hoạt văn hóa – âm nhạc thanh lịch và tao nhã, một sản phẩm tinh thần đáng trân trọng, cần được bảo tồn và phát triển.
– Thể hiện sự yêu mến, tự hào của tác giả.
f, Giá trị nghệ thuật
– Liệt kê, kết hợp nhuần nhuyễn giữa thuyết minh với miêu tả và biểu cảm.
1. Vẻ đẹp của ca Huế
– Xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò, hò khi đánh cá trên sông ngòi, biển cả, hò lúc cấy cày, gặt hái, trồng cây, chăn tằm, chèo cạn, bài thai, hò đưa linh buồn bã, hò giã gạo, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm, nàng vung náo nức nồng hậu tình người. Hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện… gần gũi với dân ca Nghệ Tĩnh.
– Ngoài ra còn có các điệu lí như: lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam.
– Trong khoang thuyền dàn nhạc gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam, có đàn bầu, sáo và cặp sanh để gõ nhịp.
– Bốn nhạc khúc lưu thuỷ, kim tiền, xuân phong, long hổ du dương, trầm bổng, réo rắt, các ngón đàn trau chuốt. Tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người.
– Những khúc điệu Nam nghe buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn như: nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Cũng có bản nhạc mang âm hưởng điệu Bắc phá phách điệu Nam không vui, không buồn,…
– Mỗi câu hò Huế dù ngắn hay dài đều được gửi gắm một ý tình trọn vẹn. Từ ngữ địa phương được dùng nhuần nhuyễn và phổ biến, nhất là trong các câu hò đối đáp tri thức, ngôn ngữ được thể hiện thật tài ba, phong phú.
– Hò Huế thể hiện lòng khao khát, nỗi mong chờ hoài vọng thiết tha của tâm hồn Huế.
– Thể điệu ca Huế có sôi nổi tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán. Lời ca thong thả, trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền gái lịch.
⇒ Ca Huế có những giá trị nổi bật là sự phong phú, đa dạng về làn điệu nhạc cụ, nhạc khúc và sâu sắc, thấm thía về tình cảm.
– Ca Huế mang những nét đặc trưng của đất và người xứ Huế.
2. Nguồn gốc của ca Huế
– Ca Huế được hình thành từ sự kết hợp giữa ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình. Sự kết hợp giữa ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình đem lại cho ca Huế nét đặc sắc riêng thể hiện ở nội dung và hình thức, trong cách biểu diễn của ca nhi, nhạc công và trang phục,…
– Đặc điểm nổi bật của ca nhạc dân gian là các làn điệu dân ca, những điệu hò, điệu lý thường phản ánh sinh động các cung bậc tình cảm vui buồn của con người. Còn nhạc cung đình là nhạc dùng trong những buổi lễ tôn nghiêm của vua chúa hoặc nơi tông miếu thiêng liêng nên thường có sắc thái trang trọng, uy nghi.
3. Cảnh ca Huế trên sông Hương
* Khung cảnh thiên nhiên:
– Đêm. Thành phố lên đèn như sao sa. Màn sương dày dần lên, cảnh vật mờ đi trong một màu trắng đục.
– Trăng lên. Gió mơn man dìu dịu. Dòng sông trăng gợn sóng.
– Đêm đã về khuya. Xa xa bờ bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng.
* Khung cảnh trên thuyền:
– Trong khoang thuyền, dàn nhạc gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, nhị, đàn tam. Các ca công mặc áo dài, đội khăn xếp, khăn đóng.
– Các ca nhi cất lên những khúc điệu Nam nghe buồn man mác thương cảm, bi ai, vương vấn…
– Bừng lên những âm thanh của đàn hoà tấu, du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế… các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả,…
– Tiếng gà gáy bên làng Thọ Cương, cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ gọi năm canh.
– Tác giả sử dụng nghệ thuật so sánh, liệt kê, các động từ, tính từ, hình ảnh đặc sắc để vẽ lên khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình và nét sinh hoạt văn hoá thanh lịch, tinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Huế.
– Xen vào những câu văn miêu tả là những câu văn thể hiện cảm xúc của tác giả khi nghe các làn điệu dân ca Huế. Những ngón đàn điêu luyện, những giọng ca ngọt ngào, da diết mang đậm chất Huế đã làm rung động lòng người.
– Cuối bài văn, tác giả muốn bạn đọc cảm nhận được sự huyền diệu của ca Huế trên sông Hương. Ca Huế khiến người nghe quên cả không gian, thời gian, đắm mình trong trạng thái lâng lâng, xao xuyến khó tả. Ca Huế hướng tâm hồn ta đến những vẻ đẹp của đời sống tinh thần con người xứ Huế. Ca Huế mãi mãi hấp dẫn chúng ta bởi vẻ đẹp bí ẩn, hấp dẫn của nó… Không gian như lắng đọng. Thời gian như ngừng lại. Con gái Huế nội tâm thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm.
– Nghe ca Huế để hiểu thêm, yêu thêm xứ Huế cũng là yêu thêm đất nước mình. Bởi thế đó là thú vui thanh tao, lịch sự.