/tmp/vgqjv.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Vịnh khoa thi Hương Ngữ văn lớp 11, bài học tác giả – tác phẩm Vịnh khoa thi Hương trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
1. Tác giả
– Trần Tế Xương (1870 – 1907) thường gọi là Tú Xương.
– Quê quán: làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định).
– Cuộc đời ngắn ngủi, nhiều gian truân:
+ Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả tám lần. Đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906).
+ Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm).
+ Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng.
– Ông có khoảng trên 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm, gồm nhiều thể thơ (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát) và một số bài văn tế, phú, câu đối,…
– Một số tác phẩm như:Vịnh khoa thi Hương, Giễu người thi đỗ, Ông cò, Phường nhơ, Thương vợ, Văn tế sống vợ,…
– Thơ của Tế Xương có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình trong đó trữ tình là gốc.
– Bức tranh hiện thực trong thơ Tế Xương là một bức tranh xám xịt, dường như chỉ có rác rưởi, đau buồn, vì hiện thực thối nát của xã hội thực dân – nửa phong kiến.
– Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác: Vịnh khoa thi Hương còn có tên gọi khác Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu, được sáng tác năm 1897.
b. Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.
c. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm, miêu tả.
d. Bố cục: 4 phần
– Hai câu thơ đầu: Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu.
– Bốn câu thơ tiếp: Thực cảnh trường thi.
– Hai câu thơ cuối: Thái độ, tâm trạng của tác giả.
e. Giá trị nội dung: Bài thơ ghi lại cảnh “nhập trường” vừa ghi lại cảnh lễ xướng danh qua đó nói lên tâm trạng đau đớn, chua xót của nhà thơ trước hiện thực mất nước, giao thời nhốn nháo, nhố nhăng.
f. Giá trị nghệ thuật
– Nghệ thuật đối, đảo ngữ.
– Ngôn ngữ có tính chất khẩu ngữ, trong sáng, giản dị nhưng giàu sức biểu cảm.
1. Giới thiệu khoa thi năm Đinh Dậu
Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
– Như thường lệ, ba năm mở một khoa thi để chọn nhân tài, nhưng năm nay cách tổ chức lại trái với thường lệ Trường Nam thi lẫn với trường Hà. Với cách tổ chức thi cử như vậy, tác giả đã báo trước sự hỗn độn, ô hợp, nhốn nháo.
– Hai chữ nhà nước đã nêu bật lên hiện thực của cảnh mất nước, mất chủ quyền.
– Từ thi lẫn diễn tả sự hỗn độn của trường thi. Tác giả đã dùng hình ảnh trường thi khái quát cả một hiện thực xã hội bấy giờ.
2. Cảnh trường thi
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quyét đất mụ đầm ra.
– Những nhân vật chính của trường thi bộc lộ sự nhếch nhác, rỗng tuếch.
+ Sĩ tử: lôi thôi, vai đeo lọ.
+ Quan trường: ậm ọe, thét loa.
– Không khí long trọng (lọng cắm rợp trời) lại để đón kẻ ngoại bang – kẻ quyết định số phận của trường thi, nền học vấn của nước nhà quan sứ, mụ đầm.
→ Châm biếm, đả kích.
– Thể hiện sự xót xa, mỉa mai (lọng cắm rợp trời >< váy lê quét đất) xen lẫn với xót xa, căm giận.
3. Thái độ, tâm trạng của tác giả
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
– Câu thơ Nhân tài đất Bắc nào ai đó? vừa là lời kêu gọi, vừa là lời nói thẳng về sự thật của đất nước đã thôi thúc, thức tỉnh lương tâm, trách nhiệm của tầng lớp tri thức phong kiến bấy giờ.
– Sáu câu thơ trước, tác giả dùng giọng điệu mỉa mai, châm biếm nhưng đến hai câu thơ cuối, tác giả đã chuyển sang giọng điệu trữ tình để lay gọi, đánh thức lương tri mọi người.
→ Thấy rõ sự nhục nhã của hoàn cảnh, của thân phận mà căm ghét bọn giặc ngoại bang. Nhắc nhở đừng quên nỗi nhục mất nước.