/tmp/kbfee.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ Ngữ văn lớp 10, bài học tác giả – tác phẩm Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, được thần Kim Quy giúp đỡ xây thành Cổ Loa. Sau khi xây xong được thần tặng cho một chiếc móng để làm nỏ thần. Nỏ thần có sức mạnh uy lực đã nhiều lần giúp vua đánh bại kẻ thù. Triệu Đà đưa con trai mình là Trọng Thủy sang cầu thân với Mị Châu – con gái An Dương Vương. Một thời gian qua đi, nhờ có được lòng tin yêu của Mị Châu, Trọng Thủy đã dò hỏi chuyện về chiếc nỏ thần. Biết được bí mật, lấy cớ thăm cha, Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần đem về cho Triệu Đà. Có nỏ thần trong tay, Triệu Đà tiến đánh Âu Lạc một lần nữa. An Dương Vương thấy giặc đến chân thành nhưng vẫn chủ quan vì nghĩ rằng đã có nỏ thần. Thua trận, An Dương Vương cưỡi ngựa đem theo Mị Châu tiến về phía biển. Nhưng đi đến đâu thì thấy quân giặc theo đến đấy. Vua cầu cứu thần Kim Quy, thần hiện lên báo rằng: “Giặc ở sau lưng nhà vua đấy”. An Dương Vương tỉnh ngộ, liền rút gươm chém Mị Châu, rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Quân của Triệu Đà kéo vào chiếm đóng Loa thành, còn Trọng Thuỷ một mình một ngựa theo dấu lông ngỗng đi tìm Mị Châu. Đến bờ biển thấy xác vợ nằm đấy thì hối hận. Trở về, Trọng Thủy chôn cất cho Mị Châu cẩn thận rồi đâm đầu xuống giếng tự tử.
1. Thể loại
a. Khái niệm: Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có các yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.
b. Đặc trưng
– Đề tài thường lấy từ lịch sử, những vấn đề có ý nghĩa trọng đại.
– Sử dụng các yếu tố tưởng tượng, hư cấu.
– Nhân vật thường được xây dựng đơn giản, có sự kết hợp kì lạ giữa những nét đời thường, thế tục với những nét phi thường, kì ảo.
– Cốt truyện đơn giản, ít tình tiết.
c. Phân loại
– Họ Hồng Bàng và thời kỳ Văn Lang: mang tính chất sử thi, phản ánh không khí anh hùng ca thời Hùng Vương dựng nước và trình độ khá văn minh của người Văn Lang. Các truyền thuyết tiêu biểu của thời kỳ này là Lạc Long Quân-Âu Cơ, Sơn Tinh-Thủy Tinh, Thánh Gióng, Thánh Hùng Linh Công, Hùng Vương thứ sáu, Hùng Vương thứ mười tám…
– Thời kỳ Âu Lạc và Bắc thuộc: Nước Âu Lạc của An Dương Vương tồn tại khoảng 50 năm (257 TCN-208 TCN). Thời kỳ Bắc thuộc hơn 10 thế kỷ (207 TCN-938) là thời kỳ bị xâm lược và chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết tiêu biểu của thời Âu Lạc là truyện An Dương Vương, kết cấu gồm hai phần: phần đầu là lịch sử chiến thắng, phần sau là lịch sử chiến bại. Các truyền thuyết phản ánh các cuộc vũ trang khởi nghĩa chống xâm lược thời kỳ Bắc thuộc là Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí…
– Thời kỳ phong kiến tự chủ: Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV, giai cấp phong kiến Việt Nam xây dựng một quốc gia thống nhất, củng cố nền độc lập dân tộc. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX là sự suy sụp của các triều đại phong kiến.
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ: Văn bản dưới đây trích từ Truyện Rùa Vàng trong Lĩnh Nam chích quái – một sưu tập truyện dân gian ra đời vào cuối thế kỉ XV.
b. Thể loại: Truyền thuyết.
c. Phương thức biểu đạt: Tự sự.
d. Bố cục: 3 đoạn
– Đoạn 1 (Từ đầu đến bèn xin hoà) : An Dương Vương được thần giúp xây thành, chế nỏ để bảo vệ đất nước.
– Đoạn 2 (Tiếp đó đến Dẫn vua xuống biển): Cảnh mất nước nhà tan.
– Đoạn 3 (Còn lại): Thái độ, tình cảm của nhân dân đối với An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thủy.
e. Giá trị nội dung: Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy là một cách giải thích nguyên nhân việc mất nước Âu Lạc. Qua đó, nhân dân ta muốn nêu lên bài học lịch sử về tinh thần cảnh giác với kẻ thù và cách xử lí đúng đắn mối quan hệ giữa riêng và chung, giữa nhà với nước, giữa cá nhân và cộng đồng.
f. Giá trị nghệ thuật
– Cốt truyện:
+ Cốt lõi lịch sử: xây thành, chế tạo vũ khí hiện đại, chiến thắng giặc, mất nước, bi kịch bi thảm…
+ Yếu tố hư cấu: sứ Thanh Giang, móng Rùa Vàng lầm lẫy nỏ thần, sư hóa thân của các nhân vật…
+ Có sự đan xen tạo yếu tố li kì, hấp dẫn cho câu chuyện kể.
– Hình ảnh:
+ Giàu chất tư tưởng thẩm mĩ.
+ Có sức sống lâu bền.
1. Nhân vật An Dương Vương
*Công cuộc dựng nước và giữ nước của An Dương Vương:
– Công lao: An Dương Vương kiên trì quyết tâm, không nản chí trước thất bại tạm thời.
+ Ban đầu: xây thành thường bị lở.
+ Về sau: xây thành được Rùa Vàng giúp đỡ nên thành công.
+ Cho xây chín vòng thành ốc, đào hào sâu.
+ Chế nỏ thần từ vuốt Rùa Vàng, do Cao Lỗ làm, trăm phát trăm trúng.
+ Chiến thắng Triệu Đà – hệ quả tất yếu của hai việc làm trên (Loa thành kiên cố, vũ khí lợi hại và tinh thần cảnh giác cao độ)
– Nhận xét:
+ An Dương Vương trong phần đầu truyện là một người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước, là một vị vua anh minh, sáng suốt với tinh thần trách nhiệm, cảnh giác cao được nhân dân và thần linh ủng hộ nên đã đạt được những thành công lớn.
+ Việc làm của An Dương Vương là được lòng trời, hợp lòng dân (Cụ già phương Đông và thần Kim Quy đã giúp nhà vua xây thành, làm nỏ thần giữ nước.).
*Bi kịch mất nước và tan vỡ hạnh phúc gia đình:
– Sau chiến thắng, An Dương Vương đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng:
+ Nhận lời cầu hoà của Triệu Đà.
+ Không cảnh giác, nhận lời cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thủy.
+ Cho Trọng Thủy ở rể: Mất cảnh giác, không giám sát, đề phòng Trọng Thuỷ mà tạo cơ hội thuận lợi cho kẻ thù.
+ Thản nhiên chơi cờ khi giặc tấn công: Chủ quan khinh địch, ỷ lại sức mạnh của nỏ thần.
+ Bị giặc đuổi, chỉ biết tìm đường tránh, không suy xét → An Dương Vương đã tự đánh mất mình. Ông chủ quan, tự mãn, không nhận ra mưu kế thâm hiểm và không đánh giá đúng kẻ thù.
– Kết quả:
+ Âu Lạc đại bại, nhà vua cùng con gái phi ngựa chạy về phương Nam.
+ Tiếng thét của thần Kim Quy đã làm nhà vua tình ngộ. Ông rút gươm chém Mị Châu – con gái duy nhất của mình. → Đây là hình phạt đau đớn nhất không chỉ với Mị Châu mà còn với bản thân ông. An Dương Vương cầm sừng tê rẽ nước đi xuống biển sâu .
*Thái độ của nhân dân
– Ca ngợi, khẳng định vai trò to lớn của An Dương Vương trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
– Trách nhiệm chủ quan để mất nước đã trả giá bằng chính mạng sống của con gái An Dương Vương nên tác giả dân gian đã để ông đi vào bất tử bằng hình ảnh Rùa Vàng đưa ông xuống biển. Đó chính là sự thương tiếc của nhân dân dành cho ông.
2. Nhân vật Mị Châu
*Vô tình tiếp tay cho giặc:
– Xinh đẹp, ngây thơ;
– Cả tin đến mức mù quáng: không suy xét lời đề nghị đáng ngờ của chồng;
– Tự ý sử dụng bí mật quốc gia, tiếp tay cho kẻ thù dồn cha và dân tộc đến đường cùng mà không hề hay biết;
– Coi trọng tình riêng, chỉ nghĩ đến hạnh phúc cá nhân một cách mê muội, mù quáng khi đánh dấu đường cho Trọng Thuỷ theo;
– Cuối cùng: nhận ra tội lỗi của mình nên cúi đầu nhận tội, chấp nhận cái chết bi thảm → một người đáng thương.
*Thái độ của nhân dân:
– Câu nói của Rùa Vàng chỉ Mị Châu là giặc chính là lời kết tội đanh thép của nhân dân về thái độ vô tình mà phản quốc của Mị Châu.
– Sự hóa thân theo ước nguyện của Mị Châu thể hiện sự bao dung, độ lượng, thông cảm cho sự nhẹ dạ cả tin.
– Hình ảnh: ngọc trai – giếng nước đã chứng thực tấm lòng trong sáng của Mị Châu.
3. Nhân vật Trọng Thủy
– Thời kì đầu, Trọng Thuỷ đóng vai trò một tên gián điệp theo lệnh vua cha sang làm rể Âu Lạc để điều tra bí mật về nỏ thần.
– Sau này, dẫu rằng có yêu thương Mị Châu nhưng vẫn kiên trì thực hiện tham vọng của cha: Đánh tráo nỏ thần, tham gia xâm chiếm Âu Lạc, truy đuổi An Dương Vương, gây ra cái chết cho Mị Châu và gây ra bi kịch mất nước của cha con An Dương vương.
– Trước cái chết của Mị Châu, Trọng thủy tự kết liễu đời mình → sự bế tắc → Bi kịch của Trọng Thuỷ là bi kịch của một nạn nhân trong một âm mưu chính trị thâm độc.
– Thái độ của nhân dân: Có ít nhiều thông cảm, xong vẫn lên án bằng kết cục của Trọng Thủy.