/tmp/yhocc.jpg
Với các mẫu Tóm tắt bài Tôi đi học hay, ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 8 hơn.
A/ Nội dung bài Tôi đi học
Tôi đi học là dòng hồi ức thấm đẫm những cảm xúc trong trẻo, tươi sáng của nhân vật trữ tình về buổi tựu trường đầu tiên. Thông qua dòng cảm xúc đó, những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học được gợi lên đầy tinh tế, đẹp đẽ trong lòng người đọc.
B/ 5 mẫu Tóm tắt bài Tôi đi học
Tóm tắt bài Tôi đi học – mẫu 1
Truyện ngắn là dòng hồi tưởng trong trẻo của nhân vật tôi về ngày đầu tiên đi học. Hằng năm cứ vào cuối thu, cảnh vật thiên nhiên lại làm cho tác giả nhớ lại những kỉ niệm khó quên ấy. Cậu bé theo chân mẹ đi trên con đường làng quen thuộc mà bỗng hóa lạ lẫm vì “hôm nay tôi đi học”, ngây ngô nhìn những cậu học trò khác cầm bút thước và cả sách vở không chút khó khăn gì rồi nghĩ “chắc người lớn mới cần được bút thước”. Buổi đầu đến trường trong chiếc áo vải dù đen dài, cậu bé cảm thấy mình bỗng “trang trọng và đứng đắn hơn”. Những lo sợ vẩn vơ khi tiếng trống trường cất lên đã nhường chỗ cho sự háo hức và cảm giác thân thuộc “hay hay” khi cậu bé bước vào lớp học, nhìn ngắm bàn ghế, những thứ treo trên tường và cậu bạn nhỏ ngồi bên cạnh mình. Buổi học đầu tiên đã bắt đầu với bài tập viết “Tôi đi học”.
Tóm tắt bài Tôi đi học – mẫu 2
Văn bản Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh kể về những kỉ niệm ngày đầu tiên tới lớp của tác giả. Cứ vào cuối thu, nhà văn lại nhớ lại những kỉ niệm khi mình còn ngạc nhiên, bỡ ngỡ lúc được mẹ dắt tay tới trường. Con đường tới trường của nhân vật tôi bỗng nhiên sao lạ lùng quá! Nó khác hẳn với mọi ngày, sáng mùa thu lá rụng nhiều cùng với tiết trời se lạnh và trên trời không còn những đám mây màu bạc. Nhân vật tôi với cảm xúc e dè, lạ lẫm được mẹ dắt tay tới trường. Trong tác giả lúc này có nhiều suy nghĩ và thay đổi, thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn khi mặc bộ quần áo mới. Không những vậy, nhân vật tôi còn nghĩ rằng chỉ có những người thành thạo mới cầm nổi bút thước. Tất cả những suy nghĩ đều rất non nớt. Khi ông Đốc cất giọng lên, chú bé cảm thấy vô cùng ấm áp và bắt đầu viết những dòng chữ mà thầy giáo ghi trên bảng viết: “Tôi đi học”.
Tóm tắt bài Tôi đi học – mẫu 3
Truyện ngắn “Tôi đi học” được kể lại theo trình tự thời gian, men theo dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” với kỉ niệm ngày đầu tiên đến trường. Trong truyện là chất thơ bàng bạc chen lẫn những cảm xúc háo hức, hồi hộp, bất ngờ của nhân vật “tôi” với những hình ảnh thân quen như: con đường, sách vở, quần áo mới, bạn học mới,…Đó là những hình ảnh vừa xa lạ nhưng cũng vừa gần gũi, trang nghiêm giúp nhân vật “tôi” tự tin bước vào ngày học đầu tiên.
Tóm tắt bài Tôi đi học – mẫu 4
Hằng năm cứ vào cuối thu, khung ảnh thiên nhiên lại làm cho tác giả nhớ đến những kỉ niệm về ngày đầu tiên đi học. Nhân vật tôi được mẹ đưa đến trường trong lòng tràn ngập cảm giác mới lạ: Cậu tự nhiên thấy muốn tự mình cầm bút thước, thấy những trò quậy phá rong ruổi với đám bạn đã xa tít tắt. Khi tới trường, quan sát những học sinh cậu thấy họ như những con chim non còn bỡ ngỡ trong những cử chỉ hành động gần như trở nên thừa thãi. Khi ông Đốc trường Mĩ Lí điểm danh cho học sinh xếp hàng vào lớp, ai cũng hồi hộp, lo âu, không biết phải làm gì nhưng sau câu nói của thầy mọi chuyện đều ổn. Lớp học bắt đầu với dòng chữ đầu tiên thầy viết lên bảng, bài tập viết: “Tôi đi học”.
Tóm tắt bài Tôi đi học – mẫu 5
Hàng năm cứ vào cuối thu, nhìn cảnh vật và thấy những em nhỏ đi tới trường là nhân vật tôi lại nhớ về kỉ niệm buổi tựu trường đầu tiên. Hôm ấy, trong tôi có những cảm giác kì lạ, con đường và cảnh vật xung quanh vốn thân quen mà nay có sự thay đổi lớn. Mặc trên người bộ quần áo mới và trên tay cầm sách vở tôi thấy mình trang trọng và đứng đắn hơn rất nhiều. Đến trường thấy sân trường dày đặc cả người, học sinh cũ xếp hàng vào lớp mà tôi thầm ước được như họ. Khi ông Đốc đọc đến tên và phải rời xa mẹ để vào lớp thì tôi òa lên khóc. Khi được thầy giáo tươi cười đón vào lớp, tôi vừa bỡ ngỡ vừa cảm thấy thân thuộc, bắt đầu buổi học đầu tiên.
C/ Hoàn cảnh sáng tác và Giá trị
– Hoàn cảnh sáng tác: Tôi đi học được in trong tập “Quê mẹ (1941).
– Giá trị nội dung:
Trong cuộc đời mỗi chúng ta, kỉ niệm trong sáng của tuổi học trò, nhất là buổi tựu trường đầu tiên thường được ghi nhớ mãi. Thanh Tịnh đã diễn tả tinh tế cảm xúc này qua dòng cảm nghĩ trong trẻo của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Lối viết chan chứa tình cảm, giọng điệu nhẹ nhàng, êm dịu.
+ Bố cục theo dòng hồi tưởng, cảm nghĩ của nhân vật.
+ Ngôn ngữ giàu hình ảnh.
+ Hình ảnh so sánh độc đáo.