Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng ngắn nhất


Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng

Với các mẫu Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng hay, ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 6 hơn.

A/ Nội dung bài Buổi học cuối cùng 

“Buổi học cuối cùng” của An-phông-xơ Đô-đê là những lời tâm sự hồn nhiên, ngây thơ nhưng vô cùng xúc động của chú bé Phrăng về buổi học Pháp văn cuối cùng.

B/ 5 mẫu Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng

Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng – mẫu 1

Truyện kể về buổi học tiếng Pháp cuối cùng ở vùng An-dát qua lời kể của cậu học trò Phrăng. Sáng hôm ấy, cậu bé Phrăng đến lớp hơi muộn và ngạc nhiên khi thấy lớp học có vẻ khác thường. Cậu thực sự choáng váng khi nghe thầy Ha-men nói đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng. Cậu thấy tiếc nuối và ân hận vì bấy lâu nay đã bỏ phí thời gian, đã trốn học đi chơi và ngay sáng nay cậu cũng phải đấu tranh mãi mới quyết định đến trường. Trong buổi học cuối cùng đó không khí thật trang nghiêm. Thầy Ha-men đã nói những điều sâu sắc về tiếng Pháp, đã giảng bài say sưa cho đến khi đồng hồ điểm 12 giờ. Kết thúc buổi học, thầy nghẹn ngào không nói nên lời, thầy cố viết thật to lên bảng: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu năm 2021

Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng – mẫu 2

Buổi học cuối cùng kể lại câu chuyện cảm động về một buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng An-dát qua lời kể của cậu học trò Phrăng. Trước giờ học, Phrăng định trốn học vì muộn giờ và không thuộc bài. Trên đường đến trường cậu thấy nhiều điều khác lạ. Khi đến lớp, cậu ngạc nhiên vì thầy Ha-men mặc lễ phục, không nổi cáu khi cậu đến muộn và cuối lớp có cả dân làng ngồi dự. Trong buổi học, khi nghe thầy Ha-men thông báo đây là buổi học tiếng Pháp cuối cùng, Phrăng ân hận, xúc động, nuối tiếc. Trong buổi học kéo dài đến 12 giờ, thầy Ha-men hiện lên thật lớn lao, thầy nghẹn ngào không nói nên lời, thầy cố viết thật to lên bảng: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng – mẫu 3

Câu chuyện về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp đầy xúc động giữa thầy trò và người dân ở vùng đất bị quân Phổ chiếm đóng. Theo lời kể của cậu bé Phrăng ham chơi, không khí của buổi học hôm ấy thật khác lạ, thấm đẫm tình yêu tiếng nói dân tộc.

Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng – mẫu 4

Phrăng là một câu bé ham chơi và chưa chăm học. Một lần, trên đường tới trường quang cảnh khác lạ đã thu hút cậu và khi đến trường thì không khí lớp học bỗng trở nên bình lặng, không ồn ào, hỗn độn như mọi khi, có cả những người dân làng đến tham dự, thậm chí thầy Ha-men không hề tức giận khi Phrăng đi học muộn, những điều này khiến cậu vô cùng ngạc nhiên. Hoá ra đây là buổi học cuối cùng cậu được học tiếng Pháp và cũng là buổi cuối cùng thầy Ha-men dạy học cho lớp bởi có lệnh của Béc-lin là tất cả các trường từ giờ trở đi chỉ được dạy tiếng Đức. Phrăng choáng váng, ân hận vì trước đây mình đã lười học tiếng Pháp. Trong buổi học cuối cùng đó, thầy Ha-men đã nói với tất cả mọi người trong lớp về tiếng Pháp, khuyên mọi người giữ lấy nó bởi “Một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào nắm được chìa khoá chốn lao tù”. Thầy đã cho học sinh tập viết tên quê hương An-dát, Lo-ren. Trong tâm trạng ân hận, Phrăng và cả lớp đã tập trung hết sức vào bài học. Đồng hồ nhà thờ điểm 12 tiếng, tiếng kèn của bọn lính Phổ vang lên. Thầy Ha-men dùng hết sức viết lên bảng bốn chữ “Nước Pháp muôn năm” và kết thúc buổi học trong nỗi xúc động tận cùng.

Xem thêm:  Phân tích 14 câu thơ đầu bài Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga năm 2021

Tóm tắt bài Buổi học cuối cùng – mẫu 5

Câu chuyện được kể bởi Phrăng về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng. Buổi học diễn ra với không khí khác lạ, trang nghiêm và đầy xúc động giữa thầy Ha-men và người dân địa phương.

C/ Hoàn cảnh sáng tác và Giá trị

– Hoàn cảnh sáng tác: Truyện “Buổi học cuối cùng” lấy bối cảnh từ một biến cố lịch sử: Sau cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870-1871, nước Pháp thua trận, hai vùng An-dát và Lo-ren giáp biên giới với Phổ bị nhập vào nước Phổ. Cho nên các trường học ở hai vùng này bị buộc học tiếng Đức. Truyện viết về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng thuộc vùng An-dát.

– Giá trị nội dung: Qua câu chuyện buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng và hình ảnh cảm động của thầy Ha-men, truyện đã thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là tình yêu tiếng nói của dân tộc và nêu chân lí: “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù…”.

– Giá trị nghệ thuật: 

+ Miêu tả nhân vật qua ngoại hình, cử chỉ, lời nói và tâm trạng.

+ Ngôi kể thứ nhất, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, chân thực, hấp dẫn.

Xem thêm:  Phân tích hai khổ thơ đầu bài thơ Mùa xuân nho nhỏ năm 2021

+ Ngôn ngữ tự nhiên với giọng kể chân thành, xúc động.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu