/tmp/acdac.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Tiếng gà trưa Ngữ văn lớp 7, bài học tác giả – tác phẩm Tiếng gà trưa trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Bài thơ tiếng gà trưa được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tiếng gà trưa là âm thanh, là tiếng gọi của quê hương, gia đình, xóm làng còn in đậm trong lòng người lính ra trận, bồi đắp tình yêu quê hương của người lính trẻ.
1. Tác giả
– Xuân Quỳnh sinh năm 1942 và mất năm 1988, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh.
– Quê ở làng An Khê, ven thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).
– Bà là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của Việt Nam, Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị, trong sáng của đời sống gia đình và cuộc sống hàng ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm
2. Tác phẩm
a, Hoàn cảnh sáng tác
Tiếng gà trưa được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Bài thơ được in lần đầu trong tập thơ Hoa dọc chiến hào (1968) của Xuân Quỳnh
b, Bố cục Gồm 3 phần:
Phần 1: Từ đầu đến “Nghe gọi về tuổi thơ”. Những rung cảm ban đầu của cháu khi nghe tiếng gà trưa.
Phần 2. Tiếp theo đến “Đi qua nghe sột soạt”. Tiếng gà trưa gợi về những kỉ niệm tuổi thơ.
Phần 3. Còn lại. Những suy tư của cháu từ tiếng gà trưa.
c, Phương thức biểu đạt
Tự sự, miêu tả kết hợp biểu cảm
d,Thể thơ
– Bài thơ được viết theo thể thơ ngũ ngôn (mỗi câu có 5 chữ).
e, Giá trị nội dung
– Tiếng gà trưa đã khơi gợi những kỉ niệm tuổi thơ và tình cảm bà cháu. Tình cảm gia đình đã góp phần làm cho tình cảm yêu nước trở nên sâu sắc.
f, Giá trị nghệ thuật
– Thể thơ năm chữ diễn đạt tình cảm tự nhiên
– Sử dụng các biện pháp tu từ: nhân hóa, điệp ngữ, ẩn dụ
1. Những rung cảm ban đầu của cháu khi nghe tiếng gà trưa
– Hoàn cảnh: Người cháu đang trên đường hành quân, nhìn thấy xóm làng liền ghé vào nghỉ ngơi.
– Âm thanh: tiếng gà “cục tác cục ta”.
– Tâm trạng: điệp từ “nghe” kết hợp với ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “xao động nắng trưa”, “bàn chân đỡ mỏi”, “trở về tuổi thơ”.
=> Tiếng gà trưa trở thành âm thanh gợi về những kỉ niệm tuổi thơ.
2. Tiếng gà trưa gợi về những kỉ niệm tuổi thơ
– Kỉ niệm tuổi thơ bên người bà lần lượt hiện ra qua dòng hồi tưởng của người cháu:
– Hình ảnh: con gà mái mơ – mình hoa đốm trắng, con gà mái vàng – lông óng như màu nắng. Đó là hình ảnh thân thuộc, gần gũi với nông thôn.
– Kỉ niệm: người cháu tò mò xem gà đẻ trứng, bị bà mắng “Gà đẻ mà mày nhìn/Rồi sau này lang mặt” khiến đứa cháu lo lắng. Đó là những nỗi lo hồn nhiên và rất con trẻ.
– Hình ảnh:
– Bà khum soi trứng, chắt chiu từng quả để đem bán lấy tiền mua quần áo mới cho cháu.
– Mùa đông tới, trời trở lạnh, bà lại lo lắng đàn gà sẽ chết.
=>Thể hiện tình cảm của bà dành cho cháu, một tình cảm yêu thương trìu mến.
3. Những suy tư của người cháu từ tiếng gà trưa
– Ý nghĩa của tiếng gà trưa: mang bao nhiêu hạnh phúc, kỉ niệm về người bà.
– Nghệ thuật điệp từ “vì”:Thể hiện lòng yêu nước, yêu quê hương, tình cảm gia đình
=> Mục đích chiến đấu cao cả, thiêng liêng thể hiện lòng yêu Tổ quốc.