/tmp/ioocr.jpg
Bài văn Thuyết minh về danh lam thắng cảnh quê hương gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.
Đề bài: Thuyết minh về danh lam thắng cảnh quê hương
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã từng nói:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Hai tiếng “Việt Nam” chất chứa hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước để hình thành nên bốn ngàn năm văn hóa, văn hiến của dân tộc. Trong kho tàng văn hóa ấy, một nét đẹp tín ngưỡng tâm linh đã ăn sâu bám rễ trong tâm thức của người Việt đó là tục thờ Mẫu – một loại hình tín ngưỡng thờ Tam Tứ phủ, phản ánh tư duy nông nghiệp lúa nước và hướng tới truyền thống đạo lí tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” đối với các vị anh hùng có công bảo vệ biên cương bờ cõi nước Việt. Và một trong các trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu là ngôi đền linh thiêng cổ kính mang tên “Đền Mẫu Thủy Linh Từ”.
Ngôi đền Mẫu Thủy Linh Từ nằm ở phía Nam Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20km, tọa lạc tại một cánh đồng chiêm trũng Trôi Ao Sen thuộc phủ Hoài Đức xưa, nay là địa phận thuộc thôn Nội – Đức Thượng – Hoài Đức – Hà Nội. Đây là một ngôi đền cổ được bao bọc xung quanh là đầm phá ao sen rộng lớn của hệ thống ven sông Hồng. Qua thời gian năm tháng, được sự bồi tụ của sông mà dần dần hình thành nên đồng bằng ngày nay.
Đền gắn liền với sự tích Mẫu Thủy đền Giẻ Trôi Ao Sen mang đậm màu sắc huyền thoại gắn liền với sự sùng bái tự nhiên ( Mẹ trời, mẹ đất, mẹ nước…) của cư dân nông nghiệp thời thượng cổ. Vào thời Lê Trung Hưng (khoảng đầu thế kỉ XVII) tại làng Nội thôn có một người con gái tính tình thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp tên là Nguyễn Thị Tại, vì mến mộ đức hạnh của nàng mà Nguyễn Như – một chàng trai hào phú cùng làng khôi ngô, tuấn tú đã lấy về làm vợ. Ở đầu làng là một vùng đầm phá ao sen bốn mùa bát ngát, hương thơm ngào ngạt, các thanh niên trai tráng trong làng đều thường ngày ra đây bắt cá làm cơm, lấy nước về ăn… và khi muốn đi chợ phố Bến (chợ Phùng) thì phải đi qua Cống Đá nơi này.
Vào một hôm nọ, nàng cùng ba người bạn đi chợ qua đây thì khi về trời nắng gắt bỗng nổi can qua, trời đất mịt mù, gió xoáy dựng nước thành cột lướt qua đoàn người. Thoáng chống mưa tạnh, trời quang thì nàng biến mất. Hai người bạn sợ hãi chạy về báo tin để cho mọi người đi tìm kiếm. Nhưng tìm mãi, tìm mãi mà không thấy đâu, ai cũng bụng bảo dã chắc nàng đã bị nước dữ cuốn trôi mất.
Ba năm sau, bỗng nàng trở về nhưng lại bụng mang dạ chửa, gia đình chồng và làng xóm xung quanh gặn hỏi nhưng nàng không nói nửa lời. Thấm thoát thời gian qua đi, nàng sinh hạ ra một cái bọc lạ, bên trong là một đôi rắn có mào đỏ, vừa ra khỏi bụng mẹ, đôi rắn lớn nhanh như thổi, dài bằng ba đòn gánh, to như ống trát mạ, ai lấy đều kinh hồn bạt vía. Lúc ấy, nàng mới bộc lộ tâm sự của mình: ngày ấy, vì mến mộ tài sắc Vua Thủy Tề dưới Long cung đã bắt nàng về làm vợ. Sống dưới thủy cung, dù được sống trong cung vàng, điện ngọc, cá tôm hầu hạ nhưng quanh năm thương nhớ chồng con, quê nhà trốn cũ trên trần. Vì thế, vua Thủy Tề đã trả về quê cũ. Trước khi đi, ngài có rặn rằng: “ Trên đó ta có một hành cung tọa lạc trên lưng rùa nổi giữa đầm sen, nay giao cho nàng cai quản; còn mọi điều mắt thấy tai nghe dưới thủy cung không được tiết lộ kẻo rước họa vào thân…”. Nói đoạn, ngài sai Ngư Long rẽ nước đưa nàng trở về quê nhà.
Vừa kể đến đây thì nàng lăn đùng ra chết. Tương truyền là khi được trả về trần gian, nàng đã buộc phải ngậm một chiếc lá thần ở cổ họng, nếu làm lộ chuyện dưới thủy cung thì sẽ chết ngay tức khắc khi dao cứa vào cổ.
Vì cảm thương cho thân phận bất hạnh của một kiếp hồng nhan, làng trên xóm dưới, kể cả chức sắc trong làng cùng làm ma chay cho nàng. Mộ nàng đặt tại xứ Hương Thị bên Đầm Sen, chỉ sau một đêm đã đùn thành một gò lớn, tục gọi là Gò Lăng. Trên mộ có ghi “Thủy thần điểm huyệt” nhắc tới đôi rắn (được gọi là Ông Cộc, ông Dài) đưa đường chọn huyệt táng. Dân làng suy tôn nàng làm Mẫu Thủy và lập đền thờ trên đảo Rùa Nổi quanh năm hương khói phụng thờ.
Lạ thay, dù ngôi đền nằm giữa vùng đầm nước mênh mang nhưng mưa to đến mấy cũng không ngập nổi. Mực nước càng dâng cao bao nhiêu thì ngôi đền và khu Gò Lăng càng nổi lên cao bấy nhiêu. Vì thế, đền Giẻ ( đền Mẫu Thủy) nay còn được gọi là “Đền Bong Bóng”.
Kiến trúc của ngôi đền hiện giờ được xây dựng theo hình chữ “Đinh”. Từ cổng Tam quan đi vào 50m, bên tay trái là Đảo Phật Bà với bức tượng Đức Mẹ Quan Âm Đại Sĩ hiền từ, một tay bấm khuyết cầm cành liễu, một tay cầm bình cam lộ trang nghiêm, thanh tịnh. Vòng qua đảo đi sâu vào trong khoảng 100 bước là tới chính cung, hai bên tả – hữu là gian nhà thờ Thần thổ địa, thần cai quản bản đền. Bên trong nội cung chính là gian thờ Mẫu Thủy (âm đọc chệch là Mẫu Thoải) với đôi câu đối cổ ca ngợi đức hạnh của ngài:
“Quốc sắc khuynh thành thiên hạ hữu
Nữ trung chính trực thế gian vô”
Dịch:
“Người đẹp nghiêng nước, nghiêng thành thì có thừa
Người phụ nữ trung trinh, tiết hạnh thì khó thấy”
Phía bên trái của gian thờ Mẫu là gian thờ Chúa bà sơn trang, cai quản mười tám cửa rừng, mười hai cửa bể với bức đại tự có đề “U hiển sơn lâm” (Rừng núi linh thiêng bí ẩn); bên trái là ban thờ Trần Triều tức Đức vua cha Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – một vị đại tướng lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược với hào khí Sát Thát, Đông A uy dũng bốn phương. Bên trên cửa võng có bức đại tự “Trần Triều hiển thánh”, bên dưới có đôi câu đối:
“Đức đại an dân thiên cổ thịnh
Công cao hiển thánh vạn niên trường”.
Tạm dịch:
“Đức lớn an dân nghìn năm còn mãi
Công cao hiển thánh mãi mãi muôn đời”
Ở giữa ban thờ công đồng Đình thần Tam Tứ phủ là cây hương đá cổ cùng bốn trụ đá được phát lộ năm 1998, có niên đại cách chúng ta ngày nay trên dưới 1000 năm lịch sử.
Lễ hội hằng năm của Đền được tổ chức vào ngày 21 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày Mẫu được trả về trần gian và ngày 22 tháng 8 âm lịch tương truyền là ngày Vua cha Bát Hải Động Đình (tức là vua Thủy Tề) đón Mẫu về làm vợ. Lễ hội được tổ chức trọng thể thu hút hàng trăm, hàng nghìn khách thập phương tứ xứ mọi nơi về lễ bái, hầu đồng lấy lộc cầu may. Các trò chơi dân gian trong lễ hội cũng được diễn ra hết sức sôi động như: kéo co, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu…và đặc biệt là cuộc chơi thi thooirr cơm và hát quan họ trên thuyền rồng. Bởi tương truyền rằng, khi Mẫu được trả về trần gian, vua Thủy Tề đã cho Ngư Long làm hiển hoa thành thuyền rồng, cùng các nàng tiên cá hóa phép làm người cưỡi rồng theo hầu cơm nước và hát tiễn Mẫu lên trần.
Đền Mẫu Thủy Linh Từ là một trong các ngôi đền cổ kính, linh thiếng thờ Mẫu Thoải – một vị Mẫu trong hàng tứ phủ có nhiệm vụ coi sóc, trị thủy miền sông nước. Đây là ngôi đền duy nhất trong các ngôi đền trên cả nước có Lăng mộ Mẫu Thoải và hiện vẫn còn rất nhiều các dấu tích gắn liền với truyền thuyết của Mẫu Thủy vùng Trôi Ao Sen như: Đền thờ, Cống Lửi ( nơi Mẫu bị vua Thủy Tề bắt đi), Gò Dương Vó ( dấu tích của gót ngựa Thánh Gióng đi qua)… Với tất cả những yếu tố trên Đền xứng đáng với danh hiệu “Đệ Tam Quốc Mẫu Linh Từ”, là một trong các trung tâm tâm linh linh thiêng nhất cả nước, chung đúc khí thiêng của ngàn năm văn hóa dân tộc Việt Nam!.
Nhắc đến Quảng Ninh chúng ta không chỉ biết đến một Vân Đồn với những bãi cát trắng trải dài, đầy mộng mơ mà còn nhớ đến một Cô Tô bé nhỏ đẹp đẽ, đầy thơ mộng. Đảo Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh, là địa điểm du lịch nổi tiếng, là nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca của biết bao thế hệ nhà thơ, nhà văn.
Cô Tô là quần đảo nằm ở phía đông của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 47,3km2, dân số ít khoảng hơn 6000 người. Cô Tô ở toạ độ từ 20o10’đến 21o15’ vĩ độ bắc và từ 107o35’ đến 108o20’ kinh độ đông cách đất liền 60 hải lý. Huyện đảo Cô Tô gồm 30 đảo lớn nhỏ, trong đó trung tâm là đảo Cô Tô Lớn và đảo Thanh Luân.
Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng) được thành lập đã được hàng trăm năm. Đây vốn là nơi trú ngụ của nhiều thuyền bè, nhưng không có dân cư sinh sống vì bị nhiều toán cướp người Trung Quốc quấy phá. Bởi vậy, dưới đời nhà Nguyễn, vào năm 1832 Nguyễn Công Trứ đã xin với triều đình cho lập làng xã ở nơi đây và cắt cử người cai quản. Đảo Cô Tô chính thức được thành lập từ đó.
Địa hình của Cô Tô chủ yếu là đồi núi. Đỉnh giáp Cáp Cháu cao 210m, đỉnh đài khí tượng trên đảo chính cao 160m. Phần giữa các đảo đều là đồi núi nhô cao, vây quanh chúng là những núi thấp như những cây nấm nhỏ và những cánh đồng hẹp, ven đảo là những bãi cát và vịnh nhỏ đặc trưng của địa hình đảo. Sông suối trên đảo Cô Tô rất ít, chúng đã được cải tạo, đắp đập thành 11 hồ nhỏ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Bù lại nguồn nước ngầm trên đảo rất phong phú, và có chất lượng tốt an toàn cho sức khỏe của người dân.
Về tự nhiên trên đảo Cô Tô cũng khá phong phú, với các cánh rừng tự nhiên đa dạng, có nhiều loại gỗ quý, đem lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra trên đảo còn trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt, chuối,… từ lâu đã trở thành sản vật nông sản nổi tiếng. Bên cạnh đó cũng cần kể đến những loại dược liệu quý hiếm như hương nhu, sâm đất, thầu dầu tía,… Các loại động vật, đặc biệt là hải sản rất phong phú như tôm, cá, mực, tu hài, ốc móng tay…
Đảo Cô Tô đem lại nhiều giá trị về kinh tế, văn hóa. Trước hết Cô Tô có nhiều loại hải sản quý, đem lại giá trị kinh tế cao như: cầu gai, cá hồng, cá song, cá chim, ghẹ, tu hài, bề bề, tôm nõn, cá thu một nắng,… đặc biệt mực một nắng Cô Tô, với hương vị thơm ngon, hấp dẫn mà không có ở bất cứ nơi nào khác. Không chỉ vậy, đến với nơi đây các bạn còn được thưởng thức món bào ngư, món ăn đắt đỏ, với giá trị dinh dưỡng cao và là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người.
Ngoài ra còn phải kể đến giá trị to lớn về mặt du lịch của Cô Tô. Đến với huyện đảo Cô Tô hẳn các bạn sẽ bị hớp hồn bởi vẻ đẹp thiên nhiên nơi đây, những bãi cát trải dài, trắng mịn hòa cùng màu nước biểu xanh ngắt, chắc chắn sẽ là nơi nghỉ dưỡng tuyệt vời cho cả gia đình bạn. Ở đây có nhiều bãi tắm nổi tiếng như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải,… mỗi bãi tắm lại mang những vẻ đẹp riêng: bãi Bắc Vàn có nhiều sao biển, muốn ngắm những vách núi lạ, độc đáo bạn có thể đến bãi Cầu Mỵ. Tuy nhiên, đẹp nhất phải kể đến bãi Hồng Vàn với cát biển trắng mịn trải dài, biển sạch, không có rác bẩn và bãi cát phẳng lì, là nơi tắm biển và ngắm hoàng hôn lí tưởng trên đảo. Nếu muốn hưởng thụ cảm giác thanh bình, riêng tư bạn có thể đến Cô Tô con, đảo Cô Tô con cách Cô Tô lớn chỉ khoảng 15 phút đi tàu. Không chỉ vậy, đến với Cô Tô ta còn bị ấn tượng bởi ngọn hải đăng cao vút được xây dựng cuối thế kỷ XIX, hiện đang hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời. Đây cũng là điểm tham quan hấp dẫn nhiều du khách. Từ đỉnh của ngọn hải đăng, bạn có thể phóng tầm mắt, ngắm toàn cảnh Cô Tô. Lúc này con người được hòa vào thiên nhiên một cách tuyệt đối, với cái mặn mòi của gió biển, nắng vàng óng như mật ong, mắt nhìn ra bốn phía là biển cả và đất trời bao la.
Ngoài những giá trị về mặt kinh tế và du lịch, vẻ đẹp nên thơ của Cô Tô còn là nơi khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật cho biết bao nghệ sĩ. Ta có thể nhắc đến bài kí Cô Tô nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân. Với những cảm nhận vô cùng tinh tế, ngòi bút tài hoa như có thần đã vẽ nên một Cô Tô ngập đầy sức sống: “Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông”.
Cô Tô quả là một kì quan đẹp đẽ của nước ta. Với biết bao hòn đảo lớn nhỏ ở Việt Nam, nhưng Cô Tô lại mang vẻ đẹp độc đáo, không hòa lẫn. Vừa có nét cứng cỏi của những dãy núi, lại có nét mềm mại của những bãi cát dài, những con sóng ngày đêm vỗ. Chính điều ấy đã làm nên vẻ đẹp riêng biệt cho Cô Tô, khiến ai đến nơi đây một lần cũng phải nhớ mãi.