/tmp/pxdbm.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Thuyết minh, Giới thiệu về một loài hoa gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
Hoa Ly là một loài hoa rất được ưa chuộng trên toàn thế giới bởi mùi hương và những ý nghĩa mà chúng mang lại. Nhưng không phải ai cũng hiểu được cặn kẽ về loài hoa này về ý nghĩa và lịch sử phát triển lâu dài của chúng. Vì vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về hoa Ly nhé! Vậy hoa Ly có nguồn gốc từ đâu?
Trung Quốc là nước trồng hoa Lily sớm nhất từ hàng trăm năm trước. Trong tài liệu cổ “Thần nông bản thảo” thì củ Lily có tác dụng thanh phế, nhuận táo, tư âm, thanh nhiệt. Vì vậy, từ lâu củ Lily ngoài tác dụng làm giống còn được dùng để ăn, làm thuốc chữa bệnh… Ban đầu, hoa Ly được trồng để lấy củ ăn, bắt đầu từ đời nhà Đường (Trung Quốc), nhưng vẻ đẹp và mùi hương quyến rũ của chúng đã được khẳng định qua những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của Lily thời nhà Đường, nhà Tống qua các nhà thơ nổi tiếng. Vì thế, hoa Ly không chỉ được mọi người ưa chuộng về củ của chúng mà người ta còn thích thưởng thức vẻ đẹp của Lily.
Mặt khác, quá trình phát triển của hoa Ly cũng hết sức lâu dài. Cuối thế kỉ 16, các nhà thực vật học Anh đã phát hiện và đặt tên cho các giống Lily. Đầu thế kỉ 17 Lily được mang từ châu Âu đến châu Mỹ. Tiếp đến, sang thế kỉ 18 các giống Lily của Trung Quốc được mang sang châu Âu, do vẻ đẹp và mùi thơm hấp dẫn nên cây Lily đã nhanh chóng phát triển và được coi là cây hoa quan trọng của châu Âu, châu Mỹ. Đây là bước đầu cho thời kì hoa Ly được biết đến rộng rãi và được ưa chuộng trên toàn Thế Giới.
Vào cuối thế kỉ 19, bệnh Virut ở Lily lây lan mạnh, tưởng chừng cây Lily sẽ bị huỷ diệt. Đến đầu thế kỉ 20, khi người ta phát hiện ra giống Lily thơm ở Trung Quốc (L. regane) có khả năng chống chịu tốt với bệnh virut, giống này được nhập vào châu Âu và chúng đã được dùng vào việc lai tạo giống mới để tạo ra rất nhiều giống có tính thích ứng rộng, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cây Lily lại được phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, các giống hoa Ly rất đa dạng và phân bố khắp nơi trên Thế Giới.
Hiện nay, các giống hoa Ly rất đa dạng và phân bố khắp nơi trên Thế Giới. Một một hoa Ly trưởng thành có bảy bộ phận chính là rễ, thân, lá, hoa, củ, quả và hạt. Về phần rễ, hoa Ly có hai loại: rễ củ để hút nước và chất dinh dưỡng cho củ và rễ thân để nâng đỡ, hút nước và chất dinh dưỡng cho cây sinh sống. Củ của hoa ly nằm dưới mặt đất, nhiều lớp vải bên ngoài củ bọc lại thành lớp thân vảy. Ở thân chính của cây, thân trên mặt đất mang lá và hoa, phần dưới mặt đất mang rễ thân và củ con. Chiều cao thân chủ yếu quyết định bởi chiều dài đốt.
Trong điều kiện ánh sáng yếu, ngày dài, nhiệt độ thấp và xử lý trước khi bảo quản lâu đều có tác dụng kéo dài đốt thân. Ngược lại ánh sáng mạnh, ngày ngắn, nhiệt độ cao lại ức chế đốt kéo dài. Về phần lá, hoa ly có nhiều hình dạng lá khác nhau như hình mũi mác, hình oval, hình elip, hình trứng hoặc thuôn dài hoặc tròn dài… lá không có cuống hoặc cuống ngắn tùy thuộc vào từng giống, nhóm giống. Phần hoa, phần quan trọng nhất làm nên vẻ đẹp quyến rũ của chúng có màu sắc đa dạng, phong phú, có loại có hương thơm, loại không có hương thơm.
Hoa của hoa ly cũng có nhiều dạng khác nhau, chủ yếu là 3 dạng chính: Hoa hướng trên, hoa quay ngang và hoa rủ xuống. Hoa có 6 nhị dài, một nhụy chia làm 3 thuỳ, bầu hoa hình trụ. Quả ly có chiều dài từ 5 – 7m, bên trong có 3 ngăn, mỗi quả có vài trăm hạt. Khi chín, quả tự nứt ra thành 3 khía dọc theo quả và phóng thích hạt ra ngoài. Hạt dẹt, xung quanh có cánh mỏng, hình bán cầu hoặc 3 góc, bên trong hạt có chứa phôi. Khi gieo sẽ nảy mầm thành cây mới. Tất cả những thành phần này đã góp phần tạo nên một cây hoa Ly tuyệt đẹp, làm cho bất cứ ai cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Hoa Ly phát triển mạnh mẽ trên đất thoát nước tốt, đất ẩm có axit nhẹ như đất hữu cơ làm từ mùn, đất tự nhiên. Nhiệt độ thích hợp để cây phát triển ban ngày là 20 – 25 độ C, ban đêm là 12 – 15 độ C. Ngoài ra, các giống lai phương Đông thời kỳ đầu thích hợp với nhiệt độ ban ngày 25 – 28 độ C, ban đêm 18 – 20 độ C. Dưới 18 độ C cây sinh trưởng kém, hoa dễ bị mù. Lily ưa cường độ ánh sáng ở mức trung bình, từ 12 – 15 nghìn lux. Vào mùa hè, nhóm lily châu Á và lily thơm cần che bớt 50% ánh sáng, nhóm phương Đông thì 70% ánh sáng.
Lily thích không khí ẩm ướt, độ ẩm thích hợp nhất là 80 – 85%, vào thời kì đầu nên tưới nhiều nước, đến thời kì ra hoa cần giảm lại. Khi trồng cần nhớ phải luôn giữ ẩm cho đất. Khi chăm cây,cần tưới ở phần gốc, tránh làm lá và nụ bị ướt. Ngoài ra cần sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho ly với chế độ tưới 30 phút/ngày. Việc bón phân cho hoa cũng cần tiến thành kịp thời, bạn dùng phân hữu cơ (NPK, lân) để bón từ khi cây được 20 ngày đến khi cây nở hoa với tần suất 10 ngày/lần. Hỗn hợp phân hòa với nước đem tưới đều lên cây, sau đó đem tưới lại bằng nước để rửa phần còn bám trên lá.
Bông hoa ly vừa có hương thơm, vừa có vẻ đẹp quyến rũ , có thể tận dụng trong trang trí, làm quà tặng lại có lịch sử lâu đời. Vì vậy, chúng trở thành một phần quan trọng trong đời sống của người Việt nói chung và toàn Thế Giới nói riêng bởi những câu chuyện, những biểu tượng đằng sau những bông hoa Ly.
Thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất hình chữ S nhiều điều kì diệu và tuyệt vời. Có lẽ một trong những điều tuyệt vời nhất mà thiên nhiên ban tặng cho dân tộc ta đó là hoa sen – loài hoa đã gắn bó với người dân Việt Nam từ bao đời nay, một loài hoa bình dị mà thiêng liêng đã trở thành một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.
Hoa sen có nguồn gốc ở Châu Á, xuất phát từ Ấn Độ. Chẳng ai biết nó ra đời chính xác vào thời điểm nào, chỉ biết rằng nó là loại hoa có truyền thống lâu đời nhất ở phương Đông, nắm giữ một vị trí cổ xưa và quan trọng trong tất cả các nền văn hoá và đặc biệt của Phật giáo. Trong thời kì cổ đại, hoa sen là loài hoa mọc phổ biến dọc bờ sông Nin (Ai Cập) cùng với loài hoa súng có quan hệ gần gũi, mang cái tên: hoa sen xanh linh thiêng sông Nin. Và ở Việt Nam, nó trở thành một biểu tượng cao quý từ ngàn đời.
Hoa sen là một loài hoa rất quen thuộc và gần gũi với người dân Việt Nam. Hoa sen đẹp – một nét đẹp dung dị mà đặc biệt. Cánh hoa thon dài với những màu sắc tươi sáng, thường là trắng hay hồng nhạt, sờ vào rất mịn màng, êm tay. Màu sắc của cánh sen đậm dần từ trong ra ngoài. Bông sen khi chưa nở khép vào đầy e lệ như người con gái đang độ xuân thì. Khi hoa nở, những cánh hoa xoè rộng rực rỡ. Chính những cánh, nhuỵ đã tạo nên hình dáng một bông sen thanh thoát, nhã nhặn. Sen được đỡ bằng một cuống dài, giúp nó nổi lên khỏi mặt nước. Khi sen đã già, nhị đã tàn có thể thấy rõ bát sen với những hạt sen lớn bằng đầu ngón tay. Thân sen được cấu tạo rất đặc biệt, bẻ đôi thân sen sẽ thấy hai nửa thân còn được nối với nhau bằng những sợi tơ dài. Chính đặc điểm đó của sen đã gợi hứng để đại thi hào Nguyễn Du viết nên câu thơ tuyệt bút: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Bởi vậy, sen còn là biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt. Lá sen có hình tròn màu xanh thẫm, to và rộng. Trên bề mặt phủ một lớp nhung trắng óng ánh li ti mỗi khi đón nắng về.
Hoa sen có nhiều loại đó là sen hồng, sen đỏ, sen xanh và sen trắng trong đó có hai loại phổ biến là: hoa sen trắng và hoa sen hồng. Mỗi loài sen lại mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Hoa sen hồng là hoa sen tối cao và được coi là hoa sen đích thực của Đức Phật. Hoa sen đỏ tượng trưng cho trái tim, tình yêu nguyên thủy và sự từ bi. Với sen trắng, người ta dễ dàng cảm nhận được nét bình dị, thanh cao, thuần khiết, phảng phất cả nét tôn nghiêm. Màu trắng của hoa sen chính là biểu tượng cho sự thuần khiết, thanh cao. Nếu sen trắng tượng trưng cho sự trong sáng, sự thuần khiết của tâm hồn thì sen xanh lại mang đến ý nghĩa về sức mạnh của ý chí, nghị lực kiên cường và niềm tin bất diệt. Nó cũng là biểu tượng của tự do, bình đẳng và bác ái.
Sen có rất nhiều công dụng, sen chính là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Trước tiên hoa sen có tác dụng để trang trí. Hoa sen được cắm vào những chiếc bình xinh xắn là vật trang trí trong nhà rất đẹp. Bên cạnh đó từ sen, ta có thể chế biến nhiều thực phẩm bổ dưỡng, nhiều loại thuốc đặc trị và hữu dụng. Hạt sen nhỏ, có màu trắng, vừa có thể làm một món ăn dân giã, vừa là một vị thuốc chữa chứng bệnh mất ngủ, suy nhược thần kinh. Tâm sen màu xanh, nằm giữa hạt sen, thường được dùng để ướp trà, tạo nên hương vị rất đặc biệt. Còn ngó sen không những ăn ngon miệng mà còn có tác dụng chữa các bệnh về gan. Vào những dịp lễ tết, mứt sen và trà sen lại là một bộ đôi không thể thiếu trên bàn tiếp khách của nhiều gia đình. Lá sen dùng để bọc cốm một món ăn yêu thích của nhiều người. Không chỉ có công dụng trong đời sống thường ngày, sen còn mang ý nghĩa, vai trò quan trọng trong văn hoá tinh thần của người Việt. Ở nước ta, sen được xếp vào bộ tứ quý: lan, sen, cúc, mai và đứng vào hàng “tứ quân tử” cùng: tùng, cúc, trúc. Sen chính là một biểu tượng đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam.
Sen như vậy đấy, giản dị mà thanh cao, nguyên sơ mà cao quý. Tôi tin rằng dù mai sau mọi vật có đổi thay như thế nào chăng nữa, sen vẫn giữ được những vẻ đẹp thuần khiết, toả hương thơm ngát giữa cuộc đời…
I. Mở bài
– Dẫn dắt, giới thiệu về hoa sen/bông sen (loại hoa quen thuộc, đẹp, hương thơm…).
II. Thân bài
1. Khái quát chung về hoa sen
– Loài: thực vật thủy sinh, thân thảo, sống lâu năm.
– Môi trường sống: ao, hồ, thích nghi và phát triển ở Australia và phía nam châu Á.
– Phân loại: có nhiều loại trên thế giới nhưng phần lớn đã tuyệt chủng, còn lại phổ biến là hai loại: sen trắng, sen hồng.
– Phương pháp gieo trồng: bằng hạt, bằng thân rễ.
– Khả năng chịu rét cao.
2. Đặc điểm về hoa sen
– Rễ: mọc sâu trong lớp bùn ao, hồ, có thể kết thành củ sen.
– Thân: màu xanh, có nhiều gai nhỏ, giòn, có thể dài đến 1.5 mét.
– Lá: màu xanh, khá tròn, đường kính lớn, mọc nổi trên mặt nước hoặc cao khỏi mặt nước…
– Hoa: hoa to, mọc trên cuốn cao hơn mặt nước, nhiều cánh, cánh xếp chồng nhiều tầng quanh đài, màu sắc tùy loại (chủ yếu màu trắng, hồng), mềm mại…
– Đài: màu xanh, chứa nhiều hạt…
3. Vai trò của hoa sen
– Làm đẹp, trang trí cho khuôn viên, nội thất…
– Hầu hết các bộ phận của sen đều có thể góp phần tạo thành các vị thuốc.
– Lá sen có thể dùng trong ẩm thực: gói thực phẩm, tăng mùi thơm cho các món cơm, gạo nếp…
– Cánh hoa, tim sen, nhụy hoa sen đều có thể sấy khô hoặc ướp hương pha trà.
– Hạt sen là một loại thực phẩm bổ dưỡng có thể ăn sống, nấu chín, làm mứt…
– Ngó sen, củ sen đều là nguyên liệu cho các món ăn ngon, giàu dinh dưỡng.
4. Ý nghĩa hoa sen
– Sen là loài thực vật cung cấp nhiều nguyên liệu có ích cho cuộc sống.
– Là quốc hoa tượng trưng cho nét đẹp thanh tao, thuần túy của dân tộc Việt Nam.
– Một trong những biểu tượng của tôn giáo, tín ngưỡng.
III. Kết bài
– Nêu suy nghĩ, nhận định cá nhân về hoa sen, bông sen (loài cây có ích, mang nhiều ý nghĩa…).
– Đưa ra lời khuyên, lời kêu gọi (bảo vệ, gìn giữ…).
Trong thế giới của những loài thực vật, mỗi loại hoa, mỗi cành cây, nhánh cỏ lại mang những vẻ đẹp riêng, ý nghĩa riêng mà chúng ta không phải ai cũng biết được điều đó. Mỗi loại cây, hoa lại thể hiện những ý nghĩa riêng. Có những khi, chúng ta tặng cho nhau bó hoa để thay cho lời mình muốn nói. Và đối với em, em yêu nhất là những bông hoa cúc – loài hoa tượng trưng cho sự cao thượng và hoa cúc cũng được coi là hình ảnh đại diện mỗi khi chúng ta nhắc tới mùa thu.
Mùa thu tới mang theo những cơn gió heo may, cái lành lạnh của mùa thu mang tới bên khung cửa cũng là lúc chúng ta lại tìm những cánh hoa cúc nhỏ xinh về bên mình như một nét đẹp mà chỉ mùa thu mới có. Cúc được coi là một trong từ bình: Mai – trúc – cúc – tùng. Đây không chỉ là những hình ảnh đại diện cho bốn mùa mà còn là hình ảnh tượng trưng cho cốt cách của những con người thanh cao.
Hoa cúc tại sao lại nằm trong tứ bình? Đó là bởi vì hoa cúc không chỉ là loài hoa tượng trưng cho mùa thu mà hoa cúc còn tượng trưng cho sự vĩnh cửu, sự trường thọ mà biểu đạt cho ý nghĩa trên chính là những bông cúc trường thọ. Theo quan điểm của nhân dân, những bông hoa cúc khi bị khô héo đi, chúng chỉ bị lụi tàn ở trên cây chứ không bao giờ rụng xuống dưới mặt đất, cũng giống như hình ảnh của những người chính nhân quân tử chỉ có thể chết đứng trong sự ngay thẳng chứ không bao giờ chịu sự chèn ép, chết không được trong sạch. Bởi vậy nên cúc đã là hiện thân của người quân tử trong lòng những người yêu thiên nhiên và muốn tìm cho mình những ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Còn theo quan niệm của dân gian, chắc hẳn chúng ta cũng đã từng nghe sự tích về cây hoa cúc. Cây hoa cúc cũng thể hiện sự hiếu thảo, báo đáp công ơn của cha mẹ, mỗi cánh hoa là mỗi ngày người mẹ được sống. Với những bông cúc có vô ngàn những cánh hoa nhỏ xinh như vậy thì điều đó cũng có nghĩa là cha mẹ của chúng ta cũng sẽ luôn được hạnh phúc, trường thọ.
Những bông hoa cúc tuy được coi là đại diện, là hình ảnh của mùa thu, thế nhưng, chúng vẫn có thể nở quanh năm. Có rất nhiều những loại hoa cúc trong thế giới hiện nay. Nào là hoa cúc vàng, hoa cúc trắng, cúc vạn thọ, cúc tím. Với những người yêu hoa thì mỗi loại hoa cúc lại mang những ý nghĩa riêng biệt không giống nhau. Có lẽ chúng ta sử dụng những bông cúc có màu vàng nhiều nhất bởi màu sắc rực rỡ của nó. Màu vàng là màu tượng trưng cho tuổi trẻ, cho những khát vọng mãnh liệt của mỗi chúng ta. Cũng gần giống như những bông hoa cúc vàng, những bông hoa cúc trắng cũng mang trong mình vẻ đẹp riêng. Phía trên cùng là những cánh hoa nhỏ li ti xếp chồng lên nhau, mang trong mình mùi thơm thoang thoảng, đầy ý nhị. Không phô trương như những bông hoa hồng rực lửa, cúc chỉ có sự nhẹ nhàng, đằm thắm như hình ảnh của những người phụ nữ dịu dàng. Phía dưới là những đài hoa xanh biếc nâng đỡ những cánh hoa bên trên. Chúng như bàn tay nhỏ bé, nâng niu từng cánh hoa giúp cho chúng có thể bám vào nhau, tạo nên vẻ đẹp của những bông cúc trong nắng nhẹ của những ngày thu – nhất là những ngày thu của tiết trời Hà Nội.
Cúc thường mọc thành từng cụm, những bông cúc thường có thể tươi trong nửa tháng mới tàn, thế nhưng chỉ vài ngày sau, những nụ hoa cúc đã bắt đầu nở rộ ở những nhánh bên cạnh. Vào những lúc như thế này, sức sống của những bông cúc mới mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hay như những bông cúc trường tho, chúng gây nổi bật bởi hình dáng của mình. Chúng là những bông hoa to bằng cái bát ăn cơm, bông hoa nở rộ lên, mang ý nghĩa của sự vĩnh cửu. Có lẽ vì vậy mà những bông cúc trường thọ cũng được nhiều người ưu ái hơn so với những bông cúc khác. Chúng rất hay được mua trong những ngày lễ quan trọng như ngày cha mẹ hay ông bà trong những ngày mừng thọ.
Chính bởi những ý nghĩa như trên mà những bông hoa cúc được coi là một trong những hình ảnh được nhiều thi sĩ lấy đó làm chủ đề cho những sáng tác của mình. Những bài thơ về hoa cúc có lẽ chỉ đứng sau hoa hồng mà thôi. Những người yêu thơ có lẽ biết rất nhiều những bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của hoa cúc như:
Trăm hoa đua nở, vắng ngươi hoài!
Trăm hoa tàn rồi mới thấy ngươi
Tháng rét một mình, thưa bóng bạn
Nhị thơm chẳng rữa, chạnh lòng ai
Nhấp nhô lưng giậu, xanh chồi trúc
Óng ả đầu hiên ướt ngọn mai
Cất chén mỉm cười, vừa ý tớ
Bõ công vun xới đã lâu ngày
(Cúc – Nguyễn Khuyến)
Cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, nhà nhà lại nô nức chuẩn bị bao thức vật thơm ngon, đẹp để cho dịp Tết trọng đại trong năm này. Và giữa bao nhiêu bánh trái, đồ đạc,… mới mẻ, sặc sỡ, một cành đào tươi tắn rực rỡ vẫn được chờ đợi, ngóng trông nhất.
Hoa đào là loài hoa đặc trưng cho cái Tết và mùa xuân miền Bắc Việt Nam. Hoa đào được trồng ở hầu hết các tỉnh miền Bắc: Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Nội,… Nhưng đẹp nhất, được yêu thích nhất vẫn là hoa đào Nhật Tân, Hà Nội. Gọi là hoa đào Nhật Tân vì giống hoa ấy được trồng ở làng Nhật Tân – một vùng đất ven sông Hồng của Hà Nội.
Hoa đào cũng có nhiều loại: đào bích, đào phai, đào bạch,… Trong đó, đào bích phổ biến hơn cả. Đó là loại đào mau cánh, cánh màu đỏ thắm. Đào phai thì nhạt hơn, sắc đã ngả sang hồng. Riêng đào bạch thì đúng như tên gọi, cánh hoa có màu trắng; đây là loại hoa đào rất hiếm và khó trồng.
Hoa đào ưa đất phù sa ven sông và thích hợp với khí hậu ấm áp của mùa xuân. Đó là lí do để cứ mỗi khi Tết đến, xuân về hoa đào lại tưng bừng khoe sắc. Không chỉ vậy, họa còn rất kén chọn cách chăm sóc, tưới bón. Tưới nước cho hoa đào phải tưới bằng nước sạch, nếu sử dụng nước bẩn bị ô nhiễm, đào nở hoa không đều và không đẹp. Hơn nữa, muốn hoa nở đúng dịp Tết phải biết cách tuốt lá đào vào dịp cuối năm.
Tuỳ theo tuổi đời, chủng loại và cách chăm bón của người trồng đào mà một cây đào có thể rất nhỏ hoặc rất rất lớn. Loại nhỏ nhất có thể cao vài chục xen-ti-mét, loại lớn nhất có thể cao đến vài mét. Đào là giống cây rễ cọc nên có một thân chính lớn và rất nhiều cành nhỏ vươn ra từ đây. Thân và cành đào dược bao bọc bởi một lớp vỏ màu nâu xám. Từ hàng chục cành nhỏ lại nhú ra các lá đào xanh non và dưới mỗi lá là một nụ đào nhỏ xíu có một lớp lóng phân trắng phủ ngoài. Đến đúng dịp, từ mỗi nụ nhỏ xinh xắn, một bông hoa đào đỏ thắm ngơ ngác xoè cánh nhìn cuộc sống. Hoa đào có năm cánh thắm, ở giữa là nhị hoa màu vàng tươi trông rất bắt mắt; cả cánh hoa và nhị hoa lại được nâng đỡ bởi sắc xanh non của đài hoa nên một bông hoa đào là một hình ảnh hài hoà về màu sắc.
Hoa đào chỉ nở một lần trong năm vàọ dịp đầu xuân, chính đặc điểm này cùng với màu đỏ thắm của cánh hoa được con người trân trọng. Bởi màu đỏ là màu của điềm lành, của sự may mắn. Và hoa đào nở vào dịp đầu xuân giống như lời chúc cát tường, thịnh vượng cho mọi gia đình. Cùng với màu sắc của hoa, hình dáng cây hoa cũng là một đặc điểm quan trọng. Thông thường, các cành đào vươn lên khiến cây giống như một chùm đèn lồng xoay ngược hay một li rượu vang lớn. Nhưng người trồng đào hoàn toàn có thể tạo “thế” cho cây bằng cách uốn, tỉa thân, cành. Thân chính của cây được tạo dáng sao cho uốn lượn theo hướng vươn lên giống hình ảnh con rồng bay lên trời xanh. Hoặc có thể được uốn tỉa theo hình các con vật; rất phong phú đa dạng. Muốn cây đào có được vẻ xù xì, cổ kính mà không bị cổng kềnh, cao to, người trồng đào thường chọn những cây già rồi cắt gần sát gốc để từ cái gốc cổ thụ ấy lại vươn ra những thân đào khác… Thế mới biết, nghề trồng đào – chơi đào cũng lắm công phu.
Vào ngày Tết, cây đào được đặt ở vị trí trung tâm trong phòng khách, kiêu hãnh khoe cái vẻ tươi tắn rực rỡ của mình. Nhiều gia đình còn treo lên cành cây những phong bao lì xì, những vật trang trí vô cùng bắt mắt. Mỗi lần gió xuân đi qua, những vật nhỏ xinh ấy lại quay tròn ríu rít vỗ tay mừng hoa đào đã nở.
Cây hoa đào với những đặc điểm đáng quý của mình đã được con người Việt Nam trân trọng và nâng niu như thế. Và mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng người lại háo hức với niềm vui được chờ đón hoa đào nở, được chờ đón một năm mới an lành, hạnh phúc.
Hoa hồng xuất hiện trên trái đất từ lâu đời, có xuất xứ từ các vùng ôn đới và á nhiệt đới phía Bắc bán cầu. Ở nước ta, hoa hồng được trồng khắp nơi, từ miền núi, trung du cho đến đồng bằng châu thổ. Là một loài hoa toàn bích vừa có màu sắc rực rỡ, vừa có hương thơm quý phái nên hoa hồng được nhiều người ưa chuộng, nâng niu. Vì thế, nó trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày.
Nhiều giống hoa hồng có nguồn gốc địa phương, một số có nguồn gốc từ Trung Quốc và các nước châu Âu. Phổ biến là hoa hồng đỏ, cây thấp cành mềm, mọc thành từng bụi. Hoa ít cánh, màu đỏ tươi, nở quanh năm, thường được trồng trong chậu, trong bồn trước cửa nhà.
Hoa hồng quế mọc thành chùm ở đầu cành, bông nhỏ màu đỏ cờ, nhụy vàng tươi, hương thơm ngát. Các bà, các chị hay dùng hoa hồng quế để dâng cúng Phật vào dịp ngày rằm, mùng một Âm lịch.
Hồng bạch tuyền hoa màu trắng, cánh nhiều tầng nhưng mỏng và mềm, hương thơm dịu, dùng để trang trí phòng khách rất sang. Cánh hoa chưng với mật ong và trái quất làm thuốc chữa ho cho trẻ con rất tốt.
Hồng bạch văn khôi bông lớn hơn, cánh trắng phớt hồng, cây cao trung bình, có sức chịu đựng rất dẻo dai.
Hoa hồng nhung bông lớn, cánh đỏ sẫm, lâu tàn, hương thơm ngát, rất quý.
Các loại hoa hồng kể trên xuất hiện từ nông thôn đến thị thành, được trồng nhiều ở các công viên, thu hút sự say mê của du khách. Tuy vậy, người yêu hoa hồng không thể bỏ qua hoa hồng dại, còn gọi là tầm xuân, cây nhỏ, cành mềm, mọc lan khắp chốn. Bông hồng dại mọc thành chùm chỉ chít, xinh xắn, dễ thương vô cùng! Những bụi hồng dại nở trên tường rào, điểm xuyết nét thơ mộng, thanh bình cho ngôi nhà, góc phố thân yêu.
Trong những năm gần đây, các giống hoa hồng nhập vào nước ta được trồng theo quy trình kĩ thuật hiện đại trong các nhà kính ở Đà Lạt. Hoa hồng Hà Lan màu đỏ sậm, màu vàng cam, hoa hồng Pháp màu vàng tươi, mọc đơn từng bông, cánh dày, tươi lâu, có thể vận chuyển đi xa, rất thích hợp với nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của nhân dân các thành phố lớn.
Cây hoa hồng tương đối dễ trồng, dễ thích nghi với các vùng khí hậu khác nhau. Hoa hồng trồng theo cách chiết và giâm cành. Chọn cành mập mạp, không già không non, bóc một khoanh vỏ rồi đắp bùn trộn lẫn phân mùn xung quanh, bó chặt, tưới nước hằng ngày, đợi đến khi đâm rễ thì cắt đem trồng. Một thời gian sau, khi cành chiết đã đâm nhánh thì bón thúc cho cây phát triển.
Hoa hồng ưa ánh sáng, cần độ ẩm vừa đủ. Tuy vậy, cây hoa hồng hay bị các loại sâu phá hoại như sâu đục thân, sâu róm, sâu tơ ăn lá. Cho nên người trồng phải thường xuyên phun thuốc, bắt sâu, tỉa bớt lá già để cho cây xanh tốt. Mỗi năm, cần đốn bớt một lần. Vài năm đốn đau (gần sát đất) một lần cho cây trẻ lại.
Cây hồng đang độ trổ hoa, ở đầu mỗi cành có nhiều nụ lớn bằng đốt ngón tay, được bao bọc trong một lớp đài hoa màu xanh nhạt. Những nụ chị, nụ em chi chít, âm thầm chuẩn bị đến ngày khoe sắc, khoe hương. Nụ hoa uống sương đêm và tắm ánh nắng mai, từ từ hé nở. Những cánh hoa đỏ thắm, trông đáng yêu vô cùng! Khi hoa nở khoe nhuỵ vàng tươi, toả hương thơm ngát, quyến rũ bướm ong. Những cánh hoa xinh xinh đáng yêu như đôi môi em bé.
Cây hoa hồng ra hoa quanh năm nhưng nở rộ nhất là vào mùa xuân. Sáng sớm, đứng ngắm những bông hồng mới nở, cánh đọng sương sớm long lanh, hương bay phảng phất, ta sẽ thấy lòng phơi phới một cảm xúc yêu đời. Tuổi trẻ mượn hoa hồng để bày tỏ tình yêu nồng nàn, tha thiết. Hoa hồng được tôn vinh là nữ hoàng của các loài hoa – mãi mãi làm đẹp cho cuộc sống của con người.
Người Việt nam vốn rất yêu thích hoa, trong các loài hoa thì hoa đào và hoa mai được nhiều người yêu thích trong dịp Tết đến xuân về. Cũng như hoa đào, hoa mai đã đi sâu vào đời sống tâm hồn của con người Việt Nam như một phần máu thịt.
Nếu như hoa đào gắn bó với người miền Bắc thì hoa mai lại gắn bó với người miền Nam. Mai có khắp mọi nơi từ Huế đến mũi Cà Mau. Hoa mai thuộc dạng dễ tính dù đất cát khô cằn hay đất đồi sỏi đá mai vẫn sinh trưởng bình thường.
Mai có hai loại là mai tứ thời và mai Tết. Mai tứ thời cho hoa suốt bốn mùa, cái tên tứ thời có lẽ vì lý do đó. Ngoài màu vàng đặc trưng thỉnh thoảng hoa mai điểm thêm vài bông màu đỏ cũng khá dễ thương. Mai Tết cả năm cho hoa đúng vào dịp Tết, hoa nở rực rỡ cả cây, cũng vì thế mà nhiều người bắt đầu chơi mai khi tết sắp về. Thông thường mai được trồng trong chậu để dễ dàng di chuyển đến vị trí cần thiết, nhưng có nhiều gia đình trồng mai trước cửa nhà và cho hoa quanh năm.
Để có mai nở vào đúng dịp Tết người chăm sóc cần phải có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề để nghiên cứu và giúp mai nở đúng dịp, lúc mai nở xong chừng vài tháng, người chăm sóc bắt đầu phải bón thúc cho mai, thứ phân bón hợp với mai là khô dầu và phân bò khô, trước Tết độ ba bốn tháng phải bón thêm một lần như thế nữa để hoa nở to và thắm hơn. Vào những ngày rằm tháng chạp (trước Tết nửa tháng), người chơi mai đều chảy hết tất cả lá trên thân cây mai và bấm hết đọt để giúp mai rực rỡ hơn khi nở rộ, với những vùng có thời tiết lạnh thì phải trảy lá trước một tháng để cây nở hoa đúng dịp. Mai không nở một lúc mà từ từ, ngày đầu thì chỉ một vài nụ, ngày sau tăng gấp đôi, rộ nhất là ngày thứ ba, tư, năm sau đó ít dần nhưng cũng kéo dài mỗi đợt phải đến nửa tháng. Đối với những cây mai khỏe thì người chơi mai cho cây nở đến hai đợt, sau đợt hoa đầu tiên cây nghỉ lấy sức và khoảng mười hôm sau đó mai bắt đầu tiếp tục đợt thứ hai, đợt này không nhiều nụ và không thắm như đóa hoa đầu tiên nhưng cũng đủ cho lòng người say đắm. Sắc mai đương nhiên là màu vàng rồi, người chuộng mai cũng vì thứ màu thanh cao, quý phái ấy. Thế nhưng chỉ một màu vàng ấy thôi cũng có rất nhiều loại khác nhau: vàng tươi, vàng nhạt, vàng gạch, vàng thắm, vàng ong… Hương của mai rất dịu và thanh, chỉ có những người tinh tế mới tận hưởng hết hương hoa thanh khiết ấy. Vì thế mà Cao Bá Quát – người đã từng dọc ngang tung hoành dám đứng lên chống lại triều đình phong kiến, thế nhưng lại cúi đầu trước cây mai: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Cả đời ta chỉ cúi lạy trước hoa mai – ở đây hoa mai tượng trưng cho cái đẹp).
Những ngày Tết người ta thường chơi mai trong nhà để cầu may cho cả năm. Chỗ để mai bao giờ cũng là nơi khang trang nhất của phòng khách, để mọi người có thể chiêm ngưỡng một cách đẹp nhất. Những người thích chơi mai thì dù có đắt đến đâu, ngày Tết bằng mọi giá phải có được cây mai trong nhà mới thành Tết. Một số người còn cho rằng dựa vào cây mai nở hoa trong ngày Tết, có thể dự đoán được sự may mắn của gia chủ trong năm đó.
Hoa mai thường là năm cánh, thế nhưng bằng phương pháp kĩ thuật hiện đại ngươi ta có thể cho hoa nở từ năm đến mười bảy, mười tám cánh. Ngoài hai màu vàng và đỏ người ta còn có thể lai ghép thành màu trắng, cùng một cây mai nhưng có đủ ba màu. Nhưng người chơi mai truyền thống vẫn đều thích màu vàng.
Ngày Tết cả nhà quây quần, đoàn tụ cùng nhau ăn mứt, bánh bên gốc cây mai nở rổ thì có gì đẹp hơn, đầm ấm và hạnh phúc hơn.
Ở Phương Tây, người ta đặt cho mỗi màu hoa, mỗi thứ hoa một ý nghĩa nhất định. Màu trắng biểu thị sự trong sạch, màu xanh nhạt chỉ sự xoa dịu đam mê, màu hoàng yến đường hoàng kiêu hãnh, màu phấn hồng êm ái ôn nhu. Còn ở Phương Đông, hoa hồng tượng trưng cho tình yêu, hoa thủy tiên tượng trưng cho sắc đẹp kiều diễm, trong trắng, hoa cúc tượng trưng cho người ẩn dật, hoa phù dung sớm nở tối tàn thường được ví với những người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh; hoa lan là thứ hoa vương giả; hoa mẫu đơn là thứ hoa phú quý; hoa nhài là thứ hoa lãng mạn, chỉ nở về đêm. Còn đồng tiền, thứ hoa gắn liền với cho sự may mắn,tài lộc, luôn cố gắng vươn lên để đến được nơi tươi sáng nhất giống như con người Việt Nam.
Đồng tiền hay cúc đồng tiền (Gerbera), có tên khoa học là Gerbera jamesonii, là một chi của một số loài cây cảnh trong họ Cúc (Asteraceae). Tên gọi Gerbera được đặt theo tên nhà tự nhiên học người Đức Traugott Gerber, một người bạn của Carolus Linnaeus. Đây là một trong 10 loại hoa thương mại quan trọng nhất được trồng trên thế giới, có nguồn gốc từ Châu Á, Nam Phi và Tasmania. Đồng tiền thích hợp với khí hậu ôn đới hoặc cận nhiệt đới. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng hơn 30 giống hoa đồng tiền đang được trồng ngoài sản xuất, các giống này có nguồn gốc từ Hà Lan, Trung Quốc, màu sắc phong phú, đa dạng. Hoa được trồng chủ yếu ở Đà Lạt và các nơi có khí hậu mát mẻ.Cây hoa Đồng tiền thuộc loại thân thảo. Thân ngầm, không phân cành chỉ đẻ nhánh, lá và hoa phát triển từ thân, lá mọc chếch so với mặt đất một góc 15 – 45 độ, hình dáng lá thay đổi theo sinh trưởng của cây (từ hình trứng thuôn đến thuôn dài); lá dài 15 – 25cm, rộng 5 – 8cm, có hình lông chim, xẻ thuỳ nông hoặc sâu (tùy thuộc vào từng loại giống), mặt lưng lá có lớp lông nhung.
Hoa có cuống dài, là loại hoa tự đơn hình đầu và bông hoa được tạo bởi hai loại cánh hoa hình lưỡi và hình ống. Cánh hình lưỡi lớn hơn, xếp thành một vòng hoặc vài vòng phía ngoài; cánh hình ống nhỏ hơn, do sự thay đổi hình thái và màu sắc nên được gọi là mắt hoa hoặc tâm hoa. Trong quá trình hoa nở, cánh hoa hình lưỡi nở trước, cánh hoa hình ống nở sau theo thứ tự từ ngoài vào trong theo từng vòng một. Đồng tiền là cây thân thảo, dạng thân ngầm, không phân cành chỉ đẻ nhánh. Lá và hoa phát triển từ thân, lá mọc chếch so với mặt đất một góc 15 – 45 độ, hình dáng lá thay đổi theo sinh trưởng của cây (từ hình trứng thuôn đến thuôn dài); lá dài 15 – 25cm, rộng 5 – 8cm, có hình lông chim, xẻ thuỳ nông hoặc sâu (tuỳ thuộc vào từng loại giống), mặt lưng lá có lớp lông nhung. Thuộc dạng rễ chùm, hình ống, phát triển khỏe, ăn ngang và nổi một phần trên mặt đất, vươn dài tương ứng với diện tích lá tỏa ra. Hoa là dạng hoa tự đơn hình đầu và bông hoa được tạo bởi hai loại cánh hoa hình lưỡi và hình ống. Cánh hình lưỡi lớn hơn, xếp thành một vòng hoặc vài vòng phía ngoài; cánh hình ống nhỏ hơn, do sự thay đổi hình thái và màu sắc nên được gọi là mắt hoa hoặc tâm hoa. Trong quá trình hoa nở, cánh hoa hình lưỡi nở trước, cánh hoa hình ống nở sau theo thứ tự từ ngoài vào trong theo từng vòng một.
Hoa đồng tiền có rất nhiều màu: trắng, vàng, hồng, đỏ, cam… và mỗi màu lại có một ý nghĩa đặc biệt riêng. Nhưng dù là màu gì đi nữa thì loài hoa này đều tượng trưng cho sự hạnh phúc. Nó còn mang ý nghĩa về vẻ đẹp và điều kỳ diệu. Nó mang đến cho chúng ta sự tươi sáng và vui vẻ. Không những thế, nó còn thể hiện sự ngây thơ, tình yêu và lòng ca ngợi.
Đồng tiền là loại hoa có sản lượng và giá trị kinh tế cao. Ở điều kiện thích hợp có thể ra hoa quanh năm; trồng trọt và chăm sóc đơn giản, ít tốn công, đầu tư một lần có thể thu hoa từ 4 – 5 năm. Đồng tiền có hình dáng cân đối hài hòa, hoa, tươi lâu, giá trị thẩm mỹ cao, nên là loại hoa lý tưởng trong cắm hoa nghệ thuật cũng như trang trí khuôn viên, nhà cửa…
Trong giáo dục và nghiên cứu khoa học, đây cũng là một loài hoa điển hình, nó được dùng như một mô hình sinh học giúp nghiên cứu về sự hình thành của hoa. Trong y học, hoa đồng tiền cũng được coi là một bài thuốc quý. Trong Đông y Trung Quốc gọi là Nhật Quế hoa. Hoa đồng tiền có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, làm ngừng cơn ho (bằng cách: phơi khô cánh hoa trong mát, rồi nấu nước uống); dùng chữa trị rắn cắn hay bị thương, sưng đau (cánh hoa đâm nhuyễn, pha với nước chín, lấy nước uống, còn xác thì đắp lên vết cắn, chỗ sưng)… Ngoài ra, trong cây hoa đồng tiền có chứa các dẫn xuất của coumarin (thành phần của thuốc chống đông máu) nguồn gốc tự nhiên.
Ngoài giờ đi làm, ba em lúi húi chăm sóc mấy cây hoa. Em cũng lăng xăng giúp ba tưới nước hoặc lấy dụng cụ cho ba. Có mấy cây đồng tiền, góc cây cảnh của ba tươi hẳn lên. Ngắm hoa em thấy sảng khoái và thư thái vô cùng. Đồng tiền làm tươi thêm cảnh sắc sân nhà. Không gian thoang thoảng hương thơm của hoa làm dịu bớt không khí bụi bặm, tù túng của phố thị. Hoa đồng tiền tươi rất lâu, em rất thích hoa đồng tiền là vậy.