/tmp/dplus.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Tả ông của em gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn mẫu được tuyển chọn từ các bài văn đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài viết Tập làm văn lớp 4.
Đề bài: Tả ông của em.
1. Mở bài
– Trong gia đình người em gần gũi và quý mến nhất là ông nội.
2. Thân bài
* Tả hình dáng
– Ông gần 80 tuổi, người ông hơi gầy nhưng còn nhanh nhẹn, trán cao, mắt còn tinh, răng rụng nhiều.
– Ông ăn mặc giản dị, đọc sách báo mới đeo kính và đi bộ xa thường chống gậy.
– Ông tuy đã già nhưng mỗi buổi sáng vẫn thường xuyên tập thể dục để duy trì sức khỏe hàng ngày.
* Tả tính tình cùng hành động:
– Chăm lao động, chăm việc nhà, tích cực tham gia các công việc xã hội của địa phương, thương yêu và chăm sóc chu đáo.
– Ông thích chăm sóc cây cối và có thú vui là nuôi chim, những con chim của ông hót líu lo rất hay.
– Ông luôn hòa nhã đôn hậu được mọi người trong làng rất yêu mến quý trọng.
– Luôn chỉ bảo mọi người trong nhà những điều hay lẽ phải, đưa ra những lời khuyên với con cháu.
3. Kết bài
– Em yêu quý ông và mong ông khỏe mạnh để sống chung với con cháu.
– Người ông luôn là tấm gương cho em luôn học hỏi và noi gương trong học tập, trong cuộc sống.
– Sau này lớn lên dù có đi đâu thì trong tâm trí của cháu ông là người ông đáng mến, hiền hậu và luôn yêu thương cháu.
Bên cạnh vòng tay yêu thương của cha, của mẹ, em còn được lớn lên và chăm sóc trong sự đùm bọc, che chở của ông.
Ông em năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Bởi sáng nào ông cũng dậy từ năm giờ sáng để tập dưỡng sinh nên giữ được một cơ thể như vậy. Ông có dáng người dong dỏng cao nhưng hơi gầy. Ông có khuôn mặt vuông chữ điền, góc cạnh với hai gò má nhô cao. Làn da ông đã điểm những chấm đồi mồi. Với em, chúng càng làm cho ông trở nên có duyên hơn. Mỗi khi ông cười để lộ ra hàm răng đã ngả màu vì uống nước chè nhỏ và không mấy ngay ngắn, thẳng hàng. Nhưng chuyện đó vẫn không ảnh hưởng đến sự tươi tắn trong nụ cười của ông. Những lúc khoái chí ông thường cười khanh khách, tiếng cười âm vang đầy uy quyền. Đôi mắt của ông dẫu vẫn còn tinh tường hơn rất nhiều nhưng đã trở nên mờ đục. Nếu đôi mắt em tràn ngập sự trong trẻo và hồn nhiên thì trong đôi mắt ông, em lại thấy chất chứa đầy sự ưu tư, từng trải, dẫu ông có cười thì nó cũng không khuất lấp đi. Ánh mắt ấy mỗi khi nhìn con nhìn cháu rất hiền từ, dịu dàng và tràn đầy tình yêu thương. Khi đọc báo, ông phải đeo kính lại, thỉnh thoảng các nếp nhăn trên trán xô lại với nhau nếu bắt gặp tin tức không hài lòng. Hàng lông mày của ông rậm rạp và sắc nét. Mái tóc ông đã bị thời gian phủ lên một màu bạc trắng. Mái tóc ấy càng khiến ông thêm phần phúc hậu và giống như ông tiên trong truyện cổ tích. Bàn tay ông gầy gò, xương xẩu và thô ráp. Nhưng bàn tay ấy đã dùng tất cả sự ấm áp để xoa đầu em, vỗ về những lúc em thấy mệt mỏi. Ông sở hữu giọng nói ồm ồm dễ khiến cho nhiều người cảm thấy khó gần. Nhưng thực ra, những lúc dạy bảo hay khuyên nhủ em, giọng của ông bỗng trở nên trầm và ấm. Giọng của ông rất hợp để kể các câu chuyện sử thi hay những trận chiến ác liệt. Biết điều này nên ông mỗi lần kể chuyện, ông đều chọn một trong hai thể loại ấy và kể rất lôi cuốn, hấp dẫn.
Ông đã kinh qua chặng đường dài của cuộc đời, dấu vết thời gian hằn in trên dáng hình của ông. Nhưng vì thế, ông đã dạy em biết bao bài học, bao cách đối nhân xử thế để em hoàn thiện và khôn lớn từng ngày.
Có thể thấy được rằng con người chúng ta ai cũng sẽ rất vui mừng khi được sống dưới một mái nhà có nhiều thế hệ hòa thuận với nhau. Em cũng vậy, em yêu tất cả các thành viên trong gia đình mình nhưng ông nội là người mà em yêu quý và kính trọng nhất.
Ông tôi đã ngoài 70 tuổi một độ tuổi cũng khá lớn rồi. Dáng người của ông thi lại tầm thước như bao cụ già khác mà thôi. Đặc biệt hơn đó chính là khuôn mặt như đã có biết bao nếp nhăn của những ngày tháng khó khăn cũng như rấtvất vả. Những tháng ngày đấu tranh khi mà sự sống và cái chết gần kề thì ông tôi vẫn anh dũng chiến đấu và khi đất nước hòa bình lập lại ông tôi trở về cuộc sống đời thường trong sự ngưỡng mộ của biết bao người. Tuy lớn tuổi, không thể tránh khỏi được những bước đi của thời gian nhưng ông tôi trông vẫn đẹp lão lắm. Đặc biệt tôi rất thích được nằm trong lòng ông, tay với với vuốt ve chòm râu điểm bạc. Và cả khi ngước nhìn đôi mắt ấm áp, hiền từ của ông thì có thể nói được rằng chính lúc đó tôi có cảm giác như đang ở trong truyện cổ tích, như có ông Bụt ở bên với bao phép màu tốt lành và đẹp đẽ hiện ra vậy.
Tôi cũng rất thích nắm lấy đôi bàn tay ông, và có thể được thấy hơi ấm nóng từ tay ông truyền sang, thật là khoan khoái biết bao nhiêu. Đặc biệt là khi bố mẹ đi làm suốt ngày, thì người thân thiết nhất với tôi chính là ông. Rồi tôi cũng rất thích được nghe giọng nói của ông trầm trầm, truyền cảm của ông. Ông tôi còn giỏi nội trợ nữa. Vào những buổi sáng sớm, sau khi tập thể dục, và ông cũng đã luyện vài bài dưỡng sinh là ông lại đi chợ sớm để về nấu cho cả nhà những bữa ăn thật tươm tất.
Ông luôn luôn thích xem thời sự, thời sự trong và ngoài nước. Và có lẽ rằng không có chương trình thời sự nào của Truyền hình, hay là của Đài Tiếng nói Việt Nam, của báo chí nào mà ông bỏ qua cả. Những thông tin hay của thế giới hay trong nước tôi cũng được ông nói cho mà lại biết được nhiều hơn so với chúng bạn. Điều này làm tôi thích thú lắm. Biết được những sự kiện thế giới ông lại còn nói cho tôi biết thêm nhiều điều của cuộc sống
Tôi rất yêu quý ông, và tự hứa với bản thân sẽ chăm học để có thể xứng đáng là con ngoan của bố mẹ và cháu đích tôn của ông nội.
Ngày lớp hai, khi đọc bài thơ “Ông và cháu”, tôi vẫn thắc mắc tại sao nhà thơ lại viết “Ông là buổi trời chiều/ Cháu là ngày rạng sáng”. Tôi về hỏi ông tôi thì ông chỉ vuốt tóc tôi rồi mỉm cười bảo tôi nhớ ăn nhiều, học ngoan rồi chẳng mấy nữa sẽ hiểu. Suốt bao năm qua, ông tôi vẫn hiền từ như vậy.
Năm nay, ông đã gần bảy mươi. Nhìn ông, tôi cứ nghĩ tới hình ảnh mấy ông Bụt trong chuyện cổ tích. Dáng người có chút mập mạp, mái tóc bạc phơ cùng bộ râu dài. Nhưng tóc ông tôi mới điểm hoa râm chứ chưa bạc trắng như Bụt. Trên gương mặt dài cùng vầng trán cao, đôi mắt ông đã ngả màu nâu vàng. Mỗi lúc ông bị ho, đôi mắt chớp chớp rồi ứa nước. Bà tôi bảo ông già thật rồi. Ông tôi tuy đã có tuổi, nhưng ông đi lại vẫn nhanh nhẹn. Mỗi ngày, ông đều dậy sớm để đi tập thể dục và chăm sóc mấy chậu cây cảnh. Ông thường đeo chiếc kính lão màu ghi để cặm cụi đọc báo hay xem thời sự. Những lúc như thế, ông cười nụ cười khoái chí. Mấy nếp nhăn trên má khẽ xô lại.
Ông rất yêu thương và chiều chuộng chúng tôi. Cuối tuần, ông thường chống gậy dẫn chúng tôi ra công viên gần nhà, ăn kem và chơi nhưng trò chơi thú vị. Không ít lần, tôi giận dỗi khi bị bố mẹ mắng. Ông vào phòng, ôm tôi vào lòng thủ thỉ những lời trầm ấp. Tôi sà vào lòng ông mà quên giận.
Tôi yêu quý ông lắm. Bây giờ, tôi đã hiểu, “Ông là buổi trời chiều” bởi ông đã đi quá nửa cuộc đời, trải qua không biết bao thăng trầm, gian khó. Tôi sẽ cố gắng vâng lời, chăm ngoan để có thể là “buổi rạng sáng” rực rỡ nhất của ông.
Tuổi thơ ai chẳng có những tháng năm quấn quýt bên ông bà, và em cũng vậy. Em được sống trong tình thương yêu vô bờ bến của ông, và trong thời gian bố mẹ đi làm xa, ở nhà chỉ có hai ông cháu nhưng gia đình lại luôn tràn ngập niềm vui và nụ cười.
Năm nay ông em đã bảy mươi hai tuổi, cái tuổi mà nhiều những người ông, người bà khác đã ốm yếu. Nhưng ông em lại rất khỏe, ở nhà, ông làm hầu hết các công việc nặng nhọc như chặt củi, gánh nước, tưới cây, … Ông nói em còn nhỏ tuổi, những việc như thế em chưa thể làm được, chỉ có thể giúp ông làm những công việc nhà nhẹ nhàng. Ông có mái tóc bạc phơ, mái tóc ấy giống máu tóc của những ông bụt, ông tiên trong truyện cổ tích. Nước da ông đã ngả sang màu vàng sậm, trên gương mặt và đối bàn tay gầy gò đã có nhiều những nếp nhăn. Bà em mới qua đời năm ngoái, ông đã buồn rất nhiều nhưng ông nói từ ngày em sang và ở cùng ông đã bớt cô đơn hơn. Có những ngày hè rảnh, ông nằm trên cái ghế tựa nơi đầu hè và chợp mắt trong cơn gió mơn man. Những lúc như vậy, em càng được ngắm nhìn ông kĩ hơn. Gương mặt già nua hằn in bao vất vả của cuộc đời, đôi tay gầy gò nổi rõ những đường gân xanh nhưng đôi tay ấy lại ẩn chứa biết bao sức mạnh phi thường, nuôi nấng đứa cháu nhỏ ngày một lớn khôn. Em luôn nhớ nụ cười hiền từ móm mém như điệu cười ông bụt, luôn nhớ ánh mắt cong cong và nơi khóe mi những nếp nhăn đã xô lại càng nhiều. Em còn nhớ cả màu mắt nâu đã hơi nhạt màu của ông, nhưng ông vẫn luôn nói ông còn nhìn tinh lắm. Đôi chân gầy gò nhưng mỗi lần mặc chiếc quần kẻ sọc đen cũ kĩ ông lại sắn lên đến trên đầu gối. Ông chỉ mặc đi mặc lại bốn chiếc áo sơ mi màu trắng nay đã ngả màu, mỗi lần ai có ý định mua quần áo mới hay đồ đạc mới cho ông lại gạt phăng đi và nói đồ còn dùng được mua mới về ông không mặc cũng uổng. Ông có đôi dép cao su không biết đã đi từ bao giờ nhưng đế dép đã mòn đi rất nhiều. Ông là một người giản dị như vậy đấy.
Tuy giản dị là thế nhưng với con cháu ông lại không tiếc gì. Ông là người đã chỉ dạy cho em biết bao điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Tuy em còn nhỏ nhưng ông đã chỉ dạy rất nhiều những kĩ năng cần thiết để sau này em có thể ứng dụng trong cuộc sống. Ông còn kể cho em rất nhiều những câu chuyện hay, dạy cho em những bài học em chưa hiểu. Sống cùng với ông em như được chìm đắm trong biển yêu thương vô bờ bến.
Em rất yêu quý ông em, mỗi ngày mỗi tháng trôi qua em luôn sợ có một ngày ông sẽ rời xa em mãi mãi. Vì vậy, em càng thêm trân trọng và càng thêm yêu quý ông hơn. Ông không chỉ là một người ông mà còn là một người bạn, một người thầy, là một người vô cùng quan trọng với em trong cuộc sống này.
Người thân trong gia đình, mỗi người đều có một vị trí quan trọng trong lòng em. Cha mẹ là người sinh em ra và nuôi em khôn lớn thành người. Còn những người xung quanh luôn yêu thương và chăm sóc cho em. Có lẽ trong tất cả, ông nội là người em thân thiết và yêu kính nhất.
Ông nội em là một người hiền từ. Từ những ngày còn bé cho đến tận bây giờ, em vẫn nhớ thói quen xoa đầu và nở một nụ cười hiền hậu mỗi lần em làm được việc tốt khiến ông vui vẻ. Giọng nói của ông rất ấm áp và hiền từ, giống như của những ông Bụt bước ra từ trong thế giới cổ tích vậy.
Em rất thích được nằm nghe ông kể chuyện, mỗi lần như thế, em như được trở về với thế giới của ngày xưa – thế giới của những cô gái hiền lành, những chàng trai chăm chỉ, chất phác, ở hiền gặp lành, kiên trì rồi cũng có ngày được nếm quả ngọt. Qua mỗi câu chuyện, ông đều giảng giải cho em nghe những bài học ẩn dấu bên trong và nhắc em phải luôn nhớ chúng. Nhờ có những câu chuyện của ông mà em khôn lớn nên người.
Ông nội em tuổi đã xế chiều, mái tóc đã bạc đi rất nhiều nhưng ông vẫn còn minh mẫn lắm. Mỗi sáng, ông đều dậy sớm tập thể dục, tưới nước cho mấy chậu hoa phong lan quý của mình. Chiều chiều, ông lại đi dạo xung quanh chào hỏi hàng xóm láng giềng nên ai cũng rất yêu quý ông.
Ông rất thích chơi cờ và đọc báo. Những buổi chiều chủ nhật, em đều theo ông ra lũy tre của làng, xem ông chơi cờ với mọi người. Đôi tay gầy điểm những vết đồi mồi cầm quân cờ đi vô cùng chuẩn xác. Ông chơi cờ hay lắm, ai cũng thích xem. Mỗi lần ông chơi là xung quanh vô số người chen chúc ồn ào.
Ông là một người tuyệt vời nhưng thời gian đang dần khiến ông yếu đi. Những cơn ho hằng đêm không ngừng làm dang dở giấc ngủ của ông. Những viên thuốc Tây mỗi ngày khiến ông thêm gầy đi rõ rệt. Em thương ông lắm, bởi vậy em luôn cố gắng học thật tốt và ngoan ngoãn để khiến ông không phải phền lòng.
Em rất yêu kính ông nội em. Em mong một ngày nào đó, ông sẽ khỏe mạnh hơn và tiếp tục những thói quen của mình, những đêm hè lại kể chuyện cổ tích cho em nghe như thuở ấu thơ.